banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

SỰ CHẾT VÀ NGƯỜI TU SĨ

Đăng lúc: Thứ hai - 08/02/2021 09:02 - Người đăng bài viết: menthanhgia
SỰ CHẾT VÀ NGƯỜI TU SĨ

SỰ CHẾT VÀ NGƯỜI TU SĨ

Những tu sĩ sẽ nỗ lực sống ngay ở đời này những giá trị trong đời sống mai sau

Ai trong chúng ta cũng có cha có mẹ. Người may mắn thì khi đến lúc tuổi lớn khôn hay đến tuổi xế chiều mà vẫn còn cha còn mẹ, người không may mắn thì các ngài đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Có lẽ không niềm đau nào lớn hơn niềm đau cha mẹ khuất bóng. Cha mẹ là món quà linh thiêng mà Thượng Đế ban tặng, các ngài luôn là chỗ dựa tình thần vững chãi, là chốn nghỉ ngơi mỗi khi con cái cần bờ vai nương tựa, là kho tàng khôn ngoan mỗi khi con cái cần lời chỉ dạy, nhủ khuyên. Các ngài ra đi là con cái hết chỗ tựa nương, hết đường đi lối về, vì thế mới có câu:

Còn cha còn mẹ mong về,
Khuất cha khuất mẹ biết về nơi đâu.
Bơ vơ giữa chốn khổ đau,
Bầu trời giăng kín cung sầu luyến lưu.

Lời thơ ấy có lẽ đặc biệt cũng đúng với người tu sĩ, bởi chúng ta cũng là những con người có dòng máu đỏ và trái tim bằng thịt. Bố mẹ còn đó, dù là ít học, nghèo đói, ốm đau, nhưng vẫn là chỗ dựa tinh thần bất biến. Các ngài đi rồi, để lại cả một khung trời cô đơn, một khoảng trống vô hình không gì khỏa lấp. Nhưng dù sao, âu cũng là thân phận người, với mối tình cảm hỗ tương và tương quan ruột thịt.

Nhưng về phương diện niềm tin, ít ai mau tìm được sự bình an và thăng bằng như người Kitô hữu, đặc biệt là các tu sĩ  khi đối diện với sự chia ly. Bởi cuộc đời người Kitô hữu tin vào Thiên Chúa hằng sống. Niềm tin và cảm nghiệm tâm linh về một Thiên Chúa hằng sống này không phải chỉ xuất hiện khi giáo lý Kitô giáo được thành hình từ thế kỉ thứ nhất, mà nó đã xuất hiện ngay từ những trang đầu của Thánh Kinh và cụ thể hơn qua niềm xác tín của ông Gióp được ghi lại từ những năm 970 TCN mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, … Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân này tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa” (G 19,25,26). Chính niềm xác tín vào Thiên Chúa hằng sống đã giúp ông Gióp vượt qua muôn ngàn gian khó trong cuộc đời, dù tài sản bị mất, bệnh tật đầy mình, phải chứng kiến cái chết tức tưởi của những đứa con yêu, sự ghẻ lạnh, xỉ vả của người vợ và những người thân. Thử thách lớn lao như thế nhưng ông vẫn an vui tín thác vào Thiên Chúa hằng sống. Và niềm tin ấy đã cứu thoát ông. Chúa ban cho, Chúa lại lấy đi và Ngài có thể ban cho nhiều hơn nữa.

Niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống này đã được mạc khải trọn vẹn trong Chúa Kitô. Trong Đức Kitô, không chỉ có Thiên Chúa hằng sống mà chính con người cũng được thông phần vào sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa. 

Thật thế, ngay từ giây phút đầu tiên bước vào Giáo Hội, qua phép Thanh Tẩy, chúng ta đã được gieo mầm sự sống bất tử, được tháp nhập vào cái chết và phục sinh vinh hiển của Đức Kitô, được định rõ hướng đi của đời mình trên cõi nhân gian là đang tiến về sự vĩnh cửu thông qua cái chết như một chuyến đò qua sông, như chuyến xe định mệnh để tiến vào sự sống vĩnh hằng và niềm vui thiên quốc trong Đức Kitô. Đó là tín điều mà thánh Phaolô đã quả quyết với dân thành Roma: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô… Và nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,3,8).

Sự sống lại và cuộc sống vĩnh hằng đã trở thành điểm giáo lý nòng cốt của người Kitô hữu. Nó chi phối toàn bộ niềm tin và giáo lý của hội thánh đến nỗi thánh Phaolô thốt lên rằng: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,12,20). Điều này Sách Giáo Lý Công Giáo số 991 minh định rõ một lần nữa: “Tin sự sống lại của những người đã chết là một yếu tố căn bản của đức tin Kitô giáo”. Và đúng thế, lời đoan hứa của Chúa Giêsu lúc còn sinh thời đã trở thành sự thật và là đỉnh điểm cho mọi niềm tin mà chúng ta: “…tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho tôi, tôi… sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,39).

Có được niềm tin vững như bàn thạch như thế, thì đương nhiên sự chia ly tiễn biệt có đau buồn mấy đi nữa cũng sẽ được an ủi vỗ về.

Về phần người tu sĩ, niềm tin phục sinh hiển hiện bàn bạc trong mọi khía cạnh của đời dâng hiến. Nếu không có sự sống đời sau, thì cũng không có đời sống tu trì; không có sự sống đời sau, thì người tu sĩ cũng không dại gì hiến dâng cả cuộc đời cho Thiên Chúa; không có sự sống đời sau, lời khấn và mọi thứ hy sinh của người tu sĩ cũng trở thành vô nghĩa. Vì thế, có sự sống đời sau, thì mới có đời sống tu trì. Chính cuộc sống tu trì và mọi hy sinh dâng hiến là bảo chứng cho cuộc sống mai hậu, cho một Thiên Chúa hằng sống và sự phục sinh vinh hiển của Đức Kitô.  Chỉ có tình yêu Đức Kitô thúc bách con người bước vào đời sống tu trì này. Vì thế trong số 8 của huấn thị Potissimum institutioni của Bộ tu sĩ viết: “Những tu sĩ sẽ nỗ lực sống ngay ở đời này những giá trị trong đời sống mai sau. Và trong tài liệu khác Giáo Hội viết: “Suốt dòng lịch sử, Giáo Hội không bao giờ ngừng sống động và hoan hỷ vì biết bao nam nữ tu sĩ, khi sống theo mẫu trọn lành Phúc Âm dưới nhiều hình thức khác nhau, đã chứng minh tình yêu vô hạn của Đức Giêsu bằng đời sống của mình. Đối với con người ngày nay, đó lại chẳng phải là một luồng gió sống động từ cõi vô biên thổi tới, như một giải thoát cho chính họ, để họ nhìn thấy viễn tượng hoan lạc vĩnh cửu và tuyệt đối đó ư?.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người tu sĩ luôn cháy trong mình ngọn lửa phục sinh của Đức Kitô; luôn chiếu tỏa trong cuộc đời mình niềm hy vọng khôn nguôi về tình yêu của Thiên Chúa hằng sống và rao giảng cho thế giới này về sự hiện diện của Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của sự thinh lặng tuyệt đối, một kho tàng quý báu của đời sống đan tu.
Tác giả bài viết: M. Paulus de la Croix Bùi Văn Dư
Từ khóa:

Thánh hiến

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc