TIN VÀ ĐỨC KHÓ NGHÈO
Đức tin biểu lộ mạnh mẽ bằng việc tu sĩ bỏ quyền sở hữu về tiền lương hay bổng lộc. Trong khi người lao động nhờ việc làm mà được tự lập phần nào và làm chủ các phương tiện cung cấp nhu cầu cho mình, thì tu sĩ trao lợi tức của mình cho cộng đồng, và như thế là tỏ lòng trông cậy vào Chúa.
ĐỨC TIN VÀ ĐỨC KHÓ NGHÈO
(Tiếp theo)
2. Tin vào Đấng Quan Phòng
Sắc lệnh Đức Ái hoàn hảo của Công Đồng Vatican II vọng lại Phúc Âm, trong lời nhắn nhủ các tu sĩ: “Bỏ hết những lo âu quá đáng” và “hãy tin vào sự quan phòng của Cha trên trời” (13). Đời sống tu dòng cho ta có khả năng sống trọn vẹn tình con thơ phó thác đối với Cha trên trời như chính Chúa Giêsu đã giảng và sống. Mặc dù Chúa Kitô không có đức tin như chúng ta, nhưng Người hoàn toàn thể hiện những thái độ biểu lộ lòng tin như chúng ta, nhất là tinh thần phó thác cho Cha trên trời. Nếu người đã muốn không có đến một hòn đá để gối đầu và đã đi rảo trên các con đường xứ Giuđea và Galile mà không có chút hành trang mang theo, chính vì Người muốn trông đợi mọi sự từ tay Cha trên trời. Đừng ai tưởng Chúa Giêsu sống khó nghèo như thế chỉ đơn thuần là để làm gương; đối với Chúa Kitô, từ bỏ hết mọi của cải là hành vi thiết yếu của phận làm con, phù hợp với xu hướng sâu thẳm nhất của hữu thể Người. Người muốn hoàn toàn phó thác cho lòng ưu ái của Cha về cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất của đời sống.
Chúa Giêsu đã sống trước những gì Người căn dặn các môn đệ: “Các ngươi chớ lo cho cuộc sống mình, lấy gì mà ăn, cũng chớ lo cho thân xác lấy gì mà mặc… Hãy coi chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho, mà Cha các người trên trời nuôi chúng. Các ngươi không hơn chúng sao?” (Mt 6, 25 – 26).
Cái nhìn như thế các nhận ý nghĩa tích cực của đức khó nghèo. Cũng như đức khiết tịnh, đức khó nghèo không phải trước hết là từ bỏ: nó là một hình thức tình yêu toàn vẹn hơn, giúp con người trực tiếp lệ thuộc Cha trên trời về mọi nhu cầu của cuộc sống vật chất, và nhận lãnh mọi sự cần, trực tiếp hơn từ lòng nhân hậu Thiên Chúa. Như vậy, đức khó nghèo nhắm vào Thiên Chúa; nó được đức tin điều hướng. Đó là một nổ lực để tới gần Thiên Chúa và tình yêu của Ngài hơn. Trong câu chuyện kêu gọi người thanh niên giàu có, ta đã thấy điều kiện ưu tiên là ý hướng đi theo Đức Kitô trong đức tin; ta cũng có thể nói như thế về tinh thần phó thác cho sự quan phòng của Cha trên trời.
Tinh thần phó thác ấy đã hiện rõ trong việc các môn đệ gắn bó với Chúa Kitô vì Chúa Giêsu muốn là hình ảnh sống động của Chúa Cha và chuyển đến cho nhân loại lòng nhân từ hiền phụ của Cha. Ta có thể hiểu điều đó qua câu hỏi của Chúa Giêsu trước khi Người bị bắt: “Khi Thầy sai các con đi, không mang theo túi tiền, không mang bị, không mang giày dép, nào các con có thiếu thốn sự gì không?”, câu trả lời của các môn đệ: “Không thiếu gì”, chúng tỏ sự ân cần săn sóc của Chúa Kitô không bao giờ thiếu, và đó là biểu hiện lòng ân cần ưu ái của Cha.
Như vậy, tinh thần khó nghèo bao gồm ý chí sống trọn vẹn tinh thần con thơ phó thác lệ thuộc vào sự chăm lo săn sóc của Cha trên trời. Thay vì muốn chiếm hữu thế gian và lập cư ở đó, tu sĩ chỉ muốn coi nó như là Nước của một Thiên Chúa đầy tình cha nhân hậu, và ở đó họ chỉ muốn giữ một địa vị do lòng yêu thương của Cha dành cho. Nếu đức khó nghèo tận hiến không đưa đến kết quả thắt chặt liên hệ con thảo với Cha, và không diễn ra bằng một đức tin mạnh hơn vào Đấng Quan Phòng, thì Đức Khó Nghèo ấy không đạt ý nghĩa căn bản nhất của nó.
Vì vậy chế độ khó nghèo, trong đời sống tu trì phải bảo đảm một bầu khí tin tưởng. Đức khó nghèo đời tu phải được thực hiện một sự giải phóng đích thực trong việc sử dụng của cải vật chất, nó phải biểu lộ sự tự do của con cái Thiên Chúa.
3. Luật làm việc
Sự cậy trông Đấng Quan Phòng chẳng làm mất đi trách nhiệm của con người, trong khi cầu xin Cha trên trời ban cho lương thực hằng ngày, con người không được miễn trừ làm việc để đảm bảo lương thực và mọi như cầu của cuộc sống.
Cả các tu sĩ cũng phải tuân theo nghĩa vụ ấy như Công Đồng Vatican II nhắc lại rõ ràng: “Các tu sĩ phải cảm thấy luật làm việc là luật chung cũng ràng buộc họ” (PC 13). Như vậy vui sống không lo lắng, không phải là buông theo sự lười biếng.
Thoạt nhìn, ta thấy lối tu khất thực ngày xưa được nhìn như một hình thức lý tưởng của đức nghèo, tựu trung cũng bao hàm tinh thần phó thác triệt để hơn vào Đấng Quan Phòng. Vì theo lối sống đó, tu sĩ từ bỏ mọi lợi tức và lương bổng, và chỉ chờ đợi nơi lòng quảng đại của Thiên Chúa, để có những gì cần cho sự sống. Trái lại, việc làm và nhất là việc làm nhằm bảo đảm nhu cầu vật chất xem như lại trở lại với ý muốn tự mưu tìm cho mình những gì mình cần thiết hơn là chờ đợi nơi Thiên Chúa, và còn kích thích lòng ham lợi, thích lãnh công.
Thực ra, suy xét kỹ thì nhận định trên không đứng vững. Vả lại, người ta tiên thiên nhìn nhận sự làm việc hơn là hành khất, Công Đồng đã muốn giúp phát triển đức khó nghèo theo Phúc Âm. Quả vậy, nghĩa vụ làm việc là một biểu hiện của khó nghèo: chính những người thiếu thốn nhất về của cải mới cảm thấy sâu sắc hơn sự cần thiết của việc làm. Tìm phương tiện sinh sống bằng chính việc làm của mình xem như phù hợp hơn với sự khó nghèo và lòng bác ái, hơn là chờ đợi vào việc làm hoặc tài sản của người khác. Làm việc là liên đới với người nghèo, còn hành khất như trước kia thì có nguy cơ đưa đến một liên đới nào đó với người giàu.
Mặt khác, việc làm đáp ứng bản chất sâu xa đó của đức tin. Đức tin là tiếp đón và gắn bó chứ không là tiếp nhận thụ động. Đức tin bao hàm một hoạt động tìm tòi, đào sâu; đức tin thúc đẩy cố gắng để đi sâu hơn vào chân lý mạc khải: trên kia chúng tôi đã nhấn mạnh công việc khám phá ấy, một công việc đòi phải động viên mọi năng lực con người.
Như vậy, nếp sống nghèo mà tích cực hơn bằng việc làm, thì phù hợp hơn với đức tin. Nó khiến con người, trong khi cậy trông vào Đấng Quan Phòng, thì vẫn cố gắng cộng tác tối đa. Không phải là cậy trông vào kết quả của việc làm mà có thể thay thế được sự cậy trông vào Cha trên trời: tu sĩ càng cố gắng hoạt động trong sứ mệnh hay công việc được trao phó thì họ càng phải trông đợi Cha ban của nuôi sống, bằng một đức tin vượt trên những tính toán của loài người.
Đức tin ấy biểu lộ mạnh mẽ bằng việc tu sĩ bỏ quyền sở hữu về tiền lương hay bổng lộc. Trong khi người lao động nhờ việc làm mà được tự lập phần nào và làm chủ các phương tiện cung cấp nhu cầu cho mình, thì tu sĩ trao lợi tức của mình cho cộng đồng, và như thế là tỏ lòng trông cậy vào Chúa.
Đã hẳn, có người sẽ bị cám dỗ muốn tự định đoạt về lương bổng của mình, tất cả hay phần nào. Đó cũng là cái cám dỗ tự tìm kiếm sự bảo đảm cho ngày mai, cái cám dỗ cậy dựa vào một tài sản vững chắc. Như vậy càng cần đến đức tin để vượt thắng cám dỗ: tu sĩ chỉ đi tìm bảo đảm và an toàn trong Chúa.
Trích trong tập sách TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: CROIRE ET SE DONNER, của Jean Galot.
Ý kiến bạn đọc