NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÂN CHÍNH
Lời Chúa: Is 66,10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20
“Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép…cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”.
Anh chị em thân mến,
Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, chỉ thị này của Chúa Giê-su xem ra không hợp thời. Thế giới chúng ta đang sống đặt mọi sự trên nền tảng kinh tế. Theo con người thời nay, muốn làm bất cứ điều gì cần phải có 3 điều kiện: điều kiện 1: tiền, điều kiện 2: tiền và điều kiện 3 cũng là tiền. Thế mà để rao giảng Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su dạy: “đừng mang theo túi tiền”. Thế thì vị sứ giả loan báo Tin mừng phải mang theo cái gì đây?
Tin mừng Luca cho chúng ta biết hành trang duy nhất mà người loan báo Tin mừng phải có đó là niềm tin, một niềm tin vô điều kiện, hoàn toàn tín thác nơi Đấng sai phái mình đi. Người được sai chỉ lo loan báo còn những thứ khác hãy để cho Chúa lo, người được sai cũng không quan tâm đến những thành quả đạt được hay không đạt được mà chỉ vui mừng vì được cộng tác vào công việc của Chúa và tên của mình được ghi trên trời.
Tại vùng đông bắc Ấn độ, các vị thừa sai dòng Sa-lê-diên Don Bosco huấn luyện một nhóm giáo lý viên và phái một người đến giảng đạo cho dân một ngôi làng nằm trong rừng sâu. Anh ta đã cố gắng nói cho họ về Thiên Chúa, về Chúa Giê-su Kitô nhưng dân làng không những không nghe mà còn chế nhạo, ngược đãi và đuổi anh ta ra khỏi làng. Họ còn thuê cả phù thủy trù yểm để hại anh ta nữa.
Nếu là một người khác thì đã thối chí rút lui nhưng người giáo lý viên này không chịu khuất phục. Bị đuổi ra khỏi làng, anh ta cất một cái chòi ở ngoài làng và cương quyết ở lại tiếp tục rao giảng. Anh ta nói: các thừa sai đã phái tôi đến đây thì tôi phải ở đây chứ không bỏ đi chỗ khác được. Và bao lâu tôi ở đây, tôi phải giảng đạo cho dân làng này.
Bị đói, bị khát, bị bệnh, cuối cùng người giáo lý viên qua đời trong cái chòi tồi tàn đó, trong sự cô đơn tột cùng của một kẻ bị mọi người xua đuổi. Xét về phương diện nhân loại mà nói thì đây là một thất bại hoàn toàn.
Nhưng công việc rao giảng Tin mừng trước tiên và trên hết là việc của Thiên Chúa chứ không phải là việc của con người. Lúa chín đầy đồng nhưng chủ ruộng là Thiên Chúa có sai thợ đi gặt thì lúa mới được thu vào kho lẫm Nước Trời. Xét về phương diện nhân loại, cái chết của người giáo lý viên là một thất bại nhưng về phía Thiên Chúa thì khác. Sau cái chết của người giáo lý viên, cái dân làng cứng đầu cứng cổ và chống báng đó đã cảm kích trước sự can trường của người giáo lý viên, tất cả họ đã xin trở lại đạo và đã biến cái chòi tồi tàn kia thành một ngôi nhà nguyện để ngày ngày đến đó thờ phượng Thiên Chúa. Cả một đời rao giảng, không có lấy một mống theo đạo, thế mà sau khi chết, cả một làng theo đạo. Như thế, một sự thất bại về phía con người có thể là khởi đầu cho một thành công vang dội, một vụ mùa bội thu về phía Thiên Chúa.
Đây là cả một nghịch lý nhưng nghịch lý này chúng ta có thể nhờ lời Chúa trong thư Ga-la-ta soi sáng. Thánh Phao-lô nói rằng: “Phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về điều gì khác ngoại trừ về thập giá của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Kitô”. Hơn ai hết, thánh Phao-lô có đủ lý do để tự hào về những thành quả truyền giáo của mình vì chính ngài đã mở đường và đi tiên phong trong việc rao giảng Tin mừng cho dân ngoại. Kế hoạch cứu độ muôn dân của Thiên Chúa nhờ ngài mà đạt được những kết quả to lớn. Nhưng ngài đã không tự hào về điều đó, ngược lại trong những dòng cuối của thư Ga-la-ta, ngài khẳng định rằng muốn cho các dân tộc được cứu độ, phải cư xử theo thập giá Chúa Giê-su Kitô.
Quãng diễn tư tưởng này, chúng ta có thể nói rằng người tông đồ phải xem việc rao giảng Tin mừng là một sứ mệnh đè nặng trên vai và bắt mình gánh vác, không phải để được tiếng tăm hay vinh dự nhưng để được chịu khổ vì Chúa Kitô và nhờ đó được thông phần cứu độ trần gian. Người tông đồ chân chính không những phải rao giảng niềm tin vào mầu nhiệm thập giá mà chính mình còn phải trở nên thập giá sống động trước mặt mọi người. Có thể nói được rằng người giáo lý viên trong câu chuyện đã biến con người và cuộc đời mình thành một cây thập giá cắm sâu xuống đất, để mang ơn cứu độ đến cho dân làng đã hơn một lần khước từ anh ta. Nói cách khác, người tông đồ chân chính phải nói như thánh Phao-lô: “Tôi không lấy gì làm vinh dự ngoài thập giá Chúa Giê-su Kitô, nhờ đó thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi và tôi đối với thế gian”. Chỉ những ai cư xử như vậy mới nhận được bình an và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chỉ những tông đồ nào cư xử như thế mới đem lại bình an và lòng thương xót của Thiên Chúa cho người khác. Những ai trong chúng ta muốn sống đạo và truyền đạo phải lấy đó làm nguyên tắc hành động. Và chỉ những ai mang trong thân mình những dấu tích của Đức Giê-su như thánh Phao-lô, mới là tín hữu và tông đồ chân chính.
Sau những tháng năm làm đầy tớ cho một gia đình quí tộc, Sophie Beranska phải thất nghiệp. Ngày kia, gia đình Hersten, một gia đình Do Thái thuê nàng về chăm sóc cho mấy đứa trẻ trong nhà họ. Ngay hôm đầu tiên khi biết được Sophie là người Công giáo, ông chủ đặt điều kiện là nàng không được "giảng đạo" cho con cái ông. Sophie nhận lời. Và chiều hôm ấy, lúc còn lại một mình trong phòng, nàng lấy một mảnh giấy nhỏ, viết một dòng chữ xếp lại và bỏ vào chiếc huy chương cha nàng để lại, rồi mang vào cổ. Lũ trẻ trong nhà nhiều lần đòi Sophie cho coi chiếc huy chương ấy nhưng nàng nhất định không cho: bí mật của đời cô mà! Dưới sự chăm sóc chỉ bảo của Sophie, lũ trẻ trong gia đình của Hersten càng ngày càng trở nên nhu mì ngoan ngoãn. Cuộc sống đang lặng lẽ trôi qua thì một hôm, tai họa dồn dập xảy đến: Bé Naim đau nặng. Cả nhà cuống quít đưa đi bệnh viện. Sophie tình nguyện túc trực ngày đêm ở đó. Rồi thêm hai đứa nữa cũng ngã bệnh. Gánh đã nặng thì càng nặng thêm trên đôi vai Sophie. Tuy nhiên nàng vẫn tận tình phục vụ cách vui vẻ cho đến khi 3 đứa nhỏ trở lại bình thường. Rồi một hôm, kết quả của những ngày lao nhọc thức khuya dậy sớm, Sophie ngã bệnh và từ trần.
Hai năm trôi qua. Hôm nay là ngày giỗ của Sophie Beranska. Người ta thấy cả gia đình Hersten dậy sớm và cùng nhau đến một nhà thờ Công giáo dự thánh lễ. Phải chăng là phép lạ? Phải đúng là phép lạ theo một nghĩa nào đó! Sau khi Sophie đã mất được ít lâu, tình cờ khi mở chiếc huy chương của nàng mà tụi trẻ đã vất lăn lóc từ lâu trong một hộc tủ, ông Hersten rút ra được một mảnh giấy trên có ghi dòng chữ: "Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết biến cuộc sống của tôi thành một bài giảng đạo hùng hồn".
Ông hết sức bàng hoàng cảm phục. Rồi gia đình ông cũng thế. Và sau đó tất cả mọi người đều đến nhà thờ xin được học đạo và lãnh nhận bí tích Rửa tội.
Anh chị em thân mến,Thánh lễ đưa chúng ta vào mầu nhiệm thập giá một cách đặc biệt. Chúng ta cố gắng tham dự thánh lễ cho thật tốt. Không những thế, chúng ta còn phải quyết tâm đưa mầu nhiệm thập giá nơi bàn thờ này vào trong đời sống. Chỉ khi nào chúng ta sống mầu nhiệm ấy, ơn cứu độ mới được ban cho chúng ta và đời sống chúng ta mới có thể mang ơn cứu độ đến cho người khác. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể ban sức mạnh của Ngài cho chúng ta để chúng ta thực hiện những gì Ngài chờ đợi nơi mỗi người. Amen.
Ý kiến bạn đọc