TIN VÀ ĐỨC KHÓ NGHÈO
Đức tin là động lực của đức khó nghèo đời tu, đạt tới đỉnh cao trong sự nghèo nàn về mặt thiêng liêng mà tu sĩ bằng lòng chấp nhận. Sự nghèo nàn về đường thiêng liêng mà con người cảm thấy vì những yếu đuối và bất toàn của mình thì chẳng phải trong đời tận hiến mà ít có hơn đâu. Trái lại trong đời tận hiến người ta còn cảm thấy nó nhiều hơn nữa.
TIN VÀ ĐỨC KHÓ NGHÈO
(Tiếp theo)
4. Đức nghèo, dấu hiệu của đức tin trong thế giới hôm nay
Trong thời đại mới chúng ta, nhiều Kitô hữu đã ý thức lý tưởng Phúc Âm về khó nghèo, có lẽ nên coi đó là biểu hiện một nhu cầu sâu xa của linh hồn kitô hữu đối diện với cảnh tượng một thế giới cuồng nhiệt đuổi theo lợi lộc và tiền bạc. Thời đại chúng ta được đánh dấu bằng sự phát triển tài sản triệt để hơn, xã hội được tổ chức nhằm tìm kiếm thật nhiều của cải, và con người bị ám ảnh hơn vì những lo toan kinh tế. Thế nhưng, những ai sống đời sống Đức Kitô, lại cảm thấy đời mình có một mục tiêu khác: họ tìm thấy trong Phúc Âm hướng đi khác hẳn với khuynh hướng mà họ nhận thấy trong môi trường của họ. Đức khó nghèo cho họ khám phá được những giá trị mà cuộc đấu tranh cho lợi lộc trần gian dường như che khuất; nhờ vậy họ thoát được sự ám ảnh nói trên. Đức khó nghèo hủy diệt sự tôn thờ tiền bạc và nhắn nhủ cho họ sự quan trọng thiết yếu là sự hiện diện của Thiên Chúa.
Đức khó nghèo của tu sĩ, vì hằng cố gắng thực hiện cụ thể lý tưởng Phúc Âm và góp phần minh chứng rằng đó không phải là một ảo tưởng, nhưng là một sức mạnh quyến rũ và tác động hữu hiệu, nên nó đem lại sự nâng đỡ cho đức tin của cộng đồng kitô hữu. Đức khó nghèo ấy đặt mình ở vị trí trái ngược với sự tin tưởng ở tiền bạc và niềm tin tưởng vào tiền bạc và tiến bộ vật chất, vì biết bao nhiêu người rõ ràng hy sinh tất cả để theo đuổi tiền bạc, biết bao phong trào, đảng phái tập trung mọi nổ lực vào việc cải thiện đời sống vật chất cảu xã hội, mà từ chối không đếm xỉa gì đến những giá trị thiêng liêng và đạo đức. Cũng còn có một niềm tin tưởng vào tiến bộ kỹ thuật: rất nhiều chứa đựng bí quyết một kỷ nguyên hạnh phúc cho nhân loại. Đó là những hình thức tin tưởng hướng hạ, trái lại đức khó nghèo đời tu vốn là một động lực quyết hướng thượng.
Đức khó nghèo này cần phải mỗi lúc được sống trọn vẹn hơn trong cái đích thực của nó, để cùng lúc thấy hiện rõ bản chất đích thực của đức tin soi dẫn nó. Nó phải là một dấu hiệu làm ngỡ ngàng cho những ai, ngẫu nhiên hay tự nhiên, nhìn tiền bạc và tài sản như là những lợi lộc có sức quyến rũ mà không ai chống lại được.
Như vậy lòng quảng đại trong việc thực thi đức khó nghèo đời tu như Công Đồng khuyến cáo, không phải chỉ nhằm đưa ra như một chứng từ đức ái, mà còn là một biểu lộ đức tin. Đem tiền của vật chất cho người nghèo, ấy là đưa đến cho họ tình yêu thương xót của Đức Kitô, nhưng cũng là chứng tỏ giá trị tương đối của cnhững tiền của ấy, và khi dùng nó thì phải hướng nhìn lên Chúa, là tài sản duy nhất tuyệt đối.
5. Tin và khó nghèo thiêng liêng
Đức tin là động lực của đức khó nghèo đời tu, đạt tới đỉnh cao trong sự nghèo nàn về mặt thiêng liêng mà tu sĩ bằng lòng chấp nhận. Sự nghèo nàn về đường thiêng liêng mà con người cảm thấy vì những yếu đuối và bất toàn của mình thì chẳng phải trong đời tận hiến mà ít có hơn đâu. Trái lại trong đời tận hiến người ta còn cảm thấy nó nhiều hơn nữa.
Đã hẳn sự nghèo nàn thiêng liêng không làm nên đối tượng của lời khấn. Vì lời khấn chỉ nhằm giũ bỏ vật chất và khước từ quyền sở hữu hay quyền quản trị tài sản. Nhưng nếu vượt trên những khuôn khổ lề luật, và đi vào trạng thái nội tâm sâu xa, thì người ta thấy ngay rằng thái độ nghèo nàn thiêng liêng giúp cho lời khuyên Phúc Âm về đức khó nghèo thực sự ăn rễ sâu trong tâm hồn. Nhìn nhận sự bần cùng nội tâm và chấp nhận nó như một trạng thái bắt mình phải đặt trọn lòng trông cậy vào Chúa, chính là củng cố tinh thần đức tin, là động cơ khiến mình từ bỏ của cải trần gian, chính là di sản đi sâu vào tinh thần đức tin về mặt thiết yếu nhất.
Từ bỏ mọi sự để theo Chúa Kitô, cũng chính là từ bỏ mình, thôi không còn đặt hy vọng vào các năng lực của mình, mà chỉ gắn bó tuyệt đối hơn với Đấng cứu chuộc. Từ bỏ chính mình còn khó hơn là từ bỏ các sự vật. Tu sĩ dễ có khuynh hướng bám vào các cố gắng riêng của mình để nên thánh, và tự mình tạo một hình ảnh lý tưởng cho chính mình. Khi chấp nhận những bất lực và khiếm khuyết của mình, thì họ sẽ bằng lòng với sự nghèo nàn căn bản nhất là cái nghèo giũ bỏ được chính cái tôi của mình.
Nhận thấy tâm hồn mình nghèo khó và cứ mãi thất bại, có thể làm tu sĩ đắng cay trong lòng, rồi đóng kín lòng mình lại, nhưng nếu họ thực sự chấp nhận cảnh nghèo túng thiêng liêng, họ sẽ thấy lòng mình sinh phấn khởi tin tưởng và cậy trông, quyết chí cậy dựa nhiều hơn vào ơn cứu giúp của Chúa. “Cần Người phải lớn lên và tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Sở dĩ Thánh Gioan Tiền Hô nói được câu đó là vì Người tin tưởng vào Đấng sẽ nên cao trọng trước mặt Người.
Ý thức sự nghèo nàn thiết yếu nhất của mình như vậy, tu sĩ sẽ chỉ còn nhìn duy mình Chúa như kho tàng của mình. Không có ý thức nghèo đó họ có thể nghĩ rằng họ tự nhiên làm chủ được kho tàng đời họ. Có khi một quan niệm nào đó về đường lối nên thánh cá nhân sẽ khiến họ đóng kín lòng mình, rồi tự mình cố gắng chiếm thủ nhân đức. Trái lại, nếu họ nghiệm thấy mình bất xứng, họ sẽ chì còn biết tìm nương tựa nơi lòng nhân hậu của Chúa, đặt hết hy vọng ở lòng thương xót Chúa, họ càng nhận thấy mình nghèo nàn trước mặt Chúa, họ càng có thể củng cố niềm tin vào Đấng cứu họ và giải thoát họ hỏi sự bất lực.
Tu sĩ phải sống khó nghèo vật chất như dấu hiệu khó nghèo thiêng liêng. Phải chăng đó là cách tốt nhất trả lời cho những ai đôi khi trách các tu sĩ đã tạo nên một bậc quí tộc thánh thiện. Sự giũ bỏ mọi của cải trần gian đặt trọn vẹn giá trị của nó bằng sự giũ bỏ sâu xa chính mình, và đức tin sẽ bừng lên trong ánh sáng hơn, nhiệt nồng hơn, từ một tâm hồn cảm thấy sự trần trụi sâu xa nhất của mình.
Dường như có sự mâu thuẫn khi nói rằng tu sĩ là người đã từ bỏ mọi sở hữu cá nhân thì cũng từ bỏ luôn mọi quyền sở hữu về sự thánh thiện của mình. Ty nhiên ở đó có một sự thật: người chuyên tìm kiếm đúc ái trọn vẹn, phải từ bỏ chính mình, đến mức không màng cả quyền làm chủ sự thánh hóa chính mình. Họ càng hướng về sự trọn lành của đức ái và sự thánh thiện thì lại càng phải nhận mình còn xa tắp tít, và càng phải phó thác với lòng cậy trông mù quáng vào tình yêu khoan nhân của Chúa. Nhờ đức tin, họ sẽ nhìn thấy càng lúc càng rõ hơn kho tàng của họ như giấu ẩn trong lòng nhân hậu Thiên Chúa.
Lời này trong Phúc Âm: “Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình thì sẽ giữ được nó” (Lc 17,33), phải chăng là soi sáng ý nghĩa sự khó nghèo thiêng liêng? Đã hẳn, trong lời nói này, dường như Chúa Kitô nhắm trực tiếp hơn vào trường hợp người nào dám hy sinh mạng sống mình, tức là sự hy sinh tuyệt đối. Nhưng nguyên tắc đặt ra có tính cách tổng quát, và cũng áp dụng cho linh hồn, tức là cho phần thâm sâu nhất nơi con người. Vậy phải biết từ bỏ cả những gì quý giá và thiêng liêng nhất của mình, không được bám lấy nó cũng không được gìn giữ nó mà đòi quyền sở hữu. Chỉ khi nào chấp nhận mất hết mọi sự thì lòng tin vào Chúa mới thật hoàn toàn. Tu sĩ càng nhận mình nghèo, thì càng có thể đặt trọn vẹn tâm hồn mình vào đức tin.
Trích trong tập sách TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác CROIRE ET SE DONNER của Jean Galot, S.J
Ý kiến bạn đọc