DÙNG CỦA CẢI CHÚA BAN CÁCH KHÔN NGOAN
Lời Chúa: Gv 1,2;2,21-13; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21
Một hôm, Hoàng đế vĩ đại của đế quốc Hy-lạp lúc bấy giờ là A-lịch-sơn Đại Đế cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của mình. Ông phán rằng:
1 - Quan tài của ta phải được khiêng đi bởi chính các vị bác sĩ giỏi nhất của thời đó.
2 - Tất cả các báu vật của ta (vàng, bạc, châu báu, ...) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ta, và ...
3 - Đôi bàn tay của ta phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người đều thấy.
Một vị cận thần rất đổi ngạc nhiên về những yêu cầu kỳ lạ này, và đã hỏi ông lý do tại sao lại muốn như thế. Hoàng đế A-lịch-sơn đã giải thích như sau:
1 - Ta muốn chính các vị bác sĩ giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì những người tài giỏi nhất cũng phải bó tay.
2 - Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này.
3 - Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng thì chúng ta rời khỏi thế giới này cũng chỉ với hai bàn tay trắng.
Anh chị em thân mến,
Của cải vật chất (=cơm áo gạo tiền) là mối bận tâm thiết thực của mọi người. Có một đời sống đầy đủ, tiện nghi để sống xứng với phẩm giá con người và phù hợp với nếp sống văn minh, điều đó xem ra chẳng có gì đi ngược với tinh thần Tin mừng Chúa Giêsu Kitô. Kitô giáo không bao giờ chủ trương bần cùng hóa nhân dân, ngược lại Kitô giáo mong muốn cho mọi người được no cơm ấm áo, được giàu có của cải một cách công chính, (đừng giàu có cách bất chính) và nhất là làm sao biết sử dụng của cải Chúa ban một cách khôn ngoan, hợp với thánh ý Thiên Chúa. Trước hết, đối với của cải, chúng ta có thể có 3 thái độ dại dột:
1- con người sẽ bị coi là dại dột khi bỏ công đi thu tích những thứ không thể mang theo được. Hoàng đế A-lịch-sơn cho vung vãi vàng bạc châu báu từ cung điện của ông cho đến ngôi mộ, để cho mọi người thấy rằng của cải ông gom góp được sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này. Anh chị em có bao giờ thấy được một cái quan tài đi trước rồi 1 cái két sắt đựng tiền đi đằng sau không? Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Đêm nay, người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”
2- con người sẽ bị coi là dại dột khi cậy dựa vào của cải mong manh. “Không phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”. Ông Trương Văn Cam, thường gọi là Năm Cam, một trùm tội phạm có tổ chức khét tiếng ở Việt Nam một thời đã để lại một câu nói nổi tiếng: “Mọi cái ở trên đời này đều có thể mua được bằng tiền. Nếu có cái gì đó không thể mua được bằng tiền thì nó có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. Nói cách khác, tiền có thể mua được tất cả. Có người khác lại cho rằng:
Tiền là tiên là phật
Là sức bật của tuổi trẻ Là sức khoẻ của tuổi già
Là cái đà của phát triển Là nổi điên của kẻ giàu
Là nỗi đau của kẻ yếu Là điểm yếu của kẻ tham
Là đam mê của kẻ trộm Là nỗi hỗn độn của thị trường
Là chặng đường của doanh nhân Là cái cân của công lý
Có tiền là hết ý!
Thế nhưng có phải tiền là vô địch không? Thưa:
Tiền có thể mua được ngôi nhà nhưng không mua được tổ ấm. Tiền có thể mua được thức ăn nhưng không mua được sự ngon miệng. Tiền có thể mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian. Tiền có thể mua được chiếc giường nhưng không mua được giấc ngủ. Tiền có thể mua được sách vở nhưng không mua được trí thông minh. Tiền có thể mua được mỹ phẩm nhưng không mua được vẻ kiều diễm. Tiền có thể mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe. Tiền có thể mua được địa vị nhưng không mua được sự nể trọng. Tiền có thể mua được máu nhưng không mua được sự sống. Tiền có thể mua được nhiều người quen nhưng không mua được bạn tâm giao. Tiền có thể mua được nhiều cuộc vui nhưng không mua được hạnh phúc. Tiền có thể mua được quan tòa nhưng không thể làm tắt tiếng nói của lương tâm. Tiền có thể giúp kéo dài sự sống nhưng không giải thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Tiền có thể mua được ghế nhất trong rạp hát nhưng không mua được chỗ trên thiên đàng. Tiền có thể mua được thánh giá bằng vàng nhưng không mua được ơn cứu độ.
3- và cái dại dột đáng ngại nhất là tham lam tiền của sẽ làm cho con người quên đi cả Thiên Chúa. Quả là dại dột khi mải mê tiềm kiếm của cải thụ tạo mà coi thường Đấng Tạo Hóa; quả là dại dột khi được lời lãi cả đời này mà đánh mất sự sống đời đời nơi Thiên Chúa.
Không chỉ nói về dại dột, Tin mừng cũng chỉ ra cho chúng ta cách ứng xử khôn ngoan đối với tiền của.
Một đàng, người khôn ngoan là người siêu thoát đối với của cải: làm ra của cải, sử dụng của cải nhưng không tôn thờ của cải. Chúa Giêsu bảo: “Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”. Phải chọn một trong hai. Dĩ nhiên, người Kitô hữu phải chọn tôn thờ Thiên Chúa và dùng tiền của để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Do đó, vừa thờ Chúa trên bàn thờ, vừa thắp nhang cho ông thần bụng bự ngồi sát đất là điều không xứng hợp với người Kitô hữu.
Đàng khác, người khôn ngoan là người biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa bằng cách dùng tiền của mà mua lấy bạn hữu, nghĩa là biết chia sẻ cho người túng thiếu cũng như biết dùng tiền của làm việc lành phúc đức. Đó là cách bỏ vào nhà băng trên trời nơi không bị mối mọt đục khoét cũng như không bị trộm cướp lấy mất và khi nhắm mắt lìa đời, chúng ta sẽ lãnh cả vốn lẫn lời. Nói cách khác, cách đầu tư tiền của khôn ngoan nhất là cho đi. Khi cho đi cái gì, thì cái đó vĩnh viễn thuộc về mình, khi về với Chúa mình sẽ được hưởng. Còn cái gì mình không cho đi mà còn để lại trong tủ sắt hay trong ngân hàng thì khi mình qua đời, cái đó sẽ thuộc về người thừa kế hay con cháu mình sẽ hưởng, chứ mình không được hưởng được nữa. Cho nên, hãy cho đi ngay khi còn sống, hãy cho đi ngay từ hôm nay để có được một mùa bội thu khi về với Chúa.
Và để kết thúc, xin kể một ngụ ngôn:
Chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được vì nó mập quá! Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.
Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng và vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa để đi ra. Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng”.
Khi bước vào trong trần thế này, con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Nhưng khi nhắm mắt xuôi tay thì cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi. Vì thế, xin cho chúng ta biết dùng của cải Chúa ban một cách khôn ngoan, để chúng ta được an vui hạnh phúc từ đời này cho đến đời sau. Amen.
Ý kiến bạn đọc