banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

Đăng lúc: Thứ ba - 15/05/2018 21:58 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

Kỳ cuối: Quyền bính trong cộng đoàn. Có nhiều cách khác nhau để thi hành quyền bính và ra mệnh lệnh. Có quyền bính quân đội, quyền bính công nghiệp và quyền bính cộng đoàn. Mục tiêu của vị tướng lãnh là chiến thắng. Mục tiêu của người lãnh đạo xí nghiệp là lợi nhuận. Mục tiêu của những vị lãnh đạo cộng đoàn thì nhắm đến sự trưởng thành của từng cá nhân trong tình yêu và sự thật.


QUYỀN BÍNH TRONG CỘNG ĐOÀN

1. Đời sống trong các cộng đoàn tu trì trước Vatican II
Trước Vatican II cộng đoàn được điều hành theo kiểu kim tự tháp. Các bề trên được coi là đại diện của Thiên Chúa, nhờ họ ý của Thiên Chúa đến được với cá nhân tu sĩ. Họ luôn ở trên chop, họ phải biết hết mọi sự - từ bàn thờ tới nhà bếp. Vâng lời họ cũng là vâng lời Thiên Chúa. Nhiệm vụ của bề trên là cung cấp cho các tu sĩ những nhu cầu vật chất và tinh thần và đáp lại, tu sĩ phải tôn trọng, yêu thương và vâng lời họ. Vâng lời là một thứ công nghiệp, vì vâng lời trọng hơn của lễ. Vì thế các tu sĩ bao giờ cũng xin phép bề trên về mọi sự. Một số cộng đoàn còn có thói quen xin phép hằng ngày, hằng tuần và hằng tháng, như xin phép uống nước, thay quần áo…

Trong hệ thống này, các bề trên mang lấy hết mọi trách nhiệm và chỉ giao một số ít cho các thành viên khác trong cộng đoàn. Lý do là để tu sĩ được an tâm, không bị phiền nhiễu. Nhưng theo hệ thống ấy, nhiều người đã lớn lên với rất ít hoặc vô trách nhiệm và thiếu trưởng thành. Thường các thành viên không biết những gì đang xảy ra trong cộng đoàn. Đôi khi, họ chỉ biết được nhờ những người ở bên ngoài cộng đoàn. Có rất ít hoặc không có đối thoại, không chia sẻ trách nhiệm, mà chỉ có phân chia công việc, lại càng không có kinh nghiệm phát triển các tài năng của họ, và không có cơ hội để phát huy sáng kiến. Kết quả là, trong cộng đoàn không có được các vị lãnh đạo. Nên bề trên ấy làm hết nhiệm kỳ này tới nhiệm kỳ khác. Vì thế mà chẳng có cải tổ gì, chẳng có thay đổi gì trong nếp sống cộng đoàn.[1]

2. 
Đời sống trong các cộng đoàn tu trì sau Vatican II
Sau Vatican II, hệ thống hình tròn được giới thiệu và đưa vào trong lối sống của cộng đoàn. Trong hệ thống này, bề trên không chỉ là đại diện của Thiên Chúa mà hơn thế nữa còn là các vị lãnh đạo, những người làm cho cộng đoàn sinh động nhờ đối thoại, chia sẻ trách nhiệm và ra quyết định trong thẩm quyền của họ. Mỗi thành viên trong cộng đoàn cùng nhau tìm kiếm ý Thiên Chúa nhờ việc suy nghĩ trong tinh thần cầu nguyện, đối thoại và quyết định. Ở đây, ta nhấn mạnh đến trách nhiệm bản thân và sự hợp nhất trong đa dạng.

Cộng đoàn phải được sống động nhờ tin vào Thiên Chúa, nhờ tình yêu đối với Đức Kitô và nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Cộng đoàn thúc đẩy các tu sĩ sống kinh nghiệm của các mối phúc của “sự hiệp thông” và “phục vụ” trong một cộng đoàn đặc biệt nào đó với lối sống và đặc sủng của cộng đoàn đó. Lối sống này chỉ có ý nghĩa đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi.[2]

3. 
Vâng phục bề trên hợp pháp
Khi người ta nói rằng họ chỉ vâng lời vị bề trên nào đó có thể hoàn toàn tin tưởng, tức là họ đang tìm kiếm một người cha lý tưởng. Đòi hỏi này loại bỏ khả năng chấp nhận người lãnh đạo được bầu với nhiệm kỳ, cũng như việc chia sẻ trách nhiệm đích thực nào đó. Chúng ta phải học biết cách vâng phục vị lãnh đạo đã được chỉ định hay được bầu theo hiến pháp, kể cả những người chúng ta không có chút thiện cảm nào. Khi nào chúng ta có thể cảm nhận được điều này, thì đó là dấu hiệu tốt. Mong đợi như thế là không thực tế. Nếu vâng phục lại đòi điều kiện tin tưởng theo cảm tính như thế thì sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn và cộng đoàn có thể chết.

Không buộc phải tin tưởng hoàn toàn vào những cá nhân lãnh đạo, nhưng chúng ta tin tưởng vào những người đã bầu chọn vị lãnh đạo này và vào hiến pháp, tin tưởng vào cơ cấu, vào sự đối thoại  và nhất là vào Thiên Chúa – Đấng luôn quan phòng cộng đoàn. Người biết cách sử dụng ngay cả những người có vẻ thiếu năng lực. Ngài biết phải ban cho họ những ân sủng nào đó để họ chu toàn nhiệm vụ mà không phạm quá nhiều sai lầm. Chúng ta phải tin tưởng rằng những vị lãnh đạo sẽ được ban cho những ơn cần thiết.[3]

4. Quyền bính trong cộng đoàn
Vị hữu trách cộng đoàn là người lãnh nhận sứ mạng được ủy thác do cộng đoàn bỏ phiếu hay do bề trên chỉ định. Vì thế, vị ấy chịu trách nhiệm với người đã ủy thác. Tuy nhiên, vị ấy cũng nhận lãnh sứ mạng này từ Thiên Chúa. Chúng ta không thể đặt trách nhiệm lên vai người khác mà không giúp đỡ họ, vì như thánh Phaolô nói rằng:

Mỗi người phải phục tùng quyền bính, vì tất cả mọi quyền bính đều đến từ Thiên Chúa. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống đối Thiên Chúa, và hành động như vậy sẽ chuốc án phạt (Rm 13, 1-2).
Quyền bính giúp mang lại tự do và làm thăng tiến cá nhân. Đây là công việc của tình yêu. Cũng giống như Thiên Chúa đã quan tâm chăm sóc con cái của Người để nhìn thấy chúng lớn lên trong tình yêu và chân lý thế nào, thì những vị hữu trách cộng đoàn cũng phải phục vụ Thiên Chúa và mọi cá nhân sao cho họ cũng có thể trưởng thành trong tình yêu và chân lý như vậy.

Đây là một trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng rất cao cả bởi vì những ai lãnh nhận quyền bính, thì cũng được bảo đảm rằng Thiên Chúa sẽ ban cho khôn ngoan, sức mạnh và những ơn cần thiết giúp họ chu toàn trách nhiệm. Đó là lý do tại sao mà chính những người lãnh đạo phải tham vấn nhiều hơn từ người đã chỉ định họ, giống như người thư ký của hội đồng sẽ làm vậy. Họ phải xin Thiên Chúa soi sáng và khám phá ánh sáng thần linh trong chính tâm hồn mình. Tôi thật tin tưởng vào ân ban của giây phút hiện tại rằng: Thiên Chúa sẽ luôn luôn hiện diện trong những vị lãnh đạo nếu họ biết khiêm nhường và cố gắng phục vụ trong chân lý.

Vị lãnh đạo phải quan tâm đến những gì người khác suy nghĩ nhưng lại không bị đóng khung vào những quan điểm đó. Họ chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa nên không có quyền thỏa hiệp, lừa dối, hay trở thành công cụ cho bất công.

Vị lãnh đạo tối cao trong một cộng đoàn luôn luôn cảm thấy cô đơn. Thậm chí nếu có ban cố vấn, thì chính họ sẽ phải đưa ra quyết định. Sự cô đơn này là thập giá cho họ, nhưng đồng thời nó cũng là sự bảo đảm cho sự hiện diện, ánh sáng và sức mạnh của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chính họ, hơn bất cứ người nào khác trong cộng đoàn, phải có thời gian ở một mình với Thiên Chúa. Trong những khoảnh khắc cô tịch này, họ sẽ được linh hứng và cảm nhận ra hướng đi. Họ phải tin vào những trực giác này, nhất là khi chúng mang lại một sự bình an nội tâm sâu xa. Nhưng họ cũng phải xác định lại những điều ấy bằng cách chia sẻ với những vị khôn ngoan trong cộng đoàn và sau đó với ban cố vấn. Đương đầu với những quyết định khó khăn cho tương lai, tất nhiên vị lãnh đạo phải tập luyện và suy xét, cũng như sử dụng mọi thông tin có sẵn. Tuy nhiên, cuối cùng vì sự phức tạp của các vấn đề và cũng không thể thấy trước được mọi chi tiết cho nên sau khi đã suy xét kỹ lưỡng mọi điều, họ phải dựa vào những trực giác thâm sâu khi ở một mình với Thiên Chúa. Đây là cách thế duy nhất giúp người lãnh đạo có thể đạt được tự do để tiến tới trong những quyết định mà không e ngại đến hậu quả.[4]

5. 
Vị mục tử tốt
Vị mục tử tốt không bao giờ được thâu tóm mọi quyền hành. Chúng ta không nên tôn vị này lên vị trí cao như một vị thánh, một nhà ngôn sứ hay một người nắm giữ quyền hành. Mối nguy lớn nhất cho vị mục tử hay lãnh đạo là nghĩ rằng mình luôn đúng và Thiên Chúa luôn ở với họ. Mọi người đều có thể sai lầm. Những người yếu đuối thường có khuynh hướng tìm kiếm sự an toàn bằng cách tôn sùng vị mục tử của họ. Đây là một sự thiếu lành mạnh và sai lầm. Chính những bất an trong đời sống khiến họ muốn thần thánh hóa vị lãnh đạo của mình và chịu mọi sự hướng dẫn của vị này.
Con người là một pha trộn cả lẫn điều tốt và điều xấu, ánh sáng và bóng tối. Người mục tử đích thực thì khiêm nhường, biết giới hạn của mình, không can thiệp vào những chỗ không nên, biết tôn trọng ân sủng và đặc sủng của người khác, và cũng biết rút lui đúng lúc. Vị ấy biết được bí mật của các cá nhân, và mối dây liên kết của họ với Thiên Chúa, nhưng ngài cũng để cho người khác giúp đỡ họ nữa để những người này tìm ra được chỗ đứng của mình trong cộng đoàn.

Phải học cách làm một người cha như thế nào? Tôi chắc chắn rằng: chúng ta chỉ có thể là một người cha khi chúng ta ý thức mình là một người con. Chúng ta chỉ có thể ra mệnh lệnh khi chúng ta biết cách vâng lời. Đức Giêsu là con chiên trước khi là người mục tử. Sau hết, quyền bính của Ngài phát xuất từ tư cách Người là Con của Cha.[5]

6. Lãnh đạo là phục vụ, yêu thương
Có nhiều cách khác nhau để thi hành quyền bính và ra mệnh lệnh. Có quyền bính quân đội, quyền bính công nghiệp và quyền bính cộng đoàn. Mục tiêu của vị tướng lãnh là chiến thắng. Mục tiêu của người lãnh đạo xí nghiệp là lợi nhuận. Mục tiêu của những vị lãnh đạo cộng đoàn thì nhắm đến sự trưởng thành của từng cá nhân trong tình yêu và sự thật.

Người lãnh đạo cộng đoàn có một sứ mệnh kép. Họ phải quan tâm cũng như giữ cho các thành viên của cộng đoàn gắn bó với điều thiết yếu, với những mục đích căn bản của cộng đoàn. Họ phải đưa ra những hướng dẫn để sao cho cộng đoàn không bị lạc lối trong những tranh cãi nhỏ mọn, thứ yếu và phụ thuộc.

Trọng trách của những nhà lãnh đạo là giữ cho cộng đoàn gắn bó với cái thiết yếu. Hơn nữa, các vị này cũng có nhiệm vụ tạo bầu khí vui tươi, an bình và tin tưởng giữa các thành viên trong cộng đoàn với nhau. Qua tình liên đới và tin tưởng đối với mỗi người, họ sẽ tạo được sự tin tưởng trong cộng đoàn giữa các thành viên với nhau. Hữu thể con người chúng ta triển nở trọn vẹn trong bầu khí thoải mái dựa trên niềm tin tưởng lẫn nhau. Nếu cộng đoàn có sự kình địch, nghi kỵ, ghen tuông, sống khép kín, thì đó không phải là một cộng đoàn đúng nghĩa, không có thăng tiến và cũng không có đời sống chứng tá.

Mỗi người lãnh đạo thi hành quyền bính theo những cách thức khác nhau tùy theo vào tính khí của họ. Những vị lãnh đạo với óc sáng kiến, nhờ đó có một cái nhìn về tương lai: họ luôn là người tiên phong. Những người với bản tính khiêm tốn và hay nhút nhát: họ là người cùng đồng hành với anh chị em và là một điều phối viên tuyệt vời. Tuy nhiên, điều cần thiết nhất đối với tất cả những vị lãnh đạo, đó là họ phải là người phục vụ trước khi là thủ lãnh. Những người lãnh trách nhiệm để chứng tỏ một cái gì đó, bởi vì họ có khuynh hướng thống trị hay chỉ huy, bởi vì họ có nhu cầu chiếm vị trí đứng đầu; hay bởi vì họ kiếm tìm quyền lợi và uy tín thì chắc chắn họ sẽ luôn luôn là những vị lãnh đạo tồi. Người lãnh đạo trước hết phải mong muốn trở thành người phục vụ.

Một số cộng đoàn lựa chọn người lãnh đạo căn cứ vào khả năng quản trị hay tư thế của họ đối với người khác. Nhưng đừng bao giờ chọn những vị lãnh đạo dựa trên những phẩm chất tự nhiên; hãy chọn những vị lãnh đạo luôn đặt lợi ích của cộng đoàn lên trên lợi ích cá nhân. Những người có tinh thần phục vụ cộng đoàn và phục vụ anh chị em, dù đôi khi họ có hơi nhút nhát và thiếu khả năng lãnh đạo thì vẫn quý giá hơn nhiều những người tuy có “năng lực” nhưng chỉ biết đến mình.

Người lãnh đạo tốt nhất là người nhận lãnh trách nhiệm như một sứ mệnh từ nơi Thiên Chúa, cậy dựa vào sức mạnh của Người và vào ân sủng của Chúa Thánh Thần. Họ sẽ cảm thấy mình kém cỏi và bất tài, nhưng họ sẽ luôn làm việc một cách khiêm tốn vì lợi ích của cộng đoàn vì mọi người đều cảm thấy rằng họ không bao giờ cậy dựa vào tài sức riêng, nhưng luôn luôn cậy trông vào Thiên Chúa. Nơi những con người như thế, cộng đoàn sẽ nhận ra rằng: họ không phô trương, không bị những vấn đề riêng tư che mất tầm nhìn. Họ sẵn sàng rút lui khi thời điểm đến.

Phẩm chất đầu tiên của người lãnh đạo là yêu thương mọi thành viên trong cộng đoàn và quan tâm đến sự thăng tiến của họ. Điều này bao hàm rằng người lãnh đạo cũng phải biết mang lấy những yếu kém của người khác. Các thành viên trong cộng đoàn rất nhạy bén nhận ra người lãnh đạo có yêu thương và tin tưởng họ hay không, có chứng tỏ quyền hành và áp đặt quan điểm không, hay chỉ cố gắng để làm hài lòng.

Đức Giêsu là khuôn mẫu quản trị cho tất cả Kitô hữu. Người rửa chân cho các môn đệ; Người là vị Mục Tử đã hy sinh tính mạng vì đàn chiên của mình, không như người chăn thuê chỉ làm công việc hoàn toàn vì lợi ích riêng của mình.[6]

7. Lãnh đạo phải biết tha thứ
Tha thứ là trọng tâm của cộng đoàn Kitô giáo và những vị lãnh đạo phải trở thành dấu chỉ và gương mẫu của lòng tha thứ. Họ biết phải làm thế nào để tha thứ tất cả những công kích và lãnh đạm được nhắm vào họ, tha thứ bảy mươi lần bảy. Mỗi ngày, vị lãnh đạo phải học biết làm thế nào để gặp gỡ con người như là một con người và hãy để người khác gặp gỡ mình cũng theo một cách thức như thế; biết rằng tiến trình các thành viên tìm ra được tương quan đích thực với quyền bính là một chặng đường dài. Qua tha thứ các vị lãnh đạo vượt qua được nỗi sợ hãi và sự phòng thủ của mình vốn là điều làm cho họ bị người khác chống đối và xa lánh. Tha thứ là cởi mở, thanh thản, hiểu biết và kiên nhẫn với những người chống đối mình.

Stephen Verney đã tóm kết điều này thật hay như sau: “Để đương đầu với sự công kích và hèn nhát, người lãnh đạo có thể phản ứng bằng nhiều cách. Vị ấy có thể hướng sự chú ý của nhóm vào mục đích chung, từ đó sẽ làm dịu áp lực lên chính mình. Vị này có thể thiết lập những tương quan nhân vị nồng ấm với từng thành viên của nhóm, trong khi vẫn duy trì quyền điều khiển của mình trên toàn cộng đoàn. Cả hai cách thức này đều có lợi và thúc đẩy sức mạnh của cộng đoàn. Tuy nhiên, nếu vị hữu trách mong muốn giúp cho cộng đoàn sống thích nghi với thời đại mới, thì song song và nối kết với hai cách thức trên, vị này phải chấp nhận cách thức thứ ba là từng bước đi tiên phong chính trong tiến trình tha thứ này. Điều này nói lên rằng vị hữu trách phải tỉnh táo hơn trước thiện hảo và sự dữ luôn quyện chặt vào nhau cả trong chính vị lãnh đạo lẫn trong cộng đoàn. Vị lãnh đạo phải trải qua kinh nghiệm của sự chết và sự phục sinh, nhờ đó mọi việc sẽ được biến đổi và giải thoát. Kinh nghiệm này vị hữu trách không phải chỉ trải qua một lần nhưng là liên tục. Đức Giêsu nói “hãy vác thập giá mình hằng ngày”.[7]

8. Lãnh đạo phải biết kiên nhẫn vì sự trì trệ của cộng đoàn
Vị hữu trách phải rất kiên nhẫn về sự trì trệ của cộng đoàn. Với chức vụ của mình, vị này phải có cái nhìn sâu sắc hơn; phải nhanh nhạy nắm bắt những nhu cầu của cộng đoàn hơn những anh chị em khác; vị hữu trách ý thức rõ hơn về sự tiến triển của cộng đoàn, về thánh ý Thiên Chúa trên cộng đoàn, và về đòi hỏi cấp bách của niềm tin và chân lý. Những người khác có thể tiến chậm hơn, vị hữu trách không nên ép buộc hay bắt họ theo quan niệm của mình; cũng như đừng làm cho họ cảm thấy có lỗi. Với sự hiền dịu, độ lượng, kiên nhẫn, dễ chấp nhận và trên hết là khiêm tốn của mình, vị hữu trách nên tạo ra một tinh thần tin tưởng. Rồi sau đó đến lượt những người khác, tới thời điểm của mình, họ sẽ phát triển không theo quan niệm của vị này, mà theo cái nhìn của Thiên Chúa trên cộng đoàn, có khả năng lắng nghe, tha thứ và tôn trọng nhịp điệu của mỗi người. Tôi rất thích câu trả lời của Giacóp cho Esau khi Esau mời Giacóp cùng đi với mình:

Ông Esau nói: “Nào chúng ta lên đường, tôi sẽ đi trước chú”. Ông Giacóp trả lời: “Ngài biết là lũ trẻ thì yếu ớt, còn tôi phải lo cho đám chiên và bò đang cho con bú; nếu hối thúc chúng, dù một ngày thôi, thì chiên dê sẽ chết hết. Vậy xin ngài cứ vượt lên phía trước tôi tớ ngài; phần tôi, tôi sẽ đi chậm chậm, theo chân đàn vật đi trước và theo chân lũ trẻ, cho tới khi đến với ngài tại Xeia” (St 33, 13-14).[8]

9. Vị lãnh đạo giỏi và vị lãnh đạo yếu kém
Một trong những điều quan trọng nhất đối với nhà lãnh đạo, đó là phải biết xác định rõ ràng những ưu tiên của họ. Nếu để mình lạc lối trong hàng ngàn những chi tiết vụn vặt, thì họ sẽ có nguy cơ đánh mất quan điểm của mình. Họ phải chú tâm đến điều thiết yếu. Nhà lãnh đạo giỏi là người làm rất ít, nhưng nhắc nhở cho người khác thấy được điều thiết yếu trong các hoạt động và trong đời sống của họ, và kêu mời họ lãnh trách nhiệm, nâng đỡ, củng cố và hướng dẫn họ.

Những vị hữu trách phải luôn chia sẻ công việc với người khác, thậm chí với người làm dở hơn mình hoặc có cách làm khác mình. Tự làm thì luôn dễ hơn chỉ cho người khác làm. Những vị hữu trách rơi vào cám dỗ muốn tự ý mình làm lấy tất cả sẽ có nguy cơ bị cô lập.

Khi trao nhiệm vụ cho ai thì đồng thời cũng phải trao cho họ những phương tiện để hoàn thành công việc. Bảo hộ thái quá cuối cùng sẽ dẫn đến từ chối chia sẻ trách nhiệm. Mọi người có quyền sai lầm và vấp ngã. Làm mọi thứ cho họ, thì sẽ giữ được cho họ khỏi sự thụt lùi, nhưng đồng thời cũng cản trở họ tiến tới – quan niệm “thành công” hay “thất bại” không thích hợp trong cộng đoàn.
Chúng ta không để vị hữu trách trách nhiệm một mình. Họ cần những người cố vấn, nâng đỡ, khuyến khích và hướng dẫn họ. Chúng ta không nên để họ phải xoay sở để giải quyết các tình huống và căng thẳng thuộc trách nhiệm của họ. Họ cần có người để dễ dàng trao đổi, hiểu và nhìn nhận trách nhiệm của họ. Họ cần một người khôn ngoan hiện diện bên mình, người ấy không xét đoán. Có kinh nghiệm về những công việc thế tục và tạo được tin tưởng kẻo họ sẽ rơi vào nguy cơ khủng hoảng. Đức Giêsu hứa ban Đấng Bảo Trợ khác cho các tông đồ. Tất cả chúng ta phải là những người nâng đỡ người khác, đáp ứng lại mong muốn của họ. Thập giá của trách nhiệm đôi khi nặng nề và chúng ta cần một người bạn để hiểu mình, một người anh em hay chị em lớn tuổi giúp chúng ta bớt gánh nặng công việc.

Khi cộng đoàn vừa được thành lập, vị sáng lập quyết định mọi công việc. Nhưng dần dần các anh chị em khác gia nhập cộng đoàn làm nảy sinh mối dây huynh đệ. Lúc ấy, vị sáng lập tham khảo ý kiến của các anh chị em này. Vị này không tự mình quyết định công việc, nhưng còn lắng nghe người khác. Tinh thần cộng đoàn nảy sinh. Vị sáng lập bắt đầu khám phá ra ân sủng nơi mỗi người. Vị này cũng khám phá ra rằng người khác có khả năng hơn mình về một số lãnh vực và họ có những đặc sủng mà mình không có. Thế nên, vị này càng ngày càng tin tưởng vào anh chị em mình, học biết chết đi cho chính mình để người khác có thể sống dồi dào hơn. Vị này giữ mối dây liên đới, tham khảo ý kiến mọi người, cộng tác với anh chị em mình trong những trách nhiệm của họ, duy trì tinh thần và sự hiệp nhất cộng đoàn. Khi gặp khủng hoảng, vị này phải là người thi hành quyền bính bởi vì trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về mình. Khi kỷ luật cộng đoàn bị xao lãng, vị này phải nhắc nhở cho các thành viên về bổn phận của họ. Quyền bính của vị này giảm bớt nhưng vẫn còn ảnh hưởng khá nhiều cho đến khi hết trách nhiệm và người khác lên thay. Lúc đó, niềm vui của ông đã hoàn tất, công việc của ông sẽ được người khác tiếp tục nhưng vai trò của ông không còn.

Quyền bính của vị lãnh đạo trong cộng đoàn cũng tương tự như quyền bính của cha mẹ trong gia đình. Ban đầu họ làm mọi thứ cho con cái, nhưng dần dần trở thành người bạn để con cái có thể tâm sự. Thậm chí họ còn trở thành con cái khi về già. Cha mẹ phải cảnh giác bản năng sở hữu khiến hạn chế sự trưởng thành của con cái. Cũng thế, vị sáng lập cộng đoàn phải biết từ từ rút lui và đừng bám víu vào quyền lực.

Thoạt đầu, vị sáng lập hành động dựa trên quan điểm riêng của mình. Dần dần mọi người sẽ liên kết với vị ấy để trở thành một thân thể sống động với những căng thẳng không tránh khỏi. Lúc này, vị sáng lập không còn hành động như thể mình là duy nhất với quan điểm riêng nữa. Vị ấy phải lắng nghe cộng đoàn, tôn trọng nếp sống và quan điểm của cộng đoàn. Vai trò của vị sáng lập hiểu được đời sống cộng đoàn và giúp nó thăng tiến dưới sự điều khiển của mình.

Có lẽ điều khó khăn nhất mà vị sáng lập phải làm là chấp nhận rằng: quan điểm của người khác có thể phản ánh về cộng đoàn và những mục tiêu cơ bản của cộng đoàn rõ ràng và trung thực hơn quan điểm của mình. Người lãnh đạo tồi chỉ lưu tâm đến kỷ luật và nội quy. Họ không cố gắng tìm hiểu những luật lệ ảnh hưởng thế nào lên con người. Chúng ta dễ sử dụng luật lệ để che lấp sự bất lực trong việc hiểu biết và lắng nghe người khác. Chúng ta lạm dụng luật lệ khi chúng ta sợ người khác.

Người lãnh đạo đừng để mình bị cám dỗ chỉ biết nghe những người nói hay và tìm cách thắng vượt người khác, cũng như thận trọng để đừng bị cám dỗ né tránh những cơ chế đã được thiết lập.

Một điều quan trọng nữa là vị lãnh đạo phải biết lắng nghe những người trẻ mới gia nhập cộng đoàn. Họ có thể bộc lộ ơn gọi, nỗi khát vọng và mơ ước của mình. Vị lãnh đạo phải biết cách lắng nghe họ với sự quan tâm và ngạc nhiên về công trình Thiên Chúa thực hiện nơi họ. Ơn gọi của những người trẻ này có thể cho thấy cộng đoàn phải trở nên như thế nào, cũng như chỉ ra những thất bại của cộng đoàn. Trong tu luật của mình, thánh Biển Đức nói rằng: mỗi khi có vấn đề quan trọng cần bàn thảo, vị lãnh đạo triệu tập toàn thể cộng đoàn để mọi người anh em đưa ra ý kiến của mình. “Thiên Chúa hay gợi hứng cho người trẻ có được những đề xuất hay nhất”.

Đối với những người lãnh đạo, điều quan trọng là phải sống trung thực như mình là, dám chia sẻ những khó khăn và những yếu đuối. Nếu người lãnh đạo giấu kín những điều này thì người khác có thể xem họ như mẫu gương không thể đạt được. Bởi thế, họ phải để cho người khác thấy mình như một con người bình thường, cũng có những sai lầm, nhưng đồng thời mình là người đáng tin cậy và đang cố gắng thăng tiến hơn.

Cũng không có gì là xấu nếu vị lãnh đạo làm một số công việc tay chân, chẳng hạn như rửa chén hoặc thỉnh thoảng nấu cơm. Những công việc này giúp họ sống thực tế trên mặt đất và buộc họ phải bẩn tay. Điều đó tạo nên những tương quan mới; những người cùng làm việc sẽ coi họ như một con người thật sự, chứ không như một con người chức năng.

Một số người lãnh đạo luôn cần có ai đó gần gũi có thể hất họ xuống bệ cao, chọc ghẹo và đôi khi cho họ một cú sút dồn vào chân tường. Họ thường gặp phải hoặc nịnh hót, hoặc công kích. Những vị này có thể rất nhanh chóng tự giam mình trong vai trò của mình vì họ sợ hãi hay tự cho mình là một ông trời con. Khi ấy, họ xa rời thực tế. Họ cần những con người mà có thể trêu ghẹo họ một cách tế nhị, không coi họ là quá quan trọng và đưa họ về với thực tại. Tất nhiên, vị lãnh đạo phải tin tưởng vào những người này và biết rằng họ yêu mến mình.[9]

10. Khi lãnh đạo tự mãn
Càng ngày tôi càng nhận thấy việc thi hành quyền bính trong cộng đoàn là khó khăn biết bao. Chúng ta rất dễ có khuynh hướng nắm quyền bính để được vinh dự, uy thế hay tán thưởng. Sâu xa bên trong mỗi con người chúng ta là một tên bạo chúa nho nhỏ ham muốn quyền và uy thế, muốn thống trị và ăn trên ngồi trước. Chúng ta sợ bị phê bình, sợ bị kiểm soát. Chúng ta tưởng chỉ có mình mới là người nắm bắt chân lý – và đôi khi còn nhân danh Thiên Chúa. Chúng ta xen vào công việc của người khác, đảm đương đủ thứ việc và khư khư nắm giữ quyền bính. Người khác buộc phải theo ý chúng ta như thể là họ không có khả năng phán đoán. Chúng ta chỉ để cho tự do suy nghĩ khi họ không đe dọa đến quyền bính của chúng ta và trong mức độ có thể kiểm soát. Chúng ta muốn ý mình phải được làm ngay. Như thế, cộng đoàn trở thành dự án “của chúng ta”.

Một số cộng đoàn được thành lập bởi một cá nhân có nhu cầu muốn làm lãnh tụ, muốn chứng tỏ điều gì đó, muốn lập cộng đoàn “riêng cho mình”. Phải luôn luôn giúp đỡ các vị sáng lập để đừng sa vào cái bẫy này và chỉ rõ cho thấy những động cơ thúc đẩy của ông. Ông không nên làm một mình. Tốt hơn là nên thành lập cộng đoàn do hai ba người hợp lại, họ sẽ cùng phán đoán, cùng gánh vác trách nhiệm ngay từ lúc khởi đầu.

Mặt khác, người lãnh đạo ở trong tình trạng nguy hiểm là dễ hoàn toàn lao mình vào những dự án cá nhân; họ làm mọi chuyện để có thể sở hữu “đứa con” của mình. Họ không chịu được những lời phê bình, và chỉ nghe những người đồng ý với họ - họ có thể luôn tìm những người như thế. Cộng đoàn sẽ trở nên ngột ngạt nếu người đứng đầu kìm hãm những người khác, không muốn họ giúp đỡ anh chị em, không tin tưởng họ, từ chối chia sẻ trách nhiệm hay ngăn cản không cho họ nắm quyền lãnh đạo.

Nếu người nào bắt đầu cộng đoàn với tham vọng chứng tỏ điều gì đó qua: “đứa con” của mình, thì người đó phải chết đi cho sự tự mãn bệnh hoạn ấy của mình. Cộng đoàn là của tất cả mọi người sống trong đó chứ không phải của người sáng lập. Trách nhiệm là một thập giá mà vị sáng lập phải mang, nhưng vị này cũng phải mau mắn chia sẻ trách nhiệm để mỗi thành viên có thể nhận ra đặc sủng của họ.[10]

Tất cả khuynh hướng xấu đó có thể rất dễ len lỏi vào trong việc thi hành quyền bính của chúng ta ở những mức độ khác nhau. Người Kitô hữu đôi khi che giấu xu hướng xấu đằng sau một mặt nạ đạo đức với những lý do “tốt lành”. Không có gì đáng sợ cho bằng một tên bạo chúa đội lốt tôn giáo. Tôi biết rằng bản thân tôi dễ hướng chiều theo điều này và tôi phải liên lỉ chiến đấu với nó.

Điều quan trọng là trong cộng đoàn, giới hạn quyền bính của mỗi cá nhân cần phải được hiểu rõ và thậm chí phải được viết ra. Người cha nhanh chóng áp đặt quyền của mình lên con cái, muốn chúng phải tuân thủ ý kiến của ông; ông sẽ nhanh chóng cướp mất tự do và mong muốn riêng của chúng.

Không dễ để các vị lãnh đạo tìm được mức độ trung dung trong việc đưa ra các mệnh lệnh, nhiều hay ít. Nguy cơ tự mãn và ham muốn thống trị là rất lớn đối với tất cả các vị lãnh đạo. Họ cần những giới hạn quyền bính và hệ thống kiểm soát giúp cho họ giữ được khách quan và thật sự là người phục vụ cộng đoàn.

Việc tranh đua quyền lực giữa các thành viên trong cộng đoàn và sự ganh tỵ với thành công của người khác có sức tàn phá khủng khiếp. Một cộng đoàn hiệp nhất thì như một tảng đá; còn một cộng đoàn chia rẽ thì sẽ tự hủy hoại nhanh chóng.

Ngay cả các tông đồ sống bên cạnh Đức Giêsu, đôi khi sau lưng Người, các ông còn tranh luận xem ai trong họ là người lớn nhất (Mc 10, 41- 46). Thánh Luca nói họ đã bàn luận về điều này ngay trong bữa tiệc ly. Phải chăng đây là lý do khiến Đức Giêsu chỗi dậy rửa chân cho các ông? (Lc 22, 24 – 28).

Sự tranh đua trong cộng đoàn thường lộ diện rõ ràng khi có một cuộc bỏ phiếu bầu người lãnh đạo. Cũng có thể có sự tranh đua xem ai là người tài trí và đạo đức nhất. Những cuộc chiến về quyền lợi và ảnh hưởng này bắt nguồn sâu xa trong tâm hồn con người chúng ta. Chúng ta lo sợ mình sẽ không tồn tại nếu như không thắng cử hoặc không nắm giữ được một vị trí nào đó. Chúng ta rất nhanh chóng đánh đồng chức vụ với con người, được mộ mến với nhân cách hữu thể.

Không có một quyền bính nào tránh khỏi việc phán đoán quá vội vã làm tổn thương đến những người khác và cuốn họ vào trong vòng luẩn quẩn giận dữ và phiền muộn. Sự hiệp nhất lớn lên từ mảnh đất của khiêm nhường vốn là lá chắn chống lại sự phân ly, chia rẽ. Thần khí sự dữ - tạo ra sự gian dối, ảo tưởng, xáo trộn, và kích động tính kiêu căng – sẽ trở nên bất lực không đối kháng nổi với sự khiêm tốn.[11]

11. Những đức tính của người lãnh đạo cộng đoàn
Theo Thánh Bộ các Dòng tu và các Hội Dòng, người phụ trách đào tạo đúng nghĩa phải vừa có tài, vừa có đức, vì đào tạo là một công tác rất quan trọng, nhiêu khê và tinh tế. Thật vậy, ngoài khả năng sư phạm và những kiến thức nền tảng về thần học cũng như tu đức, những người phụ trách đào tạo cần có những đức tính sau đây:

Khả năng trực giác và cởi mở.
Kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa và về cầu nguyện.
Khôn ngoan, nhờ biết lắng nghe và nghiền ngẫm Lời Chúa.
Yêu thích phục vụ và ý thức được vai trò của nó trong công việc giáo dục đời sống tâm linh.
Có trình độ văn hóa cần thiết.
Có thời giờ và thiện chí để chăm sóc tất cả và từng thụ huấn sinh, chứ không chỉ giáo dục tổng quát, chung chung cả nhóm.
Nhiệm vụ cao quý này đòi hỏi nơi người phụ trách đào tạo nhiều đức tính nhân bản lẫn tâm linh, như đời sống nội tâm, tinh thần hy sinh, nhẫn nại, kiến thức chuyên môn, lòng yêu nghề và yêu thương thực sự những người mà họ có trách nhiệm hướng dẫn.[12]

 
12. Những khó khăn trong công việc đào tạo
Để giải quyết vấn đề khó khăn của việc đào tạo, có người đề nghị thành lập một ban đào tạo. Một nhóm có tinh thần đối thoại, biết làm việc theo ê kíp, cởi mở, hỗ trợ và tin tưởng nhau… sẽ giải quyết được nhiều bế tắc. Nhưng xem ra người Việt Nam chúng ta khó cộng tác với nhau và chưa được đào tạo để làm việc theo ê kíp. Chính vì vậy đã nảy sinh một số khó khăn giữa những người cùng làm công tác đào tạo:
  • Khó thống nhất với nhau về đường hướng đào tạo, nhất là khi Hội Dòng chưa có một định hướng đào tạo rõ rệt và khả thi.
  • Những khó khăn trong việc cộng tác và phân chia công việc, vì những giới hạn về tính tình và thiếu kinh nghiệm làm việc ê kíp của đôi bên.
  • Nhiều khi hiểu lầm và xích mích nhau về những chuyện tầm phào.
  • Khác biệt về kiến thức, kinh nghiệm, tính tình, quan điểm và tuổi tác.
  • Có cộng tác viên làm việc tà tà, có cộng tác viên khác rất nhiệt thành, nhưng quá khắt khe, thiếu thông cảm với những khó khăn của người thụ huấn trong giai đoạn đầu.
  • Có khuynh hướng phóng đại khuyết điểm của người thụ huấn.
  • Có người thích đốt giai đoạn, thiếu kiên nhẫn và đòi hỏi quá sớm thành quả nơi người thụ huấn.
  • Một số cộng tác viên còn quá trẻ, chưa đủ kinh nghiệm, hơn nữa lại đang bù đầu vào việc học… nên cũng chẳng đóng góp được bao nhiêu cho công tác đào tạo.
  • Chắc chắn phải mất một thời gian nữa chúng ta mới có một đội ngũ những người phụ trách đào tạo mà các Hội Dòng mong nuốn. Tuy nhiên, cũng nên thận trọng và thực tế. Nếu đòi hỏi người phụ trách đào tạo phải hội đủ tất cả những tiêu chuẩn liệt kê ở trên thử hỏi ai dám đảm nhận công tác này? Hơn nữa, dù có đốt đuốc đi tìm khắp nước chắc gì đã gặp một vài người hội đủ những tiêu chuẩn đó!
Cho dù hoàn cảnh khó khăn, điều kiện làm việc eo hẹp và khả năng chuyên môn giới hạn đến đâu đi chăng nữa, có một điều không thể thiếu vắng nơi người phụ trách đào tạo và cũng chẳng có thể vịn bất cứ lý do nào để biện minh cho sự thiếu vắng này: đó là một tấm lòng, sự tận tụy, thái độ bao dung và tình yêu thương. Ơn gọi tu trì là một câu chuyện về tình yêu và về nỗi khát khao bước theo Đức Kitô. Nhiều thụ huấn sinh đã ở lại vì đã “cắn câu” tình yêu, chứ không phải vì đã khuất phục trước lý lẽ. Thần bí gia Eckhart O.P đã nói: “Vì tình yêu tương tự như lưỡi câu của người ngư phủ,  ông ta không bắt được cá nếu cá không cắn câu”.[13]

Hết

Lm. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY, Tân Phúc Âm hóa đời sống cộng đoàn, trong Bản tin của HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Hiệp thông, số 79 (tháng 11 và 12 năm 2013), tr. 57 - 101. 
 
 

[1] Charles Serrao, OCD, Biện phân ơn gọi tu trì, trang 75 – 76.
[2] Charles, Serrao, sđd., trang 77.
[3] Jean Vanier, sđd., trang 204.
[4] Id., trang 184 – 186.
[5] Id., trang 215.
[6] Id., trang 186 – 188.
[7] Id., trang 208.
[8] Id., trang 209.
[9] Id., trang 193 – 199.
[10] Id., trang 89.
[11] Id., trang 190 – 192.
[13] Nguyễn Thái Hợp OP, Sđd, trang 169 – 170.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc