DẤN THÂN TRONG THẾ GIỚI
Tiếp theo kỳ trước và hết
6. Lòng trông cậy
Làm việc tông đồ tức là khởi sự cậy trông. Mọi hoạt động nhằm làm cho thế giới tốt hơn đều nằm trong công trình cứu chuộc bao la, mà qua công trình ấy lịch sử nhân loại cố gắng tuần tự thực hiện việc thần hóa vũ trụ, mà trên nguyên tắc, Chúa Kitô đã đạt được, trong cuộc hy sinh cứu độ của Ngài. Mọi việc ấy dựa vào bước tiến lên của Giáo Hội, làm cho Chúa Kitô ngày càng chiếu giãi ánh sáng sâu xa hơn trong nhân loại. Như vậy, các việc ấy đều bao hàm niềm trông cậy vào sự tiến bộ thiêng liêng sẽ dẫn nhân loại đến giai đoạn chung cuộc viên mãn, là lúc nhân loại sẽ được sự sống Thiên Chúa chiếm hữu.
Một cuộc dấn thân trong thế giới chỉ có nghĩa như một số gắng tìm cách biến đổi và cải thiện thế giới này theo hình ảnh cuộc nhập thể của Ngôi Lời. Cuộc dấn thân ấy phải lấy đức trông cậy làm động lực mới có thể thực hiện được với tất cả tính năng động của nó.
Các tu sĩ phải chia sẻ niềm cậy trông của toàn Giáo Hội và phải đem tất cả mãnh lực của đức trông cậy ấy vào cuộc dân thân của mình. Mặt khác họ có một lý do đặc biệt hơn để phát triển nơi họ đức trông cậy nói trên. Lý do ấy là: do sự tận hiến tu trì, nhất là do đời sống khiết tịnh và nghèo khó, họ đã khởi sự thực hiện trạng thái cuối cùng của định mệnh con người cách hoàn hảo hơn. Như vậy là họ đã đạt tới phần nào, tuy rất bất toàn nhưng thiết thực, chính đối tượng của đức cậy trông; và đấy là một cách đưa đức trông cậy vào cuộc sống con người. Những người khước từ đời sống hôn nhân là những người đã bắt đầu cuộc sống trên trời cách khá rõ rệt, bởi vì theo lời Phúc Âm, sau khi cống lại người ta không còn lấy vợ lấy chồng nữa (Mt 22, 30); mặt khác, tự nguyện sống khó nghèo có nghĩ là nắm được kho tàng trên trời (xem Mt 19,21); sau cùng, đời sống cộng đoàn tu trì, vì không dựa trên những giây phút liên hệ tự nhiên và huyết thống mà chỉ dựa vào đức ái siêu nhiên, nên được coi như nếm trước hương vị cuộc sống cộng đồng Thiên Quốc.
Giá trị cánh chung của đời sống tu trì có tính chất củng cố đức trông cậy trong mọi lãnh vực: nó chỉ rõ một sức mạnh cậy trông gắn liền với chính cuộc sống con người, và nhờ ơn trên, đã nắm giữ được điều mà lòng cậy trông ấy mong đạt tới; nó cũng biểu hiện một tình yêu gắn bó mật thiết hơn với Chúa, một tình huynh đệ kết hợp được chỉ do sự gắn bó của mọi người với Chúa Kitô. Đức trông cậy đó khích lệ hoạt động tông đồ cách đặc biệt hơn. Cũng như mọi kitô hữu, nhưng với tư cách đặc biệt hơn, tu sĩ mang trong mình thế giới của ngày mai, một thế giới sẽ được hoàn toàn biến đổi cách thiêng liêng.
Đức trông cậy không đặt tu sĩ vào một vị trí dễ chịu hơn đâu. Bởi vì nếu muốn thực hiện phần nào nếp sống Thiên Đàng trong cõi sống trần gian, thì phải sẵn sàng chấp nhận những xâu xé nội tâm. Những Kitô hữu sống đức tin sâu xa đều cảm thấy sự xâu xé đó, tu sĩ sống đời tận hiến và lời khấn của mình còn cảm thấy điều ấy sâu xa hơn nữa. Qua những tiếp xúc của họ với thế giới, tu sĩ có thể hiểu biết rõ ràng hơn, những cuộc phấn đấu diễn ra ở nội tâm con người. Họ cũng hiểu ân sủng của Chúa được ban ra ở nội tâm con người. Họ cũng hiểu ân sủng của Chúa được ban ra đến mức nào mới bảo đảm được chiến thắng trong những cuộc phấn đấu ấy, nhưng chính vì hiểu rõ hơn tính cách cam go của cuộc chiến đấu, mà họ nhận định rõ hơn sức mạnh tuyệt vời của Chúa Kitô. Vì vậy, trong niềm cậy trông của họ, tu sĩ phải tỏ thiện cảm với những ai gặp khó khăn trở ngại trong cuộc đi lên với Chúa, với những ai có những lúc phải ngừng lại hay thoái lui. Chỉ trong bầu khí thiện cảm như vậy họ mới có thể làm sáng tỏ giá trị trông cậy của kitô giáo.
Ta không nên quên rằng, đức trông cậy là sức mạnh nâng đỡ đời sống con người, vì người được thúc đẩy tiến tới là do hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Những hy vọng thuần túy nhân loại có thể nâng đỡ những cố gắng của con người, nhưng thực ra không đủ. Chỉ có đức trông cậy do Chúa Kitô mang lại mới “không làm thất vọng” (Rm 5,5). Vì vậy trong khi làm việc tông đồ, tu sĩ phải ý thức mình có sứ mệnh thông truyền đức trông cậy của Chúa Kitô cho thế gian nhiều hơn. Như thế là làm cho mọi người nhận rõ lẽ sống căn bản của họ, hiểu rõ lý do chính đáng khiến họ phải hoạt động, phải làm cho các tài nguyên và năng lực của họ sinh hoa kết quả.
Chính các cộng đồng tu sĩ cần phải làm chứng cho đức trông cậy, nhất là bằng một thái độ thẳng thắn và rõ ràng mở rộng về tương lai. Cuộc canh tân đời sống tu trì giúp họ trong việc ấy. Trước kia chế độ đời sống tu trì nhiều khi được điều khiển quá chặt chẽ theo lề luật, nên dễ cho người ta cảm giác “tất cả được tiền chế!”. Việc làm tỏ tính năng động của ơn đoàn sủng giúp cho việc phát huy đức trông cậy trong việc tông đồ, cùng với xác tín rằng, tương lai phải được sáng chế và được chấp nhận với tính cách mới mẻ của nó.
7. Tin vào sứ mệnh của đời tận hiến
Vào lúc mà các cộng đồng tu sĩ tự đặt vấn đề về chính mình và tìm đặt lại vị trí của mình trong Giáo Hội, điều quan hệ là không những phải nhận rõ giá trị tự tại của đời sống tận hiến, mà còn phải ý thức rõ giá trị đời sống tận hiến đối với toàn thể dân Chúa. Không những cần phải suy xét về sứ mệnh – hay nhiều sứ mệnh khác nhau – mà người tận hiến đang thực sự thi hành trong đời sống Giáo Hội, nhưng chủ yếu hơn là suy xét về chính sứ mệnh của đời tận hiến. Chỉ khi nào đã xác định đúng cái sứ mệnh của cuộc sống tận hiến, thì mới có thể thẩm định rõ ràng hơn theo danh nghĩa nào, cuộc sống theo lời khuyên Phúc Âm, là cuộc sống không thể tách rời khỏi cuộc sống và sự thánh thiện của Giáo Hội như Công Đồng đã nói (LG 44).
Sự nhập thể của Ngôi Lời là gương mẫu trên hết của đời tận hiến đồng thời cũng là một sứ mệnh. Chính vì được Cha sai đến trần gian mà Ngôi Lời đã nhập thể, và bản tính nhân loại của Ngài được hoàn toàn thánh hiến và được Thiên Chúa chiếm hữu trọn vẹn. Việc thánh hiến hoàn tất trong mầu nhiệm Nhập Thể được minh chứng bằng một sứ mệnh. Con Thiên Chúa đã thực hiện sứ mệnh ấy bằng tất cả hành vi, ngôn ngữ nhân loại của Ngài: trong cuộc sống nhân loại của Ngài không có gì thoát ra khỏi sứ mệnh ấy như trong bản tính nhân loại của Ngài, không gì thoát ra khỏi việc thánh hiến tiên khởi.
Mọi cuộc tận hiến dựa trên sự tận hiến của Chúa Kitô tất cùng có một chiều hướng căn bản như vậy, và cũng được minh chứng bằng một sứ mệnh. Cũng thế, về bất cứ cuộc tận hiến kitô giáo nào được thực hiện do phép Rửa tội và Thêm Sức; hoặc do việc thụ phong Linh Mục cốt yếu hướng về thừa tác vụ, hoặc do việc khấn Dòng. Trước đây đôi khi người tu sĩ đã ít thấy rõ tính cách sứ mệnh gắn liền với đời tận hiến của tu sĩ, và người ta coi đó như một cuộc “thoát tục”. Sứ mệnh của cuộc tận hiến tu trì không được đặc biệt xác định nhằm thi hành công việc thừa tác theo phẩm chức, như chức Linh Mục; nó khó minh định hơn. Đó là môi trường rất bao la của nguồn đặc sủng.
Thực sự, sứ mạng của đời tận hiến tu trì có thể mang mọi hình thức tông đồ không giới hạn. Nhưng đời tận hiến tu trì đảm nhận những hình thức khác nhau trong hoạt động tông đồ, tuy theo đặc tính riêng của mình. Trong hoạt động ấy đời tận hiến tu trì, nhằm hiến dâng cho Chúa tất cả những gì mà một con người trần gian có thể cống hiến, theo chiều hướng Phúc Âm được biểu lộ bằng đời sống Chúa Kitô. Như vậy cuộc sống tận hiến của tu sĩ đem lại cho việc tông đồng của họ một giá trị không bị thu hẹp trong hoạt động mà thôi, mà còn giá trị vì toàn thể con người của họ đã được hiến dâng cho Thiên Chúa trong hoạt động ấy. Tu sĩ không lấy việc hoạt động của mình làm đủ, mà trong hoạt động của họ, họ còn đem vào đó cả đức khiết tịnh, đức khó nghèo, đức vâng phục và đức ái cộng đồng của họ.
Do đó, đời tận hiến tu trì là dấu chỉ rằng hoạt động tông đồ, dầu không trực thuộc tác vụ của hàng giáo phẩm, cũng đòi hỏi sự tận tụy phục vụ đến mức con người dâng hiến chính bản thân mình cách trọn vẹn nhất. Việc phục vụ Giáo Hội xứng đáng để động viên tất cả sức lực nhân loại, đến mức không những cống hiến vào đó một phần thời giờ của mình hoặc những hoạt động phụ trội, mà hơn nữa còn phải từ bỏ mọi sự khác để xả thân vào đó hết mình và để tổ chức cả cuộc sống mình nhằm việc phục vụ ấy.
Đàng khác, bậc tận hiến tu trì làm nổi bật ý nghĩa đích thực của sự tận tâm với việc tông đồ: tận hiến của tu sĩ là hiến mình cho Thiên Chúa chứ không chỉ là hiến mình cho nhân loại. Vì lẽ là tận hiến cho Thiên Chúa, thì sự tận hiến ấy cũng có thể là tận hiến trọn vẹn cho những người có Chúa hiện diện. Bậc tận hiến tu trì làm chứng cho địa vị tối thượng của Thiên Chúa trong sự hiến thân là việc tông đồ; việc làm chứng đó luôn luôn hữu ích và cần thiết.
Như vậy, trong Giáo Hội bậc tận hiến này đã không mất vai trò của mình và không thể mất được. Không gì thay thế được bậc tận hiến ấy. Tu sĩ ngày nay vui mừng nhận thấy lớp tông đồ giáo dân chỗi dậy nhận lấy sứ mạng tông đồ, thì họ chẳng nên kết luận rằng sự hiện diện của họ trong Giáo Hội bắt đầu trở nên vô ích, hoặc càng ngày càng trở thành vô ích hơn, theo mức độ mà giáo dân sẽ đón nhận nhiều hoạt động hơn. Nếu trước kia họ đã đảm nhiệm những hoạt động đáng lẽ thuộc phận vụ giáo hữu nhiều hơn thì họ nên vui mừng chấm dứt công việc bổ túc đó. Nhưng họ phải xác tín rằng sứ mạng chuyên biệt cảu họ vẫn tồn tại. Sự tận hiến đặc biệt hơn của họ cho Thiên Chúa đem đến cho việc tông đồ của họ một giá trị riêng biệt, và ngày nay cũng như những ngày sống trần gian của Ngài, Chúa Kitô vẫn cần đến những người nam hay nữ, bỏ hết mọi sự để theo Chúa, cống hiến trọn vẹn bản thân cho công trình cứu độ của Chúa.
Trích trong tập sách TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: Croire et se donner, của Jean Galot, SJ
Ý kiến bạn đọc