VẾT ĐINH Ở TAY NGƯỜI
Lời Chúa: Cv 5,12-16; Kh 1,9-19; Ga 20,19-31
Dựa vào bài Tin mừng vừa nghe, chúng ta không rõ vì lý do gì mà Tô-ma đã hụt gặp Chúa Giê-su. Chỉ biết lúc Chúa hiện đến thì ông không có mặt với anh em. Một cách nào đó, có sự xa cách giữa ông và cả nhóm. Sự xa cách này càng rõ rệt hơn khi ông từ chối tin vào lời các bạn loan báo: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Phải chăng ông sợ bị đánh lừa hay đối với ông chuyện thấy Chúa sống lại là chuyện hão huyền, không thể xảy ra được. Dù sao thì ông không tin vào lời các bạn nói, ông không tin vào cộng đoàn, nhưng ngược lại rất tin vào chính mình, vào sự chính xác của giác quan: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn người, thì tôi không tin”.
Tại sao ông đòi nhìn thấy vết đinh, tại sao ông đòi thọc ngón tay vào lỗ đinh? Thưa là bởi vì đó là hình ảnh cuối cùng của thầy Giê-su mà ông được biết: ngài đã bị đóng đinh trên thập giá, với cạnh sườn bị đâm thủng. Đó là một sự thật mà ông không dám nghi ngờ. Vậy nếu quả thầy Giê-su đã sống lại như các bạn nói thì phải kiểm tra xem người đó có thật là thầy cũ của mình không, kiểm tra bằng mắt và cả bằng tay để xem những dấu vết của cuộc tử nạn có in hằn trên thân xác người đó không. Đối với Tô-ma, Chúa Giê-su phục sinh phải là một với Đức Giê-su bị treo trên thập giá.
Ông Tô-ma đòi hỏi như vậy có quá đáng không? Các môn đệ khác đã được Chúa Giê-su phục sinh cho xem tay và cạnh sườn ngài, còn Tô-ma lại đòi nhiều hơn: ông muốn đụng chạm đến các vết thương và ông coi đó là điều kiện để ông tin. Ông muốn đích thân tiếp xúc với Đấng Phục Sinh để rồi đi đến đức tin, chứ không chấp nhận một đức tin dựa trên lời chứng của bè bạn hay của những người bảo rằng mình đã chứng kiến.
Cũng may cho Tô-ma, Chúa Giê-su phục sinh là đấng không muốn cho ai bỏ cuộc nên ngài đã chiều ý Tô-ma. Nhưng ngài không gặp Tô-ma riêng một mình mà gặp ông lúc ông có mặt với các anh em khác. Như thế, một tuần sau, cũng vào ngày chúa nhật, Chúa Giê-su hiện đến như thể cho riêng Tô-ma mà thôi. Ngài lưu tâm đến tập thể nhưng ngài không quên từng người, đặc biệt những ai đang gặp khó khăn. Ngài tôn trọng tính khí riêng của từng người. Chính ngài đi bước trước đến với Tô-ma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng nhưng hãy tin”. Ngài mời ông kiểm chứng, xem bằng mắt, sờ bằng tay và hãy trở lại với đức tin của cộng đoàn.
Chẳng biết Tô-ma có dám làm điều ông đã đòi hỏi không nhưng chắc chắn thái độ bao dung và yêu thương của Chúa Giê-su đã chinh phục được quả tim Tô-ma, khiến môi ông bật lên lời tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Lời tuyên xưng này đi xa hơn những lời tuyên xưng trước bởi vì Tô-ma đã tuyên xưng Chúa Giê-su phục sinh ngang hàng với Thiên Chúa Gia-vê. Và Chúa Giê-su đã mặc nhiên chuẩn nhận lời tuyên xưng này, ngài nói: “Vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Khi nói điều đó, chắc chắn Chúa Giê-su hướng tầm mắt về chúng ta là những người sống sau ngài hằng bao thế kỷ, là những kẻ chưa một lần giáp mặt ngài. Ngài tuyên bố rằng phúc cho chúng ta vì đã tin, dù chỉ được nghe về ngài mà thôi. Xưa Tô-ma đã tin vì được thấy, còn nay chúng ta tin nhờ được nghe lời chứng của các môn đệ là những người đã chứng kiến tận mắt. Như thế, người không thấy cũng có phúc ngang với người thấy và thậm chí còn có công hơn. Về vấn đề này, thánh Phê-rô đã viết một câu thật đẹp: “Tuy không thấy Chúa, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả và rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin là ơn cứu độ linh hồn anh em” (1P 1,8-9).
Anh chị em thân mến,
Ngay giữa lòng Giáo hội, ngay trong cộng đoàn giáo xứ hay trong gia đình, có khi ngay cả trong cộng đoàn dòng tu nữa, vẫn có những người đang gặp khó khăn như Tô-ma, những người dường như không tiến chung một nhịp với những người khác. Họ có thể làm chúng ta khó chịu vì một chút hoài nghi, bướng bỉnh của họ. Họ không ở với tập thể nhưng vẫn không hoàn toàn cắt đứt liên lạc với tập thể. Trong những trường hợp như thế, sự quan tâm của cả cộng đoàn cũng như sự bao dung nhẫn nại của mỗi thành viên trong cộng đoàn sẽ đưa họ trở lại không những với Chúa mà cả với cộng đoàn.
Đàng khác, quanh ta vẫn còn nhiều người chưa tin Chúa. Như Tô-ma, họ cũng đòi thấy và đụng chạm đến Thiên Chúa. Chắc chắn Thiên Chúa không phải là đấng có thể nhìn bằng mắt, sờ bằng tay. Thế nhưng, nếu hiểu “thấy và đụng chạm” theo nghĩa là “có cảm nghiệm”, thì đòi hỏi trên lại rất chính đáng. Và vì thế, chúng ta phải có khả năng giúp họ thấy và đụng chạm được Thiên Chúa qua đời sống chứng tá của mình. Nói cách khác, mỗi người chúng ta phải có cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa trong cầu nguyện và trong đời thường, đến mức có thể nói rằng: “Tôi đã xem thấy Chúa”, đồng thời giúp cho người khác khi nhìn vào chứng tá đời sống của chúng ta, họ có thể nói rằng: “Tôi đã xem thấy Chúa qua bạn”.
Trong chiều hướng đó, bài đọc 1 trích sách Công vụ tông đồ cho biết rằng đức tin, kinh nguyện và tình yêu thương lẫn nhau giữa các tín hữu sơ khai đã khiến người ngoại khen ngợi, và từ chỗ khen ngợi, dần dần họ tìm đến đức tin và gia nhập đạo Chúa.
Ngày nay, Tin mừng Phục sinh được trao cho chúng ta. Và chúng ta loan báo sứ điệp đó bằng đời sống đức tin, bằng kinh nguyện và bằng tình thương lẫn nhau để chinh phục nhiều linh hồn về cho Đấng đã chết và sống lại vì loài người chúng ta. Amen.
Ý kiến bạn đọc