banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TẠ ƠN VÀ Ý THỨC TRONG ĐỜI DÂNG HIẾN

Đăng lúc: Thứ ba - 02/02/2021 09:15 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TẠ ƠN VÀ Ý THỨC TRONG ĐỜI DÂNG HIẾN

TẠ ƠN VÀ Ý THỨC TRONG ĐỜI DÂNG HIẾN

Ngày đời sống Thánh Hiến

Thế giới có rất nhiều ngày dành cho từng lớp người trong xã hội, ví dụ: Ngày Valentine, ngày của cha, ngày của mẹ, ngày quốc tế giới trẻ, ngày quốc tế lao động… Hôm nay là Ngày Đời Sống Thánh Hiến, ngày dành riêng cho những tu sĩ nam nữ, những người sống độc thân vì Nước Trời. Là những tu sĩ, chúng ta có thể tự tin và hạnh phúc mà nói rằng: hôm nay là ngày của chúng tôi!

Đời sống tu trì Kitô giáo đã có khoảng 1800 tuổi, tính từ thời thánh Anton tu viện trưởng, nhưng Ngày Đời Sống Thánh Hiến mới được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chính thức thành lập cách đây 24 năm, ngày 2.2.1997, mặc dù trước đó, tục lệ ngày cầu cho đời sống thánh hiến đã lưu truyền ở Roma từ sau Công đồng Vatican II. Ngoài những yếu tố ca tụng, trân trọng và biết ơn của mọi người dành cho giới tu sĩ nam nữ vì tinh thần hy sinh phục vụ, đời sống chứng tá và cuộc đời hiến dâng đầy cao đẹp, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trong sứ điệp gửi toàn thể Giáo hội ngày 06.01.1997 đã đưa ra ba lý do để tổ chức Ngày Đời sống Thánh hiến: 1/ Tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân thánh hiến ban cho Giáo hội; 2/ cổ võ sự hiểu biết và trân trọng hồng ân này giữa lòng Dân Chúa; 3/ giúp các tu sĩ ý thức hơn về ơn gọi của mình. Từ ba lý do trên nổi bật lên hai ý tưởng tạ ơn và ý thức về ơn goi là điều muốn nói trực tiếp đến từng tu sĩ.

Tạ ơn. Ai trong chúng ta ít nhiều cũng cảm nghiệm được sự ngọt ngào của ơn gọi làm đan sĩ, hay đời sống hôn nhân. Chẳng ai là không khấp khởi mừng trong ngày tuyên khấn trọng thể hay trong ngày lễ vu quy. Đối với các đan sĩ, sau lễ khấn trọng là ngày lễ tạ ơn linh đình với mục đích tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn bố mẹ và những ân nhân. Lời tạ ơn trong đời đan sĩ thật đẹp và cao cả, bởi chính ơn gọi làm đan sĩ đã là một huyền nhiệm. Một ơn gọi đặc biệt: không màng vinh hoa, chẳng cần danh tước, tất cả “không lấy gì làm hơn Đức Kitô” và trở nên “đồng hình đồng dạng với Người”; khó nghèo như hài nhi Giêsu trong máng cỏ, ẩn giật và khiêm nhường như chàng trai Giêsu nơi thôn làng Nazareth, hiến dâng trọn vẹn như thầy Giêsu trên thập giá ở đồi Calve năm xưa.

Nói cách khác, ơn gọi của đan sĩ là từ bỏ lối sống trần tục để lao vào con đường tình yêu với người tình không chân dung là chính Thiên Chúa. Một sức mạnh tình yêu không thể cưỡng lại được như cảm nghiệm của ngôn sứ Giêrêmia: “Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng” (Gr 20,7). Từ sức mạnh quyến rũ ấy, người đan sĩ dâng trọn đời mình cho Thiên Chúa, cột chặt đời mình bằng năm lời khấn thánh hoá từng ngày, từng giờ để trở nên hoàn thiện như lời Chúa Giêsu kêu gọi: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Trong thánh lễ tạ ơn của các tân đan sĩ, đôi khi lời tạ ơn được quấn quyện trong tiếng nấc nghẹn ngào hay trong nước mắt lưng tròng. Giọt nước mắt của hạnh phúc, mãn nguyện, cảm thấu tình Chúa, tình người và những khó khăn trong đời đã vượt qua, như người nông dân một nắng hai sương trên ruộng đồng nay đã gặt hái được mùa lúa bội thu. Tâm tình ấy có khác nào lời chúc tụng tạ ơn đầy mãn nguyện của ông Simeon khi được ẵm Hài Nhi trên tay, khi được biết đây là Ơn Cứu Độ mà ông mãi mong chờ từ bấy lâu nay. Vì thế, ông ca lên lời chúc tụng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi”.

Sau lời vĩnh khấn, người đan sĩ cũng bắt đầu một cuộc hành trình ra đi. Ra đi không phải như ông Simeon là trở về với Chúa ngang qua cái chết. Nhưng sự ra đi của người đan sĩ là bắt đầu cuộc hành trình biến đổi cuộc đời, ra đi tách khỏi thế gian để thuộc trọn về Chúa, ra đi khỏi con người ích kỷ để tiến tới con người rộng mở, ra đi khỏi những toan tính vụn vặt của thế trần mà hướng tới sự thanh cao tao nhã của con người thánh hiến, ra đi khỏi cá tính xấu xa để hoà nhập vào biển lớn huynh đệ, ra đi khỏi con người kiêu căng để trở nên khiêm nhường và tha thứ. Người đan sĩ ra đi, ra đi và ra đi mãi cho tới hơi thở cuối cùng trong cuộc đời để đạt tới đỉnh cao của đời chiêm niệm là đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu. Người đan sĩ càng trở nên giống Chúa Giêsu bao nhiêu thì càng thành công trong cuộc đời tu trì dâng hiến bấy nhiêu.

Không phải tình cờ mà Giáo hội tổ chức Ngày Đời Sống Thánh Hiến vào chính lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào đền thờ. Hành động hiến dâng cuộc đời của người tu sĩ cũng có khác nào cử chỉ Đức Maria và thánh cả Giuse đem Đức Giêsu vào đền thờ “để tiến dâng cho Thiên Chúa” (Lc 2,22). Như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Cuộc tiến dâng Đức Giêsu trong đến thờ tạo nên một bức tranh hùng hồn về sự dâng hiến trọn cuộc đời của những ai được gọi diễn tả lại trong Giáo hội và thế giới những nét đặc trưng của Đức Giêsu trinh khiết, nghèo khó và vâng phục”. Vậy hành động dâng hiến cuộc đời của người tu sĩ cũng tương tự như Đức Maria dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa trong đền thờ năm xưa. Điều đó nhắc nhở mỗi tu sĩ ý thức hơn về sự cao cả và tầm quan trọng của khấn hứa. Một lần đoan hứa là trọn đời tín trung.

Nhưng ngày tháng trôi đi, tuổi đời chồng chất, khó khăn luôn rình chờ, thử hỏi lòng cảm mến, lời tạ ơn và ý thức của người đan sĩ về ơn gọi của mình có còn bừng cháy như thuở ban đầu hay đang lụi tàn theo năm tháng? Người đan sĩ có còn hân hoan nói được như Vịnh gia: “Suốt cả đời con nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài” (Tv 162,5) và “con sẽ dâng lễ tế tạ ơn và kêu cầu thánh danh Đức Chúa” (Tv 115,17) nữa hay không?

Lạy Chúa, dòng đời nổi trôi, con người đầy yếu đuối và trái nghịch: “Điều con muốn thì con không làm, điều con không muốn thì con lại làm” (Rm 7,15), xin cho chúng con luôn ý thức về thân phận yếu đuối của mình và biết khiêm nhường cậy dựa vào Chúa, hàng ngày thì thầm lời khẩn nguyện: “Lạy Chúa, lời khấn hứa cùng Ngài con xin giữ, lễ tạ ơn nguyện sẽ dâng Ngài” (Tv 56,13).

M. Paulus TG. Bùi Văn Dư
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc