HAI LẦN XA CÁCH
Suy niệm Tin Mừng: Lc 16, 19 - 31
“Họ nương tựa vào sức mạnh con người; tâm hồn họ thì sống xa Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một tâm hồn tìm nương tựa nơi phàm nhân sẽ sống xa Chúa và chắc chắn, họ cũng sống xa anh em. Lời Chúa hôm nay nói đến ‘hai lần xa cách’ đó. Giêrêmia gọi họ là những kẻ “ở nơi khô cháy, vùng đất mặn không người ở”; Chúa Giêsu thì coi họ như những người ‘ở bên kia vực thẳm’.
Giêrêmia nói, “Khốn thay kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa”. “Xa Chúa” là một lần xa cách; bởi lẽ, sức mạnh của họ không là Thiên Chúa nhưng là ‘tiền và quyền’. Người giàu thường bị cám dỗ sống cho mình hơn là cho người khác, họ xa lạ với tha nhân; như thế, vừa xa Thiên Chúa, vừa xa anh em, họ phải ‘hai lần xa cách’.
Cũng thế, Tin Mừng hôm nay đưa ra một con người ‘hai lần xa cách’, ông nhà giàu. Nếu ở gần Thiên Chúa, hẳn ông đã không vô tình với Lazarô trước cửa nhà mình. Ông không làm hại ai, không làm cho Lazarô nghèo đi, cũng như không lấy làm khó chịu khi Lazarô cứ quanh quẩn để nhặt thức ăn thừa; ông không miệt thị Lazarô biếng nhác, cũng như không xua đuổi Lazarô. Vậy thì tội của ông là gì? Thưa, ông không coi Lazarô ‘như một con người’; với ông, Lazarô đơn giản chỉ là ‘một phần của cảnh quan’. ‘Một phần của cảnh quan!’. Phải, bao nhiêu người chúng ta tiếp xúc, có lẽ nhiều lần, những con người không hơn không kém ngoài ‘một phần của cảnh quan!’.
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay thật ấn tượng khi chúng ta nghĩ đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Một trong những lý do khiến câu chuyện trở nên mạnh mẽ là vì những nét tương phản rõ rệt giữa hai con người; sự tương phản không chỉ được nhìn thấy qua mô tả nhưng còn được nhìn thấy ở kết cục của hai cuộc đời. Khi Lazarô qua đời, anh “Được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết, được đem chôn; trong hoả ngục, chịu cực hình”. Như thế, khi còn sống, bao lâu Lazarô còn bên ngoài nhà ông, người giàu vẫn có cơ hội được rỗi, chỉ cần ông mở cửa để giúp Lazarô. Bây giờ cả hai đều đã chết, tình hình trở nên không thể cứu vãn.
Thiên Chúa không bao giờ trực tiếp đi vào nhà ai, Người thường qua trung gian ‘một ai đó’ và rõ ràng, lòng thương xót Thiên Chúa dành cho chúng ta tỷ lệ thuận với lòng thương xót chúng ta dành cho người anh em; khi điều này thiếu đi, Thiên Chúa không thể vào. Nếu tôi không mở rộng cửa trái tim tôi cho người nghèo, cửa đó vẫn đóng lại, ngay cả với Thiên Chúa. Thật kinh khủng! Và rõ ràng, hoả ngục là nơi dành cho những con người có đến ‘hai lần xa cách’.
Trong tác phẩm “Making Friends”, tạm dịch, “Kết Bạn”, Em Griffin viết về ba loại bản đồ ở London: bản đồ đường phố chính, bản đồ mô tả các tuyến đường và bản đồ tàu điện ngầm. Ông viết, “Mỗi bản đồ đều chính xác và đúng đắn; nhưng mỗi bản đồ không đưa ra bức tranh hoàn chỉnh. Để xem toàn bộ, ba bản đồ phải được in chồng lên nhau. Tuy nhiên, điều đó thường gây nhầm lẫn, vì vậy, tôi sử dụng chỉ ‘một lớp’ mỗi lần. Điều này cũng giống như những từ ngữ được sử dụng để mô tả cái chết của Chúa Giêsu. Mỗi từ như ‘cứu chuộc’, ‘giao hoà’ hoặc ‘công chính hoá’ đều chính xác và đúng đắn; nhưng mỗi từ không đưa ra bức tranh hoàn chỉnh. Để xem toàn bộ, cần đặt ‘lớp này’ lên ‘lớp kia’, nhưng điều đó đôi khi gây nhầm lẫn. Chúng ta không thể nhìn thấy toàn bộ ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá! Vì thế, chúng ta tách ra từng ý niệm tuyệt vời một và khám phá ra rằng, ‘toàn thể công trình cứu độ’ sẽ có ý nghĩa nhiều hơn là tổng các phần ý niệm rời rạc của nó”.
Anh Chị em,
Ý niệm về bản đồ của Em Griffin đưa chúng ta đến ý niệm của một Đức Kitô toàn thể; đó là một Đức Kitô yêu Chúa Cha cách trọn vẹn, cũng là một Đức Kitô yêu con người đến cùng. Nói cách khác, một Đức Kitô say mê Thiên Chúa, cùng lúc, say mê con người. Cũng thế, với một Kitô hữu, không chỉ yêu mến Thiên Chúa, giữ luật Chúa, họ còn phải xót thương anh em như Thiên Chúa xót thương. Và như thế, Thiên Chúa và tha nhân sẽ là hai thực thể được gắn kết nơi chính bản thân người Kitô hữu. Một khi người Kitô hữu say mê Thiên Chúa và làm cho người khác cũng say mê Người qua cách sống đầy lòng thương xót của họ, thì quả thật, người ấy đang sống trong thiên đàng; họ đang ngồi trong lòng Abraham ngay trên trần gian này.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi ngày con đến với Chúa trong nhà chầu; nhưng mỗi ngày, Chúa cũng đến với con qua các ‘nhà tạm di động’, đó là những anh chị em con. Xin cho con biết thờ lạy và yêu mến Chúa trong các ‘nhà tạm di động’ mà con gặp gỡ”, Amen.
Ý kiến bạn đọc