banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

DẤN THÂN TRONG THẾ GIỚI

Đăng lúc: Thứ ba - 23/07/2019 22:29 - Người đăng bài viết: menthanhgia
DẤN THÂN TRONG THẾ GIỚI

DẤN THÂN TRONG THẾ GIỚI

Tin và tận hiến (tiếp theo)
 
DẤN THÂN TRONG THẾ GIỚI
(Tiếp theo kỳ trước)


3. Tin vào thế gian
Thoạt nghe từ ngữ “tin vào thế gian” có thể là chói tai. Trước kia người ta đã nói quá nhiều về sự đối lập giữa Giáo Hội và thế gian, khiến cho tâm trí ta ngày nay không dễ quên ngay. Trong các dòng tu trước kia người ta đã quá nhấn mạnh về sự thoát ly thế gian, đến nỗi ngày nay ta cần phải thích nghi lại về ngôn ngữ và về cách nhìn.

Sự dấn thân của các dòng tu giữa thế gian hiện nay đòi phải có đức tin vào thế gian ấy. Đức tin luôn luôn là gắn bó với Thiên Chúa, nhưng không chỉ gắn bó với một Thiên Chúa siêu việt cách xa thế gian. Do việc nhập thể, Thiên Chúa của đức tin đã đi sâu vào thế gian của chúng ta và hòa mình với nhận loại. Đức tin hướng về Ngôi Lời Nhập Thể, nghĩa là về một Thiên Chúa hiện hữu trong thế gian. Chính vì lẽ đó mà đức tin là đức tin vào thế gian: Kitô hữu tin vào một thế gian được cứu chuộc, một thế gian mà hoạt động thánh hóa và thần hóa của Chúa Thánh Linh càng lúc càng tỏ rõ và vượt thắng trên những khuynh hướng đối nghịch. Tin vào thế gian là tin vào ơn cứu chuộc của Thiên Chúa, Đấng làm cho thế gian được chữa lành, được biến đổi và nâng cao.

Để nhận rõ cách quan niệm đức tin như vậy là đúng, chỉ cần tham chiếu lời Phúc Âm của Thánh Gioan “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3,16). Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian như vậy nên ta không thể khước từ hay ghét bỏ thế gian. Do tình yêu của Ngài, Thiên Chúa đã vào sâu trong thực tại của thế gian, đến nỗi rồi đây theo lời Thánh Phaolo Ngài sẽ là “Tất cả trong mọi sự” (1Cr 15,18). Điều cốt yếu là phải tin tưởng vào thế gian, nơi mà mọi sự được từ từ đưa vào trong Thiên Chúa.

Không thể gán cho tu sĩ một cái nhìn về thế gian khác với cái nhìn mà ánh sáng mạc khải đã đem lại cho toàn thể Giáo Hội; người ta không thể đòi hỏi nơi họ một thái độ thực hành đối lập với thái độ riêng biệt nơi cuộc sống của tất cả cộng đồng Kitô hữu. Trái lại tu sĩ được mời gọi chiếm hữu cho mình và biểu lộ trong đời sống của mình một lòng tin mạnh mẽ hơn vào thế gian. Họ phải là chiến sĩ vô địch của niềm tin ấy, tại sao lại để một người không phải là Kitô hữu tin tưởng nhiều hơn vào thế gian? Ai có một đức tin sâu xa hơn vào Thiên Chúa, người ấy cũng không thể thiếu một lòng tin sâu xa vào vận mệnh thế giới đang được Thiên Chúa tuần tự chiếm hữu. Họ phải tin vào thế gian cách mạnh mẽ hơn, mê say hơn người vô thần hay vô tín ngưỡng. Bất cứ cuộc sống tận hiến nào cho Thiên Chúa, phải diễn ra bằng một niềm tin vững mạnh hơn, tỏ tường hơn vào thế gian.

Điều quan hệ là lòng tin đó phải luôn luôn giữ chiều hướng căn bản và siêu nhiên cảu nó, không được suy thoái thành một sự tín nhiệm chỉ đơn thuần đặt vào tạo vật, và gạt vào bóng tối công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, và công trình thuần hóa thực hiện bằng Thánh sủng của Người. Nếu sa ngã vào sự cám dỗ đó, thì đức tin tự chống lại mình, bởi vì cùng đích củ đức tin chỉ có thể là Thiên Chúa và không có Ngài thì đức tin chẳng còn lý do tồn tại. Một lòng tin vào thế gian mà không còn là tin vào Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong thế gian, không còn tin vào Đức Kitô tràn đầy con người của thế gian và nâng họ lên bậc cao hơn, thì lòng tin ấy không còn là  lòng tin vào thế gian đích thực. Sự thật của thế gian chính là sự thật về định mệnh siêu nhiên của nó.

Vả lại, chính mối tương quan với Thiên Chúa khiến cho lòng tin của Kitô hữu vào thế gian có một sức mạnh lớn lao vào một bảo đảm vững chắc như vậy. Thông thường, người ta dễ đoán xét thế gian là mộng ảo và nếu chỉ căn cứ vào những cái nhìn thuần túy nhân loại, người ta sẽ sớm mất lòng tin vào thế gian. Nhưng hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong thế gian làm cho thế gian xứng đáng tin tưởng một cách vững chắc hơn. Dù cho thụ tạo có những suy nhược lầm lỗi nào chăng nữa thì quyền năng của Đấng Cứu Thế vẫn luôn tác động, làm nền tảng cho lòng tin không lay chuyển của chúng ta vào vận mệnh thế giới.

Niềm tin vào một thế giới được yêu mến và ngày càng được thần hóa bởi Thiên Chúa, dẫn đến những ý hướng làm tăng giá trị cuộc dấn thân bước tông đồ. Tu sĩ phải có ý thức rằng không được tách rời niềm tin vào Chúa Kitô, một niềm tin định đoạt cách sâu xa đời tận hiến của mình khỏi niềm tin vào một thế gian được Chúa Kitô giải thoát và phục hưng. Cách nhìn đích thực của Kitô hữu về thế giới phải tỏ rõ trng cách họ suy nghĩ và hành động.

 
4. Lạc quan
Người tận hiến cho Thiên Chúa tất có một cái nhìn chủ yếu lạc quan đối với thế gian, và thích tìm kiếm trong thế gian những giá trị đích thực ẩn dấu trong đó. Bằng sự lạc quan ấy họ làm chứng cho cái nhìn đích thực của Thiên Chúa trên nhân loại. Mầu nhiệm Nhập Thể đã mặc khải lòng nhân hậu thẳm sâu của Chúa đối với thế gian tội lỗi. Sau những lời đe dọa được kể lại trong Cựu Ước và sau những cuộc diễn tả cơn thịnh nộ kinh khủng của Thiên Chúa, thật là một điều kỳ diệu được chiêm ngưỡng dung nhan hiền hậu nhân từ của Đức Kitô, với lòng quý mến mà Người tỏ ra cho các tội nhân nam cũng như nữ. Ở đây sự mặc khải về tình yêu Thiên Chúa đạt tới mức tuyệt đỉnh. Thánh Phaolo đã làm sáng tỏ điều ấy trong thư gửi giáo hữu Roma: “… Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,8).

Đây quả là một sự kiện rất đáng ngạc nhiên khác hẳn với thói quen của loài người. Đấng thánh tuyệt đối đã quyết liệt chứng tỏ tình yêu của Người bằng cách yêu những người tội lỗi và hiến cho họ sự hy sinh tối cao là chính mạng sống Người.

Chính điều kỳ diệu ấy của tình yêu Thiên Chúa phải được tỏ ra trong thái độ lạc quan của tu sĩ đứng trước thế gian. Với tư cách là đã tận hiến, tu sĩ phải tránh ngay cả bóng dáng của một xét đoán bất lợi về thế gian. Vì xét đoán bất lợi như thế là có một quan niệm không chính xác về sự thánh thiện của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu không thể đánh giá bất lợi cho thế gian. Lòng nhân hậu của Chúa Kitô phải được tái diễn trong cách suy nghĩ, trong cách xét đoán nhân loại và đánh giá mỗi người. Chỉ thái độ lạc quan mới là chứng ta trung thực của tình yêu Chúa.

Sự lạc quan ấy sẽ lôi cuốn tu sĩ cống hiến hết sức mình cho hoạt động tông đồ. Có thế nói chính họ sẽ là người đầu tiên được lợi ích về cái nhìn lạc quan của họ đối với kẻ khác. Trong khi những cái nhìn bi quan làm trì trệ mọi hoạt động và có thể dẫn đến mức tê liệt nữa, thì sự lạc quan nuôi dưỡng lòng phấn khởi và thúc đẩy lòng can đảm vươn lên. Chính sự chủ bại mơi là nguồn thất bại. Trên kia chúng tôi đã nhấn mạnh mối tương quan giữa đức tin và biến cố: người tin là kẻ làm cho mình có khả năng dùng lòng tin của mình mà thực hiện điều mình tin, hay nói đúng hơn họ để cho Thiên Chúa thực hiện điều ấy nơi họ, nhờ họ.

Dưới một phương diện khác, sự lạc quan giúp cho việc tông đồ tăng thêm hiệu quả. Lạc quan tạo sự hấp dẫn lôi cuốn với những người mà ta tiếp xúc. Trong dĩ vãng đã có thể xảy ra là bộ mặt thường quá ủ rũ của đời sống tu trì với quan niệm bi quan về thế gian, khiến cho nhiều người chán ngán và xa lánh Giáo Hội. Ngược lại, những xác tín lạc quan và cái nhìn nhân hậu có sức quyến rũ mọi người. Những kẻ được lôi kéo đến đều thầm cảm thấy sự thật là ở đó, ở trong trạng thái thiện cảm và tích cực phản chiếu tư tưởng tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian.

Ngày nay người ta muốn sự lạc quan được biểu lộ ra một cách rõ ràng và cách thập thể hơn trong đời sống tu trì. Bộ mặt của đời sống cộng đoàn koong còn gợi ra trước hết hình ảnh sám hối như đôi khi nhận thấy trong quá khứ. Các cộng đoàn tu sĩ phải cố gắng trnhf bày với thế gian một bộ mặt vui tươi, nếu họ muốn mang đến cho đời nụ cười đích thực của Chúa.

Chính những cộng đồng Đan Viện, tạo thành những ốc đảo cầu nguyện và chiêm niệm, cũng được mời gọi chứng tỏ lòng tin vào thế gian, làm cho mọi người hiểu rằng sự cô lập của họ không có nghĩa là lên án thế gian, nhưng là một cách lãnh trách nhiệm vô hình hơn đối với một thế gian mà ở đó đang thể hiện ơn cứu độ của Thiên Chúa. Cũng ở đó, người ta không thể tách biệt lòng tin vào Thiên Chúa với lòng tin vào một thế gian được ơn Chúa nâng đỡ và chiếm hữu. Đời sống Đan viện chỉ có ý nghĩa như là trung tâm giãi tỏa ân sủng đó trong thế gian, một trung tâm mạnh mẽ hơn của việc thần hóa vũ trụ.

 
4. Lòng tín thác[1]
Cùng với niềm tin vào thế gian, tu sĩ phải có lòng tín thác vào sức mạnh chiến thắng ân sủng. Khi dấn thân làm tròn sứ mạng tông đồ của mình, tu sĩ biết rằng cánh đồng làm việc của mình được Thiên Chú làm việc trước tiên. Có khi họ dậm chân tại chỗ trên mảnh đất nào đó thì lại chính là mảnh đất mà ở đó Chúa Kitô đã đoạt được chiến thắng chủ yếu. trong những cuộc chiến đấu của họ, họ phải luôn luôn nhìn vào cuộc chiến thắng mà trên nguyên tắc Chúa Cứu Thế đã dành được rồi. Thế gian là sản nhiệp của Đức Kitô, dù cho sản nghiệp đó chưa phải là sở hữu thực sự, chưa được thực hiện chiếm hữu của Giáo Hội.

Chính trong lãnh vực tông đồ mà Giao Ước được ký kết bằng việc tuyên khấn phát sinh mọi hoa trái. Hơn nữa giao ước này đã được thiết lập vì một mục đích tông đồ. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã ký giao ước với một cá nhân thay cho toàn dân, khiến cho toàn dân cũng cam kết vào đó. Giao Ước mới được thiết lập vì dân Chúa và với dân Chúa, và còn có một tính cách phổ quát hơn nữa: vì nhân loại. Khi một cá nhân nào được Chúa thúc đẩy cam kết sâu xa hơn trong giao ước, thì cá nhân đó đại diện toàn bộ Giáo Hội, và để cho nhân loại được đổi mới nhờ họ. Lời Thiên Sứ bảo đảm với Đức Trinh Nữ Maria: “Chúa sẽ ở cùng Trinh Nữ” đã thể hiện bằng sự giáng dinh của Đấng Emmanuel Thiên Chú ở cùng chúng tôi. Lời Chúa hứa “Ta sẽ ở với con” làm cho tu sĩ dám dân thân cam kết, là lời hứa nhằm vào một hiện diện sống động hơn của Thiên Chúa với toàn thế giới.

Người ta nhìn nhận, đó là mền tảng cụ thể lòng tin tưởng của tu sĩ trong hoạt động tông đồ. Chính Đấng tự xưng “Ta hằng có”, là thực tại cụ thể đầu tiên và toàn diện đã cam kết trong giao ước và muốn hành động qua những cố gắng rất bất toàn của một con người. Do đó việc tông đồ có được sự vững mạnh không lay chuyển của bản thể Thiên Chúa. Ở đây chỉ là áp dụng lời tuyên bố quyết định của Chúa Kitô vào việc tông đồ của tu sĩ: “Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đấng đã tỏ mình trong Cựu Ước dưới danh hiệu “Ta hằng có”, nay cho các tông đồ hiểu lời “Ta hằng có” ấy luôn luôn theo sát họ trong sứ mạng của họ, là Phúc Âm hóa vũ trụ cho đến khi sứ mạng ấy hoàn tất.

Do đó, nơi tu sĩ phải nói đến một lòng tín thác cụ thể, nghĩa là một lòng tín thác không dựa vào những nhận định và tình cảm của nhân loại, nhưng dựa vào chính hữu thể của Thiên Chúa nhận diện trong hành động của Ngài. Người đã muốn liều cả mạng sống mình vì lời “Ta hằng có” vô hình và không sờ được của Thiên Chúa, đem tất cả cố gắng tông đồ của mình cậy dựa vào quyền lực không lay chuyển của lời “Ta hằng có”. Lòng tín thác của họ phải ăn rễ sâu trong hữu thể của Thiên Chúa.

Vì hữu thể của Thiên Chúa là trẻ trung và mới mẻ, cho nên lòng tín thác ấy phải hướng vào những hình thức trẻ trung và mới mẻ của việc tông đồ. Lời “Ta hằng có” chắc chắn diễn tả một sự trung tín mà không có gì có thể làm lay chuyển, nhưng nó cũng chỉ có một hữu thể dồi dào luôn luôn hiện đại, một sự tươi trẻ mà không có gì có thể làm già cỗi. Như vậy lời ấy là mạch suối của sự đổi mới triền miên. Lời đó không phải là một sự bất động theo cái nghĩa nghèo nàn của tiếng ấy. Lời đó là biến chuyển, là hoạt động tối cao và thúc đẩy con người trên đường phát sinh và sáng kiến.

Người ta càng gắn bó với lời “Ta hằng có” của Thiên Chúa, thì càng được lời ấy hướng dẫn đến việc tông đồ có tính cách sáng tạo. Vậy đặt tín thác vào lời “Ta hằng có” này, tu sĩ sẽ có khả năng hơn để có nhiều sáng kiến về việc tông đồ của mình, để quan niệm việc ấy một cách dũng mãnh hơn, mới mẻ hơn. Họ gan dạ vì dựa trên quyền lực toàn năng của Thiên Chúa và họ xác tín rằng, sự gan dạ đó nằm trong chính đường lối của Thánh Ý Chúa. Người ta thường cho là liều lĩnh, khhi thấy tuổi trẻ tỏ ra gạn dạ trong khi tìm kiếm phương thức mới, để đem Chúa Kitô vào đời. Người ta chưa nhận thức đủ rằng sự gan dạ kia biểu hiện chính sự trẻ trung của Thiên Chúa. Đã hẳn đôi khi nó có thể dẫn đến những sai lệch hoặc quá trớn, nhưng nếu chỉ căn cứ vào một số lệch lạc mà phán đoán thì hẳn là bất công.

Trong việc tông đồ, lòng tín thác và sự cố gắng sáng kiến là hai việc đi đôi với nhau.
 

[1] Nguyên văn Pháp ngữ: La Confiance, thông thường dịch là tin cậy, cậy trông, tín thác, tín nhiệm… vì ngôn ngữ Công Giáo Việt Nam đã có những từ quan thuộc: tin, cậy, mến để chỉ ba nhân đức hướng thần (Foi, Espérănce, charité), nên ở đây, để dễ phân biệt chúng tôi dùng từ ngữ lòng tín thác, cũng có nghĩa như tin cậy, cậy trông, mà không lẫn với đức tin, đức cậy.

Trích trong tập sách TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: CROIRE ET SE DONNER của Jean Galot, SJ.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc