banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

KIÊN NHẪN LÀ SỨC MẠNH CỦA TÂM HỒN

Đăng lúc: Thứ năm - 04/02/2021 21:18 - Người đăng bài viết: menthanhgia
KIÊN NHẪN LÀ SỨC MẠNH CỦA TÂM HỒN

KIÊN NHẪN LÀ SỨC MẠNH CỦA TÂM HỒN

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ Dâng Chúa vào đền thờ (ngày 02.02.2021)

Thánh Luca viết rằng cụ già Simeon “đã trông chờ niềm an ủi của Israel” (Lc 2,25). Maria và Giuse bồng ẵm Chúa Giêsu lên đền thờ, ông đã đón nhận Đấng Messia trong cánh tay mình. Nhận biết nơi Hài Nhi ánh sáng đang đến để chiếu tỏa cho con người là một cụ già. Ông đã chờ đợi với sự kiên nhẫn lời hứa của Thiên Chúa được thành toàn. Ông đã chờ đợi với sự kiên nhẫn.
 
Sự kiên nhẫn của cụ già Simeon. Chúng ta quan sát thật gần sự kiên nhẫn của cụ già này.  Suốt cuộc sống ông luôn ở trong tâm thế chờ đợi và đã thao luyện sự kiên nhẫn của trái tim. Trong cầu nguyện ông học biết rằng Thiên Chúa không đến với những sự kiện lạ thường, nhưng thực hiện công trình của Ngài trong những đơn điệu của cuộc sống hằng ngày của chúng ta, trong nhịp sống lắm khi mệt mỏi của các hoạt động, trong những điều rất nhỏ, trong những điều ấy với sự kiên trì và khiêm nhường chúng ta tiếp tục khám phá thực thi ý muốn của Ngài. Tiến bước với lòng kiên nhẫn, cụ Simeon không để mình kiệt sức từ cuộc chạy đua với thời gian. Là một con người đã mang gánh nặng thời gian, dầu vậy ngọn lửa của trái tim ông vẫn còn cháy; với sự kiên nhẫn ông đã gìn giữ lời hứa – gìn giữ lời hứa – không để mình bị hao mòn bởi những cay đắng theo dòng thời gian hoặc từ sự cam chịu âu sầu nảy sinh khi đến tuổi xế chiều của cuộc sống. Niềm hy vọng của sự chờ đợi trong ông được chuyển hóa thành sự kiên nhẫn hằng ngày của những người, bất chấp tất cả, vẫn thức tỉnh cho đến lúc, đến cuối cùng “mắt ông thấy ơn cứu độ” (x. Lc 2,30). 
 
Và tôi tự hỏi: Cụ Simeon đã học sự kiên nhẫn này từ đâu? Ông đã đón nhận nó từ lời cầu nguyện và từ cuộc sống của dân tộc mình. Một dân tộc luôn nhận biết “Thiên Chúa xót thương, chậm giận, giàu ân nghĩa và trung tín” (Xh 34,6); họ nhận biết Thiên Chúa Cha ngay cả khi đối diện với sự từ chối và sự bất trung, Ngài cũng không mệt mỏi, thậm chí “kiên nhẫn nhiều năm” (x. Nkm 9,30) để ban cho chúng ta khả năng hoán cải, như ngôn sứ Nơkhemia đã nói.
 
Bởi vậy, sự kiên nhẫn của Simeon phản chiếu sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Từ lời cầu nguyện và từ lịch sử của dân tộc mình, Simeon đã học biết rằng Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn. Thánh Phaolo đã khẳng định rằng với sự kiên nhẫn của mình, Thiên Chúa “thúc đẩy chúng ta hoán cải” (Rm 2,4). Tôi thích nhớ đến Romano Guardini đã nói rằng: “Sự kiên nhẫn là một cách thức với nó Thiên Chúa cư xử với những yếu đuối của chúng ta, để trao cho chúng ta thời gian để thay đổi (x. Glaubenserkenntnis, Würzburg 1949, 28). Và trên hết Giêsu, Đấng Messia mà cụ già Simeon siết chặt trong vòng tay mình, mặc khải cho chúng ta sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Người Cha trao ban cho chúng ta lòng thương xót và gọi chúng ta đến giây phút cuối cùng, Ngài không đòi chúng ta hoàn hảo, nhưng là sự rộng mở của trái tim, mở ra những khả năng mới ở những nơi dường như đánh mất tất cả; Người cố gắng làm một lỗ thủng bên trong chúng ta ngay cả khi trái tim của chúng ta đóng lại; Ngài để hạt giống tốt lớn lên mà không nhổ bật cỏ lùng. Đây là động lực của niềm hy vọng của chúng ta. Khi chúng ta xa Ngài, Ngài đến tìm chúng ta, khi chúng ta té ngã, Ngài nâng chúng ta lên; khi chúng ta quay trở lại với Ngài, Ngài chờ đợi chúng ta với vòng tay dang rộng. Tình yêu của Ngài không đo lường trên cán cân của tính toan của con người, nhưng luôn bao phủ chúng ta bằng lòng can đảm để bắt đầu lại. Ngài dạy chúng ta khả năng khôi phục, lòng can đảm để bắt đầu lại. Mọi ngày, sau những lần té ngã, luôn luôn bắt đầu lại. Ngài thật kiên nhẫn.
 
Và chúng ta hãy nhìn sự kiên nhẫn của chúng ta. Chúng ta chiêm ngắm sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và sự kiên nhẫn của cụ già Simeon đối với đời sống thánh hiến. Chúng ta tự hỏi: Kiên nhẫn là gì? Chắc chắn không chỉ đơn giản là lòng khoan nhượng với những khó khăn hoặc những chịu đựng mang tính định mệnh với những bất hạnh. Sự kiên nhẫn không phải là dấu chỉ của yếu đuối, nhưng là sức mạnh của tâm hồn, làm cho chúng ta có khả năng “mang gánh nặng”, chịu đựng: chịu đựng sức nặng của những vấn đề cá nhân và cộng đoàn, làm cho chúng ta có khả năng đón nhận sự khác biệt của người khác, làm cho chúng ta khả năng theo đuổi những điều tốt ngay cả khi tất cả dường như là vô ích, làm cho chúng ta tiến bước luôn luôn ngay cả khi sự chán nản và lười biếng tấn công chúng ta.
 
Tôi muốn chỉ ra ba “nơi chốn” ở đó sự kiên nhẫn được thực hiện.
 
Nơi đầu tiên là cuộc sống cá nhân của chúng ta. Một ngày chúng ta đã đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, với sự phấn khởi và quảng đại chúng ta đã dâng hiến chính mình cho Ngài. Dọc dài hành trình, cùng với những an ủi, chúng ta cũng đón nhận những chán nản và thất vọng. Nhiều khi, nhiệt huyết của công việc không tương ứng với kết quả mong đợi, sự gieo trồng của chúng ta không mang lại hoa trái tương xứng, lòng nhiệt thành cầu nguyện suy yếu và dường như chúng ta không tránh khỏi sự miễn nhiễm của khô khan thiêng liêng. Có thể xảy ra trong cuộc sống chúng ta – cuộc sống của những người thánh hiến, niềm hy vọng của chúng ta bị hao mòn bởi thất vọng trông chờ. Chúng ta phải kiên nhẫn với chính mình và chờ đợi cách tín thác vào thời gian và cách thức của Thiên Chúa: Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa của Ngài. Đây là đá tảng: Thiên Chúa trung thành với lời hứa của Ngài. Hồi tưởng lại điều này cho phép chúng ta nghĩ đến những quãng đường, nghĩ đến việc làm sống lại những ước mơ, không rơi vào muộn phiền nội tâm và thất vọng. Anh chị em thân mến, muộn phiền nội tâm trong đời sống thánh hiến là một con giun, con giun đang gặm nhắm chúng ta từ bên trong. Hãy ra khỏi những muộn phiền nội tâm!
 
Nơi thứ hai mà sự kiên nhẫn được thực hiện đó là: đời sống cộng đoàn. Những tương quan con người, đặc biệt khi bàn về sự chia sẻ cùng một chương trình sống và một hoạt động tông đồ, luôn luôn không bao giờ bình yên, tất cả chúng ta biết điều đó. Lắm khi những xung đột bị che giấu và không thể yêu cầu một giải quyết ngay tức khắc, cũng không phán xét một cách vội vàng con người và hoàn cảnh: cần biết lấy khoảng cách đúng đắn, cố gắng giữ bình an, chờ thời gian tốt để làm rõ hơn trong đức ái và trong sự thật. Đừng để mình bị bối rối bởi sóng gió. Trong bài đọc của kinh Thần Vụ, có một đoạn thật đẹp, một đoạn của Diadono di Fotice bàn về phân định thiêng liêng, đoạn ấy nói: “Khi biển giao động, người ta không thấy cá, nhưng người ta chỉ thấy cá khi biển lặng yên”. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm một cuộc phân định tốt, thấy sự thật, nếu trái tim chúng ta xao động và nôn nóng. Không bao giờ. Trong các cộng đoàn của chúng ta cần sự kiên nhẫn lẫn nhau này: chịu đựng, nghĩa là mang trên vai mình cuộc sống của anh chị em, ngay cả những yếu đuối và những thiếu sót của họ. Tất cả. Chúng ta hãy nhớ điều này: Thiên Chúa, Ngài không gọi chúng ta để chúng ta đơn độc – có rất nhiều người đơn độc trong Giáo Hội, chúng ta biết điều đó – không, chúng ta không được gọi để đơn độc, mà làm một phần của ca đoàn, nhiều khi lạc giọng, nhưng luôn luôn phải tìm cách hát cùng nhau.
 
Cuối cùng, nơi thứ ba, kiên nhẫn đối với thế giới. Simeon và Anna vun trồng niềm hy vọng được loan báo từ các tiên tri trong trái tim, ngay cả khi lời hứa được thực hiện chậm trễ và lớn mạnh một cách chậm chạp bên trong sự bất trung và sự đổ nát của thế giới. Họ không ca bài bi ai về những điều sái trái, nhưng kiên nhẫn chờ đợi ánh sáng trong những tối tăm của lịch sử. Chờ đợi ánh sáng trong tối tăm của lịch sử. Chờ đợi ánh sáng trong tối tăm của chính cộng đoàn. Chúng ta cần sự kiên nhẫn này, để không giam mình trong ngục tù của những than phiền. Một số người họ là thầy than phiền, họ là tiến sĩ than phiền, họ than phiền rất giỏi! Không, than phiền giam hãm chúng ta: “Thế giới sẽ không lắng nghe chúng ta nữa” – rất nhiều lần chúng ta nghe điều này – “chúng ta không có ơn gọi nữa, chúng ta phải đóng cửa”, “chúng ta sống trong thời gian khó khăn” – “Ah, họ không nói điều đó với tôi!”. Như thế họ bắt đầu song tấu bài ca than vãn. Nhiều khi xảy ra là Thiên Chúa lao nhọc trên mảnh đất của lịch sử với sự kiên nhẫn, và lao nhọc cả trên mảnh đất tâm hồn chúng ta. Chúng ta phản kháng cách mất kiên nhẫn với những ai phê phán tức khắc: bây giờ hoặc cuối cùng, bây giờ, bây giờ. Chúng ta mất nhân đức, nhân đức nhỏ bé nhưng rất đẹp: niềm hy vọng. Nhiều nam nữ tu sĩ, tôi thấy họ mất hy vọng. Một cách đơn giản do sự thiếu kiên nhẫn.
 
Sự kiên nhẫn giúp chúng ta nhìn lại chính mình, cộng đoàn chúng ta và thế giới với lòng thương xót. Chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta có đón nhận sự kiên nhẫn của Thần Khí trong cuộc sống chúng ta không? Trong cộng đoàn chúng ta, chúng ta có gánh vác lẫn nhau và chúng ta có bày tỏ niềm vui của tình huynh đệ? Hướng về thế giới, chúng ta mang về phía trước việc phục vụ của chúng ta với sự kiên nhẫn hay chúng ta phê phán với sự chua chát? Đó là những thách đố đối với đời sống thánh hiến: chúng ta không thể dừng lại trong hoài niệm về quá khứ hoặc giới hạn bản thân trong việc lặp di lặp lại những việc tương tự như mọi khi, cũng như trong những than phiền hằng ngày. Chúng ta cần sự can đảm đầy kiên nhẫn để bước đi, để thám hiểm những con đường mới, tìm kiếm những gì Chúa Thánh Thần khơi gợi. Và người ta làm điều này với sự khiêm nhường, với sự đơn sơ, người ta không làm với sự quảng cáo và phô trương lớn lao.
 
Chiêm ngắm sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và khẩn nài lòng kiên nhẫn đầy tín thác của cụ già Simeon, và cả của cụ bà Anna, để mắt chúng ta cũng vậy có thể thấy ánh sáng ơn cứu độ và mang nó cho toàn thế giới, như hai cụ già đã mang nó trong lời chúc tụng của mình.

Tác giả bài viết: Sequela Christi chuyển ngữ
Nguồn tin: www.vatican.va
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc