KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN
Lời Chúa: St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13
Bài đọc 1 và bài Tin mừng hôm nay đề cập đến việc cầu nguyện. Khi nghe cuộc đối thoại giữa Ápraham và Đức Chúa, chúng ta cảm thấy ngây ngất bởi gặp được sự kính cẩn pha với sự chân tình, sự dịu dàng pha với sự bạo dạn. Đức Chúa muốn trừng phạt hai thành phố trụy lạc là Xôđôma và Gômôra. Được Chúa cho biết Người sắp ra tay hành động, Ápraham lại gần khẩn khoản nài xin. Chúng ta thấy Ápraham cò kè bớt một thêm hai với Chúa. Đầu tiên là 50 người, rồi 45, rồi 40, rồi 30, rồi 20, rồi 10 người. Để cứu được Xôđôma, chỉ cần 10 người lành thôi nhưng cũng không có. Dù sao cuộc đối thoại của Ápraham có thể được coi là một lời cầu nguyện, một lời nài nẵng van xin. Đức Chúa không phải là đấng thích trừng phạt và tiêu diệt, nhưng Người sẵn lòng lui bước trước lời cầu xin của con người.
Sau này, qua miệng ngôn sứ Êdêkien và Giêrêmia, Đức Chúa tuyên bố chỉ cần một người lành đủ cứu cả thành. Và người lành đó là chính Đức Giê-su Ki-tô, chỉ mình Ngài cứu cả nhân loại nhờ lời chuyển cầu và lễ hy sinh của Ngài trên thập giá.
Còn bài Tin mừng ghi lại giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đồ về việc cầu nguyện. Trước hết, Chúa Giêsu được trình bày như một con người cầu nguyện. Ngài thường gặp gỡ Chúa Cha ở nơi vắng vẻ, kín đáo. Trong những giờ phút đó, Chúa Giê-su thật sự hạnh phúc trong niềm hiệp thông với Chúa Cha, đấng sai Ngài đến trong thế gian. Thấy Ngài say mê cầu nguyện như thế, các môn đồ đã ngỏ lời: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Đáp lại lời yêu cầu của các môn đệ, Chúa Giêsu dạy các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha”. Cầu nguyện là nói với Thiên Chúa như con nói với cha. Lòng hiếu thảo là nét đặc thù của kinh nguyện Kitô giáo. Với tình con thảo, chúng ta sẽ thích thú ngắm nhìn, trìu mến và chuyện trò với Thiên Chúa là Cha. Như thế, cầu nguyện là một nhu cầu, một biểu hiện tình yêu đối với Thiên Chúa.
Và để dạy chúng ta kiên trì cầu nguyện, Chúa Giêsu kể dụ ngôn người bạn đập cửa lúc nửa đêm để vay 3 cái bánh cho một người khách lỡ đường. Người ở trong nhà có đủ lý do để từ chối: nào là cửa đã đóng, nào là con cái đang ngủ cùng giường không thể dậy mà lấy bánh được. Nhưng người bạn không chịu thua, cứ tiếp tục đập cửa bởi vì anh biết chắc trong nhà có bánh và đó là tất cả những gì anh đang cần để tiếp khách. Sự kiên trì của anh đã có hiệu quả. Người trong nhà phải thức dậy mà cho anh cái anh ta cần để cho anh đi khuất mắt càng nhanh càng tốt. Không phải vì tình bạn mà là để tránh một sự quấy rầy khó chịu.
Nếu người đời còn phải cư xử với nhau như thế thì Thiên Chúa là Cha chúng ta, Người không đáp ứng lời van nài của chúng ta sao? Hãy kiên trì cầu xin. Đừng sợ quấy rầy Người. Đừng sợ đập cửa nhà Người lúc nửa đêm, nhất là khi bóng tối bất chợt ập xuống đời ta. Nếu Thiên Chúa không mở ngay và đưa 3 cái bánh cho ta là vì Người muốn cho chúng ta nhiều hơn nữa. Càng kiên trì, càng chờ đợi, lòng khát khao của chúng ta có thể trở nên mỏi mòn nhưng cũng có thể trở nên mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Nỗi khát mong càng lớn thì sức chứa càng nhiều. Ơn Chúa sẽ đổ tràn tâm hồn nào có lòng khát khao như biển cả.
Cha trên trời chắc chắn sẽ nhậm lời ta cầu xin. Xin thì được, tìm thì thấy, gỏ cửa thì mở. Người cha trần thế tuy bất toàn nhưng vẫn cho con những cái tốt lành như cá và trứng và không cho con mình những gì nguy hiểm như rắn hay bọ cạp. Cha trên trời còn nhân hậu hơn vạn bội, Người chỉ ban cho chúng ta những điều tốt lành mà thôi.
Tuy nhiên, một thách đố lớn mà các Kitô hữu đều ít nhiều phải trải qua, đó là thấy Thiên Chúa không nhậm lời mình xin dù đó là những điều hợp lý và tốt lành. Họ còn thấy Chúa gửi đến cho mình biết bao tai họa bi đát không sao giải thích được. Đây là lúc chúng ta cần gia tăng lòng tin.
Một đàng, phải tin rằng Chúa luôn yêu tôi, dầu điều đó nhiều khi chẳng dễ dàng, vì đau khổ làm chúng ta muốn nổi loạn, chống lại Thiên Chúa. Cần nhìn ngắm Chúa Giê-su trên thập giá để lấy lại niềm tin, để hiểu được phần nào mầu nhiệm đau khổ. Chúa Cha yêu Chúa Con nhưng khi Chúa Con xin Cha cứu Ngài khỏi giờ này thì Cha không cứu Ngài khỏi cái chết thê thảm trên thập giá, nhưng để cho Con nếm trải cái chết rồi mới cho Con được sống lại. Hỏi Chúa Cha có nhậm lời Chúa Con không? Nhậm lời quá đi chứ! Nhưng không nhậm lời theo cách Chúa Con xin, nhưng nhậm lời theo kế hoạch Chúa Cha vạch ra, đó là phải qua đau khổ mới đến vinh quang.
Đàng khác, phải tin rằng Chúa chỉ ban cho tôi điều tốt lành; điều đó cũng chẳng dễ dàng gì. Nhiều khi chúng ta có cảm tưởng Chúa ban cho chúng ta bọ cạp. Con cá Chúa trao, chúng ta lại tưởng là rắn. Chỉ có Chúa mới biết điều gì là tốt thật và tốt nhất cho chúng ta, bao giờ, ở đâu. Hãy phó thác cho Người dù chúng ta không hiểu gì, vì Người khôn ngoan hơn chúng ta và Người yêu chúng ta. Phải đợi tới một lúc nào đó, khi nhìn lại những gì đã qua, chúng ta mới thấy tất cả biến cố xảy ra đều là quà tặng của Thiên Chúa nhân hậu.
Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa là Cha. Người yêu thương nhưng không nuông chiều con cái. Người dám mạnh tay cắt tỉa để chúng ta sinh hoa kết trái hơn. Con đường hẹp Chúa Con đã đi, Chúa Cha cũng muốn chúng ta cùng đi. Con đường hẹp nhưng lại dẫn ta đến sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc đích thực. Trong quá khứ, chúng ta đã xin quá nhiều ơn, nhưng có một ơn quan trọng hơn cả mà ta chắc chắn sẽ được nếu ta nài xin: đó là chính Chúa Thánh Thần nguồn mạch mọi ơn. Hãy năng cầu xin cho được đầy tràn Chúa Thánh Thần để đời làm môn đệ Chúa Kitô của chúng ta ngày càng khởi sắc. Amen.
Ý kiến bạn đọc