banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

ĐỨC TIN VÀ ĐỨC KHIẾT TỊNH

Đăng lúc: Thứ ba - 20/11/2018 20:14 - Người đăng bài viết: menthanhgia
ĐỨC TIN VÀ ĐỨC KHIẾT TỊNH

ĐỨC TIN VÀ ĐỨC KHIẾT TỊNH

Tin và hiến (tiếp theo kỳ trước)

6.Tin vào sản lực thiêng liêng
 Bậc độc thân tận hiến đòi hỏi phải tin vào sản lực thiêng liêng của con người. Phàm con người nào cũng muốn sinh sản; đàn ông muốn làm cha, đàn muốn làm mẹ. Năng lực truyền sinh là một trong những hồng ân cao quí nhất của Thiên Chúa cho loài người. Bậc độc thân sẽ thiếu mất một giá trị thiết yếu, nếu như năng lực ấy không thể hiện ở đó dưới một hình thức huyền bí hơn.

Ta hãy trở lại với gương Đức Mẹ: trái với phong tục quê hương mình, thiếu nữ Do thái ấy đã tự ý khước từ quyền sinh sản là việc thông thường của người phụ nữ trong hôn nhân; Người chỉ có thể làm như vậy vì một niềm tin táo bạo vào một đường lối sinh sản khác. Người chủ ý dấn thân vào đường lối khó nghèo, từ bỏ cái tài sản quí giá nhất của người phụ nữ là sinh con, và để mặc cho Thiên Chúa định liệu về hoa trái cuộc đời mình. Sự tương phản với ông Zacaria soi sáng thêm cho vấn đề này. Ông này không có con, chỉ thấy trở ngại là do nơi vợ mình son sẽ, nên khi nghe thiên sứ báo tin đã không dễ dàng tin ngay Chúa sẽ ban con cho mình. Đức Maria, trái lại, đã tự ý chấp nhận và ước muốn sự son sẽ trần gian, thì lại hoàn toàn sẵn sàng tin vào sự sinh sản ở phạm vi cao hơn như thiên sứ hứa, bởi vì chính đức tin ấy từ trước đã thúc đẩy quyết định của Người.

Nếu không có một đức tin như vậy thì quyết tâm sống đời trinh khiết sẽ không đủ lý do. Không người nào lại muốn từ bỏ mọi khả năng sinh sản. Nếu họ hy sinh sản lực trông hôn nhân thì điều ấy chỉ nhằm có sản lực thiêng liêng. Dấn thân sống đòi trinh khiết không có nghĩa là tự hủy diệt. Nó chỉ có thể và đáng ước muốn cách lành mạnh, nếu được soi dẫn bởi niềm tin vào một giá trị cao quí hơn của đời sống.

Không nên nghĩ rằng Đức Maria khi quyết tâm sống trinh khiết đã thoáng có ý nghĩ về quyền làm mẹ của Chúa dành cho Người. Hiểu cho đúng, sứ điệp của Thiên Thần làm cho Người rất ngạc nhiên và câu hỏi: “Việc đó xẩy ra thế nào được?” chứng tỏ Người chưa hề tự ý nghĩ tới một việc như vậy. Nhưng trong khi chưa biết ý định của Thiên Chúa, Người vẫn quyết tâm sống đồng trinh chỉ vì Người tin vào một sản lực ở phạm vi cao hơn. Người coi đời sống khiết trinh như có một phẩm giá và một hiệu lực cao hơn, vì dựa vào quyền năng của Thiên Chúa ưa tác động trong sự yếu hèn của con người.

Tuy nhiên, trước ngày truyền tin, sản lực nói trên vẫn còn che khuất ngay đối với con mắt Đức Mẹ. Đó là một mầu nhiệm mà Người chỉ phải tin thôi. Nói theo kiểu loài người, hẳn Người phải cảm thấy, quyết định của Người không là mẹ như mọi người là kỳ dị trong môi trường Do Thái và đó cũng là một sự liều lĩnh và mạo hiểm. Trên kia, khi nói về việc dấn thân sống đời tu trì, chúng tôi đã nhấn mạnh khía cạnh liều lĩnh và mạo hiểm đó. Trong việc dấn thân sống đời trinh khiết, khía cạnh này còn nổi bật hơn. Liều lĩnh và mạo hiểm ở đây không có nghĩa là không biết chắc về giá trị và sức phong phú của đức trinh khiết tận hiến, nhưng liều lĩnh và mạo hiểm vì từ bỏ những gì mà người đời coi là bảo đảm. Đức Maria đã hữu ý chấp nhận sự liều lĩnh; Người đã lao mình vào một cuộc mạo hiểm chưa từng thấy trong Cựu Ước.

Ta thấy rõ lòng tin của Đức Maria đã vượt qua mọi giới hạn niềm tin của Israen; và Thiên Chúa đã đáp trả Người bằng cách vượt mọi giới hạn trong các hoạt động của Ngài giữa loài người. Đỉnh cao của sản lực phù hợp với đỉnh cao của đức tin.

Nhiều vị giáo phụ đã nhấn mạnh ảnh hưởng của đức tin ngay đối với sản lực, khi xác quyết rằng: Đức Maria đã chịu thai cách thiêng liêng trước khi chịu thai nơi thân xác. Thế là, đức tin đã khai mào và đặt kích thước thiêng liêng cho quyền làm mẹ của Người.

Việc từ bỏ quyền làm cha mẹ phần xác, càng đụng chạm đến tầng sâu của con người, thì nó càng đòi hỏi phải vận dụng đức tin mà đóng góp vào quyền làm cha làm mẹ trong lãnh vực thiêng liêng. Phải động viên tất cả năng lực mình trong đức tin và tình yêu để sinh sản về mặt thiêng liêng.

Vả lại việc sinh sản thiêng liêng như thế không phải chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn Giáo Hội. Đi vào hôn phối của Giáo Hội với Đức Kitô, không phải chỉ là gắn bó với Đức Kitô Phu Quân, nhưng còn là tham dự vào thiên chức làm mẹ của Giáo Hội. Đức Kitô làm cho Giáo Hội, Bạn Trăm Năm của mình dồi dào sản lực, Người dùng Giáo Hội để tràn ân sủng của Người trên khắp thế giới. Sống đời tận hiến là chia sẻ tư cách hôn thê của Giáo Hội, đương nhiên cũng là chia sẻ thiên chức làm mẹ sinh con của Giáo Hội.

Sức sinh sản ấy là một thực tại cơ bản nhưng vô hình. Chỉ có thể nhận thấy ít nhiều biểu hiện hữu hình, nhưng đó cũng chỉ là những biểu hiện tản mát của một mầu nhiệm bao la hơn. Vậy chỉ đức tin mới có khả năng nhìn nhận sức sinh sản đó. Việc thông truyền ơn thánh là điều bí nhiệm của các linh hồn, việc truyền sinh thiêng liêng không thể nhận thấy rõ ràng như việc truyền sinh thể lý. Như vậy, tu sĩ không thể hy vọng thấy được sản lực của mình. Nhưng càng tin mạnh mẽ hơn, họ càng cộng tác rộng rãi hơn vào sản lực ấy, và càng tham dự nhiều hơn vào sản lực vô biên của Thiên Chúa.

7. Đức tin trong mầu nhiệm cứu độ
Khi Chúa Giêsu tỏ lòng quý trọng “những kẻ tự hoạn vì Nước Trời”, đó là Người cũng lưu ý chúng ta về phương diện hy sinh của bậc sống độc thân tự nguyện. Sự hy sinh đó không được chỉ coi là việc riêng của mỗi cá nhân, nó nằm trong toàn bộ hy lễ cứu chuộc. Chính Chúa Giêsu đã so sánh việc các môn đệ hợp tác vào cuộc tử nạn cứu thế của Người, với việc người ta chịu đau đớn để sinh con (Ga 16,21). Thánh Phaolo áp dụng hình ảnh gợi ý đó vào việc tông đồ của Người. Người phải chịu quằn quại đau đớn như là mẹ lúc sinh con, để tạo ra sự sống của Chúa Giêsu trong các tín hữu của Người (Ga 4,19).

Sự hy sinh sống trinh khiết tận hiến mang tất cả giá trị của nó dưới ánh sáng này: những đau khổ của bậc sống ấy là đau khổ của việc sinh con. Ở đây ta gặp lại quan niệm về sản lực nhưng được gợi ra trng một khung cảnh phổ quát hơn và dưới nhãn quan cứu chuộc. Chỉ đức tin mới có thể mở ra một chân trời như thế và nhìn nhận rằng sống độc thân tận hiến là tham dự vào nỗi đau khổ bao la để sinh một nhân loại mới. Tu sĩ phải hết sức tin vào một thế giới tốt đẹp hơn mà mình đang đóng góp phần sinh ra.

Trong cái nhìn đức tin ấy, họ sẽ nhận ra ý nghĩa sâu xa các cuộc chiến đấu âm thầm trong đời sống khiết tịnh. Cho dù quyết tâm của họ mạnh mẽ đến đâu, họ cũng không ngăn cản nổi những biểu hiện của một vài khuynh hướng họ mang trong mình mà họ đã chối từ không cho thỏa mãn. Họ không tránh khỏi một vài ảnh hưởng của sự dồn nén, và cũng không được chuẩn miễn những cuộc chiến đấu nội tâm. Đôi khi, cuộc chiến kéo dài và rất mỏi mệt. Đối phó lại nguyên bằng ý chí giữ lời khấn chưa đủ, còn cần phải nhờ đức tin mà tìm ra một ý nghĩa cao hơn việc chống cự, và lòng trung kiên phải được nâng đỡ bằng niềm xác tín rằng, hy sinh là ban sự sống.

Trong mầu nhiệm cứu độ, ta nhận rõ hơn giá trị xây dựng của đức khiết tịnh. Tất cả những gì Thánh Phaolo nói về việc xây dựng con người mới bằng hy sinh thập giá, được đặc biệt áp dụng nơi những người chấp nhận hy sinh một xu hướng cơ bản của con người để cộng tác vào việc hình thành một đời sống cao đẹp hơn cho nhân loại.

Dấn bước trong công cuộc cứu độ ấy là đồng thời kết hợp với sự Phục Sinh của Đức Kitô. Trong bóng tối đời sống trần gian, bậc độc thân tận hiến đã manh nha một khía cạnh thiên đàng của nếp sống con người. Nếp sống độc thân của tu sĩ thực hiện trong thân xác mình một lối sống vượt quá thân phận xác thịt và phần nào như được hưởng trước cuộc diện kiến với Đấng Vĩnh Cửu bằng sự kết hợp mật thiết nhất với Chúa. Tuy nhiên, thực tại thiên đàng đó chưa được nhìn bằng mắt đâu, nó còn ở trong phạm vi đức tin.

Thế làm trong nếp sống khiết tịnh của mình, người tu sĩ phải tin thiên đàng đã hiện ngay trong đời mình. Họ chứng tỏ trước mắt người đời rằng, họ đã đặt tất cả hy vọng của họ trng sự chiếm hữu Thiên Chúa như là hạnh phúc căn bản và vĩnh viễn của con người. Chính họ phải phát triển niềm tin của họ vào đời sống vĩnh cửu đang nảy nở trong việc tận hiến của mình.

Nếm hưởng trước đời sống thiên đàng chẳng mâu thuẫn và cũng chẳng ngăn trở chút nào việc hy sinh. Trong đức khiết tịnh, người tu sĩ cảm nghiệm điều kiện sống Kitô hữu thông thường là vừa tham dự cuộc tử nạn của Chúa Kitô vừa thông phần vào mầu nhiệm vinh quang khải hoàn của Người, tức là vừa sống trong hy sinh đau khổ, vừa sống trong phước lạc Thiên Đàng, và người ta cần nhờ đến cuộc sống vinh quang của Đấng Cứu Thế để hoàn tất nơi thân xác mình cuộc hiến dâng cứu độ của mình.

Tóm lại, bậc độc thân tận hiến chính là một nhân loại mới, khởi xuất từ cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, hình thành sâu xa hơn trong cuộc sống trần gian, nhưng với tất cả giá trị đời sống vĩnh cửu của nó, và thông truyền ra trong cuộc sinh nở đau đớn hòa lẫn với niềm vui chào đời. Đức tin cho phép tu sĩ nhận thấy ý nghĩa đó của đức khiết tịnh và thể hiện đức ấy cách trung thực.

Trích trong cuốn TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: CROIRE ET SE DONNER của Jean Galot
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc