banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TÔN VINH THIÊN CHÚA

Đăng lúc: Thứ năm - 10/10/2019 21:30 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TÔN VINH THIÊN CHÚA

TÔN VINH THIÊN CHÚA

Lời Chúa: 2 V5,14-17; 2 Tm 2,8-13; Lc 17,11-19

Qua phần phụng vụ Lời Chúa của chúa nhật 28 thường niên hôm nay, Hội thánh cho chúng ta nghe những bài Kinh thánh liên quan đến những người lương dân đã tìm được niềm tin.

Câu chuyện trong bài đọc 1 nói đến Naaman người Xy-ri. Ông là vị tướng chỉ huy toàn thể quân lực Xy-ri, được vua tín cẩn nhưng lại mắc bệnh phung cùi. Nghe tin ở đất Giu-đa có vị ngôn sứ nổi danh làm phép lạ. Ông xin vua Xy-ri giấy giới thiệu sang đất Do thái gặp ngôn sứ để xin chữa bệnh. Ngôn sứ Ê-li-sê bảo cứ xuống sông Gio-đan tắm 7 lần sẽ được khỏi. Thoạt đầu ông không muốn nghe vì nghĩ sông Gio-đan có sạch gì hơn những con sông ở Xy-ri. Nhưng sau nhờ sự động viên của đoàn tùy tùng, ông đã vâng lời xuống sống tắm 7 lần và được lành sạch.

Naaman là người xứ Xy-ri đã được chữa lành đang khi ấy, ở đất Do thái có biết bao người bị phung cùi mà không được chữa khỏi như ông. Trường hợp của ông nói lên lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với lương dân. Khi được sạch rồi, Naaman cùng đoàn tùy tùng đến gặp ngôn sứ và nói rằng: Bây giờ, tôi biết rằng trên khắp mặt đất, không có Chúa nào khác ngoài Chúa của Ít-ra-en. Naaman đã bỏ tà thần để suy phục Thiên chúa. Ông đã được đức tin sau khi được lành bệnh. Từ nay ông trở thành dân của Chúa. Và chắc chắn đức tin của ông dứt khoát, mạnh mẽ hơn nhiều người Do thái. Để chứng tỏ đức tin này, trước hết ông xin dâng chút lễ mọn cho vị ngôn sứ, không phải vì muốn cám ơn Ê-li-sê đã chữa ông khỏi bệnh cho bằng để nói lên rằng ông tin Ê-li-sê là ngôn sứ, là người của Chúa. Ông muốn cư xử như một tín hữu thực thụ. Ngôn sứ Ê-li-sê từ chối, có lẽ vì tế nhị nhưng có thể Ê-li-sê muốn thử đức tin của Naaman, vì theo lời nói tiếp sau, chúng ta thấy Naaman có vẻ sợ ngôn sứ Ê-li-sê chưa coi mình là một tín hữu. Ông nói: vậy, nếu ông không nhận thì xin phép cho tôi tớ ông đây mang về một số đất vừa sức 2 con la chở được, vì tôi sẽ không dâng lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa của Ít-ra-en. Bởi vì theo quan niệm thời bấy giờ, đất nước nào, thần linh nấy. Naman đã tin Chúa của Ít-ra-en thì phải thờ Ngài trên đất của Ngài. Đất cát xứ Xy-ri không xứng đáng với Ngài nữa vì là đất của dân ngoại; nay trở về quê quán, Naman phải đem theo một ít đất Do thái về để dựng bàn thờ trên đất ấy mà thờ phượng Thiên Chúa. Nếu Ê-li-sê cho phép làm như vậy, Naman mới chắc chắn vị ngôn sứ đã tin mình và coi mình như tín hữu; vì thế lời xin của Naaman còn là một lời tuyên xưng đức tin chân chính. Chúng ta cảm phục ông cũng như chúng ta thường cảm phục đức tin của những người mới trở lại. Họ muốn là những tín hữu một trăm phần trăm khiến chúng ta những người đạo dòng phải suy nghĩ.

Câu chuyện Naaman người phung cùi dẫn chúng ta đến câu nguyện trong bài Tin mừng liên quan đến 10 người phung cùi muốn đón gặp Đức Giê-su nhưng luật không cho phép họ đến gần, họ chỉ dám đứng đàng xa mà kêu lớn tiếng: Lạy Thầy Giê-su, xin thương chúng tôi. Họ gọi Đức Giê-su là Thầy nhưng họ không nghĩ đến khả năng giáo huấn của Đức Giê-su đâu, họ trông chờ quyền năng làm phép lạ của Ngài. Ngài là Thầy theo nghĩa Ngài là ngôn sứ của Thiên Chúa cũng như Naaman đã nghĩ như vậy về Ê-li-sê.

Chắc chắn Đức Giê-su đã coi lời họ xin là biểu thị lòng tin nên bảo họ: Hãy đi trình diện với các tư tế. Theo luật Do thái qui định, một người phung cùi khi đã khỏi bệnh phải đi trình diện tư tế để được chứng thực đã khỏi bệnh và nhờ đó mà được sinh hoạt bình thường như những người khác. Bảo họ đi trình diện tức là Đức Giê-su đã cam kết chữa lành cho họ, vì Ngài đã chắc chắn về lòng tin của 10 bệnh nhân này. Và quả thực, họ tin Đức Giê-su đến nỗi lập tức ra đi trình diện trong tình trạng chưa thấy được sạch phung cùi. Đây là niềm tin có thể chuyển núi rời non. Và thật vậy, trong khi họ đi, họ đã được chữa lành. Tất cả 10 người đều được chữa lành.

Thế nhưng điều đáng tiếc là chỉ có một người trở lại tôn vinh Thiên Chúa. Anh sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Một chút xót xa trong câu hỏi của Đức Giê-su: Thế còn 9 người kia đâu? Qua câu hỏi này của Đức Giê-su, chúng ta có thể hiểu nơi 9 người kia, phép lạ chỉ xảy ra nơi thân xác của họ, chứ chưa chạm đến tâm hồn họ. Họ chỉ được cứu nơi thân xác nhưng chưa được cứu độ nơi tâm hồn. Chỉ duy nhất có một người, mà người ấy là một người ngoại quốc, một người ngoại đạo, đã thực sự nhận được ơn cứu rỗi toàn diện. Trong khi 9 người kia tiếp tục làm người Do thái thì người ngoại đạo này đã trở thành tín hữu. Và chính anh đã lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa và sấp mình cám ơn Đấng đã cứu chữa anh. Một cử chỉ tuyên xưng lòng tin quá đẹp phải không anh chị em? Nhưng người tín hữu Xa-ma-ri này cũng như bất cứ người tín hữu nào không được quì mãi dưới chân Đức Giê-su. Đức Giê-su bảo: Đứng dậy về đi. Đã có niềm tin chưa phải là xong chuyện. Anh còn phải tuyên rao về niềm tin ấy. Chắc chắn anh sẽ nói thật nhiều về Đấng đã cứu chữa anh.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta là tín hữu. Chúng ta không chỉ tin vào Thiên Chúa duy nhất như Naaman trong bài đọc 1, chúng ta cũng không chỉ tin vào Đức Giê-su có quyền làm phép lạ như 10 người phung cùi trong bài Tin mừng, nhưng chúng ta tin Đức Giê-su là là Thiên Chúa như người Xa-ma-ri kia và nhất là chúng ta tin Đức Giê-su đã chết và đã sống lại vì chúng ta như lời thánh Phao-lô trong bài đọc 2. Do đó, dù có mắc bệnh hay mắc không mắc bệnh, dù được khỏi hay không được khỏi, dù bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta vẫn tin vào Ngài. Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần Chúa Giê-su Kitô kết hiệp với chúng ta và chúng ta được kết hiệp với Ngài. Ngài đưa chúng ta vào đường lối của Ngài để như Ngài đã đi vào mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh thế nào, chúng ta cũng sẽ chỗi dậy từ cõi chết để đi với Ngài vào hạnh phúc muôn đời như vậy. Xin cho niềm tin này trở thành máu thịt của chúng ta, khiến chúng ta không ngừng sống và rao giảng Chúa Giê-su Kitô cho mọi người. Amen.

Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc