banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA LÒNG KHIÊM NHƯỜNG

Đăng lúc: Thứ năm - 24/10/2019 05:09 - Người đăng bài viết: menthanhgia
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA LÒNG KHIÊM NHƯỜNG

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA LÒNG KHIÊM NHƯỜNG

Lời Chúa: Hc 35,12-14.16-18; 2Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14

Dụ ngôn chúng ta vừa nghe được Chúa Giê-su kể cho những kẻ tự đắc cho mình là công chính mà khinh chê kẻ khác. Đây là chìa khóa để chúng ta hiểu giáo huấn của Chúa Giê-su qua dụ ngôn này.

Đàng khác, đây là một dụ ngôn nghĩa là một câu chuyện nhằm dạy ta một bài học chứ đây không phải là một câu chuyện có thật. Chúng ta cần tiếp thu bài học này cho đúng, bởi vì nếu hiểu sai, chúng ta có thể áp dụng sai. Ví dụ có những người vào nhà thờ luôn chọn hàng ghế cuối chứ không chịu lên hàng ghế đầu, vì sợ người khác cho mình là biệt phái; hơn nữa hễ ai lên ngồi các hàng ghế đầu thì đều bị gán cho cái nhãn biệt phái. Có phải những người ngồi ở các hàng ghế đầu là biệt phái, nghĩa là không công chính trước mặt Chúa, còn những kẻ ngồi ở hàng cuối thì được Chúa ban ơn công chính không?

Trước hết, dụ ngôn đề cập đến 2 người lên đền thờ cầu nguyện; một người biệt phái và một người thu thuế. Cầu nguyện là lúc người ta bộc lộ rõ ràng bản chất của mình hơn cả. Người biệt phái cho thấy một tâm hồn tự mãn, tự mãn vì đã thi hành các giới luật một cách đầy đủ (không trộm cướp, không bất công, không ngoại tình), tự mãn vì đã chu toàn vượt chỉ tiêu: luật chỉ buộc ăn chay mỗi năm một lần vào ngày lễ Xá Tội, mà người này ăn chay mỗi tuần 2 lần vào ngày thứ ba và thứ năm; luật chỉ buộc dâng một phần mười trong một số mặt hàng thôi, nhưng người biệt phái này dâng một phần mười mọi thu nhập của mình. Từ chỗ tự mãn cho rằng nhờ việc giữ luật như thế mà tự mình đã đạt được sự công chính, người thu thuế còn lên mặt khinh chê những người khác, không coi họ bằng mình, xếp tất cả những người khác vào hạng tội lỗi.

Thử hỏi một con người tự mãn và kiêu căng như thế thì còn chỗ đâu mà đón nhận ơn Chúa. Cho nên, Chúa Giê-su cho biết người biệt phái không được kể là công chính nghĩa là không nhận được  ơn cứu độ từ Thiên Chúa.
 
Trong khi đó, người thu thuế biết rõ thân phận tội lỗi của mình: vào thời đó, ai làm nghề thu thuế là tiếp tay cho đế quốc Rô-ma bốc lột nhân dân, vì họ lợi dụng chức vụ để làm giàu bất chính; ông không nuôi ảo tưởng về mình, ý thức được tình trạng nghèo nàn tâm linh của mình. Vì thế, thay vì tin cậy nơi mình, người thu thuế hướng về Thiên Chúa tìm ơn tha thứ và sự công chính nơi Người bằng lời kinh tha thiết: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Chúa Giê-su cho biết người thu thuế được khỏi tội và được nên công chính trước mắt Thiên Chúa.

Như thế, những ai nhìn nhận mình không công chính thì Thiên Chúa sẽ làm cho họ nên công chính, còn những ai cho mình là công chính thì không được Thiên Chúa nhận là công chính nữa. Nói cách khác, Thiên Chúa không phân chia nhân loại thành 2 hạng: hạng có tội và hạng không có tội, bởi vì trước mặt Chúa, tất cả đều là tội nhân. Nhưng Người chia thành 2 hạng: hạng có tội mà biết hối cải và hạng có tội mà không nhận mình có tội. Bên có tội mà không nhận mình có tội thì càng nặng tội thêm, còn bên có tội mà có lòng sám hối thì được ơn tha thứ.
 
Vì thế, mỗi khi cầu nguyện, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người thu thuế. Khi bắt đầu thánh lễ, cộng đoàn tín hữu xướng lên “Xin Chúa thương xót” để nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa thanh tẩy chúng ta khỏi mọi tội lỗi.

Khi đi liền với lòng khiêm nhường, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ tỏa hương thơm và đẹp lòng Thiên Chúa. Tác giả sách Huấn ca bài đọc 1 đã khẳng định: “Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây”. Quả thật, Thiên Chúa luôn lắng nghe và sẵn lòng cứu giúp những ai kêu cầu Người. Người cũng sẵn sàng bênh vực kẻ bị áp bức và giải phóng kẻ tù đày.

Lời cầu nguyện đích thực không chỉ được thực hiện trong khi vui mừng bình an, mà còn trong lúc gian nan đau khổ. Thánh Phao-lô đang ở trong tù và biết ngày ra đi đã gần kề. Trong thư gửi cho Ti-mô-thê bài đọc 2, thánh nhân tỏ ra lạc quan tin tưởng vào Thiên Chúa, vì ngài biết chắc Thiên Chúa sẽ dành cho mình triều thiên công chính. Tâm tình cầu nguyện đã nâng đỡ ngài trong cảnh tối tăm của ngục tù.
 
Anh chị em thân mến,

Khi đã tiếp thu được bài học của dụ ngôn, chúng ta nhận ra rằng công chính hay không công chính không tùy thuộc ở chỗ ngồi hàng ghế đầu hay hàng ghế cuối trong nhà thờ nhưng tùy thuộc ở chỗ có nhận mình là tội nhân trước mặt Thiên Chúa và do đó, có kêu xin lòng từ bi thương xót của Người hay không.
Đàng khác, từ bài Tin mừng hôm nay, chúng ta có thể rút ra 2 bài học:
  1. Ơn công chính hóa hay ơn cứu độ là quà tặng Thiên Chúa ban chứ không phải là món nợ Thiên Chúa phải trả. Để được cứu độ, chúng ta phải ý thức chúng ta không thể tự cứu chính mình mà chỉ có Thiên Chúa mới là đấng cứu độ. Do đó, chúng ta phải mở lòng ra đón nhận ơn Thiên Chúa cứu độ chúng ta. Nói cách khác, để được cứu độ, phải tin vào Thiên Chúa, phải tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người và thể hiện niềm tin ấy bằng một đời sống phù hợp với Tin mừng.
  2. Nếu chúng ta ý thức ơn cứu độ là do Thiên Chúa ban, thì không có lý do gì để chúng ta tự mãn hay kiêu căng mà ngược lại sẽ luôn khiêm tốn:
    • khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa: luôn nhìn nhận  thân phận tội nhân của mình và cậy dựa vào lòng xót thương của Người;
    • khiêm tốn trước mặt người khác: không lên mặt khinh dể nhưng luôn dùng mọi tài năng Chúa ban để phục vụ tha nhân.
Anh chị em thân mến,
Xin cho mỗi người chúng ta luôn nhớ lời Chúa Giê-su dạy: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” để chúng ta luôn sống trong sự thật về chính mình nghĩa là luôn sống khiêm tốn hầu được liệt vào số những người công chính trong Nước Trời. Amen.      

Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc