banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TU SĨ, CON NGƯỜI CỦA BA NIỀM KHẮC KHOẢI

Đăng lúc: Thứ ba - 10/04/2018 22:32 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TU SĨ, CON NGƯỜI CỦA BA NIỀM KHẮC KHOẢI

TU SĨ, CON NGƯỜI CỦA BA NIỀM KHẮC KHOẢI

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ khai mạc Tổng Tu nghị Dòng Thánh Augustinô ngày 28.8.2013, tại Rôma
 

TU SĨ, CON NGƯỜI CỦA BA NIỀM KHẮC KHOẢI


Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa” (Tự thú, I,1,1).  Câu nổi tiếng trên trong quyển Tự thú của Thánh Augustinô, một mặt hướng về Chúa, mặt khác gồm tóm lược toàn bộ cuộc đời của thánh nhân.

Chữ “khắc khoải” này đánh động và làm tôi suy nghĩ. Tôi muốn khởi đi từ một câu hỏi: đâu là nỗi khắc khoải cơ bản trong suốt cuộc đời của Thánh Augustinô? Hoặc nói đúng hơn, con người cao cả và thánh thiện này mời gọi chúng ta nêu lên và sống những nỗi khắc khoải nào trong cuộc đời mình? Tôi muốn gợi lên ba khắc khoải: khắc khoải đi tìm cuộc sống tâm linh, khắc khoải gặp Chúa, khắc khoải yêu thương.

 
Khắc khoải đi tìm cuộc sống tâm linh. Augustinô đã trải qua một kinh nghiệm khá phổ biến của ngày hôm nay, khá phổ biến nơi người trẻ hôm nay. Ngài đã được mẹ mình, thánh Mônica, dạy dỗ trong đức tin Kitô giáo, dù ngài chưa được rửa tội nhưng đã lớn lên trong đức tin, rồi xa rời đức tin, không tìm được nơi đức tin câu trả lời cho những băn khoăn của mình, những khát vọng của tâm hồn mình, và đã bị cuốn vào những lời mời mọc khác. Lúc đó ngài gia nhập nhóm Manikê, say mê nghiên cứu, lao vào những thú vui buông thả, thời thượng, những quan hệ bồ bịch, ngài đã yêu say đắm, đã là một giáo sư giảng dạy môn tu từ học thành công rực rỡ, được giới thiệu với triều đình Milanô. Augustinô là một người đạt được mọi thứ, nhưng trái tim ngài vẫn băn khoăn khắc khoải đi tìm ý nghĩa sâu xa của cuộc đời. Trái tim ngài không ngủ yên, tôi cho rằng không thể làm trái tim an giấc bằng sự thành đạt, của cải hay quyền lực. Augustinô không khép mình và dừng lại, nhưng tiếp tục tìm kiếm chân lý, ý nghĩa cuộc đời, tiếp tục đi tìm gương mặt của Thiên Chúa. Dĩ nhiên ngài đã mắc những sai lầm cũng như đã lạc lối, ngài phạm tội, ngài là một tội nhân nhưng không hề để mất niềm khắc khoải tìm kiếm thế giới tâm linh. Và như thế ngài nhận ra Thiên Chúa đợi chờ mình, tất nhiên, Thiên Chúa không bao giờ là người trước tiên bỏ cuộc tìm kiếm. Tôi muốn nói với những người thấy mình dửng dưng đối với Thiên Chúa, với đức tin, với những người đã lìa xa hoặc từ bỏ Chúa, và nói với chúng ta, về việc chúng ta đã “lìa xa” và “từ bỏ” Thiên Chúa, dù nhỏ bé nhưng chắc chắn cũng đã diễn ra nhiều lần trong cuộc sống hằng ngày của mình. Hãy nhìn sâu hơn vào lòng mình và vào con người mình rồi tự hỏi: Lòng ta khao khát điều cao cả hay đã bị những sự khác ru ngủ? Lòng ta có còn biết khắc khoải hay đã bị thứ khác bóp nghẹt, cuối cùng thành ra chai đá? Thiên Chúa vẫn đợi chờ bạn, tìm kiếm bạn, vậy bạn lấy gì đáp lại Chúa? Bạn có nhận biết tình trạng linh hồn mình bây giờ không? Hay bạn vẫn ngủ kỹ? Bạn có tin Chúa đang đợi mình không, hay bạn vẫn cho đó chỉ là một “cách nói”?
 
Nơi thánh Augustinô, chính niềm khắc khoải này của tâm hồn đã đưa ngài đến gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô, đưa ngài đến nhận biết Thiên Chúa, vốn tìm kiếm ngài từ xa, là một Thiên Chúa gần gũi mọi người, cận kề trái tim chúng ta, gần với chúng ta hơn cả bản thân chúng ta nữa (Tự thú III, 6,11). Tuy nhiên, dù nhận ra và gặp gỡ Chúa, thánh Augustinô vẫn không dừng lại, nghỉ ngơi, không tự khép mình lại như một người đã đi đến nơi, nhưng vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Niềm khắc khoải tìm kiếm chân lý, tìm kiếm Thiên Chúa, trở thành niềm khắc khoải ngày càng nhận biết Chúa hơn nữa, đồng thời ra khỏi bản thân mình để làm cho mọi người nhận biết Chúa. Đó chính là niềm khắc khoải yêu thương. Thánh nhân muốn sống lặng lẽ để nghiên cứu và cầu nguyện, nhưng Thiên Chúa kêu gọi ngài làm mục tử ở Hippone, vào một thời điểm khó khăn, với một cộng đoàn bị chia rẽ và chiến tranh đã ở ngay cửa. Thánh Augustinô để cho Chúa khiến mình khắc khoải, ngài không ngừng loan báo Thiên Chúa, rao giảng Tin Mừng một cách can đảm, không sợ hãi, cố gắng nên giống hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử Nhân lành để biết rõ đoàn chiên của mình (x. Ga 10,14), hơn nữa, như hình ảnh tôi vẫn thích nhắc lại, một vị Mục tử “mang mùi của đoàn chiên”, và ra đi để tìm kiếm những con chiên lạc. Augustinô đã sống điều từng được thánh Phaolô dạy cho Timôthê và cho mỗi người chúng ta: hãy rao giảng lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như lúc  không thuận tiện, hãy loan báo Tin Mừng với tâm hồn quảng đại, hào hiệp (x. 2Tm 4,2) của người mục tử lo lắng cho đoàn chiên của mình. Kho tàng của Augustinô chính là thái độ này: luôn ra đi tiến đến với Chúa và ra đi đến với đoàn chiên… Đó là một con người luôn được kéo căng giữa hai cuộc ra đi đó. Đừng biến tình yêu thành “của riêng” nhưng phải luôn lên đường! Luôn lên đường, thánh tổ phụ đã nói như vậy. Và ngài đã nói với các bạn, hãy luôn băn khoăn! Và đó là sự bình an của niềm khắc khoải. Chúng ta có thể tự hỏi, tôi có dành ưu tư cho Thiên Chúa, ưu tư loan báo về Chúa, ưu tư làm cho Chúa được nhận biết? Hay tôi để cho mình bị lôi cuốn vào tinh thần thế tục luôn làm mọi sự với một tình yêu vị kỷ. Là những người sống đời thánh hiến, chúng ta có nghĩ đến lợi lộc cho bản thân, có ham hố chức vụ, địa vị không? Còn bao nhiêu thứ khác nữa chúng ta có thể nghĩ đến… Chẳng hạn, tôi đã sống hợp với đời sống Kitô hữu, đời sống linh mục, đời sống tu sĩ, và đời sống cộng đoàn của tôi hay không? Hoặc , tôi có để cho sức mạnh của niềm khắc khoải về Thiên Chúa, về Lời Chúa đưa tôi “ra đi” đến với tha nhân?
 
Chúng ta bước sang niềm khắc khoải cuối cùng. Khắc khoải về tình yêu. Đến đây tôi không thể không nói đến một người mẹ: thánh Mônica! Vị thánh nữ này đã đổ bao nhiêu nước mắt cho con trai mình được hoán cải! Ngày nay cũng có biết bao người mẹ chảy nước mắt cho con cái mình biết quay về với Chúa Kitô! Đừng mất hy vọng vào Thiên Chúa! Đọc quyển Tự Thú, chúng ta thấy một vị giám mục đã nói với thánh nữ Mônica đến xin ngài giúp con trai mình trở về con đường đức tin: “Đứa con đã làm rơi ngần ấy nước mắt thì không thể hư hỏng được” (Tự thú III, 12,21). Chính thánh Augustunô, sau khi hoán cải, đã viết lời cầu nguyện với Chúa: “Trước nhan Chúa, mẹ con, nữ tì trung tín của Chúa, đã khóc thương con với nước mắt đổ ra nhiều hơn những bà mẹ khác đổ lệ trên quan tài con mình” (Tự thú III, 11,19). Người phụ nữ hằng lo lắng ấy, cuối cùng, đã thốt lên lời tuyệt đẹp này: cumulatius hoc mihi Deus praestitit ! [Chúa đã ban cho tôi gấp bội phần điều đã xin] (Tự thú IX, 10,26). Chúa đã ân thưởng tràn trề cho những lời cầu xin đẫm lệ của thánh nữ! Thánh Augustinô là người thừa kế của thánh Mônica, ngài đã nhận được từ thánh nữ hạt giống của niềm khắc khoải. Đó là niềm khắc khoải về tình yêu, luôn tìm kiếm không ngừng ơn ích cho tha nhân, cho người mình yêu mến, rất khắc khoải đến tuôn tràn nước mắt. Tôi liên tưởng biến cố Chúa Giêsu đứng khóc trước mồ của người bạn thân Lazarô; đến Phêrô sau khi chối Chúa đã bắt gặp ánh mắt Chúa nhìn đầy thương xót, yêu thương và ông đã khóc thảm thiết; đến người cha đứng bên hiên nhà đợi con trai quay về và chạy đến với con khi nó còn ở đàng xa. Tôi cũng nghĩ đến Đức Trinh Nữ Maria đã mang tình yêu bước theo Chúa Giêsu con mình đến tận Thập Giá. Chúng ta cảm nhận ra sao về niềm khắc khoải của tình yêu? Chúng ta có tin vào tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân chăng? Hay chúng ta chỉ hời hợt nói về việc này? Không phải yêu thương một cách trừu tượng, bằng môi miệng, nhưng là yêu thương một người anh em cụ thể chúng ta gặp, người anh em sống bên cạnh chúng ta! Chúng ta biết khắc khoải trước những nhu cầu của anh chị em mình hay chỉ biết khép mình lại nơi chính bản thân mình, nơi cộng đoàn mình, đối với chúng ta, vốn là “một cộng - đoàn đầy đủ cả rồi”? Đôi khi ta sống trong căn phòng và chẳng cần biết ai bên cạnh mình, hoặc sống trong một cộng đoàn mà thực sự chẳng hề biết một người anh em nào. Tôi đau lòng nghĩ đến những người dâng mình cho Chúa lại đã sống một cuộc đời cằn cỗi, “những cậu trai già”. Niềm khắc khoải yêu thương luôn thôi thúc ra đi gặp gỡ tha nhân, không chờ lúc họ biểu lộ nhu cầu. Niềm khắc khoải yêu thương mang lại cho hoạt động mục vụ của chúng ta kết quả dồi dào, vậy, mỗi người chúng ta tự hỏi: làm sao để đời sống thiêng liêng của tôi được dồi dào và hoạt động mục vụ của tôi được sinh hoa kết trái?
 
Thưa anh em Dòng Thánh Augustinô, chúng tôi cầu xin Chúa cho anh em đang khai mạc Tổng tu nghị, và cho tất cả chúng ta được Chúa gìn giữ tâm hồn luôn biết khắc khoải tìm kiếm Chúa, khắc khoải loan báo về Chúa một cách can trường, khắc khoải yêu thương mọi anh em, chị em. Amen



THÀNH THI (chuyển ngữ), Tu sĩ. Con người của ba niềm khắc khoải, Trong Hiệp Thông, Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 79, chuyên đề: Tu sĩ và trách nhiệm thông truyền đức tin, tr. 14 - 19.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc