GIỚI RĂN MỚI
Lời Chúa: Cv 14,21-27; Kh 21,1-5; Ga 13,31-33.34-35
Trước khi từ giã các môn đệ, Chúa Giêsu đã ban cho các ông một giới răn mới: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Giới răn này mới là mới ở chỗ nào?
Tại sao lại đặt vấn đề như thế? Bởi vì đâu phải chỉ có Kitô giáo mới giảng dạy tình yêu thương! Văn hóa Á đông cũng đã từng nêu châm ngôn: “Tứ hải giai huynh đệ”: bốn biển là anh em. Đạo lý cha ông ta cũng đã răn dạy: thương người như thể thương thân, để nói lên tấm lòng thương yêu rộng mở của người đối với người trong xã hội.
Vậy thì giới răn yêu thương của Kitô giáo có đem đến cái gì mới mẻ hơn chăng? Chỉ dựa vào lời di chúc của Chúa Giêsu trước giờ tử nạn, chúng ta có thể tìm ra được nét độc đáo và đặc thù của tình yêu Kitô giáo. Chủ yếu là 3 tính chất sau đây:
1. Yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã yêu thương
2. Yêu thương anh em vì Chúa Giêsu đã yêu thương và
3. Yêu thương anh em là dấu chứng thuộc về Chúa Giêsu.
1/ Yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã yêu thương.
Tình yêu của Chúa Kitô là mẫu mực cho tình yêu đối với tha nhân. Tình yêu mẫu mực ấy có 3 đặc điểm sau đây:
- Tình yêu của Chúa Kitô trước hết là tình yêu vị tha, luôn luôn hướng về tha nhân, chứ không phải hướng đến bản thân mình như Cựu Ước đã dạy: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như bản thân mình”.
- Tình yêu của Chúa Kitô là một tình yêu toàn diện: Ngài đã yêu các môn đệ “cho đến cùng”, và tình yêu ấy nằm ở chỗ “thí mạng sống vì bạn hữu”.
- Tình yêu của Chúa Kitô bao trùm hết mọi người, kể cả các thù địch. Trên thánh giá, Ngài đã cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh mình.
Như vậy, Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về một tình yêu vị tha, toàn diện và phổ quát. Chúng ta phải noi gương Chúa Kitô để thực hiện một tình yêu huynh đệ như thế.
ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận đã ở tù Cộng sản 13 năm thuật lại như sau: Một ngày nọ, có một người canh tù hỏi tôi:
- Ông có yêu chúng tôi không?
+ Có chứ, tôi yêu các anh.
- Nhưng mà chúng tôi đã bỏ tù ông bao nhiêu năm mà không xét xử, không kết án. Vậy mà ông yêu chúng tôi à? Đây là điều không thể được! Có lẽ không thật đâu!
+ Tôi đã ở với ông nhiều năm và như ông thấy đó, tôi yêu các anh, đúng không?
- Khi nào ông được tự do, ông có bảo giáo dân của ông trả thù chúng tôi không?
+ Không hề có chuyện đó, ngay cả khi các anh có muốn giết tôi đi nữa, tôi vẫn yêu các anh.
+ Bởi vì Chúa Giêsu đã dạy tôi yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù. Nếu không làm như vậy thì tôi không phải là Kitô hữu.
- Thật rất đẹp nhưng khó hiểu quá!
2/ Yêu thương tha nhân vì Chúa đã yêu thương
Nét mới mẻ thứ 2 của tình yêu huynh đệ đó là vì Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta, nên Ngài biến chúng ta thành những con người mới, có nghị lực mới để có thể yêu mến nhau theo kiểu của Ngài. Như vậy, tình yêu của Chúa Kitô không chỉ là mẫu mực, mà còn là nguồn mạch và nền tảng cho tình yêu huynh đệ. Thánh Phaolô đã nói: “Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,37). Sau thánh Phaolô, biết bao nhiêu vị thánh khác khác, vì cảm nhận được tình yêu của Chúa Kitô, nên đã có thể yêu thương anh em mình “cho đến cùng” và đến độ hy sinh cả mạng sống mình.
Thánh Augutinô đã nói: “Người đã yêu thương chúng ta, để chúng ta có thể yêu thương”.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện thánh Maximilianô Konbê đã kết thúc cuộc đời của mình như thế nào. Trong một nhà tù của Đức quốc xã, người tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn đó đã xin chết thay cho một người bạn tù khác. Thánh Maximilianô Konbê đã chết như Chúa Kitô, nghĩa là thánh nhân đã hy sinh mạng sống của mình vì bạn hữu. Nhưng có điều chúng ta thường ít chú ý là sở dĩ thánh nhân đã có thể yêu thương tha nhân như thế, đó là vì đã cảm nhận được một cách mãnh liệt tình yêu của Chúa Kitô.
Vậy câu nói “như Thầy đã yêu thương anh em” mời gọi chúng ta không những phải noi gương Ngài, mà câu nói trên còn mời gọi chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu, hãy đón nhận tình yêu của Ngài, vì chỉ có tình yêu của Ngài mới có khả năng đổi mới chúng ta và biến cõi lòng chúng ta thành “trời mới đất mới” như chúng ta được nghe trong bài trích sách Khải huyền.
3/ Yêu thương anh em là dấu chứng của kẻ thuộc về Chúa
Chúa Giêsu không đòi các môn đệ phải thông thái như các kinh sư và ký lục. Ngài cũng không bắt họ phải sống nhiệm nhặt, gò bó như nhóm biệt phái trong việc tuân giữ Luật. Điều ngài đòi nơi các môn đệ, chỉ một điều duy nhất mà thôi, là phải yêu thương nhau như chính Ngài đã yêu thương. Chính tình yêu thương vô vị lợi, phổ quát, bao dung này sẽ là dấu chứng của những người tin theo và tuân giữ Lời Chúa. Ngay từ cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi, dấu chứng tình yêu đã trở thành chứng tá của Chúa Kitô Phục sinh. Trong suốt lịch sử Giáo hội, các người bên ngoài Giáo hội cũng vẫn nhận ra Thiên Chúa là tình yêu xuyên qua những chứng từ sống động của những tấm lòng vị tha, bác ái của người tín hữu.
Thật vậy, làm sao có thể nói cho người khác biết Thiên Chúa là Tình yêu nếu như lòng chúng ta còn hận thù, đố kỵ và ganh ghét. Làm sao nói cho mọi người biết Chúa Giêsu yêu thương đến độ hy sinh chết để cho nhân loại được sống và sống dồi dào, nếu người ta chỉ thấy nơi người Kitô hữu toàn là sự ích kỷ, thủ lợi và khép kín. Trong một thế giới chiến tranh và hận thù, trong đó lòng tham tính ích kỷ ngự trị, chỉ biết lo cho quyền lợi cá nhân thì Kitô hữu phải làm sáng lên mạnh mẽ ngọn đuốc lớn của tình yêu đối với anh chị em, lòng trắc ẩn đối với người yếu đuối và khốn khổ, lòng dịu dàng và tha thứ đối với kẻ thù.
Nói cách khác, phải biết hy sinh cho tha nhân như thánh Phaolô đã nêu gương. Bài đọc 1 trích sách Công vụ cho thấy thánh nhân không quản ngại gian nan, đem Tin mừng đến cho dân ngoại. Ngài cũng hiểu rằng mình cứ đi gieo, còn hạt giống Tin mừng khi nào nẩy mầm thì tùy Thiên Chúa định liệu. Chỉ có Chúa mới là Đấng sẽ mở lòng dân ngoại ra với đức tin. Ngoài ra, để trung thành với đức tin và sứ mạng đã lãnh nhận, cộng đoàn sơ khai cũng phải trải qua gian truân thử thách mới được vào Nước Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến,
Nơi bàn tiệc Thánh Thể, Chúa Giêsu Kitô đã cụ thể hóa tình yêu của Ngài bằng cách hiến ban chính Mình Máu Ngài làm lương thực nuôi sống chúng ta. Với bí tích tình yêu này, Ngài đã thực sự nối kết chúng ta nên một với Ngài. Đến với Thánh Thể là đến với chính nguồn mạch tình yêu của Thiên Chúa. Và chúng ta sẽ múc lấy sức mạnh để yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Amen.
Ý kiến bạn đọc