TIN VÀ BÁC ÁI CỘNG ĐOÀN
Tin và bác ái cộng đoàn (tiếp theo)
5. Khám phá Chúa Kitô trong người anh em mình
Trong đoạn Phúc Âm tả cuộc phán xét, khi Chúa Giêsu bộc lộ kết quả kín ẩn của các hành vi bác ái đối với tha nhân, Người đã gợi ra những cử chỉ thương xót và nâng đỡ những người bất hạnh. Tất nhiên, Chúa không có ý thu hẹp mầu nhiệm đức ái vào nguyên trường hợp những kẻ nghèo khổ và những người khốn khó, nhưng đúng hơn, Chúa muốn đưa ra một nguyên tắc có thầm mức tổng quát để áp dụng trong những hoàn cảnh đòi phải hết sức cố gắng để yêu thương và phục vụ. Nguyên tắc ấy nằm trong lời này: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính ta” (Mt 25, 40).
Nếu sự hiện diện của Chúa Kitô ẩn sau những người anh em bé nhỏ nhất của Chúa, thì sự hiện diện ấy cũng ẩn náu nơi bất cứ người nào. Vậy mọi việc bác ái đều đi đến Chúa Kitô.
Vậy, tin vào Chúa Kitô như Người hiển hiện hữu hình trong Phúc Âm hay như Người hoạt động vô hình trong mỗi người bằng thánh sủng, thì chưa đủ. Còn phải tin Chúa hiện diện trong bất cứ con người nào. Nếu đức tin nào không nhìn thấy sự hiện diện của Người như thế thì thật ra đức tin ấy chưa hoàn hảo.
Do đó, đời sống cộng đoàn đòi hỏi các tu sĩ cách đặc biệt hơn, phải khám phá Chúa Kitô nơi anh em mình. Vậy cái nhìn bác ái đối với anh em phải được sinh động bởi cái nhìn đức tin. Khám phá Chúa nơi những người mà ta sống kề bên mỗi ngày, đó là sống cụ thể đức tin của mình trong đức ái. Người ta thấy rõ ngay hậu quả của một lòng tin như thế: trong cách thức tiếp xúc và đối xử với người khác sẽ hiện rõ mối tình yêu mến tế nhị mà mỗi người muốn tỏ với chính Chúa Kitô.
Chính theo những lời gợi ý của Thầy Chí Thánh thì việc thấy những khiếm khuyết và lầm lỗi của kẻ khác, không cản trở việc khám phá Chúa Kitô: ngay cả những người trong tù mà ta thăm viếng, ấy là thăm viếng chính Chúa Kitô. Quả thực nếu việc bác ái của ta đạt tới Chúa Kitô trong một con người trần gian thì không phải là vì con người đó tốt lành hay thánh thiện nhưng là vì một sự hiện diện căn bản hơn của Chúa, hiện diện đó không tùy thuộc vào tư cách và phẩm giá của mỗi cá nhân và được nhìn nhận trong bất cứ con người nào. Trong đời sống cộng đồng, những tiếp xúc hằng ngày tự nhiên cho thấy rõ hơn những nết xấu cũng như những đức tính của mỗi người. Qua nỗi khốn cực của con người, đức tin vẫn cho ta thấy được Chúa Kitô trong họ, và cuộc khám phá lạ lùng ấy làm ta càng phấn khởi sống bác ái hơn.
Trong cộng đồng tu sĩ cũng như trong bất cứ xã hội nhân loại nào, đều có thể bị cám dỗ coi một bộ phần tử như là “Người hèn kém nhất!” Chính lúc đó, lời Chúa Kitô càng thêm quyết liệt nơi người nào coi như kém tài ít được người ta quý mến hay tôn trọng, thì sự hiện diện của Ngài càng được đảm bảo hơn. Vì thế, càng thấy ai kém cỏi càng phải giục lòng tin mạnh mẽ hơn. Tổng quát hơn, mỗi khi nhận thấy một yếu kém nào nơi người khác thì phải cố gắng để nhận ra Chúa Cứu Thế, Đấng ưa thích cư ngụ trong những kẻ yếu kém.
Nên nhận định rằng, việc chú ý đến sự hiện diện của Chúa Kitô trong kẻ khác, không có nghĩa coi việc yêu thương anh em chỉ là phương tiện để yêu mến Chúa. Người tín hữu đã vậy mà nhất là người tu sĩ không được coi anh em mình như chỉ là những hữu thể mà qua đó mình yêu mến Chúa. Tu sĩ phải yêu mến những người anh em mình vì chính họ. Việc khám phá Chúa Kitô trong họ không phải là biến họ thành một tấm kính trong suốt để qua đó nhìn thấy dung nhan Ngài, nhưng mà làm cho họ càng có giá trị hơn, đáng yêu hơn vì chính nhân vị họ. Nhìn ai bằng con mắt đức tin là làm cho thấy khuôn mặt của Ngôi Lời Nhập Thể chiếu dãi trên khuôn mặt con người.
6. Tin vào hoạt động của Thiên Chúa
Khám phá sự hiện diện thường xuyên của Đức Kitô trong người khác phải đi liền với việc khám phá hành động của Ngài. Chúa không ngừng hoạt động nơi mỗi người bằng ân sủng. Người muốn thông ban cho họ sự sống, sự thánh thiện và tìn yêu của Người.
Về phương diện này nữa, cái nhìn đức tin sẽ có sức kích thích đức ái. Trước hết nó cổ võ nơi tu sĩ lòng quý mến anh em mình. Lòng quý mến căn cứ vào những đức tính tốt của con người, thì dễ biến mất khi nhìn thấy lỗi phạm của nhau, còn sự quý mến dựa trên hoạt động của ơn thánh và trên sự biến đổi do Thiên Chúa thực hiện trong thâm tâm con người thì hằng tồn tại. Tu sĩ phải quý mến anh em mình nhất là vì ơn thiên triệu của họ: chính vì ơn đó mà họ đã được Chúa chọn và được Người hướng dẫn trên đường tận hiến để phục vụ Người. Họ phải tin vào sự cao cả và hiệu lực ơn kêu gọi của đồng bạn mình, như của chính mình.
Lòng quý mến giúp tăng thêm lòng tín nhiệm. Trong đời sống cộng đồng dù cho có những kinh nghiệm gây chán nản thế nào đi nữa, thì lòng tín nhiệm ấy không thể sụp đổ, cũng không thể đổi thành thất tín, vì ơn Chúa được ban cho mỗi người để giúp họ vượt thắng những yếu đuối của họ. Tu sĩ phải tin vào cứu độ toàn thắng của Đấng Cứu Thế trong anh em mình cũng như nơi chính mình. Vả lại, họ cũng phải nhớ rằng: Chúa Kitô đã có cái nhìn quý mến và tín nhiệm đối với người đàn bà ngoại tình, người phụ nữ Samari, ông thu thuế Giakeu, Chúa thấy những người đó có khả năng làm tốt hơn. Cái nhìn của chúng ta thường bị quyến rũ dừng lại nơi một “tội quả tang”, ở một lỗi hiển nhiên; đức tin phải giúp ta vượt qua cái nhìn đó, và nhìn nhận sức mạnh của ơn cứu độ.
Mặt khác, lòng tin vào hoạt động của Thiên Chúa giúp ta dễ dàng chấp nhận những khác biệt về đường lối thiêng liêng, và phòng bị cho ta khỏi bị cám dỗ xét đoán hạnh kiểm người khác theo quan điểm của riêng mình về đời sống Kitô hữu và đời sống tu trì. Tin vào ân sủng hoạt động nơi người khác chính là nhìn nhận nơi họ một đặc sủng cá biệt với một hướng tiến riêng mà không phải là của mình. Nếu ta đã lấy làm lạ về đường lối Chúa dẫn ta đi, thì tất nhiên những đường lối của kẻ khác xem ra còn bí mật hơn đối với ta. Đức tin đòi ta có cái nhìn thông cảm càng lúc càng rộng rãi hơn, giống như cái nhìn của Thiên Chúa ôm lấy tất cả những khác biệt cá nhân trong một sự hiệp nhất cao hơn. Như vậy, đức tin mang đến cho ta một ánh sáng cao hơn, và tránh cho ta mọi cảnh tự giam mình trong nếp sống cá nhân chật hẹp.
Trong niềm tin vào tác động bí mật của ân sủng thường dùng cả những lỗi lầm của chúng ta để tiến bộ, tu sĩ cần phải sẵn sàng hơn để “mang lấy gánh nặng của nhau” (x. Gal 6,2; PC 15). Họ phải giúp lẫn nhau trong những yếu đuối của họ bằng cách tin vào những khả năng cải thiện và tiến bộ mà mỗi người đều có. Nếu đối với riêng họ, họ không thể bỏ mất hy vọng vượt thắng những khó khăn của họ, thì họ cũng không thể coi trường hợp của người anh em là vô phương cứu chữa. Đức tin giúp họ vượt quá những gì chỉ do kinh nghiệm gợi lên, đức tin khiến họ tin vào thiện chí, vào những ý ngay lành kín ẩn của anh em nhất là vào sức mạnh cứu chuộc ân sủng.
Nếu họ phải chịu phiền lụy vì một vài thái độ của anh em, thì họ cũng phải tin rằng họ có trách nhiệm đối với anh em do tình liên đới kết hiệp họ với anh em. Họ phải sẵn sàng chấp nhận chính họ cũng có phần trong lỗi phạm của anh em, hơn là tự tách rời khỏi anh em. Tin vào một sự hiệp thông trong việc nên thánh mà trong đó mỗi người có thể giúp người khác vươn lên bằng cách tự mình cố gắng nên hoàn hảo hơn; niềm tin ấy sẽ có hiệu quả là mỗi người phải coi mình có liên can nhiều hơn với cách sống của những người đồng hành với mình.
7. Hiện diện của Chúa giữa cộng đoàn
“Nơi nào có hai hay ba người hội họp nhân danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20). Bằng lời xác quyết đó, Chúa Kitô kéo ta chú ý đến sự hiện diện của Người nơi cộng đoàn theo tính cách cộng đoàn. Trong những trường hợp khác, Người cho biết sự hiện diện của Người trong mọi hành vi bác ái cá nhân, còn ở đây chính là sự hiệp nhất được coi là nền tảng cho sự hiện diện của Người. Đó là áp dụng nguyên tắc: sự hiệp nhất giữa nhân loại được tạo thành do sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Như vậy, bác ái cộng đồng có hiệu quả là làm cho Chúa hiện diện. Vả lại, chính Chúa khơi nguồn lòng bác ái ấy và ra lệnh qui tụ: sự qui tụ này được làm “nhân danh Ngài”, nhân danh sức mạnh hợp nhất của Người ở bất cứ nơi nào mà người ta nại đến Người. Người ban sự hiện diện của Người cách đặc biệt cho bất cứ sự kết hiệp nào của các môn đệ Người. Chân lý đó được áp dụng cách thường xuyên cho đời sống cộng đồng của tu sĩ.
Lời Chúa Kitô cho thấy rõ trách nhiệm của những người được mời sống hiệp nhất. Các tu sĩ không phải chỉ có trách nhiệm về sự hòa hợp giữa họ với nhau, nhưng còn có trách nhiệm về sự hiện diện của Chúa Kitô do sự hòa hợp để bảo đảm. Mọi cố gắng hợp nhất đều có sức giữ vững sự hiện diện ấy: mọi hành động chia rẽ hay chống đối đều làm suy yếu sự hiện diện của Chúa. Không gì làm tỏ hiện sự cao cả và sự hiện hữu của đức ái cách rõ ràng hơn. Đức tin sẽ giúp tu sĩ nhìn thấy rõ hơn hiệu quả bí nhiệm ấy của mọi kết hợp trong tình yêu và sẽ giữ vững hiệu quả đó trong chiều hướng ấy.
Đã hẳn, niềm vui anh chị em hòa hợp trong cộng đoàn làm cho ta nhận thấy phần nào sự gẫn gũi của Chúa Kitô; theo kiểu nói của cộng đồng. Cộng đoàn được “vui hưởng” sự hiện diện của Chúa. Nhưng niềm vui ấy chỉ nảy nở trong đức tin. Người ta không thể mỗi lúc sờ vào sự hiện diện của Thiên Chúa hay dùng giác quan mà cảm nghiệm sự hiện diện ấy hơn mãi bằng thái độ bác ái. Đà phấn khởi của đức tin nâng đỡ sức cố gắng của tình yêu.
Sự “kiên trì” trong đời sống cộng đồng theo từ ngữ của Công Đồng vọng lại từ sách Công Vụ Tông Đồ (2,42). Còn đòi hỏi cách mạnh mẽ hơn phải có niềm tin căn bản đó. Trước những khó khăn do hậu quả những khác biệt về tính tình, sở thích và ý kiến, tu sĩ có thể bị cám dỗ bỏ mất những cố gắng hòa hợp. Những khi thất vọng do một vài tiếp xúc với anh chị em đưa lại, họ có thể có khuynh hướng thu mình lại, chẳng còn tin cậy vào ai. Những lúc chán nản vì nhận thấy họ không đạt được việc thực hiện sự hiệp thông lý tưởng như họ ước mong họ có thể muốn bỏ mọi cố gắng bác ái huynh đệ, nhưng đức tin sẽ cứu họ khỏi mối nguy đó: nếu họ lặp lại và duy trì đức tin của họ vào sự hiệp nhất, họ sẽ lại tiếp tục chiến đấu để sống bác ái hơn. Muốn thắng các trở ngại thì phải tin vào một sự hiệp nhất mạnh hơn mọi chia rẽ, sự hiệp nhất do sự hiện diện của Chúa Kitô, và phải ước muốn sự hiện diện này trên hết mọi sự.
Trích trong tập sách TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: CROIRE ET SE DONNER của Jean Galot SJ
Ý kiến bạn đọc