banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG

Đăng lúc: Thứ tư - 06/11/2019 19:29 - Người đăng bài viết: menthanhgia
THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG

THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG

Lời Chúa: 2 Mcb 7,1-2.9-14; 2 Tx 2,16-3,5; Lc 20,27-38

Anh chị em thân mến,

Chỉ còn 2 chúa nhật nữa là hết năm phụng vụ. Hội thánh muốn hướng suy nghĩ của chúng ta về đời sau. Hầu hết các tôn giáo đều cho rằng chết chưa phải là hết, con người sau khi chết sẽ tiếp tục sống một cách nào đó hoặc sẽ đầu thai vào một kiếp khác như Phật giáo chủ trương. Tuy nhiên, không một tôn giáo nào nói đến việc kẻ chết sống lại và sự sống đời sau như Kitô giáo của chúng ta.

Bài đọc 1 trích sách Ma-ca-bê quyển thứ hai tường thuật cuộc tử đạo của 8 mẹ con dưới triều vua An-ti-ô-khô. Lúc bấy giờ là vào khoảng năm 160 trước Chúa, người Hy lạp đang đô hộ đất nước Do thái. Vua An-ti-ô-khô muốn thống nhất đế quốc của ông, không những trên bình diện văn hóa mà ngay cả trong phạm vi tôn giáo. Ông ra lệnh dẹp đạo Do thái, bãi bỏ luật Mô-sê và bắt dân phải làm những điều luật không cho phép. Chính vì vậy, ông đã bắt 8 mẹ con một gia đình đạo đức phải ăn thịt heo mà luật Mô-sê ngăn cấm. Nhưng cả 8 mẹ con đều cương quyết thà chết chẳng thà vi phạm luật của tổ tiên. Và tất cả họ đã chết vì đạo sau khi chịu những cực hình dã man. Tại sao họ lại sẵn sàng chết vì đạo như vậy? Thưa là vì họ tin xác loài người sẽ sống lại như lời người con thứ 2 tuyên xưng trước mặt vua: “Hỡi vua độc ác kia, vua chỉ cất mất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống đời đời”. Như thế, có thể nói được rằng từ thời Ma-ca-bê trở đi, nơi người Do thái, việc thân xác con người ngày sau sẽ sống lại là một chân lý đức tin được đa số chấp nhận.

Thế nhưng vào thời Chúa Giê-su, những người thuộc phái Xa-đốc mà đa số là tư tế, chủ trương không có sự sống lại. Tại sao họ phải phủ nhận việc sống lại mặc dù đã có nói đến trong sách Ma-ca-bê như chúng ta đã thấy ở trên? Lý do là họ không xem sách Ma-ca-bê là sách thánh. Họ chỉ nhận Ngũ thư tức là 5 quyển sách của Mô-sê gồm có Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số và Đệ Nhị Luật, mà trong 5 sách đó, không thấy nói đến việc kẻ chết sống lại nên họ chủ trương không có việc kẻ chết sống lại. Khi biết Chúa Giê-su rao giảng việc sống lại, mấy người thuộc phái Xa-đốc đến đặt vấn đề với Chúa, có ý biến Ngài thành trò cười cho dân chúng. Họ nêu vấn nạn là nếu có sống lại, một người đàn bà lần lượt lấy 7 anh em làm chồng theo luật Mô-sê, thì lúc sống lại sẽ là vợ của ai? Chẳng lẽ làm vợ của 7 ông chồng cùng một lúc?

Ở đây, chúng ta cần biết thêm là sở dĩ có điều luật bắt người em phải lấy vợ góa của người anh bạc mệnh đó, là để cho người chết có con nối dõi tông đường: đứa con sinh ra được xem là con chính thức của người anh đã quá cố và như thế sự sống của người đã chết được nối dài nhờ đứa con. Dựa vào điều khoản ấy trong luật Mô-sê, nhóm Xa-đốc nêu ra một vấn nạn mà theo họ, không những không thể giải quyết được mà còn làm cho người ta lúng túng và trở thành lố bịch nữa là đàng khác. Cho nên, theo họ, chủ trương không có việc kẻ chết sống lại là dễ hơn cả.

Nhưng Chúa Giê-su đã không hề lúng túng hay tỏ ra lố bịch như họ tưởng. Ngược lại, Ngài còn cho họ thấy lý luận của họ không vững. Cái sai đầu tiên của họ là nghĩ rằng đời này làm sao thì đời sau cũng thế, nhưng không phải như vậy. Ở đời này, nay sống mai chết, mới cần cưới vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường, còn ở đời sau thì vĩnh cửu nên không cưới vợ lấy chồng nữa. Lúc đó, người ta sẽ giống như thiên thần nghĩa là chỉ lo thờ phượng và yêu mến Chúa. Giả dụ thực sự có trường hợp một bà lấy 7 chồng đi, thì ở đời sau, người đàn bà ấy sẽ nhận ra và yêu thương 7 người chồng đó đặc biệt hơn những người đàn ông khác, bởi vì bà chỉ lấy 7 ông đó làm chồng chứ không lấy tất cả đàn ông làm chồng. Bà yêu thương 7 người chồng đó hơn những người đàn ông khác nhưng không ăn ở như vợ chồng với 7 người đàn ông đó.

Trả lời như thế đã đủ để giải quyết vấn nạn bè Xa-đốc nêu ra. Nhưng Chúa Giê-su còn muốn cho bè Xa-đốc thấy họ sai lầm khi không tin có sự sống lại và Ngài đi từ Mô-sê. Thiên Chúa nói với Mô-sê: “Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp”; điều đó có nghĩa là Thiên Chúa là đấng bảo vệ các tổ phụ. Nếu các tổ phụ chết mà chết luôn không sống lại thì Thiên Chúa bảo vệ là bảo vệ ai, bảo vệ cái gì? Trong trường hợp đó, có phải thần chết mạnh hơn Thiên Chúa chăng? Nếu thần chết mạnh hơn Thiên Chúa thì Thiên Chúa có toàn năng nữa không? Nói cách khác, không tin các tổ phụ sống lại là một cách nào đó xem thường Thiên Chúa, là coi nhẹ quyền năng của Người. Do đó, Chúa Giê-su nhấn mạnh: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của người sống”. Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Người bảo vệ những kẻ Người thương nên họ không chết mà đang sống và đang sống trong Chúa và cho Chúa, chờ ngày thân xác sống lại trong đời sống mới.
 
Anh chị em thân mến,

Khát vọng sâu xa nhất của con người là được trường sinh bất tử. Nhưng chỉ có Thiên Chúa mới trường sinh bất hoại và chỉ có Người mới có thể làm cho chúng ta trường sinh bất tử. Để được gặp Chúa, ai trong chúng ta cũng phải bước qua cửa tử, có người bước qua để vào cõi trường sinh với Chúa, có kẻ bước qua để vào cõi chết đời đời. Nếu chúng ta sống cho Chúa và chết vì Chúa như 8 mẹ con trong sách Ma-ca-bê hay như các Thánh Tử Đạo Việt nam thì chúng ta sẽ được xét xứng đáng dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, vì Thiên Chúa chỉ ban thưởng thiên đàng cho những ai trung thành với Người.

Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần Chúa Giê-su mời chúng ta hưởng nếm trước hương vị Nước Trời bằng cách thông hiệp với Mình và Máu Ngài như lời Ngài đã nói: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời”. Sự sống đời đời ấy sẽ tỏ hiện trong vinh quang chói lọi vào ngày tận thế khi xác loài người sống lại. Xin cho niềm tin này luôn nâng đỡ cuộc sống còn nhiều gian nan thử thách của chúng ta. Amen.

Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc