banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

KHẤN DÒNG

Đăng lúc: Thứ ba - 09/10/2018 05:45 - Người đăng bài viết: menthanhgia
KHẤN DÒNG

KHẤN DÒNG

Tin và tận hiến (tiếp theo kỳ trước)
 
Chương II

KHẤN DÒNG

(Tiếp theo)


5. Sống lời khấn như một hồng ân

Ý thức về giao ước là động lực khiến tu sĩ sống lời khấn như một hồng ân. Họ cần phải luôn luôn cố gắng để giữ vững nhãn quan siêu nhiên đó. Đã hẳn, về lý thuyết họ vẫn biết rằng mọi sự là ân sủng, rằng ơn gọi của mình là do Thiên Chúa, rằng cuộc đời mình là công trình của Thiên Chúa toàn năng. Nhưng thực sự sống mãnh liệt chân lý ấy trong cuộc sống cụ thể hằng ngày lại là một chuyện khác. Họ có thể bù đầu nguyên vì những khó khăn và trở ngại có nguy cơ làm họ mất khả năng giữ lời khấn, khiến họ không còn thể nghĩ cao hơn nữa, mà chỉ còn nhìn vào sự cam kết của riêng họ và cách thức mà họ thực hiện nó. Thực tế sẽ đi đến chỗ hành động như là một sự chỉ tùy thuộc nơi mình, tuy không từ chối sự trợ giúp của Chúa, họ vẫn tập trung tất cả chú ý vào hành vi của bản thân khi kiểm tra những cố gắng cải thiện của mình, những hành động dũng cảm hay buông lỏng mình đã làm. Như thế là họ không đặt đời sống tận hiến của mình đủ vững mạnh trên nền tảng giao ước.

Nếu ta nhìn vào giao ước Thiên Chúa đã thực hiện với Môisê, ta thấy rõ giao ước đó đòi phải có thái độ tin tưởng vào Thiên Chúa như thế nào. Con người sắp phải tung ra rất nhiều nghị lực, để thực hiện sứ mạng do Chúa trao phó, con người Môisê đó phải chấp nhận thụ lãnh tự tay Thiên Chúa tất cả công việc ông sắp làm mà không được cậy vào sức phấn đấu và tài trí của riêng mình. Sa mạc mênh mông kia, nơi ông sắp dẫn dân Chúa vào là môi trường điển hình cho thấy rõ sự bất lực của con người, cần phải được Chúa giúp hơn bất cứ nơi nào khác. Lòng tin của Môsê đã được Thiên Chúa đáp trả bằng bao nhiêu can thiệp lạ lùng.

Trong lịch sử các dòng tu, đời sống tu trì thành hình buổi đầu bằng việc đi vào sa mạc, và ngày nay, bất cứ ai muốn “tìm sống với một mình Thiên Chúa thôi” cũng đều cảm thấy cần phải tìm một thứ sa mạc nào đó cho tâm hồn. Điều đó, càng cho ta thấy rõ hơn nữa đức tin cần thiết biết bao, để sa mạc kia được đầy sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa. Cần phải chấp nhận sa mạc như là môi trường ưu tuyển để Thiên Chúa biểu dương sức toàn năng của Người.

Qui tắc đó cũng hiện rõ dưới một hình thức khác trong trình thuật truyền tin. Đức tin của Đức Maria đã được đào luyện trong hồn Người bằng quyết tâm sống đời trinh khiết, một quyết tâm đòi giũ bỏ tất cả và một đức nghèo khó tự nguyện. Nơi ông Dacaria, đời hôn nhân không có con là một thử thách miễn cưỡng, nên ông thật khó mở rộng lòng tin. Trái lại, Đức Maria tự ý từ bỏ thiên chức làm mẹ trong hôn nhân được coi như kho báu của người phụ nữ, vì vậy Người có tư thế hơn nhiều để đón nhận trong đức tin một thiên chức làm mẹ bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vì chỉ muốn sống giao ước với chính Thiên Chúa, nên Người trao phó cho Chúa định đoạt về sự phong phú của đời sống mình. Chính vì vậy mà Người đã có thể sống thiên chức làm mẹ như một hồng ân bởi trời.

Sở dĩ việc khấn dòng cũng bao hàm sự lột bỏ tất cả như thế là nhằm giúp tạo nên tâm trạng hoàn toàn phó thác nơi Thiên Chúa giống như Đức Maria. Nhờ giũ bỏ như thế mà nhận ra hồng ân Thiên Chúa trong mọi sự. Của cải của người tu sĩ không phải do họ làm ra mà do họ lãnh nhận nhưng không, đó là của Thiên Chúa. Ý muốn mà theo đó họ sống bằng vâng phục, không phải ý muốn riêng họ, nhưng là ý muốn của Thiên Chúa. Tình yêu triển nở trong tâm hồn họ là tình yêu do Thánh Thần Chúa đổ tràn vào. Công việc họ làm, đã hẳn là do họ phát huy tài năng sức lực mình, nhưng công việc ấy được sinh động do ơn trên linh hứng cho, và nhờ đó có giá trị. Ơn Chúa ban ra khắp nơi và đòi họ ý thức lãnh nhận.

Thái độ sống lời khấn như một hồng ân có một hiệu quả thích thời mà ta nên ghi nhận. Thái độ đó cho phép nhận định cách dễ dàng hơn ý định của Thiên Chúa thực hiện trong những biến đổi đánh dấu đời sống tu trì ngày nay. Đón nhận ơn Chúa tức là chấp nhận những thay đổi theo ý muốn Thánh Linh trong phương thức và quy chế đời sống tận hiến. Người ta không thể đơn thuần căn cứ vào công thức lời khấn đã đọc khi tuyên khấn mà nói rằng mình đã chấp nhận quy chế cũ, chứ không phải quy chế mới. Bởi vì khi ấy người ta chỉ có thể cam kết dựa trên nền tảng sự cam kết từ phía Thiên Chúa, và trên nguyên tắc đón nhận ơn Chúa như ý Chúa muốn định rõ trong mọi ứng dụng cụ thể của ơn ấy. Lúc tuyên khấn là người ta mở lòng đón nhận đặc sủng và sẵn lòng đón nhận những triển nở mai sau của đặc sủng ấy theo chiều hướng Chúa Thánh Linh tự do định đoạt. Cuộc canh tân cần phải được chấp nhận trong đức tin như một lối diễn tả hồng ân Chúa cách quảng đại hơn.

6. Một bầu khí yên tĩnh

Ở một thời đại mà nhân loại phải chứng kiến bao nhiêu biến chuyển làm đảo lộn cuộc sống con người, từ tâm tư bên trong đến những sự kiện xã hội kinh tế bên ngoài như thời đại chúng ta, bầu khí yên tĩnh là cái gì thật cần thiết. Bầu khí yên tĩnh đó chỉ có thể đảm bảo do một niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa, trong khung cảnh giao ước mà Thiên Chúa đã ban cho loài người. Tính cách trung tín và bền vững của lời: “Ta tự hữu”, của lời: “Ta sẽ ở với con” tạo thành nền tảng không lay chuyển cho sự bình an nội tâm. Niềm tin vững chắc vào sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa, cho phép những kẻ tin được an tâm nhìn các biến cố kinh hoàng. Chắc rằng có thể trong cuộc sống của bất cứ người nào, cũng có những giây phút hỗn loạn kinh khủng: không ai có thể tránh một số giờ phút kinh hoàng, hay chiến đấu nội tâm kịch liệt. Nhưng bầu khí chung để đời sống tận hiến được triển nở, cũng như đời sống kitô hữu nói chung, là một bầu khí an vui; thông thường thì bầu khí này không có những thời kỳ kinh hãi lâu dài, cũng không có những lo âu phức tạp hay liên tục.

Vì Thiên Chúa muốn dùng giao ước để gần gũi tối đa với nhân loại, nên Người tỏ rõ chủ ý loại trừ sự sợ hãi ra khỏi các mối quan hệ với Người. Lời “đừng sợ” (Ga 26,24) là lời căn dặn đặc thù của chế độ giao ước. Sứ điệp truyền tin mở đầu bằng câu: “Hỡi Maria đừng sợ, vì Bà đã được ơn nghĩa nơi Thiên Chúa” (Lc 1,30). Ta có thể nhận xét rằng mọi ơn gọi đều hàm ngụ một bảo đản như thế: người được gọi đã được ơn nghĩa đặc biệt với Thiên Chúa nên không thể buông theo sự sợ hãi. Sự lo sợ ngăn cản họ sống trọn vẹn giao ước.

Trong Phúc Âm, ta nghiệm thấy cuộc sống của Chúa Giêsu, lúc nào cũng tỏ ra một bầu khí yên tĩnh. Không những Người muốn chiếu tỏa sự yên tĩnh, Người còn muốn dạy các môn đệ đường lối phải theo để giữ được yên tĩnh, qua mọi sống gió của cuộc sống. Sự yên tĩnh dịu hiền trong ánh nhìn cũng như dáng điệu nói lên tinh thần phó thác nội tâm sâu thẳm của Người. Quả thực, Người đã lãnh nhận mọi sự từ Chúa Cha và Người sung sướng lãnh nhận. Vì tuyệt đối tin vào quyền chủ tể của Chúa Cha điều khiển mọi biến cố, nên Người bình tĩnh ứng phó với mọi hoàn cảnh. Lúc ở vườn Giệtsêmani, người sầu não đến thế, mà từ lúc bị bắt, Người lại tỏ ra bình tĩnh lạ lùng khi giáp mặt kẻ thù. Đến lúc tắt thở, Chúa Giêsu bộc lộ bí quyết của sự bình tĩnh mà Người vẫn giữ cả trước cái chết: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn trong tay cha” (Lc 23,46).

Đi theo Chúa Kitô và cố gắng sống Phúc Âm, người Tu sĩ sẽ được thông phần vào bầu khí yên tĩnh đó. Nhờ phó thác với trọn vẹn lòng tin vào Cha trên trời, người tu sĩ sẽ giữ được bầu khí đó trong an bình và có thể mạnh dạn đi sâu vào tình yêu của giao ước. Chẳng lẽ không có một sứ mệnh nhằm truyền bá sự bình an và tin tưởng giữa bao biến chuyển sâu đậm đang diễn ra trong Hội Thánh sao? Bị giao động trước những biến chuyển đó, nhiều tín hữu cần được nhận thấy nơi những linh hồn tận hiến dấu chỉ chắc chắn rằng, mọi sự đều do Chúa dìu dắt, và Giáo Hội dưới ơn Chúa thúc đẩy, vẫn không ngừng tiến lên.

Trích trong cuốn TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: CROIRE ET SE DONNER của Jean Galot.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc