MỘT LƯỠI GƯƠM ĐÂM THÂU
Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Gia: Lc 2,22-40
Trong phòng của Đức Thánh Cha Phanxicô
có tượng thánh Giuse đang nằm ngủ.
Lần đầu tiên nhìn thấy tượng này, ai cũng ngạc nhiên,
vì quen thấy thánh Giuse ở bên Chúa Giêsu hay Đức Mẹ,
hay đang thức để làm một công việc gì đó.
Thánh Giuse nằm nghiêng, ngủ một mình, có vẻ ngủ say,
còn mặc nguyên bộ quần áo khi đi đường.
Chúng ta không thể đoán ngài ngủ ở đâu, vào dịp nào,
nhưng hầu chắc ngài đang cần nghỉ ngơi để lấy lại sức.
Làm cha nuôi của Đức Giêsu hẳn không dễ.
Làm người bạn đường của Đức Mẹ cũng thật cam go.
Ta thường hình dung Thánh Gia như một gia đình đặc biệt,
luôn đầy ắp tiếng cười, đầy ắp niềm vui,
chẳng có chuyện gì trục trặc, chẳng bao giờ gợn chút sóng gió.
Ta thường nghĩ vì Thánh Gia là gia đình của ba vị thánh,
gần gũi với Thiên Chúa, nên dĩ nhiên là phải luôn bình an.
Thật ra, nếu đọc kỹ Tin Mừng, ta sẽ có một cái nhìn khác.
Đời sống của Thánh Gia khá giống với đời sống của chúng ta.
Không phải vì Đức Giêsu là Con Thiên Chúa,
nên Thánh Gia được hưởng những đặc quyền, đặc ân.
Thật ra Thánh Gia đã sống cuộc đời vất vả, long đong,
đã trải qua bao nỗi buồn vui như những gia đình khác.
Vì thế Thánh Gia mới thật là mẫu mực để chúng ta noi theo.
Xem ra Thánh Gia không có gì phi thường ở làng Nadarét.
Khi Đức Giêsu về giảng tại hội đường ở quê nhà,
Nhiều người dân làng đưa ra lời bình phẩm:
“Ông này không phải là bác thợ, con bà Maria,
và là anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao?
Chị em của ông không phải là láng giềng với ta sao?” (Mc 6,3).
Chúng ta đều biết chuyện ông Giuse suýt chia tay Maria,
khi biết vị hôn thê của mình mang thai (Mt 1,19).
Chúng ta cũng rõ chuyện Thánh Gia lúng túng ở Belem.
Người nghèo thường không có chỗ trọ (Lc 2,7).
Khi sinh con đầu lòng, Maria phải đặt con nằm trong máng cỏ.
Hoảng hốt đem Hài nhi trốn sang Ai-cập trong đêm khuya,
rồi bươn chải kiếm sống để có thể ở lại Ai-cập như một di dân:
đó là những trải nghiệm kinh khủng đối với đôi vợ chồng trẻ.
Người ta thường cho rằng thánh Giuse qua đời sớm,
Nếu đúng thế thì bà quả phụ Maria phải đảm đương thay chồng.
Ngày Đức Giêsu chia tay Mẹ để lên đường làm việc của Chúa Cha,
Mẹ Maria bây giờ sống dựa vào ai?
Mẹ sống dựa vào ai sau khi Con của Mẹ về trời?
Chúng ta mong một gia đình hạnh phúc, không có nước mắt.
Nhưng Thánh Gia không tránh khỏi nước mắt.
Maria có thể đã khóc khi lạc con ba ngày ở Đền thờ (Lc 2,46).
Maria có thể đã khóc khi nghe người ta nói con mình mất trí,
và Mẹ đã đôn đáo cùng với thân nhân đi tìm Con (Mc 3,21).
Chắc chắn Mẹ đã khóc khi đứng gần thập giá treo xác Con (Ga 19,25).
Mẹ đã nói tiếng Xin Vâng trước cái chết quá trẻ của Con mình.
Mẹ Maria có thể đặt nhiều câu hỏi tại sao với Thiên Chúa
về những biến cố đau buồn hay mất mát trong đời mình.
Trong Đền thờ, Mẹ đã dâng Con cho Thiên Chúa,
và rồi Mẹ chẳng còn quyền gì trên người Con này nữa.
Đúng là có một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn Mẹ (Lc 2,35).
Mẹ Maria vui khi thấy con mình lớn lên về mọi mặt.
Nước mắt Mẹ được lau khô khi Chúa phục sinh hiện ra với Mẹ.
Ngày nay Thánh Gia là gia đình nhiều người muốn noi theo,
không phải vì có tam đại đồng đường hay phúc lộc thọ.
Nhưng vì đó là gia đình đã trung tín theo Chúa đến cùng,
bất chấp những trắc trở và khó khăn của cuộc sống.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa,
Xin nhìn đến các gia đình đang bị khép kín,
các trẻ em không được cắp sách đến trường,
một số cha mẹ không thể ra ngoài;
một số thì bị cách ly vì dịch bệnh.
Xin Chúa giúp đỡ họ khám phá những cách thức mới,
những con đường mới để diễn tả tình yêu, và sự sống chung
trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Thời gian thử thách lại có thể là một cơ hội tốt
để tìm lại tình yêu thương đích thực,
và tinh thần sáng tạo trong gia đình.
Chúng con cầu xin Chúa cho các gia đình.
Mong sao các tương quan gia đình trong lúc này
được luôn triển nở và mang lại những điều tốt đẹp.
(Phỏng theo ý của Đức Thánh Cha Phanxicô 16/3/2020)
Ý kiến bạn đọc