banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

KHI NÀO, NƠI NÀO & THẾ NÀO?

Đăng lúc: Thứ năm - 11/11/2021 03:30 - Người đăng bài viết: menthanhgia
KHI NÀO, NƠI NÀO & THẾ NÀO?

KHI NÀO, NƠI NÀO & THẾ NÀO?

Suy niệm Lời Chúa: Lc 17, 20 - 25

“Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông!”.

Mỗi khi người Anh muốn tìm hiểu một sự việc quan trọng nào đó, họ thường đặt ba câu hỏi: “When, Where & How?”; nghĩa là, “Khi nào, Nơi nào & Thế nào?”.

Kính thưa Anh Chị em,
Cũng thế, thật thú vị, trong Tin Mừng hôm nay, những người biệt phái chỉ mới hỏi Chúa Giêsu, “Khi nào?”, Ngài trả lời cho họ một lúc hai vế sau, “Nơi nào & Thế nào?”! Họ đặt vấn đề, “Khi nào Nước Thiên Chúa đến?”; Ngài cho họ biết luôn, Nước đó đến ‘Nơi nào’ và đến ‘Thế nào!’.

Trước hết, “Khi nào?”. Mang trong đầu óc một quan niệm sai lầm về Nước Thiên Chúa, các biệt phái không bao giờ có thể đặt được một câu hỏi ngay lành, phù hợp, liên quan đến Nước Trời; vì lẽ, vương quốc họ trông ngóng là một vương quốc trần thế, vốn sẽ đánh đổ ngoại bang và khôi phục chủ quyền cho Israel. Đang khi Vương Quyền của Đức Kitô thì quan tâm đến tình trạng linh hồn và cuộc chiến bên trong của mỗi người; cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và thế tục… hơn là những tranh chấp bên ngoài giữa các quốc gia. Vì sự ngộ nhận này, các biệt phái không nhận ra Chúa Kitô, Đấng Thiên Chúa sai đến. Ấy thế, hàng ngàn năm sau, cả chúng ta, cũng có thể dễ dàng mắc phải sai lầm của họ! Tại sao? Vì lẽ, một đức tin èo uột vẫn khiến chúng ta không thấy Nước Thiên Chúa và nhận ra Vương Quyền Ngài. Nước Thiên Chúa chỉ đến khi chúng ta chấp nhận Chúa Giêsu là Vua của linh hồn mình; chỉ khi chúng ta cho phép Ngài làm chủ và sắp đặt cuộc sống mình; lúc ấy, Vương Quốc Ngài mới ngự trị. “Khi nào?” là bây giờ; chính bây giờ là thời điểm để tôi gặp gỡ Chúa Kitô, để Ngài trở thành Vua linh hồn tôi!

Tiếp đến, “Nơi nào?”. Không chỉ người biệt phái, chính các môn đệ của Chúa Giêsu cũng phải vật lộn để hiểu bản chất của Nước Trời; nó nằm ở đâu? Họ tìm cách xem “Những ngày của Con Người”; đúng hơn, họ tìm biết triều đại Vương Quyền Giêsu, Thầy của họ, Đấng sẽ thu tóm mọi quyền lực thế gian, thống trị thế giới ở đâu; nơi mà Giacôbê và Gioan ước được một chỗ bên hữu, một chỗ bên tả. Đang khi Chúa Kitô đến, trước hết, để ngự trị trong lòng mỗi người, kể cả những người rốt hèn nhất; Ngài nói, “Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông!”.

Sau cùng, “Thế nào?”. Nếu Nước Thiên Chúa ở đây và bây giờ, trong lòng chúng ta, thì làm thế nào chúng ta có thể hoàn toàn thuộc về Vương Quốc Ngài? Chúng ta bước vào Vương Quốc đó theo cách Vua Kitô đã bước vào, ngang qua cánh cửa của đau khổ và thập giá, “Tiên vàn, Con Người phải chịu nhiều đau khổ, và bị dòng dõi này xua đuổi”. Niềm tin không chỉ là sự chấp nhận một lần, niềm tin phải được sống qua những thử thách lớn nhỏ mà chúng ta gặp phải trong đời. Bằng cách này, chúng ta làm cho đức tin và Nước Thiên Chúa trở nên những gì là của chính mình ngày càng nhiều hơn; và cần nhớ rằng, cuối cùng, chính Vương Quốc và Đức Vua sẽ tỏ mình uy linh cho chúng ta, như tia chớp cắt ngang bầu trời.

Anh Chị em,
Ai trong chúng ta cũng có một quê hương, một quốc tịch. Quốc tịch tuy khác nhau xét về quốc gia, địa lý; nhưng chúng ta có cùng một nguồn cội trong bản đồ Nước Trời; đúng hơn, trong cung lòng Chúa Cha. Chúa Giêsu cho biết, “Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông!”; Ngài đang ở giữa chúng ta. Chúng ta chỉ nhận ra mình trong Nước ấy, khi để Ngài làm Vua cuộc đời, linh hồn mình; chỉ khi chúng ta cho phép Ngài chiếm chỗ nhất cuộc sống mình. Ngài sẽ tỏ mình cho chúng ta và qua chúng ta, tỏ mình cho người khác. Tại sao người Mỹ hãnh diện với quốc tịch của họ; tại sao không ít người muốn nhập tịch vào quốc gia họ? Có thể họ được tự do, tôn trọng. Quốc tịch chúng ta là Nước Trời còn cao trọng hơn gấp bội! Và nếu có quốc tịch là Nước Trời, hẳn chúng ta cũng phải đi theo hiến pháp của Vương Quốc ấy. Được như thế, chúng ta thật khôn ngoan, một sự khôn ngoan của con cái Chúa mà bài đọc thứ nhất nói đến, “Phản ảnh của ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương vẹn tuyền của Uy Quyền Thiên Chúa, và là hình ảnh lòng từ nhân của Ngài”. Bởi lẽ, chúng ta tin, “Lời Ngài bền vững đến muôn đời!” như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước gì Vương Quốc Ngài trở thành cuộc sống, tình yêu, suy nghĩ và ước muốn của con; cho con nên ánh sáng của Chúa cách hiệu quả cho những người con gặp trên đời”, Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Minh Anh TGP. Huế
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc