banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

ĐỨC TIN VÀ ĐỨC VÂNG PHỤC

Đăng lúc: Thứ hai - 25/02/2019 08:19 - Người đăng bài viết: menthanhgia
ĐỨC TIN VÀ ĐỨC VÂNG PHỤC

ĐỨC TIN VÀ ĐỨC VÂNG PHỤC

Thời nào cũng vậy, điều làm cho sự phục tùng Bề Trên trở nên khóa khăn, ấy là những khuyết điểm và lầm lỗi hiển nhiên của Bề Trên.
 
TIN VÀ ĐỨC VÂNG PHỤC
(Tiếp theo)

3. Đảm bảo của Thiên Chúa
Thời nào cũng vậy, điều làm cho sự phục tùng Bề Trên trở nên khóa khăn, ấy là những khuyết điểm và lầm lỗi hiển nhiên của Bề Trên. Người ta khó mà nhìn nhận tư cách đại diện Thiên Chúa nơi một người mà ta nhận thấy những khiếm khuyết, có khi có những Bề Trên chỉ ra quyết định theo những ham mê quá nhân loại hoặc thiếu những đức tính cần thiết để thi hành chức vụ cách xứng đáng. Vậy thử hỏi, nguyên tắc “Bề Trên thay quyền Thiên Chúa” phải được coi trọng đến mức nào và làm sao bảo đảm cho tu sĩ không phải là nạn nhân của một mệnh lệnh thiếu khôn ngoan, bất hạnh hay tác hại? Có thể coi một mệnh lệnh như thế là do Thiên Chúa và đòi hỏi phải phục tùng trong đức tin chăng?

Trước tiên hãy nhận xét rằng có 2 vấn đề lương tâm: một vấn đề đặt ra cho Bề Trên, một vấn đề liên hệ đến tu sĩ. Vì lẽ không thể lẫn lộn hai quan điểm, và lấy những đòi hỏi của quan điểm này ghép cho quan điểm kia. Đối với Bề Trên vấn đề là phải mở lòng đón nhận ánh sáng bởi trời, tìm hiểu kế hoạch của Thiên Chúa đối với cộng đồng và đối với mỗi phần tử và hoàn toàn trung tín làm theo kế hoạch đó. Công Đồng đã nêu lên bổn phận đầu tiên của Bề Trên là phải ngoan thảo đón nhận ý Chúa. “Đối với các vị Bề Trên, là những người phải trả lẽ về các linh hồn đã được ký thác cho mình (x. Hr 13,17), các ngài sẽ phải ngoan ngoãn tuân theo ý Chúa trong việc chu toàn nhiệm vụ” (PC 14). Trên kia ta đã thấy tính ngoan thảo tuân theo ý Chúa đòi các Bề Trên phải tham khảo ý kiến và đối thoại với cộng đồng như thế nào. Bề Trên nào không cố gắng đủ để tìm biết thánh ý Chúa, hoặc để đam mê hay tư lợi lôi kéo mình lạc xa ý Chúa, vị ấy phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa về một quyết định không hợp hoặc có hại mà mình đã ban ra.

Vấn đề người tu sĩ nhận lệnh truyền thì khác. Tu sĩ không có quyền can thiệp vào những bó buộc lương tâm của Bề Trên, cũng không có quyền xét xử Bề Trên. Họ không có quyền chối bỏ tư cách Bề Trên là đại diện Thiên Chúa, dù trong trường hợp Bề Trên đã thực sự tỏ ra không theo ý Chúa. Khi Chúa Kitô trao quyền cho các tông đồ, và ban cho các ngài quyền điều khiển Giáo Hội nhân danh Người, thì Người đã chấp nhận trước những khiếm khuyết và bất toàn của các ngài. Khi Chúa Giêsu trao quyền chủ chăn tối cao cho Thánh Phêrô, Người đã đòi Phêrô tuyên xưng tình yêu đến ba lần như thế để đòi lại ba lần Phêrô chối Chúa. Như vậy những người thi hành quyền bính nhân danh Thiên Chúa, không phải tất nhiên được miễn trừ mọi yếu đuối hay mọi lỗi lầm của con người hay những hậu quả của chúng trong khi các vị ấy thi hành nhiệm vụ của mình.

Vì vậy dù lệnh truyền của Bề Trên không thích hợp hay tai hại, tu sĩ vẫn thấy đó là dấu chỉ đích thực về một ý muốn của Thiên Chúa, ngoại trừ khi lệnh truyền ấy mâu thuẫn hẳn với những nguyên tắc đời sống kitô hữu, hoặc áp đặt một hành động trái lương tâm. Thiên Chúa dùng cả những quyết định tồi tàn của con người để thực hiện công trình của Người; lợi dụng những cái ấy trong chương trình cứu chuộc của Người. Và cuối cùng qui tất cả về lợi ích cho những kẻ đã hiến mình cho Người bằng lời khấn tuân phục trong đời tu.

Để hiểu biết và nhận đúng ý Chúa biểu lộ như vậy qua ý muốn khiếm khuyết của con người, cần phải nhớ lại giao ước của Thiên Chúa là nền tảng lời khấn vâng lời. Trong giao ước ký kết với tu sĩ, Chúa đoan chắc sẽ hướng dẫn đời sống của họ bằng những lệnh truyền của Bề Trên. Ngài ban cho bảo đảm tuyệt đối rằng: những lệnh ấy, dầu thế nào chăng nữa đều được hội nhập vào kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Do hiệu quả của bảo đảm ấy, trong trường hợp Bề Trên sai lầm khi vâng phục, vì Thiên Chúa dùng cả cái sai lầm đó để hướng dẫn đời sống họ.

Tu sĩ không cần đòi hỏi phải được hiểu bằng cách nào một mệnh lệnh truyền đáng tiếc, lại có thể được tái bảo đảm nhận như vậy trong kế hoạch Thiên Chúa. Họ còn có thể cảm nghĩ rằng hiệu quả của quyết định đó là tai hại. Nhưng đức tin phải nâng họ lên trên mọi suy tính thuần túy nhân loại và làm cho họ gắn bó vào mầu nhiệm khôn dò của Thánh ý Chúa. Hơn nữa tu sĩ có nhiệm vụ phải tin vào sự trung thành tuyệt đối của Thiên Chúa. Chúa đã cam kết rằng: chính Người dùng các Bề Trên để hướng dẫn tu sĩ sống lời khấn tuân phục, thì Người không bao giờ khiếm khuyết trong việc giữ trọn điều Người đã cam kết, và dù thế nào Người cũng không rút lại lời đảm bảo của Người là che đậy mọi khiếm khuyết của con người.

 
4. Xét đoán theo đức tin
Trước đây sự tuân phục trong trí phán đoán, đã thường được trình bày như điểm cao của nhân đức trong sự tuân phục tu trì. Người ta coi như là lý tưởng của đức tuân phục, cái thái độ của người dưới hoàn toàn phù hợp với cách phán đoán của Bề Trên, tới độ sự tuân phục trong ý chí và hành động có thể đạt tới sức mạnh tối đa, và động viên mọi năng lực của con người để thi hành mệnh lệnh.

Vả lại, người ta đã công nhận rằng, hợp trí phán đoán như thế không phải là việc luôn có thể thực hiện, bởi lẽ bản tính của lý trí là đuổi theo cái nhìn hiển nhiên riêng của nó. Nhưng người ta thêm rằng, phải cố gắng đạt tới sự phù hợp này, nhất là trong phạm vi này không thể hy vọng có được sự hiển nhiên tuyệt đối, và cũng trong phạm vi đó những lý do thuận và nghịch đều khó mà nhận ra giá trị đích thực của chúng.

Cách quan niệm và trình bày đức tuân phục như thể xem ra không tôn trọng tư cách con người với tất cả phẩm giá của họ. Chủ trương coi sự từ bỏ trí phán đoán riêng tư như là một lý tưởng, ấy là tu sĩ tước bỏ một khả năng thuộc vào phần cao quý nhất của con người. Đã hẳn có thể đòi họ phải cố gắng đem hết thiện cảm để tiếp tục nhận mệnh lệnh của Bề Trên và để hiểu lệnh truyền ấy là chính đáng, nhưng người ta không làm họ mất khả năng phát biểu và giữ ý kiến riêng có thể là khác với ý Bề Trên.

Thực sự, tu sĩ cũng như bất cứ ai đều có bổn phận tìm hiểu sự thật, duy trì và phát triển năng khiếu phán đoán của mình. Do đó, tu sĩ cũng có bổn phận thẩm định những lý do của lệnh truyền. Trong cách cộng đồng tu sĩ cũng như toàn Giáo Hội, người ta không thể chấp nhận hay bào chữa cho một chế độ quyền bính giống như kiểu những chế độ độc tài. Trong lịch sử thế giới mà trong đó tất cả đều được tổ chức để cưỡng bách mọi người phải tư tưởng như vị thủ lãnh. Một chế độ như vậy sẽ làm hạ giá nhân vị, làm xấu kém xã hội; nó không phù hợp với các nguyên tắc kitô giáo. Vậy nên đời sống tu trì không thể đi theo xu hướng đó. Không thể chối cãi là đã có và còn có sự cám dỗ theo chiều hướng ấy. Người ta thấy như vậy không những trong phạm vi thi hành quyền bính và trong quan niệm tuân phục, mà cả trong phạm vi bác ái cộng đoàn, vì ở đó đôi khi người ta đã muốn bảo đảm sự đồng tâm nhất trí bằng cách đòi hỏi mọi thành viên phải nhất loạt phán đoán và suy nghĩ như nhau. Nhưng năng khiếu phán đoán không thể được hiến dâng làm lễ vật hy sinh hoặc cho quyền bính, hoặc cho đời sống cộng đồng.

Trong sắc lệnh “Đức ái hoàn hảo”, Công Đồng muốn ta hiểu ý nghĩa đức tùng phục trong phán đoán theo một chiều hướng khác. Công đồng tránh không dùng từ ngữ đó vì nó quá dễ bị hiểu lầm trong một học thuyết đã minh định. Công Đồng dạy rằng: “Đặc tính đức tuân phục của tu sĩ là từ bỏ ý muốn riêng mình”, chứ không dạy thêm phải bỏ phán đoán riêng. Công Đồng đòi tu sĩ phải đem tất cả khả năng của lý trí và ý chí, để thi hành mệnh lệnh Bề Trên, nhưng không có chỗ nào đòi tu sĩ phải có phán đoàn hoàn toàn phù hợp với phán đoán của Bề Trên.

Thế thì giờ đây, dưới ánh sáng giáo huấn của Công Đồng ta phải hiểu sao về khả năng phê phán trước đức tuân phục? Hai nguyên tắc thiết yếu giúp hiểu điều đó: tôn trọng nhân vị và tinh thần đức tin.

Tôn trọng nhân vị trong quan điểm cộng tác và đối thoại bao hàm sự phát triển khả năng phán đoán của mỗi người. Tinh thần đức tin nâng sự phán đoán đó lên mức độ cao hơn. Nó giúp tu sĩ phán đoán rằng: ý muốn của Chúa được biểu lộ cho mình trong lệnh truyền của Bề Trên, và vì thế họ phải thi hành thật tốt. Đức phục tùng của tu sĩ đòi hỏi phải có sự phán đoán đúng theo đức tin như vậy: trong chiều hướng đó, ta thấy thực sự đức tuân phục chỉ được hoàn hảo với sự tham gia của trí phán đoán.

Phán đoán theo đức tin nâng cao phẩm giá con người, vì làm cho cách nhìn của họ gần lại với cách nhìn của Thiên Chúa. Ta nên nhấn mạnh rằng, phán đoán theo đức tin như vậy không có nghĩa là tu sĩ phải phán đoán như Bề Trên, hoặc phải coi lệnh truyền của Bề Trên là có giá trị hơn hết. Họ vẫn có thể theo quan niệm nhân loại tiếp tục phán đoán rằng lệnh truyền ấy không đủ khôn ngoan hoặc ít lợi ích, nhưng bằng con mắt đức tin, họ nhận thấy sự khôn ngoan bí nhiệm của Thiên Chúa tỏ ra cho mình. Như vậy đang khi theo quan niệm nhân loại coi một lệnh truyền là đáng tiếc, tu sĩ vẫn nhận thấy ở đó tiếng nói Chúa gọi mình và họ vâng nghe tiếng gọi đó.

Đó là một sự phán đoán đúng thực siêu nhiên, chứ không phải một kiểu dung hòa hai quan điểm theo cách loài người. Chính đức tin, trong khi hình thành sự phán đoán siêu nhiên đó, đã soi sáng cho sự tuân phục của tu sĩ. Công Đồng quả quyết rằng: sự tuân phục trong đức tin như thế được thực hiện dưới tác động của “Chúa Thánh Thần”. Chúa Thánh Thần thông ban chính ánh sáng thần linh của Ngài cho tâm trí con người với tất cả mầu nhiệm được bao gồm trong đó.

 
5. Tin vào ơn cứu độ nhân loại nhờ đức tuân phục
Sự phán đoán theo đức tin nâng cao tâm hồn và mở rộng nhãn giới tu sĩ. Họ không còn chú mục vào cuộc sống bản thân nữa, họ ý thức việc đi theo ý định khôn ngoan của Thiên Chúa là tiếp tục công trình cứu rỗi nhân loại. Nếu cứ tự nhiên thì họ sẽ phán đoán mọi sự liên hệ tới họ, chỉ theo quan điểm riêng tư của họ, nhưng ở đây họ gắn bó với kế hoạch của Thiên Chúa khiến họ góp phần vào việc xây dựng một thế giới lành thánh hơn, bằng sự tuân phục những quyết định của Bề Trên. Nên nhớ rằng sắc lệnh đức ái hoàn hảo về dòng tu, trình bày đức tuân phục đó là sự kết hợp mạnh mẽ và vững chắc hơn với “ý muốn cứu độ của Thiên Chúa” (số 14).

Sự tuân phục của Đức Kitô theo Thánh ý Chúa Cha là như thế. Sự vâng phục ấy có được tất cả ý nghĩa của nó trong việc Ngài đem ý muốn của chính Ngài để thực hiện việc cứu chuộc nhân loại. Khi tuyên bố: “Con Người đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28; Mc 10, 45); đó là Chúa Giêsu nói lên tất cả ý nghĩa sự tùng phục của Người đối với Chúa Cha: “Phục vụ” tức là vừa phục vụ Thiên Chúa vừa phục vụ toàn thể nhân loại. Nghiêng mình trước thánh ý Chúa Cha tức là đặt mình phục vụ tất cả mọi người.

Công Đồng đã vọng lại lời đó của Phúc Âm để minh định ý nghĩa sự vâng phục của tu sĩ: “Tu sĩ tùng phục Bề Trên trong đức tin, vì coi Bề Trên thay mặt Thiên Chúa”, “thì như vậy họ được Bề Trên hướng dẫn để phục vụ tất cả anh em họ trong Đức Kitô như chính Chúa Kitô” (số 14). Họ không những được hướng dẫn vào việc phục vụ nhân loại như thế bằng ý muốn rõ rệt của Bề Trên dùng lệnh truyền của mình để cộng tác vào việc mở rộng Nước Chúa, nhưng còn do việc thực hành bất cứ mệnh lệnh nào. Vì ngay cả trong trường hợp Bề Trên không nêu ra ý chỉ thì ý Chúa đòi tu sĩ tùng phục vẫn nhằm vào việc cứu độ và thánh hóa nhân loại. Chính đức tin đưa cái nhìn của tu sĩ vượt xa bản thân mình và nhắm vào mục tiêu thần linh ấy.

Có cái nhìn như thế mới thấy rõ sức phong phú của đức tuân phục. Và như vậy mới thấy rõ hơn ý nghĩa tại sao cuộc sống tùng phục của tu sĩ đôi khi cũng đòi hỏi nhiều hy sinh rất đau đớn. Chế độ mới về quyền bính sẽ không xóa bỏ những hy sinh đó.

Đã hẳn nó sẽ tránh áp đặt những hy sinh có tính cách làm mất đi hay giảm bớt tư cách con người, nhưng nó sẽ không miễn trừ cho tu sĩ mọi thứ hy sinh. Việc từ bỏ ý riêng vẫn còn là một đau khổ: vì chính bản chất sự tuân phục đã bao hàm một thứ đau khổ nào đó rồi. Tu sĩ tham gia vào công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, thì tất nhiên sẽ được kết hiệp cách đặc biệt vào định mệnh của “Đấng đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu” (Heb 5,8).

Thật là ảo tưởng nếu muốn tìm một lối sống tu trì mà trong đó loại bỏ hẳn mối liên hệ giữa tuân phục và hy sinh cứu độ.

Nhưng bởi lẽ những hy sinh của đức tuân phục tu trì có giá trị cứu chuộc nếu tự nó làm triển nở nhân vị một cách siêu nhiên. Những hy sinh đó phải được đón nhận “với ý thức đóng góp vào việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô, theo Thánh ý Thiên Chúa” (PC 14). Như vậy tu sĩ được mời gọi tin vào công trình bao la mà họ được cộng tác bằng đức tuân phục. Đức tin lôi cuốn tu sĩ chấp nhận và hiến dâng lễ sát tế nội tâm phát sinh do đức tuân phục của mình, mắt họ hằng nhìn thẳng vào sự cao cả của mục đích hơn là nhìn vào tư lợi. Hy sinh không làm chậm lại, nhưng kích thích đầy lòng phấn khởi hiến thân cho Chúa và tinh thần đức tin sẽ giúp họ không rơi vào buồn nản do những suy nghĩ quá nhân loại hoặc quá vị kỷ.

Như thế, đức tuân phục của tu sĩ phải được sinh động bởi một đức tin mang tính cách Giáo Hội; tu sĩ phải tin vào giá trị của sự tuân phục nhằm xây dựng Giáo Hội phổ quát trong tinh thần hợp nhất với Thánh ý Chúa Cha và với công việc cứu độ của Chúa Kitô.


Trích trong tập sách TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: CROIRE ET SE DONNER của Jean Galot

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc