banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

ĐỨC TIN VÀ ĐỨC KHIẾT TỊNH

Đăng lúc: Thứ năm - 08/11/2018 21:04 - Người đăng bài viết: menthanhgia
ĐỨC TIN VÀ ĐỨC KHIẾT TỊNH

ĐỨC TIN VÀ ĐỨC KHIẾT TỊNH

Tin và tận hiến (tiếp theo kỳ trước)

4. Tin vào Chúa Kitô, Bạn nay Hôn Phu
Tin tưởng vào giá trị đức khiết tịnh không phải là tin vào một sự việc mà tin vào một người. Chính xác hơn, đó tin vào tư cách “Bạn” hay “Hôn Phu”, mà thực sự Chúa Kitô đã nhận lấy.

Bất cứ cuộc sống kitô hữu nào cũng dựa trên nền tảng tin vào Tình Yêu Thiên Chúa. Thánh Gioan nói: “Phần chúng tôi, chúng tôi đã nhận ra tình yêu Thiên Chúa ở trong chúng tôi, và chúng tôi đã tin vào tình yêu ấy” (1Ga 4,16). Niềm tin đó được Thánh Gioan trình bày như là thái độ đặc thù của người kitô hữu: tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, tức là tin vào tình yêu của Đấng Cứu Thế do Chúa Cha sai đến (1Ga 4,14-15). Đại diện cho thế hệ kitô hữu đầu tiên, tác giả Phúc Âm thứ tư làm chứng, đó là niềm tin của Giáo Hội, một niền tin làm nổi bật cái “chúng tôi” của các kitô hữu.

Trong đời sống tận hiến, tình yêu Thiên Chúa do Đức Kitô mạc khải mang một hình thức đặc biệt hơn. Khi Người gọi một người nào vào trong sự mật thiết trực tiếp nhất với Người, Người tặng kẻ ấy một mối tình cụ thể hơn, sâu đậm hơn trong liên hệ cá biệt với Người. Người muốn là Người Bạn tuyệt vời, Người Bạn chí tình chí thiết, Người đến như Người Hôn Phu với trọn vẹn phẩm cách ấy và đòi hỏi phải dang trọn con tim cho Người. Vì Người là “Bạn” hay “Hôn Phu” vô hình, nên chỉ ai tin nơi Người, mới có thể chấp nhận Người theo tư cách đó. Cách đặc biệt hơn, niềm tin ấy hướng về tình yêu biểu lộ trong ơn kêu gọi. Niềm tin ấy là câu đáp trả đầu tiên cho lời gọi của Đấng đặt cái nhìn ưu tuyển vào người nào để mời họ bỏ tất cả mọi sự mà theo Người.

Bản chất con người là muốn nếm cảm sự mặn mà của tình bạn, sự say nồng của tình yêu. Họ khát khao cảm nghiệm sự ngọt ngào được sống kề bên người bạn, hưởng sự âu yếm của “Hôn Phu”. Họ ước muốn được những an ủi khả giác. Thế mà gắn bó với Chúa bằng đức khiết trinh, là điều thuộc lãnh vực thiêng liêng, vượt mọi cảm xúc tình yêu khả giác. Có mặt một cách vô hình, thì cũng như vắng mặt. Chính đức tin cho phép nhận ra Đức Kitô có mặt bên mình, trong cảnh đơn độc của đời tận hiến. Bề ngoài, họ chỉ thấy lạnh lùng mà chẳng thấy gần ai cả, vậy mà đức tin khám phá được tình yêu sâu đậm nhất.

Để sống trọn vẹn đức khiết trinh, cần phải tin vào mầu nhiệm kết hôn của Đức Kitô với Giáo Hội. Coi đó là một hình ảnh thơ mộng thì chưa đủ. Cuộc kết hôn đó là một thực tại, mà tuyên khấn đức khiêt trinh là đi vào thực tại ấy. Trong thực tại đó: “Chúa Kitô hiệp nhất với Giáo Hội, Hiền Thê của Người bằng mối dây bất khả phân ly” (GL 44). “Sự kết hợp lạ lùng do Thiên Chúa thiết lập và sẽ tỏ hiện đầy đủ ở đời sau, là Giáo Hội được nhận Chúa Kitô làm Lang Quân độc nhất của mình” (PC12).

Khi Giáo Hội kết hợp với “Hôn Phu” của mình, là kết hợp trong đức tin. Tham dự vào cuộc hôn phối của Giáo Hội với Đức Kitô, thì trước hết là tin vào Đức Kitô, là sáp nhập vào đức tin của cộng đồng kitô hữu. Gắn bó với Người cách trực tiếp thiết cận bằng tình yêu toàn vẹn trong lời khấn khiết tịnh, ấy là sống đức tin của mình cách trọn vẹn hơn.

Thế là, cuộc sống tận hiến thúc giục ta đặc biệt tìm kiếm dung nhan “Đấng Hôn Phu” nơi Chúa Cứu Thế. Người vô hình, nhưng Người vẫn có trọn vẹn tư cách Hôn Phu không kém một người hữu hình, trên bình diện thiêng liêng là bình diện cuộc hôn nhân của Người. Vì Người vô hình, Người còn có thể gần ta hơn nữa về mặt thiêng; trong khi đó điều mà một người chồng trần gian không thể làm được như vậy. Chính nhờ đức tin mà người tận hiến tìm thấy và nắm được dung nhan bí nhiệm ấy.

Đức tin càng mạnh thì người tận hiến càng có thái độ yêu mến tích cực đối với Chúa, để làm nền tảng cho đời sống khiết tịnh. Lòng phấn khích yêu đương hướng về Đấng Vô Hình chỉ có thể dựa trên cái nhìn siêu nhiên, trên một lối hiểu biết vượt trên mọi giác quan. Một con người trần gian mà có thể tập trung mọi năng lực yêu mến của mình vào một Đấng mà mình không thấy, và sẽ không bao giờ thấy trên mặt đất, đó là một thái độ kỳ lạ do đức tin mà có.

Như vậy có thể nói đức tin làm cho Dung Nhan vô hình của Chúa trở nên hữu hình. Trên kia chúng tôi đã nhắc tới nguyên ủy hình thành đức tin: đó là chính Chúa Cha lôi kéo ta đến với Đức kitô. Sự quyến rũ của Dung Nhan từ ái Chúa Giêsu, đó là điều thiết yếu cho đời sống khiết tịnh. Mắt đức tin cho thấy được Dung Nhan đó, làm cho Dung Nhan đó tỏ hiện rõ ràng, và có sức lôi cuốn mãnh liệt. Chính đức tin làm cho con người trần gian sống gắn bó thiết cận với Thiên Chúa vô hình tạo nên mối tình thắm thiết thực sự với Ngài trong khi khám phá ra Ngài chính là  “Đấng ấy’’: Đấng yêu đương của lòng mình.

5. Đức tin và tâm lý con người
Bậc độc thân tận hiến đặt ra những vấn đề tế nhị cho khoa tâm lý con người. Quả thực, nó đụng chạm đến nhiều xu hướng thẳm sâu, có liên quan mật khiết với sự triển nở của con người. Dấn thân vào cuộc sống độc thân, thì thế nào cũng phải đụng độ với nhiều đòi hỏi của bản tính tự nhiên. Không phải chỉ có bản năng phái tính tìm thỏa mãn tính dục mà không được chấp thuận, mà còn có những xu hướng yêu đương theo kiểu vợ chồng, là nhu cầu về tình yêu của con người như thấy triển nở trong hôn nhân.

Khoa tâm lý hiện đại đã khám phá được nhiều điều cho thấy rõ hơn tính cách quan trọng của các xu hướng ấy và phần đóng góp của chúng trong sự quân bình của con người. Khoa phân tâm đã đặc biệt nhấn mạnh ảnh hưởng tổng quát của phái tính đối với toàn bộ hành vi của con người. Khoa tâm lý trị liệu thì cố gắng bình thường hóa những trường hợp mất thăng bằng về tình cảm.

Như thế đủ hiểu vì sao các nhà tâm lý học hay phân tâm học hay phân vân trước trường hợp độc thân tận hiến. Đó là một trường hợp không nằm trong số những thể loại tâm lý bình thường, và còn coi như là một thách thức đối với những nguyên tắc thường được chấp nhận trong khoa tâm lý. Cứ theo các nguyên tắc đó, thì hôn nhân là lý tưởng cho một cuộc sống quân bình về tâm lý và con người được triển nở, vì trong hôn nhân, các xu hướng tính dục và tình ái được thỏa mãn. Người nam và người nữ bổ sung cho nhau, tạo sự phong phú lẫn cho nhau trong sự phối hợp vợ chồng. Vậy theo quan điểm này thì đời sống tự nguyện độc thân xem ra như là một sự nghèo nàn về tâm lý, một sự mất mát có thể gây nên nhiều nỗi bất quân bình.

Ta nên nhớ rằng, trong Phúc Âm, Đức Kitô đã không ngần ngại giới thiệu cuộc sống độc thân như là một cuộc hy sinh. Khi Người nói về “tự hoạn”, Người tỏ những ý muốn nói rõ đó là một sự cắt xén trong bản tính tự nhiên của con người. Vậy nên không thể cố tình đặt bậc sống độc thân tận hiến trong những trạng thái bình thường của tâm lý. Ta phải công nhận rằng, bậc sống ấy không biện minh được bằng những dữ kiện của khoa tâm lý, chỉ liên hệ tới bản tính tự nhiên của con người, cũng như không biện minh được bằng những điều kiện chung của đời sống ân sủng nơi kitô hữu. Vì lẽ bậc sống độc thân của tu sĩ, là một đặc ân của Thiên Chúa ban vì lợi ích Nước Trời, nên sự hy sinh, từ bỏ là nét đặc thù của nếp sống đó, không dựa vào những dữ kiện của tâm lý thông thường cho mọi người.

Tất nhiên, không ai trách các nhà tâm lý học, vì họ giữ quan niệm của họ về một nếp sống bình thường và họ dùng những phương thế khả dĩ giúp triển nở nếp sống ấy. Nhưng người ta cũng muốn có cái nhìn mở rộng về siêu nhiên và học thuyết Phúc Âm, để họ không nhân danh khoa tâm lý mà kết án một lối sống đã được Chúa Kitô khuyên bảo, mà chính Người cũng đã tự ý sống độc thân và đã tỏ ra là con người quân bình và triển nở xuất sắc.

Ở đây ta thấy rõ đức tin vượt trên tâm lý, hay nói đúng hơn, tâm lý của một đời sống có ơn thiêng đặc biệt giúp sống độc thân, vượt trên mọi tâm lý của bản tính tự nhiên con người. Trong trường hợp này, chỉ đức tin mới có thể giúp nhận rõ những qui tắc và điều kiện cho sự triển nở tâm lý của đời tu.

Điều cần nhắc nhở hơn hết là: ai theo ánh sáng đức tin và dấn bước vào bậc độc thân, thì phải sống bậc ấy một cách tích cực, như gắn chặt với Đấng là Bạn và Hôn Phu, chứ không thể mình còn bị ám ảnh bởi những gì mình đã từ bỏ. Đứng về mặt tâm lý mà xét, cái nguy hại là ở chỗ giữ đức khiết tịnh một cách tiêu cực, như là giữ một số điều cấm. Như vậy người ta dễ rơi vào tình trạng thất vọng, theo quan điểm thông thường của khoa tâm lý, mà lý do chỉ vì người ta đã không phát triển cho đủ cái nhìn theo đức tin. Trong trường hợp ấy, nhân cách sẽ bị giảm thiểu, thay vì triển nở đến một trình độ cao quí. Người ta chỉ có thể sống bậc độc thân tận hiến cách lành mạnh, khi người ta sống nó như một tình yêu lớn lao hơn, do đức tin soi sáng.
Mặc khác kinh nghiệm cũng xác nhận bậc độc thân tận hiến có khả năng dẫn tới sự triển nở trên bình diện cao hơn như vậy.

Một số đông tu sĩ, vì biết sống bậc độc thân như một tình yêu lớn lao hơn, nên tìm được ở đó một khả năng cống hiến tận tình hơn, làm cho nhân cách họ nảy nở hơn, linh hoạt hơn, hùng mạnh hơn, và do đó trở thành nguồn vui bền lâu. Nhiều khi người ta quá để ý một số trường hợp rút lui hoặc thất bại trong đời tu, mà không nhìn vào tấm gương rất cảm kích của những người sống đời khiết tịnh tận hiến cho Chúa mà chứng tỏ một cuộc phát triển xuất sắc, một nhân cách đa năng phong phú, một con người hoàn toàn quân bình. Không phải chỉ có trong quá khứ mà còn nhận thấy ngay ở thời nay, những tấm gương đó góp phần minh chứng rằng, niềm tin ở giá trị bậc độc thân không phải là hảo huyền và tâm lý con người có thể thực sự nhận được từ bên trên một nguyên lý mới cho sự phát triển toàn vẹn.

Trích trong cuốn TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: CROIRE ET SE DONNER, Jean Galot
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc