banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TRUNG TÂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN: ĐỨC KITÔ VÀ TIN MỪNG

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/03/2018 04:19 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TRUNG TÂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN: ĐỨC KITÔ VÀ TIN MỪNG

TRUNG TÂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN: ĐỨC KITÔ VÀ TIN MỪNG

Huấn từ đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các tu sĩ, tại đại hội toàn thể của Liên hiệp các bề trên tổng quyền dòng nữ, Rôma, ngày 8.5.2013


Tôi vui mừng được gặp gỡ quý chị em hôm nay và ước mong được gặp từng người để cảm ơn về tất cả những gì chị em đang làm cho cuộc sống thánh hiến trở nên ánh sáng dẫn đường cho Hội Thánh. Thưa chị em, trước hết tôi xin cảm ơn người anh em thân mến, Đức Hồng Y João Braz de Aviz, về những phát biểu của ngài dành cho tôi, cũng như cảm ơn về sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục tổng thư ký của Bộ Tu Sĩ. Tôi thấy chủ đề hội nghị liên đoàn các bề trên Tổng quyền Dòng nữ đặc biệt cần thiết đối với nhiệm vụ đã ủy thác cho các chị: “Sự phục vụ của quyền bính theo Tin Mừng”. Trong tinh thần đó, tôi muốn gởi đến chị em ba ý tưởng giản dị gợi cho cộng đoàn và cá nhân mỗi chị em suy nghĩ thêm.

ĐỨC KITÔ LÀ TRUNG TÂM VÀ PHÚC ÂM LÀ CĂN TÍNH CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN – SỐNG BA LỜI KHẤN

1. 
Chúa Giêsu, trong bữa tiệc ly, nói với các tông đồ: “Không phải các con đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con” (Ga 15, 16). Lời Chúa không chỉ nói với các linh mục mà còn cho tất cả chúng ta: ơn gọi luôn luôn là sáng kiến của Thiên Chúa. Chính Đức Kitô đã kêu gọi các chị theo Người trong đời sống thánh hiến, và điều đó có ý nghĩa là, không ngừng thực hiện cuộc “xuất hành” ra khỏi bản thân để quy hướng đời mình vào Đức Kitô và Phúc Âm, vào ý muốn của Thiên Chúa, bỏ ý riêng của mình, để nói được như thánh Phaolo: “Không còn là tôi sống, mà chính là Chúa Kitô sống trong tôi” (Ga 2, 20).
 
Cuộc “xuất hành” ra khỏi bản thân dẫn chúng ta bước vào cuộc hành trình thờ lạy và phục vụ Chúa trong anh em, chị em mình. Thờ lạy và phục vụ là hai thái độ không thể tách rời, nhưng luôn đi đôi với nhau. Thờ lạy Chúa và phục vụ tha nhân, không giữ lại gì cho mình: đó là “biến mình ra không” của bất cứ ai thực thi quyền bính.

Mong các chị sống và luôn ghi nhớ chính Đức Kitô là trung tâm và Phúc Âm là căn tính của đời sống thánh hiến. Các chị hãy giúp các cộng đoàn của mình thực hiện cuộc “xuất hành” ra khỏi bản thân để lên đường thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân, bằng cách trước hết sống ba cột trụ của đời thánh hiến.

Vâng phục là lắng nghe ý Chúa, tức tác động của Chúa Thánh Thần đang diễn ra trong lòng mình, qua thẩm quyền của Giáo Hội, bằng cách chấp nhận sự vâng phục ý Chúa cũng được thể hiện qua trung gian con người. Các chị hãy nhớ mối tương quan giữa quyền bính và vâng phục được đặt trong khung cảnh rộng hơn của mầu nhiệm Giáo Hội và thể hiện một cách đặc biệt vai trò trung gian của Giáo Hội (x. Huấn thị Phục vụ thẩm quyền và vâng phục, số 12 của Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Tông đồ).

Khó nghèo là chế ngự mọi thứ vị kỷ theo logic của Tin Mừng, vốn dạy chúng ta luôn tín thác nơi Chúa Quan phòng. Khó nghèo là dấu chỉ cho toàn thể Giáo Hội biết rằng không phải chúng ta là người xây dựng Nước Chúa, không phải những phương tiện nhân loại sẽ mở mang Nước Chúa , mà trước hết chính là quyền năng và ân sủng của Chúa đang hoạt động nơi sự yếu hèn của chúng ta. Thánh Tông Đồ dân ngoại nhấn mạnh: “Ơn của Chúa đã đủ cho con, vì quyền năng của Chúa được biểu lộ trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).

Khó nghèo dạy cho biết phải sống liên đới, chia sẻ và bác ái, chủ yếu được thể hiện trong sự tiết độ và niềm vui, giữ chúng ta không sa vào sự sùng bái vật chất vốn che khuất ý nghĩa đích thực của đời sống. Học sống khó nghèo nơi những người nghèo hèn, bệnh tật và mọi người bị gạt ra ngoài lề cuộc sống. Khó nghèo chỉ trong lý thuyết thì chẳng ích lợi gì. Phải học khó nghèo bằng cách chạm vào da thịt của Đức Kitô khó nghèo, học nơi người nghèo khốn, nơi người ốm đau, nơi trẻ em.

Rồi đến khiết tịnh, một đặc sủng quý giá sẽ khơi rộng tự do giúp chúng ta dâng mình cho Chúa và tha nhân với sự ân cần, nhân hậu, gần gũi với Đức Kitô. Sống khiết tịnh vì Nước Trời cho thấy tình cảm có vị trí ra sao trong sự tự do đã đạt mức trưởng thành và trở nên dấu chỉ cho một thế giới sẽ đến, để không ngừng chiếu tỏa rạng ngời hơn nữa Thiên Chúa là Đấng tối cao.

Xin phép các chị cho tôi nói đến sự khiết tịnh “sinh sôi nảy nở”, sự khiết tịnh sinh những đứa con tinh thần trong Giáo Hội. Người phụ nữ sống đời thánh hiến là một người mẹ, phải là một người mẹ, không thể làm một “cô gái già”! Xin lỗi đã diễn tả như thế, nhưng việc làm mẹ trong đời sống thánh hiến, sự sinh sôi nảy nở, là quan trọng! Ước gì niềm vui sinh sản thiêng liêng này giúp cuộc sống của các chị trở nên sống động; các chị hãy làm mẹ theo hình ảnh làm Mẹ của Đức Maria, Mẹ của Hội Thánh. Sẽ không thể hiểu về Đức Maria nếu thiếu đi việc làm mẹ của Người. Sẽ không thể hiểu Giáo Hội nếu bỏ qua vai trò làm mẹ của Hội Thánh và các chị chính là một bức tranh icon về Mẹ Maria, về Hội Thánh.

QUYỀN BÍNH LÀ ĐỂ PHỤC VỤ

 
2. Điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh trong việc thực hiện thẩm quyền, đó là phục vụ: chúng ta không được bao giờ quên quyền bính đích thực, ở bất kỳ cấp thẩm quyền nào, cũng là phục vụ, sự phục vụ đã đạt đến tột đỉnh nơi Thập Giá. Đức Bênêdictô XVI, với sự thông tuệ lớn lao, đã nhiều lần nhắc lại cho Giáo Hội rằng, đối với loài người, quyền bính đồng nghĩa với chiếm đoạt, thống trị, đắc thắng; còn đối với Thiên Chúa, quyền bính đồng nghĩa với phục vụ, khiêm nhường, yêu thương; nghĩa là di vào logic của Chúa Giêsu, Đấng quỳ xuống rửa chân các Tông đồ (x. Kinh truyền tin, ngày 29 tháng giêng 2012) và nói với các môn đệ của Người: “Các con biết rằng vua chúa trần gian thì thống trị dân… còn các con không được như thế”, đây chính là chủ đề hội nghị của quý chị em “Giữa các con thì không được như thế”, “Nhưng ai muốn làm lớn trong các con, sẽ là người phục vụ các con, và ai muốn là người đứng đầu thì sẽ là người tôi tớ của các con” (Mt 20, 25-27). Chúng ta hãy nghĩ đến thiệt hại gây ra cho dân Chúa từ những con người trong Giáo Hội vốn là những kẻ háo danh, ham địa vị, “sử dụng” dân Chúa, Giáo Hội, những anh em, chị em của chúng ta – những người lẽ ra họ phải phục vụ - như bàn đạp để họ đạt mục đích riêng và thỏa mãn những tham vọng cá nhân. Những con người đó đang làm thiệt hại nặng nề Hội Thánh.
 
Mong các chị luôn biết thực thi quyền bính bằng việc đồng hành, thấu hiểu, trợ giúp và thương yêu; bằng việc giang tay đón nhận mọi người nam nữ, nhất là những ai cảm thấy cô đơn, bị loại trừ, vô dụng, sống thiếu tình thương. Chúng ta hãy nhìn lên Thập Giá: đây là nơi tìm thấy mọi quyền bính trong Hội Thánh, là nơi Chúa trở nên người tôi tớ để toàn hiến chính mình.

LUÔN HIỆP NHẤT VỚI HỘI THÁNH

3. 
Cuối cùng, Giáo Hội tính là một trong những chiều kích hình thành đời sống thánh hiến. Đây là một chiều kích cần được tái khám phá và đào sâu không ngừng trong cuộc sống. Ơn gọi của các chị là một đặc sủng nền tảng Chúa ban cho Hội Thánh trên đường lữ hành, và một tu sĩ dù nam hay nữ không thể không cùng “cảm thức” với Giáo Hội. “Cảm thức” với Hội Thánh đã sinh ra chúng ta khi chịu phép rửa; “cảm thức” với Hội Thánh tìm được một trong những cách diễn tả tình con thảo nơi sự trung thành với huấn quyền, trong sự hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô, vị Giám Mục Roma, dấu chỉ hữu hình của hiệp nhất. Đây là điểm quan trọng: loan báo và làm chứng cho Tin Mừng, đối với mọi Kitô hữu, không bao giờ là một hành động tách rời của một cá nhân hoặc một nhóm người. Không một nhà truyền giáo nào, như Đức Phaolô VI đã từng nhắc rất rõ ràng, lại hành động “dựa trên cảm hứng cá nhân, nhưng trong sự hiệp nhất với sứ vụ của Hội Thánh và nhân danh Hội Thánh” (Tông Huấn Loan báo Tin Mừng, số 40). Ngài tiếp tục huấn thị: Thật phi lý nếu cứ phân đôi ra, cho rằng sống với Đức Kitô mà không cần Giáo Hội, đi theo Chúa Giêsu mà ở ngoài Hội Thánh, yêu mến Chúa Giêsu lại không yêu mến Giáo Hội (x. Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 16).
 
Các chị hãy nhớ mình có trách nhiệm đào tạo hội dòng của mình theo giáo thuyết đúng đắn của Hội Thánh, trong tình yêu đối với Giáo Hội và trong tinh thần Hội Thánh.

Tóm lại, hướng về Đức Kitô và Tin Mừng là trung tâm, thực thi quyền bính bằng phục vụ trong yêu thương, “cảm thức” trong lòng Hội Thánh và cùng với Hội Thánh, đó là ba gợi ý tôi muốn gửi đến các chị, đồng thời cũng muốn nói thêm về lòng biết ơn của tôi đối với công việc các chị đang thực hiện vốn không hề dễ dàng. Hội Thánh sẽ ra sao nếu không có các chị? Hội Thánh sẽ thiếu đi hình ảnh người mẹ nơi các chị, một hình ảnh ấm áp, dịu dàng, mang trực giác của người mẹ!

Các chị thân mến, các chị biết lòng tôi quý mến các chị. Tôi cầu nguyện cho các chị và xin các chị cũng cầu nguyện cho tôi. Nhờ các chị chuyển lời chúc mừng của tôi đến các cộng đoàn, nhất là các chị đau ốm và các nữ tu trẻ. Tôi mong mỗi chị em hãy parresia (can đảm) và hân hoan sống theo Tin Mừng của Đức Kitô. Các chị hãy vui lên, bởi được bước theo Chúa Giêsu thật đẹp thay, và đẹp thay được trở nên bức tranh icon của Đức Mẹ và của Giáo Hội phẩm trật là Mẹ Thánh của chúng ta.


Nguồn: Libreria Editrice Vaticana (bản tiếng Anh)
               Thành Thi chuyển ngữ

Trích trong Tạp chí Hiệp Thông (Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam) số 79 (Tháng 11 và 12 năm 2013), Chuyên đè, Tu sĩ và trách nhiệm thông truyền đức tin, tr. 8 - 13.
 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc