banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

Đăng lúc: Thứ bảy - 28/04/2018 04:36 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

Kỳ II: Cộng đoàn là một thân thể sống động
 
CỘNG ĐOÀN LÀ MỘT THÂN THỂ SỐNG ĐỘNG
 
1. Cộng đoàn là một thân thể sống động
Thánh Phaolô nói về Giáo Hội, cộng đoàn các Kitô hữu, như một thân thể - thân thể mầu nhiệm. Mỗi cộng đoàn là một thân thể và tất cả chúng ta thuộc về nhau. Cảm thức thuộc về này không do máu huyết, nhưng phát xuất từ lời mời gọi của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta được mời gọi một cách đặc biệt để đến sống với nhau và thuộc về một cộng đoàn, một thân thể. Lời mời gọi này là nền tảng để chúng ta có thể quyết định dấn thân sống với nhau, cho nhau và vì nhau.

“Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12, 4-5).

Trong thân thể mỗi bộ phận đóng một vai trò. Như thánh Phaolô nói: “chân thì cần đến tay”. “Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất thì ta lại quan trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn nữa” (1 Cr 12, 22-23).

“Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau, nếu bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cùng vui chung” (1Cr 12, 24-26).

Và trong thân thể này mỗi bộ phận có một đặc sủng riêng biệt để phục vụ.

“Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ thì phải phục vụ. Ai dạy bảo thì cứ dạy bảo. Ai khuyện răn thì cứ khuyên răn. Ai phân phát thì phải chân thành. Ai chủ tọa thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12, 6-8).[1

 
2. Những đặc sủng khác nhau trong cộng đoàn
a. Những người chỉ chuyên lo cầu nguyện cho cộng đoàn
Bà Elizabeth O’Connor, trong tác phẩm của mình, cho chúng ta một ví dụ điển hình minh họa lời giáo huấn của thánh Phaolô. Bà kể câu chuyện về một lão bà gia nhập cộng đoàn. Nhóm người này cố gắng phân định xem đâu là đặc sủng của bà. Còn bà thì nghĩ rằng mình không có đặc sủng gì hết. Mọi người cố gắng an ủi bà: “Đặc sủng của chị chính là sự hiện diện của chị ở đây”. Nhưng điều đó không làm bà thỏa mãn. Sau nhiều tháng bà nhận ra đặc sủng của mình chính là nhẩm tên từng thành viên của cộng đoàn trong lời cầu nguyện trước nhan Thiên Chúa. Khi chia sẻ khám phá này với mọi người, bà nhận thấy chỗ đứng quan trọng của mình trong cộng đoàn. Những người khác cũng nhận ra là họ cần bà và lời cầu nguyện của bà, và nhờ đó họ có thể sử dụng tốt hơn những ân sủng riêng của mình.
 
b. Mỗi một người trong cộng đoàn là một mắc xích
“Trong một cộng đoàn Kitô hữu, mọi chuyện sẽ tùy thuộc vào mỗi người có trở thành một mắc xích tuyệt đối cần thiết trong toàn bộ dây xích hay không. Chỉ khi mỗi mắc xích nhỏ nhất này móc nối an toàn thì dây xích mới không thể nào phá vỡ được. Một cộng đoàn mà dung túng cho những thành viên không làm việc gì cả, thì cộng doàn đó sẽ tan vỡ. Vì vậy, mỗi thành viên nhận một công việc cụ thể để phục vụ vì cộng đoàn, để trong những lúc hoài nghi người ta không cảm thấy mình vô dụng. Mỗi cộng đoàn Kitô hữu phải nhận ra rằng không chỉ người yếu mới cần đến người mạnh mà cả người mạnh cũng không thể tồn tại nếu không có người yếu. Loại trừ người yếu là giết chết tình huynh đệ”.

Sử dụng những đặc sủng của mình có nghĩa là xây dựng cộng đoàn. Nếu chúng ta không trung thành, cộng đoàn sẽ yếu đi. Thánh Phaolô nhấn mạnh tầm quan trọng của đặc sủng trong việc xây dựng cộng đoàn. Có rất nhiều những đặc sủng liên quan trực tiếp đến đặc tính của đức ái. Bonhoeffer nói về những nhiệm vụ khác nhau mà một cộng đoàn cần phải giữ: đó là ý tứ trong lời nói, khiêm tốn, mềm dẻo, thinh lặng khi bị chỉ trích, biết lắng nghe, sẵn sàng làm những việc phục vụ nhỏ bé, nâng đỡ anh chị em, tha thứ, công bố Lời, nói sự thật và quyền năng.[2]

 
c. Đặc sủng không nhất thiết phải gắn liền với một chức vụ
Nó có thể là phẩm chất của đức ái làm cho chức vụ được sống động; có thể một phẩm chất của đức ái không liên quan đến một chức vụ nào cả. Có những người được ơn dễ trực cảm ngay và thậm chí sống với những nỗi đau của người khác. Đó là ơn thể hiện lòng thương cảm. Có những người nhận biết được điều gì là sai trái và có thể xác định ngay nguyên nhân. Đó là ơn hiểu biết. Có những người được ơn sáng suốt, họ có thể nhận rõ đâu là mối bận tâm căn bản của cộng đoàn. Những người khác được ơn để xây dựng một bầu khí vui tươi, sự thoải mái và phát triển cá nhân. Lại có những người được ơn có thể nhận ra nhu cầu của người khác và giúp đỡ họ. Những người khác nữa được ơn tiếp đón mọi người. Mỗi người nhận được đặc sủng để phục vụ vì lợi ích chung và vì sự phát triển của mọi người.[3]
 
d. Nhớ lại những việc Thiên Chúa đã làm cho cộng đoàn
Chính vì thế, điều quan trọng là những thành viên của cộng đoàn phải nhắc nhở nhau, cũng như những người mới đến, về những gì Thiên Chúa quan phòng đã làm, và phải cảm tạ Người về những hồng ân ấy. Lịch sử của cộng đoàn rất quan trọng, cần phải được kể lại, viết lại và lập đi lập lại. Chúng ta mau quên điều Thiên Chúa đã làm! Chúng ta phải nhớ lại rằng Thiên Chúa nguồn gốc mọi sự và chính Người hằng quan tâm chăm sóc cộng đoàn. Vì thế điều mà chúng ta phải tái khám phá đó là niềm hy vọng và sự can đảm. Chúng ta cần phải có những sự liều lĩnh mới, chấp nhận những khó khăn và đau khổ với lòng can đảm và kiên trì. Toàn bộ Kinh Thánh, như dân tộc Do Thái ý thức rõ ràng, là một sự nhắc nhớ liên tục về cách thức Thiên Chúa đã chăm sóc dân Người. Chính khi chúng ta nhớ lại điều này là chúng ta tìm thấy sự tin tưởng để tiếp tục bước đi mà không vấp ngã.[4]
 
e. Hiệp nhất với Thiên Chúa, đặc biệt với Chúa Thánh Thần
Nhưng trong lòng mỗi người, theo như ơn gọi âm thầm và đời đời của họ, đều có sự hợp nhất sâu xa và kín nhiệm với Thiên Chúa. Chắc chắn mỗi người chúng ta được dựng nên để trợ giúp người khác theo cách riêng của mình. Nhưng trên hết, chúng ta được dựng nên để sống mối tương quan duy nhất với Chúa Cha và với Con của Người là Đức Giêsu. Như một ân huệ, sự hiệp nhất âm thầm này chiếu tỏa trên toàn cộng đoàn. Nó phát sinh từ cộng đoàn và làm cho cộng đoàn tiến triển.

Đối với tôi, chúng ta nên cầu xin ân sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần – Ân sủng hiệp nhất trong sâu xa nhất, với tất cả những hàm ý của nó. Đây thực sự là một ân huệ mà chúng ta có quyền và có bổn phận phải thiết tha mong đợi.

Ân sủng hiệp nhất của cộng đoàn chỉ đến khi mọi thành viên trong cộng đoàn thực sự là mình, sống yêu thương trọn vẹn và sử dụng những đặc sủng của họ. Nhờ được hoàn toàn tác động bởi Chúa Thánh Thần, cộng đoàn trở nên một.

Lời cầu nguyện của Đức Giêsu làm cho ta ngạc nhiên. Tầm nhìn của Ngài vượt xa suy nghĩ và ước muốn của chúng ta. Sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con thì tuyệt đối. Mỗi cộng đoàn phải nổ lực hướng tới hiệp nhất. Nhưng sự hiệp nhất ấy chỉ có thể đạt được trong và qua Chúa Thánh Thần. Bao lâu còn sống, điều chúng ta có thể làm là khiêm tốn bước đi trên con đường hướng tới hiệp nhất.

Khi có hai hay ba người họp lại nhân danh Đức Giêsu, thì Người ở đó. Cộng đoàn là dấu chỉ cho sự hiện diện của Đức Giêsu và cũng là dấu chỉ của Giáo Hội. Nhiều Kitô hữu đang phải sống trong cảnh khốn quẫn – những người vợ bị ngược đãi, những người đang sống trong các viện tâm thần, những người sống cô đơn bởi vì họ quá yếu đuối để có thể sống được với người khác – có thể đặt niềm tin nơi Đức Giêsu. Đau khổ của họ là dấu chỉ của Thập Giá, dấu chỉ của Giáo Hội đau khổ. Nhưng một cộng đoàn cầu nguyện và yêu thương lại là dấu chỉ của sự Phục Sinh.[5]

3.  Những con người trong cộng đoàn
3.1 Những con người bình thường với những công việc bé nhỏ
Một cộng đoàn mà chỉ là sự bùng nổ của chủ nghĩa anh hùng thì không phải là một cộng đoàn đích thực. Một cộng đoàn thực sự bao hàm một cung cách sống, cung cách nhìn thực tại, và trên hết là khả năng trung thành trong những việc thường nhật. Việc thường nhật là những gì rất giản đơn – nấu ăn, dọn bàn, rửa chén dĩa, hội họp. Việc thường nhật là trao ban, niềm vui và ca ngợi.

Một cộng đoàn chỉ được hình thành khi mỗi thành viên chấp nhận rằng họ không dự tính làm những chuyện vĩ đại, không dự định trở thành anh hùng, mà chỉ đơn giản sống mỗi ngày với niềm hy vọng mới, như một đứa trẻ biết ngạc nhiên khi mặt trời mọc và tạ ơn khi mặt trời lặn. Cộng đoàn chỉ được hình thành khi mỗi người đều nhận ra sự bình thường của mình, những điều kiện của nhân sinh, và trái đất này, đồng thời tạ ơn Thiên Chúa đã đặt để trong thân thể hữu hạn những hạt giống vĩnh cửu được nhìn thấy qua những cử chỉ nhỏ bé yêu thương và tha thứ hằng ngày. Nét đẹp của con người chính là sự trung tín với những điều kỳ diệu mỗi ngày.[6]

3.2 Những người thầm lặng
Những người nhạy cảm nhất về những gì là thiết yếu của cộng đoàn, những gì thông ban và duy trì tinh thần của cộng đoàn, thì thường lại ẩn mình trong những công việc bình thường, khiêm tốn. Họ không được chọn để đảm nhận những trách nhiệm chính hay những điều “quan trọng”, vì thế họ có tự do hơn để hiểu điều thiết yếu. Đây thường là những người nghèo nhất – là người bệnh tật hoặc già cả - những người mang tính ngôn sứ nhất. Những người này không nên bị lôi kéo vào cơ cấu của cộng đoàn vì nó có thể làm trệch hướng với đặc sủng để yêu thương và phục vụ. Thế nhưng, người lãnh đạo phải biết họ nghĩ gì bởi vì sự thường thì họ có cái nhìn rõ ràng nhất.

Một trong những đặc sủng quý giá trong cộng đoàn là nhận ra những người không thể đảm nhận những trách nhiệm quan trọng. Họ không có óc tổ chức, gợi hứng ra được điều gì, không có tầm nhìn xa trông rộng và cũng chẳng tài chỉ huy. Tuy nhiên, họ có trái tim rất nhạy cảm và đầy yêu thương. Họ có thể ngay lập tức nhận ra những người đang gặp khó khăn, và với một nụ cười, một ánh mắt, một bông hoa hay một lời nói, họ có thể làm cho những người này cảm thấy được cảm thông, và có người cùng vác thập giá với mình. Những con người bình thường này là trung tâm của cộng đoàn và họ gánh vác những khốn cùng của cộng đoàn nữa. Họ cưu mang những người bất mãn, những người khép kín, những người ganh tỵ hoặc bất đồng trầm trọng. Chính tình yêu của những con người thầm lặng này là yếu tố duy trì mối dây hiệp nhất cộng đoàn. Vị lãnh đạo đem lại sự hiệp nhất cho cộng đoàn nhờ vào công lý, nhưng những người có trái tim yêu thương này lại là người kiến tạo sự hiệp nhất nhờ vào hữu thể đang là của họ. Bằng sự dịu dàng của mình, họ trở nên yếu tố kiến tạo bình an.

Đặc sủng quý giá nhất trong cộng đoàn bắt nguồn từ sự yếu thế. Bởi vì khi chúng ta yếu thế và hèn mọn là lúc chúng ta cần người khác, chúng ta sống nhờ họ và sử dụng tất cả những đặc ân của họ. Ngay trong cộng đoàn luôn có những con người bình thường, yếu thế và hèn mọn. Những người “vô dụng” cả về thể xác lẫn tinh thần, những người đau yếu hay sắp chết, họ đang bước vào mầu nhiệm hiến tế. Qua việc chịu đựng và hiến dâng những khổ đau của mình, họ trở nên nguồn sống cho người khác. Chính những người biết yêu thương, tha thứ và lắng nghe là những người xây dựng cộng đoàn. Họ nhạy bén, sẵn sàng phục vụ người khác, nuôi dưỡng và cầu nguyện cho người khác. Mỗi chúng ta, với ân sủng được ban cho, chúng ta hãy thi hành những ân sủng đó theo cách thức biểu lộ tình yêu và sự dịu hiền của riêng mỗi người. Một cộng đoàn chỉ là cộng đoàn đích thực khi mỗi thành viên nhận ra trong thâm sâu họ cần đến ân huệ của người khác và cố gắng trở nên trong sáng hơn, và đáng tin hơn trong việc thực thi đặc sủng riêng của mình. Như thế cộng đoàn được xây nên từ mỗi thành viên trong những cách thức riêng của từng người.[7]

3.3 Những người sống ngay bên lề cộng đoàn
Nhiều cộng đoàn mang một hay hai người sống bên lề ngay trong cộng đoàn. Những người này dù đã sống lâu trong cộng đoàn nhưng dường như họ khép kín mình lại trong một thứ bệnh tâm thần nào đó. Họ trở nên cay cú, thất vọng, buồn chán. Dường như cộng đoàn không thể tiếp xúc, thậm chí họ từ chối cả những giao tiếp nhạy cảm nhất. Thường thì khi còn trẻ, họ đủ sức để che giấu những thất bại. Nhưng đến lúc sức mạnh vô thức bùng nổ trong họ. Họ thật mâu thuẫn: họ muốn rời bỏ cộng đoàn; mặt khác, họ lại biết rằng họ chẳng có nơi nào khác để đến. Bởi vì từ chối tất cả các tương quan, họ cảm thấy mình vô tích sự và không được yêu thương. Họ đang cô đơn khủng khiếp.

Cộng đoàn nên thỉnh thoảng giúp những người này tìm thấy được nơi cần thiết phù hợp với họ; cũng nên thỉnh thoảng tìm cho họ những trợ giúp chuyên môn. Tuy nhiên, trên hết cộng đoàn nên đón nhận họ như một ân huệ của Thiên Chúa. Những người trở nên sống bên lề cộng đoàn thì thường khó giúp đỡ hơn là những người sống vốn từng là người bên lề xã hội rồi vào trong cộng đoàn. Mặc dù họ quấy rầy chúng ta, nhưng họ cũng giúp cộng đoàn không ngừng cảnh giác với những cách thức để trở nên yêu thương hơn, lắng nghe hơn và tìm thấy nơi những nhỏ nhặt bình thường một sự bình an. Chúng ta phải giúp những người sống bên lề cộng đoàn thoát khỏi mặc cảm tội lỗi, và tình trạng bệnh hoạn. Cộng đoàn hay những vị lãnh đạo có thể phải chịu một phần trách nhiệm về tình trạng này. Có thể các vị lãnh đạo đã đòi hỏi những người này quá nhiều khi họ còn trẻ và đã không quan tâm đến họ cho đủ; có thể các vị đã không quan tâm khi họ sớm có những dấu hiệu gặp phải khó khăn. Nếu được quan tâm sớm hơn, nếu họ đã không phải đơn độc, thì có lẽ họ đã bớt phải đau khổ hơn về sau.

Một số người che giấu những thất bại của mình đằng sau mặt nạ hiệu quả. Khi chúng ta cảm nhận được điều này, chúng ta phải hết sức cẩn thận. Khuynh hướng của chúng ta là cứ để cho họ tiếp tục như thế bằng cách đề cao vai trò của họ. Nhưng sẽ đến lúc họ không còn khả năng che giấu những thất bại của mình: họ cảm nhận sâu sắc một khoảng cách giữa chức năng và sự yếu hèn của họ. Lúc đó, họ có thể hoặc thất vọng sâu xa hoặc gây hấn bằng bạo lực. Đôi khi sẽ tốt hơn nếu cộng đoàn lắng nghe tiếng kêu cứu của họ sớm hơn, ngay khi còn kịp giúp họ. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải là người đáng tin và luôn nói cho họ biết chúng ta cảm nhận thế nào về họ.[8]

3.4 Những người già cả
Tuổi già là thời gian quý báu nhất của cuộc đời, đó là lúc người ta tiến gần đến vĩnh cửu nhất. Có hai cách bước vào tuổi già. Có những người già luôn lo lắng và đau khổ, sống trong quá khứ và ảo tưởng, họ phê bình mọi thứ diễn ra xung quanh. Họ từ chối không chấp nhận người trẻ, họ tự khép kín trong nỗi buồn và cô đơn, cũng như co cụm bản thân mình lại. Nhưng cũng có những người già với tâm hồn trẻ thơ; họ rút lui khỏi chức vụ và trách nhiệm để tìm thấy một sức sống mới. Họ vừa có được sự ngạc nhiên của một trẻ thơ, vừa có được sự khôn ngoan của chín chắn. Hòa nhập được những năm tháng làm việc, và vì thế mà họ có thể sống mà không ham hố quyền lực. Tự do trong tâm hồn, chấp nhận được những giới hạn và yếu đuối bản thân, điều đó đã khiến họ trở nên những người chiếu tỏa ánh sáng cho toàn thể cộng đoàn. Họ dịu dàng và nhân ái, là dấu chỉ của lòng thương xót và tha thứ. Họ trở nên kho tàng ẩn giấu, và là nguồn hiệp nhất và sức sống của cộng đoàn.[9] Cộng đoàn cũng cần đến ân huệ này, nhất là khi các bậc cao niên sở hữu một gia sản là cảm thức chung. Chúng ta thường có khuynh hướng bi kịch hóa sự buồn chán và đau khổ của mình. Chúng ta khóc và cố quên đi lý do làm chúng ta khóc. Chúng ta đồng hóa với đau khổ của Đức Kitô và với những tệ hại nhất của thế giới. Bậc cao niên trong cộng đoàn là người từng trải và biết bằng lòng với chính mình.

Các bậc cao niên cảm nhận được nhiều điều. Và có những điều chúng ta tin là chỉ có ở nơi họ. Họ giữ một vai trò quan trọng trong cộng đoàn. Thật nguy hiểm khi người ta nghĩ rằng chính mình là ngôn sứ hoặc gán cho người khác vai trò này. Ngôn sứ thật sự thì không biết mình đang là ngôn sứ, họ chỉ sống và hành động.[10]

3.5 Những con người gương mẫu
Một trong những cách tốt nhất để học làm nghề gốm là sống và làm việc nhiều năm với một người thợ gốm lành nghề. Chỉ có như vậy, ta mới học được thế nào là tình yêu của người thợ gốm dành cho cục đất sét và các sản phẩm, cách ông tiếp đón khách hàng, và hàng ngàn những chi tiết nhỏ nhặt cho thấy tình yêu của ông đối với tác phẩm của mình. Trở thành một thợ gốm tài ba không chỉ là vấn đề nắm bắt được kỹ thuật, mà nó còn có nghĩa là sống trong một tinh thần tương quan với vũ trụ và với cái đẹp. Chúng ta cần những mẫu gương nếu chúng ta phải cắm rễ sâu trong đời sống cộng đoàn và sống những cam kết của đời sống ấy. Chúng ta cần sống với những người hạnh phúc, những người đã trải qua nhiều chặng đường và có thể cả những thử thách, những người đã tìm thấy một bình an nội tâm và một ánh sáng nào đó. Những người này không dạy cho chúng ta những bài học, nhưng chúng ta có thể bước vào ánh sáng của họ và muốn trở nên giống họ. Những người trẻ trong cộng đoàn luôn nhìn vào những vị lớn tuổi đã sống ở đó nhiều năm. Nếu những người này buồn bực hay tức giận, những người trẻ sẽ quyết định rất nhanh rằng họ không muốn trở nên như thế, họ sẽ tin ít nhiều một cách rõ ràng rằng cộng đoàn làm cho người ta bất hạnh. Nếu nhìn thấy được những người sống cách thoải mái và không sợ hãi, người trẻ sẽ coi đó như những nguồn nâng đỡ cho mình.[11]


Còn tiếp

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy, Tân Phúc Âm hóa đời sống cộng đoàn, trong Hiệp Thông, Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 79, tr. 57 - 101. 

 
 

[1] Jean Vanier, sđd., trang 36 – 38.
[2] Id., trang 40.
[3] Id., trang 41.
[4] Id., trang 146.
[5] Id., trang 42 – 44
[6] Id., trang 85.
[7] Id., trang 232 – 235.
[8] Id., trang 151 – 152.
[9] Id., trang 117.
[10] Id., trang 225.
[11] Id., trang 117 – 118.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc