KHÔNG ĐỌC RA DẤU CHỈ
Suy niệm Lười Chúa: Lc 11, 29 - 32
“Sẽ không ban cho họ dấu lạ nào, ngoài dấu lạ của tiên tri Giôna!”.
Một gia đình nọ, cả thảy 5 người, được đưa đi cấp cứu, khi con mèo của họ co thắt bụng dữ dội. Họ được súc ruột, vì con mèo đã ăn một món nấm như họ. Và dù cả 5 người không có dấu hiệu bệnh, bác sĩ vẫn buộc họ đi bệnh viện. Về nhà, họ thấy con mèo khoẻ lại, nằm cạnh 5 chú mèo con lúc nhúc. Không chỉ bác sĩ, cả nhà họ đều đã ‘không đọc ra dấu chỉ’ chuyển dạ của mèo mẹ!
Kính thưa Anh Chị em,
Việc những bệnh nhân bất đắc dĩ ‘không đọc ra dấu chỉ’ dẫn đến những sai lầm buồn cười không đáng có. Thế nhưng, trong cuộc sống, không ít lần, chúng ta cũng đã có những quyết định sai lạc, vì ‘không đọc ra dấu chỉ’ của Chúa; chúng ta đã không có những hướng đi rõ rệt, dứt khoát!
Như những người Do Thái trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta đi tìm những dấu chỉ; thế nhưng, Chúa Giêsu cho biết, “Sẽ không ban cho họ dấu lạ nào, ngoài dấu lạ của tiên tri Giôna. Vì Giôna đã nên dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là dấu lạ cho dòng giống này như vậy”. Phép lạ Giôna ám chỉ việc Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, chịu chết, chôn trong mồ ba ngày và phục sinh vinh hiển. Như Giôna đã trải qua ba ngày trong bụng cá, Chúa Giêsu cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày như vậy.
Với chúng ta, điều cốt yếu là cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Đó là dấu chỉ vĩ đại đã được ban cho chúng ta, và cũng là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin Kitô giáo. Chúng ta không cần và không nên tìm kiếm một điều gì khác ngoài dấu chỉ này. Mọi thắc mắc, mọi nan đề, băn khoăn, bối rối… đều có thể được giải đáp và giải quyết nếu chúng ta chỉ đơn giản chiêm ngắm mầu nhiệm cứu chuộc cao cả này, bằng cách bước vào sự sống, sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Tìm kiếm một dấu chỉ khác ngoài dấu chỉ này sẽ thật sự là một sai lầm; và cách nào đó, chúng ta cho rằng, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là không đủ.
Khởi đầu thư Rôma hôm nay, thánh Phaolô gọi các Kitô hữu là “Những người được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha, và của Đức Giêsu Kitô”, Đấng đã sinh ra theo huyết nhục “Bởi dòng dõi Đavít… đã sống lại từ cõi chết”. Chúa Kitô là dấu chỉ lớn nhất, trọng tâm nhất cho đời sống đức tin của chúng ta. Và như thế, rõ ràng, “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ!” không chỉ cho những kẻ Ngài yêu nhưng còn cho tất cả nhân loại, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.
Anh Chị em,
Biết bao lần, chúng ta thấy mình phải vật lộn với những vấn nạn trong cuộc sống, vấn nạn khổ đau, vấn nạn sự chết và cả vấn nạn tội lỗi của chính mình hay của người khác. Chẳng hạn, trong những ngày này; từ Sài Gòn, hàng trăm nghìn người đang tuôn trở về các tỉnh, đó là quyền thiêng liêng của mỗi người mà không ai có quyền cấm cản. Và theo dự đoán, con số của những cuộc thiên di hồi hương này có thể lên đến hàng triệu vào những ngày sắp tới. Vậy Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì trước dấu chỉ của thời đại này; nói cách khác, trước thập giá đầy thách đố này? Đúng! Thập giá của những gia đình nghèo, thập giá của những người thân yêu hay cũng có thể là thập giá của chính của chúng ta; và nó còn là ‘thập giá sỉ diện nhức nhối của một đất nước!’. Nếu không hướng mắt nhìn lên thập giá Chúa Kitô, chúng ta sẽ ‘không đọc ra dấu chỉ’, cũng không tìm được câu trả lời. Phải chăng, Chúa muốn chúng ta bớt sống ích kỷ, bớt bám víu vào của cải và biết tựa nương vào Ngài hơn; đồng thời, có thể Ngài lại đang mời gọi chúng ta làm một điều gì đó cụ thể cho những anh chị em kém may mắn chung quanh chúng ta, ngay hôm nay.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin dạy con sống mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa; cho con biết lấy đó làm thước đo của các vấn nạn. Nhờ đó, con sẽ tránh được việc ‘không đọc ra dấu chỉ’ Chúa gửi đến mỗi ngày!”, Amen.
Ý kiến bạn đọc