Mùa Chay, mùa cấu tạo nên một con đường tập luyện cao độ về mặt thiêng liêng, lại một lần nữa, Phụng Vụ đề nghị chúng ta ba hành động thống hối rất quen thuộc với truyền thống Kinh Thánh và Kitô giáo, đó là kinh nguyện, bố thí và ăn chay, để dọn tâm hồn cử hành lễ Phục Sinh một cách sốt sắng hơn, và như thế, trải nghiệm được quyền năng của Thiên Chúa là Đấng yêu thương và như thế chúng ta sẽ hiểu rõ hơn Đêm Vọng Phục Sinh, “Khử trừ muôn tội vạ, thanh tẩy hết lỗi lầm, biến tội nhân thành con người công chính, đem vui mừng cho hồn nặng sầu thương, tiêu diệt hận thù, giải hòa bất thuận, khuất phục mọi quyền uy” (Công bố Tin Mừng Phục Sinh). Quả thật, Mùa Chay nhắc cho chúng ta 40 ngày chay tịnh của Chúa trong hoang địa, trước khi Người bắt đầu sứ mệnh công khai của mình. Chúng ta đọc thấy trong Phúc Âm: “Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào trong hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Sau khi đã ăn chay 40 đêm 40 ngày, Người cảm thấy đói” (Mt 4, 1 – 2). Như ông Môisen, trước khi lãnh nhận các Bia Luật (x. Xh 34,28), và Tiên tri Elia, trước khi gặp được Chúa trên núi Horeb (x. 1V 19, 8), thì cũng thế, Đức Giêsu, trong khi cầu nguyện và ăn chay, đã chuẩn bị cho sứ mệnh của mình, và Người đã bắt đầu sứ mệnh bằng một cuộc chạm trán khốc liệt với tên cám dỗ.
Chúng ta có thể tự hỏi đâu là giá trị và ý nghĩa cho chúng ta là những Kitô hữu trong việc kiêng khem một vài điều gì đó, tự bản tính, là tốt và có lợi cho cuộc sinh tồn của chúng ta. Sách Thánh và toàn bộ truyền thống Kitô giáo dạy rằng ăn chay là một sự trợ giúp lớn lao trong việc xa lánh tội lỗi và tất cả những gì dẫn đến tội. Chính vì thế, trong lịch sử ơn cứu độ, lời mời gọi ăn chay vẫn thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Ngay trong những trang đầu tiên của sách Thánh, Chúa truyền cho con người không được ăn trái cấm: “Ngươi có thể ăn hết thảy mọi trái cây trong vườn, nhưng ngươi đừng ăn trái cây biết lành biết dữ, bởi vì ngày nào người ăn trái cây ấy, thì chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2, 16 – 17). Khi chú giải lệnh truyền của Chúa, Thánh Basilio đã nhận xét như sau “chay tịnh đã được quy định trong vườn địa đàng” và “giới luật đầu tiên này đã được ban cho Adam”. Và Thánh nhân đã kết luận như sau: “Điều cấm này “ngươi sẽ không được ăn” – là một điều luật về chay tịnh và kiêng khem” (x. Bài giảng về ăn chay: PG 31, 163, 98). Bởi vì tất cả chúng ta đều bị tội lỗi và những hậu quả của tội làm cho ra nặng nề, nên chay tịnh là một phương tiện giúp chúng ta nối lại tình hồi hương về Đất Hứa, khi ông mời gọi toàn dân tụ họp ăn chay “để tỏ lòng khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa” (8,21). Đấng Toàn Năng lắng nghe họ cầu nguyện, trấn an họ và nói rằng Người sẽ ban ân huệ và bảo vệ họ. Dân thành Ninive cũng đã làm như thế, sau khi nghe tiên tri Giona kêu gọi hối cải, để chứng minh lòng chân thành của mình, họ đã tuyên bố ăn chay và nói: “Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, và chúng ta khỏi phải chết”? (3,9). Và ở đây cũng thế, Thiên Chúa đã thấy việc họ làm và Người tha không phạt họ nữa.
Trong Tân Ước, Đức Giêsu đã làm nổi bật lý do sâu xa của việc ăn chay, khi Người lên án thái độ của những người Biệt phái, là những người chi li tuân tuân giữ từng chỉ thị một của Lề Luật đưa ra, nhưng lòng họ thì lại xa Chúa. Về việc ăn chay đích thực, trong những đoạn khác, Chúa còn nói ăn chay hệ tại việc thi hành thánh ý Cha trên trời, là Đấng “thấy rõ trong nơi bí ẩn và sẽ thưởng công cho ngươi” (Mt 6,18). Về điểm này, chính Người cũng đã làm gương cho chúng ta, sau khi nhịn ăn 40 đêm ngày trong nơi hoang địa, Người đã đáp trả lại Satan như sau: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Như thế, chay tịnh thực sự nhằm mục đích là để có được “lương thực đích thật”, lương thực ấy chính là thi hành thánh ý Chúa Cha (x. Ga 4,34). Do đó, nếu Adam bất tuân lệnh Chúa truyền “không được ăn trái cây biết lành biết dữ”, thì tín hữu hiểu chay tịnh là khiêm nhường vâng phục, và tín thác vào Thiên Chúa tốt lành và nhân hậu. Cộng đoàn sơ khai luôn thực thi việc chay tịnh (x. Cv 13,3; 14, 22; 27, 21; 2Cr 6,5). Các Giáo phụ cũng đề cập nhiều đến sức mạnh của việc ăn chay có khả năng kềm hãm tội lỗi, trấn áp những ước muốn của “con người cũ”, và mở ra trong tâm hồn tín hữu con đường hướng về Thiên Chúa. Ngoài ra, các Thánh cũng thường xuyên ăn chay và đề nghị chúng ta cũng làm như thế. Thánh Phêrô Kim Ngôn viết: “Chay tịnh là linh hồn của kinh nguyện, lòng nhân từ là sự sống của chay tịnh. Như thế, ai cầu nguyện thì phải biết ăn chay; và ai ăn chay thì phải biết thương xót; người ấy phải biết lắng nghe tha nhân đang kêu xin mình, và ai kêu xin thì cũng đều mong được chấp nhận; người được Chúa lắng nghe là người không hề bịt mắt bưng tai trước lời van xin của người khác” (Bài giảng 43: PL 52, 320. 332).
Ngày nay, việc ăn chay dường như đã đánh mất đi ý nghĩa thiêng liêng của nó, và trong bối cảnh của một nền văn hóa mà người ta chỉ nghĩ đến việc tìm kiếm một cuộc sống sung túc về mặt vật chất, thì việc ăn chay chỉ có giá trị chữa bệnh để chăm sóc thân xác. Ăn chay chắc chắn là có ích cho cuộc sống thể lý, nhưng, đối với tín hữu, thì trước tiên, chay tịnh là một “cách chữa bệnh” để chữa tất cả những gì ngăn cản không cho họ sống theo thánh ý Thiên Chúa. Trong Tông hiến Paenitemini – Thống hối – được ban hành năm 1966, Đức Phaolo VI, người tôi tớ Chúa thấy rằng ta cần phải đặt lại việc ăn chay vào trong bối cảnh lời Giáo Hội kêu gọi mọi Kitô hữu “đừng sống cho chính mình, mà là sống cho Đấng đã yêu mến và thí mạng sống mình vì ta, và sống cho những người anh em chúng ta nữa” (x. Chg. I). Mùa Chay là dịp để chúng ta áp dụng lại những tiêu chuẩn được nêu trong Tông hiến này, và để làm nổi bật ý nghĩa đích thực và thường xuyên của việc thống hối cổ xưa, một việc thống hối có khả năng giúp chúng ta chế ngự được tính ích kỷ và mở rộng lòng đón nhận tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, là giới răn đầu tiên và tối thượng của Lề Luật mới và tóm tắt toàn bộ Tin Mừng (x. Mt 22, 34 – 40).
Ngoài ra, trung thành trong việc ăn chay cũng góp phần thống nhất con người, cả xác lẫn hồn, bằng cách giúp con người xa lánh tội lỗi và lớn lên trong mối thân tình với Chúa. Thánh Augustino, là người đã từng biết rất rõ những khuynh hướng tiêu cực của mình và đã định nghĩa chúng như “mấu xích ngoằn ngoèo và rối bời” (Tự thuật, II, 10.18), đã viết trong một khảo luận về Lợi ích của chay tịnh: “Chắc chắn là tôi không thích loại hình khổ này, nhưng tôi thực thi là để Chúa tha thứ tội lỗi cho tôi; tôi hãm mình phạt xác để Người giúp đỡ tôi, để làm vui lòng Người, để có thể hưởng nếm được sự dịu hiền của Người” (Bài giảng 400, 3, 3: PL 40, 708). Kiêng khem của ăn trần gian, một của ăn nuôi dưỡng thân xác, sẽ giúp ta có thái độ nội tâm sẵn sàng biết lắng nghe lời Đức Kitô, và nuôi dưỡng mình bằng lời cứu độ của Người. Cùng với việc ăn chay và cầu nguyện, chúng ta để cho Người đến làm no thỏa một cơn đói còn sâu xa hơn nữa, một cơn đói mà chúng ta cảm nghiệm được từ tận chiều sâu tâm hồn mình: cơn đói và cơn khát Thiên Chúa.
Đồng thời, chay tịnh cũng giúp chúng ta ý thức hơn về hoàn cảnh sống của biết bao người anh chị em chúng ta. Trong thư thứ nhất, Thánh Gioan cảnh tỉnh chúng ta: “Nếu ai sống sung túc và thấy người anh chị em mình lâm cảnh túng quẫn mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu của Thiên Chúa có thể ở lại trong người ấy được”? (3, 17). Ăn chay giúp chúng ta noi gương người Samaritano nhân hậu cúi xuống giúp đỡ người anh em đang đau khổ (x. Deus caritas est – Thiên Chúa là tình yêu, s. 15). Khi chúng ta chọn kiêng khem một cái gì đó một cách tự do để giúp đỡ người khác, thì lúc đó, chúng ta sẽ chứng tỏ một cách cụ thể rằng người anh em đang lâm cảnh khó khăn không hề xa lạ với chúng ta. Cũng chính vì thế, để giúp chúng ta ngày càng biết đón tiếp và để tâm nhiều hơn nữa đến những người anh em của chúng ta. Mùa Chay là cơ hội tốt để gia tăng việc chay tịnh cá nhân và cộng đoàn, cũng như chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và bố thí. Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, những điều được nêu ở trên đã là một đặc tính trong đời sống của các cộng đoàn Kitô giáo, nơi người ta thường tổ chức những buổi lạc quyên đặc biệt (x. 2 Cr 8 – 9; Rm 15, 25 – 27). Các tín hữu được mời gọi giúp đỡ anh chị em nghèo khổ qua việc bớt chi tiêu nhờ việc ăn chay (x. Didascalie Ap., V, 20, 18). Ngày nay cũng thế, ta cũng cần tái khám phá và cổ vũ một việc thực thi như thế, đặc biệt là trong Mùa Chay.
Qua tất cả những gì vừa trình bày, ta thấy rõ việc ăn chay biểu thị một hành động khổ chế quan trọng, một khí giới thiêng liêng để chống lại tất cả những quyến luyến vô trật tự. Kiêng khem một cách tự nguyện khoái cảm trong việc ăn uống, cũng như những thú vui vật chất khác, sẽ giúp cho môn đệ Đức Kitô kiểm soát được những thèm muốn của bản tính con người đã bị suy yếu do nguyên tội, và những hậu quả tiêu cực ấy vẫn còn hoàn toàn tác động trên con người chúng ta. Một Thánh Thi cổ trong Phụng Vụ Mùa Chay khuyến khích chúng ta: Chúng ta nói năng, ăn uống, ngủ nghê và giải trí một cách điều độ hơn, và nhất là chúng ta phải sống tỉnh thức”.
Xét cho cùng, ta thấy chay tịnh có cùng một cùng đích tối hậu là giúp mỗi người trong chúng ta, như người Tôi tớ Chúa là Đức Gioan Phaolo II đã viết, tận hiến đời mình cho Thiên Chúa (x. Veritatis splendor – Ánh quang chân lý, 21). Do đó, Mùa Chay được mọi gia đình và mọi cộng đoàn Kitô giáo tận dụng, để xua đuổi tất cả những gì làm chúng ta chia lòng chia trí, và để gia tăng những gì nuôi sống tâm hồn, bằng cách mở rộng lòng đón nhận tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta cần phải để tâm nhiều hơn nữa đến kinh nguyện, lectio divina – đọc Sách Thánh, siêng năng lãnh nhận Bí tích Giao Hòa và tham dự chủ động vào Bí tích Thánh Thể, và tiên vàn là tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Với tâm tình này, chúng ta bước vào bầu khí thống hối đặc trưng của Mùa Chay. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc, Đấng làm cho chúng ta được vui mừng – cùng đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong những cố gắng để giải thoát tâm hồn khỏi ách nô lệ tội lỗi, và ngày càng làm cho tâm hồn chúng ta được trở nên một “nhà tạm sống động cho Thiên Chúa ngự trị”.
Đức Thánh Cha Benedicto XVI
Trích trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2008
G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc