banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

ĐỨC GIÊSU KITÔ – VỊ TÔN SƯ LỖI LẠC

Đăng lúc: Thứ hai - 14/01/2019 22:02 - Người đăng bài viết: menthanhgia
ĐỨC GIÊSU KITÔ – VỊ TÔN SƯ LỖI LẠC

ĐỨC GIÊSU KITÔ – VỊ TÔN SƯ LỖI LẠC

Những nét cản bản trong Sư phạm Giáo Lý

Giáo Hội do đặc tính của mình là hiện diện để loan báo Tin Mừng[1] theo lệnh truyền của Chúa Giêsu “Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Thần Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19 – 20). Bởi đó đối với Giáo Hội loan báo Tin Mừng không phải là một đóng góp tùy ý, nhưng là một bổn phận mà Giáo Hội có trách nhiệm để mọi người có thể tin và được cứu độ[2]. Dạy Giáo Lý hay nói cách khác đồng hành trong đức tin là Giáo Hội thực thi bổn phận quan trọng ấy. Vì thế, trong suốt dòng lịch sử đã qua việc Dạy Giáo Lý được nghiên cứu và bàn luận rất nhiều cả về nội dung lẫn phương pháp hầu có thể giúp các Giáo Lý Viên và học viên đạt được mục đích của mình trong việc dạy, học và sống Tin Mừng.

Trong suốt hành trình nghiên cứu và phát triển, thích ứng và áp dụng ngay cả những khám phá mới của khoa giáo dục học thời hiện đại, Giáo Hội nhận thấy rằng không có một khuôn mẫu và phương pháp sư phạm nào mà không dựa theo đường lối sư phạm của Thiên Chúa[3] và đặc biệt chính Chúa Giêsu là vị Tôn Sư duy nhất[4]. Điều ấy cho chúng ta một kinh nghiệm thật quý báu rằng chính Thiên Chúa – Người gieo giống đã làm cho hạt giống Lời Chúa được nảy sinh và lớn mạnh trong từng điều khiện và hoàn cảnh sống, từng thời gian và văn hóa khác nhau trên khắp cùng trái đất này. Trong “Hướng dẫn tổng quát của việc dạy Giáo Lý”, Giáo Hội xác định rằng “khoa sư phạm của Thiên Chúa là nguồn và kiểu mẫu của khoa giáo dục đức tin”[5].

 
1. Đường lối sư phạm của Thiên Chúa:
Cách thức giáo dục của Thiên Chúa Thể hiện rất rõ trong suốt dòng lịch sử dân Israel, qua đó Thiên Chúa mặc khải chính Ngài cho họ và làm cho họ khám phá ra căn tính đích thực của mình, để mỗi ngày họ trở nên giống Đấng tạo dựng nên họ hơn. Dưới ánh sáng Lời Chúa và từ chính kinh nghiệm của mình, Giáo Hội mô tả đường lối giáo dục của Chúa với những nét chính như [6]:

Trước tiên thể hiện trong phong cách của một nhà giáo dục, nghĩa là trong cách thế Người hiện diện và trong tương quan của Ngài với con người: Thiên Chúa là Cha. Tác giả thư Do Thái viết rằng “Thiên Chúa đã đối xử với anh em như những người con, có người con nào mà Ngài không sửa dạy?” (Dt 12, 7). Thiên Chúa như một người cha đầy lòng thương xót, một nhà giáo, một bậc khôn ngoan đảm nhận cả chiều kích cá nhân và cộng đoàn trong chính điều kiện của con người, giải phóng họ khỏi vương vấn của tội lỗi và lôi kéo họ về phía Mình với những ràng buộc tình yêu. Người làm cho họ lớn lên một cách tiệm tiến và đầy kiên nhẫn hướng về sự trưởng thành của một người con tự do, trung tín và vâng phục lời người.

Ở đây chúng ta có thể rút ra được mục đích giáo dục của Thiên Chúa, đó là làm cho con người trở nên “người con tự do, trung tín và vâng phục”. Để làm được điều này Người biến đổi những sự kiện của cuộc sống trong những bài học khôn ngoan, thích ứng với từng độ tuổi và hoàn cảnh sống khác nhau. Ngài ban cho họ những lời giáo huấn từ đời nọ đến đời kia, khiển trách và răn bảo họ với lời nhắc nhớ về phần thưởng và hình phạt, giáo dục họ với cả những thử thách và đau khổ.

Vì thế, phương pháp sư phạm đầu tiên căn bản của Chúa là ở chính căn tính của Ngài, đó là tình yêu, tình yêu của một Người Cha đi vào trong tương quan yêu thương với con cái mình. Mục đích giáo dục của Ngài là làm cho con người thấu hiểu và cảm nghiệm tình yêu cao sâu ấy và mời gọi họ sống tâm tình người con như là sự đáp trả. Phương pháp giáo dục của Ngài không nuông chiều, dễ dãi những dịu dàng và cương quyết, nhu mì nhưng thẳn thắn, yêu thương trong răn đe và sửa phạt. Phong cách này được thực hiện cách cụ thể nơi Chúa Giêsu Kitô, Ngài là “Vị Tôn Sư được Thiên Chúa sai đến” (Ga 3, 2).

2. 
Chúa Giêsu Kitô – Vị Tôn Sư lỗi lạc:
Nhìn lại cuộc đời của Chúa Giêsu được thuật lại trong Kinh Thánh Tân Ước chúng ta thấy rằng nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, không chỉ bạn hữu môn đệ, mà cả các kinh sư, nhóm Phariseu, và cả những người chống đối Đức Giêsu đều gọi Ngài là thầy. Tin Mừng nhất lãm cho chúng ta thấy điều đó: Mt 8,19; 2, 38; 9,6; 22, 16….; Mc 4, 38; 9, 17; 9, 38; 10, 17.20……; Lc 3,12; 7, 40; 9, 38; 10, 25; 11,45….

Người ta gọi Ngài là “Rabbi”, một danh xưng thể hiện sự kính trọng mà các môn đệ thường dùng để gọi Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu Ngài cũng tự nhận mình là Thầy: Mt 9, 11; 17, 24; Mc 5,35; Lc 8, 49; Ga 3,2.

Cách thức giảng dạy của Chúa Giêsu:

Thánh sử Luca thuật lại rằng “Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy” (Lc 3,22). Qua Tin Mừng của Thánh Macco 1,14 chúng ta thấy Đức Giêsu đã bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của Ngài ngay tại Galile. Đó không chỉ là quê hương của Ngài mà còn là nơi đông dân nhất trong vùng Palestine thời đó với những ngôi làng và khu phố xinh đẹp. Rồi có những khi vì sự nghiệp giảng dạy của mình Ngài phải đi ngang qua Samaria, Giudea. Khi thì Chúa giảng trên thuyền, khi ở biển hồ, ngoài phố xa, trong hội đường, trong nhà…. Lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.

Phương pháp giảng dạy của Chúa Giêsu[7]:

Đức Giêsu dạy trên nền tảng của truyền thống, vì Ngài đã hấp thụ nhiều điều tốt đẹp trong truyền thống của dân Ngài. Điều này không chỉ thấy rõ nội dung của các diễn từ, mà còn thấy trong những hình thức giảng dạy được Ngài sử dụng rất nhiều thường gắn liền với truyền thống như: các dụ ngôn, châm ngôn, các mối phúc….

Như bất kỳ người Do Thái đạo đức nào, Đức Giêsu hết sức tôn trọng lề luật (Lc 17, 14). Đức Giêsu khắc ghi trong lòng lời ca ngợi những người công chính của các tác giả Thánh Vịnh “Vui thú với lề luật Chúa, và nhẩm đi nhắc lại suốt đêm ngày” (Tv 1,2). Đặc biệt Chúa Giêsu nói trong Bài Giảng trên núi rằng “Các ngươi đừng tưởng Ta đến để phá hủy lề luật hoặc các tiên tri. Ta đến không phải để bãi bỏ lề luật nhưng là để kiện toàn” (Mt5, 17 - 19).

Tuy nhiên Đức Giêsu đã không hề tôn vinh và tuyệt đối hóa lề luật như một số người trong nhóm Phariseu quen làm. Ngài không coi lề luật như một chuẩn mực tối thượng chi phối cả những chi tiết vụn vặt của đời sống đạo đức con người, mà chỉ coi đó là phương tiện mà qua đó Thiên Chúa tiếp tục mặc khải ý định của mình cho toàn dân. Tất cả lề luật Chúa có thể được tóm tắt trong giới răn mến Chúa và yêu người.

Đức Giêsu dạy theo cách của các ngôn sứ:

Như các ngôn sứ thời xưa, Đức Giêsu đã thẳng thắn phê phán triết lý đã hình thành nên cơ cấu xã hội thời Đức Giêsu. Được tràn đầy Thánh Thần Thiên Chúa, khi công bố lời Chúa cách say mê và uy quyền, cũng giống các ngôn sứ Ngài đưa ra những trực giác và dự báo để giải thích các cuộc khủng hoảng, dấn thân đòi công lý cho người bị áp bức, can đảm trước thế lực cầm quyền, chê ghét thứ tôn giáo pha tạp và vụ hình thức và cuối cùng chịu chung số phận các các ngôn sứ (Mt 23, 37; Lc 13,34; Lc 13,33; Mt 13,57; Mc 6,4).
 Nhiều lần, Đức Giêsu đã được đồng hóa là ngôn sứ.

Đức Giêsu, Thầy dạy con đường sống

Bài học ấy về con đường sống không chỉ thể thiện trong những lúc Đức Giêsu làm phép lạ chữa bệnh trong ngày Sabat trước mặt các kinh sư, để mời gọi con người tôn trọng sự sống và bài học yêu thương, nhưng còn thể hiện trong cả cuộc đời Ngài. Vì chính Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6). Qua mầu nhiệm nhập thể Đức Kitô đi bước trước đến gặp gỡ con người để cho họ nhận biết nhân phẩm cao quý của mình, trong hành trình thương khó Thiên Chúa trao ban chính mình cho con người. Sự trao ban chính mình là phong cách sống của một con người có trái tim thương cảm với người xung quanh. Mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và Phục Sinh của Đức Kitô dạy cho con người bài học để xây dựng cuộc sống này đáng sống đó chính là tình yêu và sự hy sinh.  

Phương pháp sư phạm của Đức Giêsu:


♦ Dùng châm ngôn:
Theo học giả Borg “Châm ngôn là những lời vắn gọn và sức tích, có sức cô đọng hay khơi gợi một chân lý”. Chúng là những lời khuyên tốt lành và quen thuộc, diễn tả một sự thật rõ ràng tới mức chỉ người mất trí mới không nhận ra thôi.

Trong văn chương khôn ngoan của Kinh Thánh Do Thái chúng ta thấy đầy dẫy những bài học và lời dạy viết trong hình thức châm ngôn “Thà ăn bánh khô mà được êm ấm còn hơn đầy yến tiệc mà nhà cửa bất hòa” (Cn 17,1). Và cái tài tình của Đức Giêsu là nghệ thuật dùng châm ngôn trong sáng tạo đầy ý nghĩa, linh động, lắm khi dí dỏm.


♦ Dụ ngôn:
Là một người có khiếu kể truyện giống như nhiều Rabbi, Đức Giêsu thường sử dụng các dụ ngôn khi thi hành sứ vụ giảng dạy. Với lối nói cường điệu kiểu Seemit, thánh Macco khẳng định điều ấy rằng “Không bao giờ rao giảng mà không dùng dụ ngôn” (Mc 4,34).

Tính độc đáo của các dụ ngôn Đức Giêsu không nằm nhiều ở nội dung của chúng ta cho bằng ở mục đích Ngài nhắm tới khi kể. Đối với Đức Giêsu, dụ ngôn không chỉ đơn thuần là phương tiện giúp ta minh họa và làm sáng tỏ ý nghĩa của một đoan văn Thánh Kinh nào đó, mà trước hết đó chính là hình thức công bố. Theo Bornkamm “Ở đây, các dụ ngôn tự nó đã là những lời giáo huấn chứ không phải chỉ nhằm phục vụ cho một bài học nào khác bên ngoài dụ ngôn”.

Ž
♦ Hành động mang tính biểu tượng:
Người ta thường cho rằng hành động thuyết phục hơn lời nói. Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói rằng “Con người ngày nay cần một chứng nhân hơn là một thầy dạy”.

Đối với Tin Mừng Gioan, các phép lạ là những dấu chỉ cho biết Đức Giêsu là ai và Người đến để làm gì. Ngài dạy bằng những việc làm, hành động cụ thể và chính cuộc sống của Ngài là lời dạy hùng hồn nhất.


♦ Dạy theo hoàn cảnh:
Đức Giêsu thường chớp lấy những cơ hội khách quan xảy đến để giúp các thính giả của Ngài rút ra bài học. Ngài phát huy hết các khả năng phương tiện trực quan để làm cho lời dạy của Ngài nên sống động, ấn tượng và dễ nhớ, giúp người khác lập luận, nhận định và tự giác ngộ, ví dụ về đồng tiền của Xêda, ngày Chúa Nhật nên làm điều lành hay điều dữ…

♦ Đức Giêsu cũng có phong cách giáo dục khác như:
_ Cường điệu và phóng đại: để nhấn mạnh thông điệp của mình, nhằm lôi kéo thính giả và tạo nên cảm xúc trong chính họ, ngay cả những lời kích thích “Nếu mắt phải anh em phạm tội thì móc nó đi…”.

_ Nghịch lý: Ngài diễn tả chân lý bằng những lời có vẻ tự mâu thuẫn hay vô lý vì nó ngược với quan điểm chung và xu thế của xã hội đương thời. Chỉ những người chấp nhận cái nhìn của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa mới nhận ra ý nghĩa của các câu nói đó. “Ai cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình thì sẽ được cứu” (Mt 16,25).

_ Châm biếm: yếu tố căn bản của lời châm biếm là sự bất tương xứng giữa ý nghĩa sát chữ và ý nghĩa định nhắm đến. Đôi lúc nó còn có tác dụng hài hước ở chổ nét tương phản ấy không phải là chủ ý của người nói và người nói không nay biết, nhưng người nghe lại nhận ra. Với những kẻ chống đối Đức Giêsu, điều châm biếm nằm ở chổ: một đàng họ rất xác tín điều họ nói, nhưng điều ấy lại sai lầm và thiển cận (x. Ga 7, 27; 7, 52; 9, 16; 13, 37 – 38; 14, 8 -9; 16, 30 -32); họ nói ra sự thật, nhưng họ lại không đánh giá đúng sự thật (x. Ga 11,49-50; 12,19; 19,14).

Về phần mình, Đức Giêsu thường sử dụng châm biếm như một phương tiện khéo léo để đánh đổ sự tự vệ của đối phương hoặc để họ bất ngờ, và vạch trần những điều bất tương xứng giữa những lời họ giảng dạy và đời sống của họ. Đức Giêsu sự thật đã muốn nói gì khi Ngài trả lời những lời chỉ trích của nhóm Phariseu về việc Ngài đã ngồi ăn cũng phường thu thuế và kẻ tội lỗi “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng người đau ốm mới cần”. Qua câu nói đó phải chăng Đức Giêsu đang chất vấn những người Phariseu?

_ Ngôn ngữ giàu hình ảnh: Ngài dùng nhiều lối so sánh, ẩn dụ: đồng lúa, áng sáng, nước, lửa… gà mẹ ấp ủ gà con… những hình ảnh rất đời thường, thiết yếu cho cuộc sống: muối, dầu…

Điểm quan trọng trong phương pháp giáo dục và giảng dạy của Đức Giêsu là khai thác từ chính kinh nghiệm sống của thính giả. Ngài đặt câu hỏi và chất vấn về cuộc sống của họ.

Những thái độ của Đức Giêsu trong giảng dạy:

_ Tôn trọng tự do
_ Yêu thương
_ Thách thức

Các trình thuật Tin Mừng đã cho chúng ta thấy hình ảnh của Đức Kitô – Thầy dạy, vừa uy nghiêm vừa thân mật, gây xúc động và làm an tâm người đến với mình, thánh hóa và hướng dẫn, lay động, gây cảm xúc, uốn nắn, xét xử, tha tội, hằng ngày đồng hành cùng chúng ta trên con đường lịch sử tiến đến sự hoàn thiện và hoàn tất viên mãn. Đấng giảng dạy như thế đáng được tước hiệu duy nhất là “THẦY” và chỉ trong sự hiệp thông sâu xa với Người, các Giáo Lý Viên mới tìm thấy ánh sáng và sức mạnh cho việc canh tân chân chính công cuộc dạy Giáo Lý mà chúng ta mong ước[8].
 

[1] Phaolo VI, Evangeli Nuntiandi (ngày 08. 12. 1975), s. 14.
[2] Như trên, s. 5.
[3] X. Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô giáo – Gravissimum Educationis, Ủy Ban Giáo Lý – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (chuyển ngữ), Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2012, s. 4, tr. 725.
[4] X. như trên, s. 8, tr. 731.
[5] Congregation for the Clergy, General Directory for catechesis, Liberia Editrice Vaticana, Città del Vaticano 1997, tr. 155.
[6] X. General Directory for Catechesis, s. 139, tr. 155.
[7] X. Câu Lạc Bộ Dịch Thuật Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội (Chuyển ngữ), Đức Giêsu Nhà Giáo Ưu Việt, Nhà xuất bản Hà Nội, Tp. HCM 2009, tr. 49 – 84. Nguyên tác: Brian Grenier, Jesus the Teacher, St. Paul (NSW) 1994.
[8] X. Gioan Phaolo II, Tông huấn về việc dạy Giáo Lý trong thời đại chúng ta - Catechesi Tradendae (ngày 16 tháng 12 năm 1979), s. 8 – 9.

Tác giả bài viết: Isave Ngọc Mỹ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc