LỊCH SỬ CỨU ĐỘ, TẢNG ĐÁ VẤP PHẠM
Thiên Chúa có thể tìm gặp con người ở bất cứ nơi đâu, kể cả những nơi tội lụy mà những con người công chính với lương tâm trong sáng không thể cho phép mình bước tới.
Lịch sử tính của Kitô giáo, của bản thân Đức Kitô và của Giáo Hội Người mãi mãi vẫn còn là điều gây vấp phạm cho người ta. Nhiều người tự hỏi tại sao sự việc xảy ra đúng vào năm thứ mười lăm thời Hoàng Đế Tibêrio, tại sao lại ở Giuđê và Galile dưới thời các vương hung tàn và kém cỏi ấy – thời mà Philato làm tổng trấn, Anna và Caipha làm thượng tế? Tại sao công cuộc cứu độ của mọi người đã không bắt đầu ngay tự thuở đầu tiên? Hoặc giả tại sao không phải là mọi nơi thay vì là đúng vào lúc đó và đúng vào nơi đó? Hay là một Thiên Chúa vĩnh cửu và chủ tể của mọi loài đã tỏ ra thiên lệch?
Nói gì thì nói, thực tế cũng là chính vào thời điểm ấy và nơi chốn ấy, Ngôi Lời đã tiến đến với Gioan và giai đoạn quyết định của lịch sử thánh cứu độ đã mở màn. Và sự việc – kể từ đó – vẫn còn tiếp tục y như thế. Người ta phải được rửa bằng nước – chứ không thể bằng gì khác. Người ta phải nhận được lời xá giải công bố cho họ từ môi miệng của một con người (tại chiếc bục gỗ được gọi là tòa giải tội, vào một chiều thứ bảy, có lẽ…) chứ không duy chỉ là thiết tha nghe tiếng Chúa thì thầm trong sâu lắng cõi lòng mình. Và vẻ đẹp của bản tính Thiên Chúa – trong thực tế - nào có toát ra trong Giáo Hội, một Giáo Hội mà ở đó người ta tìm thấy tấm thi thể đã từng bị hành hình thập giá vì chúng ta, dưới thời tổng trấn Phongxio Philato. Và người ta có thể sống và chết cho những sự thật được ghi lại rành rành trong sách giáo lý chứ không phải cho những ý niệm cao siêu của khoa siêu hình học.
Thiên Chúa có thể tìm gặp con người ở bất cứ nơi đâu, kể cả những nơi tội lụy mà những con người công chính với lương tâm trong sáng không thể cho phép mình bước tới. Và Thiên Chúa, với lòng nhận hậu của Ngài, tự ý hành động như vậy. Ngài gặp chúng ta mà không cần bất cứ một cuộc dàn xếp nào về phía chúng ta. Song như vậy cũng không có nghĩa rằng ta có thể ấn định cho Ngài điểm hẹn ở đó ta sẵn lòng đợi Ngài tìm đến gặp. Thiên Chúa đi muôn nẻo đường. Còn chúng ta, tạo vật của Ngài, chỉ có thể đi theo lối mà Ngài đã chỉ bảo ta đi.
Và thực tế Thiên Chúa đã vạch rõ một số nẻo đường cứu độ cho chúng ta. Nghĩa là không hề có chuyện mọi ngả đường ta đi đều dẫn tới Thiên Chúa. Ngài đã ấn định rành rành đường đi nước bước cho ta để ta có thể nhận thức được rằng công cuộc cứu độ là ơn của Ngài ban cho – ban cho một cách tự ý và vô điều kiện – chứ không có quyền đòi (như thể Ngài mắc nợ ta!). Ngài chỉ lối ta đi để ta hiểu rằng ta không định đoạt Ngài nhưng là phải chịu để Ngài định đoạt, rằng Ngài là Thiên Chúa còn ta là tạo vật do Ngài tạo dựng.
Thiên Chúa đã ấn định những nẻo đường cứu độ cho ta bởi vì chính Ngài – nhân hậu khôn lường – đã tự ý bước đi qua những nẻo đường đó, Ngài đã muốn trở thành phàm nhân muốn bước vào không gian, thời gian và lịch sử như chúng ta (là những khuôn khổ mà không một trí óc nào dưới gầm trời này có thể thoát ra được). Chính Ngài đã sinh ra dưới triều hoàng đế Augusto, quê quán của Ngài là Nazareth, một xứ sở chẳng có gì hay ho. Ngài đã chịu khổ nạn thời Phongxio Philato làm tổng trấn. Ngài đã đảm nhận giới hạn của thân phận người bị chế định bởi không gian và thời gian. Thiên Chúa đã cho thấy Ngài yêu thương con người biết mấy. Chúng ta không cần phải kiếm Thiên Chúa trong Vương Quốc vô biên của Ngài, nơi mà ta sẽ vô vọng lạc bước – tựa như rơi vào một khoảng không mênh mông không dấu vết để dò tìm.
Kitô giáo quả thực mang nhiều tính người và tính lịch sử đến nỗi nhiều người thấy nó phàm trần quá, bởi vì họ cho rằng tôn giáo đích thực thì phải “siêu phàm”, phải bất khả giác, phải thoát ngoài lịch sử. Nhưng, Ngôi Lời đã trở thành xác thịt. Ngôi Lời đã tiến đến với Gioan vào năm thứ mười lăm thời hoàng đế Tiberio. Và sự việc vẫn còn tiếp tục theo lối đó. Kitô giáo là một tôn giáo có lịch sử tính, rất cụ thể và rất chặt chẽ. Nó là tảng đá gây vấp phạm cho những kẻ kiêu hãnh – những kẻ không thực sự muốn chấp nhận làm người (ít nhất về khía cạnh tôn giáo). Nhưng Kitô giáo là hồng ân và sự thật cho tất cả những ai khiêm cung sẵn lòng chấp nhận thân phận người trong không gian và thời gian – cho dù họ đang tôn thờ Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu, Đấng vô cùng.
Karl Rahner
Trích trong: Suy Niệm Mùa Vọng, Giáng Sinh.
Ý kiến bạn đọc