Hai người lớn tuổi, Simêon và Anna, chờ đợi trong đền thờ sự hoàn thành lời Thiên Chúa hứa cho dân Người: sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Nhưng sự chờ đợi của họ không thụ động mà đầy năng động. Chúng ta hãy theo dõi những chuyển động của ông Simêon: trước hết ông được Thần Khí thúc đẩy, sau đó ông nhìn thấy ơn cứu độ nơi Hài Nhi, và cuối cùng ông đón Ngài trong vòng tay của mình (x Lc 2, 26-28). Chúng ta hãy đơn giản tập trung vào 3 hành động này và để cho mình được tra vấn bởi một số câu hỏi quan trọng đối với chúng ta, đặc biệt đối với đời sống thánh hiến.
Đầu tiên là: chúng ta được thúc đẩy bởi cái gì? Simêon đến đền thờ “dưới tác động của Thần Khí” (câu 27). Chúa Thánh Thần là tác nhân chính trong cảnh này: chính Người thổi bùng lên nơi trái tim Simêon niềm khao khát Thiên Chúa, chính Người làm sống lại niềm mong đợi trong tâm hồn ông, chính Người hướng những bước chân của ông tiến về phía đền thờ và làm cho đôi mắt của ông có thể nhận ra Đấng Mêsia, ngay cả khi Ngài xuất hiện như một đứa trẻ đáng thương. Đây là những gì Chúa Thánh Thần thực hiện: Người làm cho chúng ta có thể nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa và công việc của Người, không phải trong những việc lớn lao, cũng không phải trong những dáng vẻ bên ngoài, cũng không phải trong những phô trương sức mạnh, nhưng trong sự nhỏ bé và mỏng giòn. Hãy nghĩ đến thập giá: ở đó nữa, cũng có sự nhỏ bé, mỏng giòn, cũng có thảm kịch nữa. Nhưng ở đó, có sức mạnh của Thiên Chúa. Thành ngữ “dưới tác động của Thần Khí” nhắc nhở chúng ta về điều được gọi là “những thúc đẩy thuộc linh” trong thần học tâm linh: chính những chuyển động này của linh hồn mà chúng ta cảm nhận bên trong mình và chúng ta được mời gọi lắng nghe, để phân biệt chúng đến từ Chúa Thánh Thần hay từ nơi khác. Hãy chú ý đến những thúc đẩy bên trong của Thần Khí.
Chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta để cho mình được tác động chính yếu bởi ai: bởi Chúa Thánh Thần hay bởi tinh thần thế gian? Đây là một câu hỏi mà tất cả chúng ta phải đối mặt, đặc biệt khi chúng ta là những người sống đời thánh hiến. Trong khi Thần Khí làm cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa trong sự nhỏ bé và mỏng giòn của một đứa trẻ, thì đôi khi chúng ta có nguy cơ nghĩ đến sự thánh hiến của chúng ta với những từ ngữ của kết quả, mục tiêu, thành công: chúng ta tìm kiếm ảnh hưởng, hiện diện nổi bật (visibilité), con số: đó là một sự cám dỗ. Nhưng Thần Khí không đòi hỏi điều đó. Người muốn chúng ta rèn luyện lòng trung thành hàng ngày, ân cần (docile) với những việc nhỏ nhặt được giao phó. Lòng chung thủy của Simêon và Anna đẹp biết bao! Mỗi ngày họ đến đền thờ, mỗi ngày họ chờ đợi và cầu nguyện, ngay cả khi thời gian trôi qua và dường như không có gì xảy ra. Họ chờ đợi cả đời, không ngã lòng và không than van, luôn giữ lòng trung thành mỗi ngày và nuôi dưỡng ngọn lửa hy vọng mà Thần Khí đã đốt lên trong lòng họ.
Anh chị em thân mến, chúng ta có thể tự hỏi: điều gì thúc đẩy ngày sống của chúng ta? Tình yêu nào thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước? Chúa Thánh Thần hay niềm đam mê nhất thời nghĩa là bất cứ cái gì? Chúng ta tiến triển trong Giáo hội và trong xã hội như thế nào? Đôi khi, ngay cả đằng sau vẻ bên ngoài của những công việc tốt lành, cũng có thể ẩn nấp con sâu của lòng tự kỷ ái mộ (narcissisme) hoặc sự điên cuồng của chủ nghĩa đối kháng (protagonisme). Trong những trường hợp khác, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng các cộng đoàn tu sĩ của chúng ta xem ra bị thúc đẩy nhiều hơn bởi sự lặp lại máy móc - làm những việc theo thói quen, chỉ để bận rộn thôi- hơn là bởi lòng nhiệt thành liên kết với Chúa Thánh Thần. Sẽ tốt cho mỗi người chúng ta nếu chúng ta kiểm tra lại những động lực bên trong của mình ngày hôm nay, hãy biện phân những thôi thúc tâm linh, bởi vì việc canh tân đời sống thánh hiến trước hết đi qua điều này.
Câu hỏi thứ hai: mắt chúng ta nhìn thấy gì? Simêon, được Thần Khí thúc đẩy, nhìn thấy và nhận ra Đức Kitô. Và ông cầu nguyện rằng: “Mắt tôi đã thấy ơn cứu độ” (c. 30). Đây là phép lạ vĩ đại của đức tin: nó mở mắt, biến đổi cái nhìn, thay đổi tầm nhìn. Như chúng ta đã biết qua nhiều lần gặp gỡ Chúa Giêsu trong các sách Phúc âm, đức tin nảy sinh từ ánh mắt từ bi mà Thiên Chúa nhìn chúng ta, cởi bỏ những chai cứng của trái tim chúng ta, chữa lành vết thương của trái tim, cho chúng ta đôi mắt mới để nhìn chính mình và thế giới. Một cái nhìn mới về bản thân, về người khác, về tất cả những tình huống mà chúng ta trải qua, dù là đau đớn nhất. Đây không phải là một cái nhìn ngây thơ mà là một cái nhìn khôn ngoan. Ánh mắt ngây thơ trốn tránh thực tại hoặc giả vờ không nhìn thấy những vấn đề. Ngược lại, đó là một cái nhìn biết “nhìn bên trong” và “nhìn bên kia”; không chỉ dừng lại ở những dáng vẻ bề ngoài, mà cũng còn biết đi vào những vết nứt của sự mong manh và thất bại để cảm nhận được ở đó sự hiện diện của Thiên Chúa.
Dù mòn mỏi theo năm tháng, đôi mắt già nua của Simêon nhìn thấy Chúa, nhìn thấy ơn cứu độ. Còn chúng ta thì sao? Mỗi người có thể tự hỏi: mắt chúng ta nhìn thấy gì? Chúng ta có nhãn quan nào về đời sống thánh hiến? Thế gian thường coi đó là một “sự lãng phí”: “Hãy nhìn xem, một người trẻ có năng khiếu này lại trở thành một nam tu sĩ hay một nữ tu… Thật lãng phí. Nếu người trẻ ấy xấu xí… Không, họ đẹp, thật lãng phí ”. Đây là cách chúng ta suy nghĩ. Thế gian có thể xem đời sống thánh hiến như một thực tại thuộc quá khứ, một cái gì đó vô dụng. Nhưng chúng ta, cộng đoàn Kitô giáo, tu sĩ nam và nữ, chúng ta thấy gì? Chúng ta có đang quay nhìn về phía sau, hoài niệm những gì không còn nữa, hay chúng ta có cái nhìn đức tin hướng về tương lai, tương lai xa hơn không? Có sự khôn ngoan để nhìn – do chính Thần Khí ban cho - để nhìn rõ, hướng đến tương lai, am hiểu thực tại. Tôi cảm thấy rất vui khi nhìn thấy những người cao tuổi sống đời thánh hiến, những người với đôi mắt sáng, tiếp tục mỉm cười, mang lại hy vọng cho những người trẻ. Hãy nghĩ về tất cả những lần chúng ta gặp được những cái nhìn như thế và hãy ngợi khen Thiên Chúa về điều đó. Đó là những cái nhìn của hy vọng, mở ra cho tương lai. Và có lẽ sẽ rất tốt cho chúng ta, trong những ngày này, được gặp gỡ, thăm hỏi các tu sĩ nam nữ lớn tuổi, để nhìn họ, nói chuyện, hỏi han, nghe họ nghĩ gì. Tôi nghĩ đó sẽ là một liều thuốc tốt.
Anh chị em thân mến, Chúa không quên ban cho chúng ta những dấu chỉ để mời gọi chúng ta có một tầm nhìn mới về đời sống thánh hiến. Phải làm như vậy, nhưng trong ánh sáng, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể giả vờ như không nhìn thấy những dấu chỉ ấy, và tiếp tục như thể không có chuyện gì xảy ra, lặp đi lặp lại những điều lúc nào cũng thế, lê lết vì uể oải trong những hình thức của quá khứ, bị tê liệt bởi nỗi sợ thay đổi. Tôi đã thường nói: ngày nay, cám dỗ lùi bước, vì an toàn, vì sợ hãi, để giữ đức tin hay bảo tồn đặc sủng của Đấng sáng lập ... Đó là một cám dỗ. Sự cám dỗ thụt lùi và duy trì “các truyền thống” một cách cứng nhắc. Hãy nhớ rằng sự cứng nhắc là một sự sai trái, và bên dưới tất cả mọi cứng nhắc đều có những vấn đề nghiêm trọng. Simêon và Anna đều không cứng nhắc, không, họ được tự do và có niềm vui của lễ hội: ông ca ngợi Chúa và can đảm nói tiên tri cho người mẹ; và bà ấy, như một bà lão tốt bụng, đi chỗ này chỗ kia, vừa đi vừa nói: "Hãy nhìn cái này, hãy nhìn cái kia!". Họ vui mừng loan báo, ánh mắt tràn đầy hy vọng. Không có bất động của quá khứ, không có cứng nhắc. Hãy mở rộng tầm mắt của chúng ta: qua những cuộc khủng hoảng - vâng, đó là sự thật, có những cuộc khủng hoảng - số ơn gọi giảm sút - “Thưa cha, không có ơn gọi, bây giờ chúng ta sẽ đi đến tận cùng thế giới để xem có tìm được một vài ơn gọi không. ”-, các nguồn lực đang suy giảm, Thần Khí mời gọi chúng ta đổi mới lối sống và cộng đoàn của chúng ta. Và chúng ta sẽ làm điều đó như thế nào? Người sẽ chỉ đường cho chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta hãy can đảm mở rộng trái tim mình, không sợ hãi. Hãy mở rộng trái tim của chúng ta. Hãy nhìn Simêon và Anna: dù tuổi đã cao nhưng họ không dành thời giờ để tiếc nuối một quá khứ không quay trở lại, mà họ luôn mở rộng vòng tay cho tương lai đang đến. Anh chị em thân mến, đừng lãng phí ngày hôm nay để nhìn vào ngày hôm qua, hoặc mơ về một ngày mai không bao giờ đến, nhưng hãy đặt mình trước mặt Chúa, để tôn thờ, và cầu xin có được những đôi mắt biết thấy điều tốt lành và nhận biết những đường lối của Thiên Chúa. Chúa sẽ chỉ đường cho chúng ta nếu chúng ta xin Ngài. Với niềm vui, với sức mạnh, không sợ hãi.
Cuối cùng, một câu hỏi thứ ba: chúng ta đang ôm cái gì trong tay? Simêon đón lấy Chúa Giêsu vào vòng tay của mình (x. c. 28). Đó là một cảnh dịu dàng và ý nghĩa, duy nhất trong các sách Phúc âm. Thiên Chúa đặt Con của Người vào vòng tay của chúng ta bởi vì đón nhận Chúa Giêsu là điều cốt yếu, là trung tâm của đức tin. Đôi khi chúng ta có nguy cơ đánh mất chính mình và bị phân tán trong muôn ngàn thứ khác nhau, bám dính vào những cái thứ yếu hoặc đắm mình trong những dự phóng mới, nhưng trung tâm của mọi thứ là Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta phải đón lấy làm Chúa của cuộc đời chúng ta.
Khi ông Simêôn ôm Chúa Giêsu trong tay, môi ông thốt lên những lời chúc tụng, ngợi khen, thán phục. Và chúng ta, sau nhiều năm sống đời thánh hiến, chúng ta có đánh mất khả năng thán phục không? Hay chúng ta vẫn còn khả năng này? Chúng ta hãy xem xét kỹ, và nếu ai không tìm thấy nó, hãy xin ơn biết thán phục, thán phục trước những điều kỳ diệu Thiên Chúa đang thực hiện nơi chúng ta, những điều kỳ diệu ẩn giấu như những điều kỳ diệu trong đền thờ, khi Simêon và Anna gặp Chúa Giêsu. Nếu những người sống đời thánh hiến thiếu những lời chúc tụng Thiên Chúa và tha nhân, nếu thiếu niềm vui, nếu mất nhiệt tâm, nếu cuộc sống huynh đệ chỉ là nỗi đau, nếu thiếu sự thán phục, thì đó không phải là vì chúng ta là nạn nhân của ai đó hay của điều gì đó, lý do thực sự là vòng tay của chúng ta không còn ôm chặt Chúa Giêsu. Và khi cánh tay của một người nam hay nữ sống đời thánh hiến không ôm chặt Chúa Giêsu thì những cánh tay ấy ôm lấy sự trống rỗng, mà họ tìm cách lấp đầy bằng những thứ khác, nhưng chỉ có trống rỗng. Ôm Chúa Giêsu trong vòng tay của chúng ta: đó là dấu chỉ, đó là con đường, đó là “công thức” của đổi mới. Vì vậy, khi chúng ta không ôm lấy Chúa Giêsu, con tim sẽ khép chặt lại trong cay đắng. Thật đáng buồn khi thấy những người thánh hiến cay đắng: họ đóng kín trong những phàn nàn về những điều xảy ra không đúng lúc, trong một sự nghiêm khắc khiến họ trở nên bất khoan dung, trong những thái độ trịch thượng mạo nhận. Họ luôn phàn nàn về một điều gì đó: bề trên, anh em, chị em, cộng đoàn, thực phẩm… Nếu không phàn nàn thì họ không sống. Nhưng chúng ta phải ôm chặt Chúa Giêsu trong sự tôn thờ và xin cho đôi mắt biết thấy điều tốt lành và nhận ra đường lối của Thiên Chúa. Nếu chúng ta đón lấy Đức Kitô với vòng tay rộng mở, thì chúng ta cũng sẽ chào đón người khác với lòng tin tưởng và khiêm hạ. Khi đó xung đột sẽ không còn dữ dội, khoảng cách sẽ không còn chia cắt, và cám dỗ thống trị và làm tổn thương phẩm giá của một số anh chị em nào đó sẽ biến mất. Chúng ta hãy mở rộng vòng tay cho Chúa Kitô và cho anh chị em chúng ta! Đó là nơi Chúa Giêsu đang ở.
Anh chị em rất thân mến, hôm nay chúng ta hãy hăng hái canh tân cuộc thánh hiến của mình! Chúng ta hãy tự hỏi đâu là động lực làm sống động con tim và hành động của chúng ta, đâu là tầm nhìn đổi mới mà chúng ta được mời gọi vun trồng và nhất là, chúng ta hãy mang Chúa Giêsu trong vòng tay mình. Ngay cả khi chúng ta cảm thấy chán ngán và mệt mỏi - điều đó xảy ra: ngay cả những thất vọng cũng xảy ra - chúng ta hãy làm như Simêon và Anna là kiên nhẫn chờ đợi sự trung tín của Chúa và không cho phép mình mất đi niềm vui của cuộc gặp gỡ. Chúng ta hãy tiến tới niềm vui của cuộc gặp gỡ: nó rất đẹp! Hãy đặt Chúa vào lại trung tâm và tiến bước trong niềm vui. Amen.
Ý kiến bạn đọc