banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TU SĨ – MỘT CUỘC SỐNG HIẾN DÂNG TÌNH YÊU

Đăng lúc: Thứ sáu - 06/03/2020 20:36 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TU SĨ – MỘT CUỘC SỐNG HIẾN DÂNG TÌNH YÊU

TU SĨ – MỘT CUỘC SỐNG HIẾN DÂNG TÌNH YÊU

Không gì khác hơn ngoài Tình yêu. Một tình yêu trao dâng cho Đức Kitô và dâng hiến chính những khả năng yêu thương đời thường.

Thực tại nơi con người luôn mang theo nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều phương diện có giá trị, khiến đời sống mang nhiều màu sắc phong phú, trở nên đa dạng trong những cái nó vốn có giữa một vũ trụ bao la và đầy ý nghĩa.

Tình yêu đôi lứa,

Đó là một thực tại luôn có sức hấp dẫn, lôi cuốn và mãnh liệt nhất trong thế giới của con người. Nó phản ánh một nhu cầu cần thiết, khát vọng sâu xa của lãnh vực tình cảm trong mỗi hữu thể, làm cho con người luôn phải đi tìm và xây dựng.

Nhìn vào lăng kính tình yêu, người ta nhận ra và cảm được những vẻ đẹp, dễ thương, duyên dáng và hạnh phúc của chính nó. Nhưng bên cạnh những điểm son thơ mộng, vẫn có những mặt trái của thực tại cơn lốc yêu đườn, làm cho con người có thể phân định được đâu là hạnh phúc và giá trị thực của bản chất.

Dẫu thế, con người của thời đại hương thụ vẫn lao mình vào thế giới đam mê, sống cuồng, yêu vội, tìm kiếm những hạnh phúc do tình yêu đem lại.

Vì thế, khước từ tình yêu có nhiều sức hấp dẫn là kỳ ấy, dường như trở nên điều nghịch lý trong cuộc sống nhân trần. Bởi lẽ, tình yêu trần đời đó như phương thuốc lạ lùng, làm thỏa mãn khát vọng hưởng thụ mãnh liệt, bù lấp những khoảng trống cô đơn, mệt mỏi.

Do vậy, một đời sống khiết tịnh nơi người tu sĩ càng trở nên một phản chứng cho những gì thế giới bên ngoài đang tồn thờ. Nó trở thành lời hùng biện vĩ đại, có sức lôi cuốn con người nhìn đến một thực tại khác trong lý tưởng dâng hiến mà những người tu sĩ đang sống và thể hiện.

Khiết tịnh

Với một chút suy tư và cảm nghiệm riêng, xin được góp một phần nhỏ để nói đến lời khấn khiết tịnh nơi người tu sĩ đã tự nguyện đoan hứa và sống trong đời thánh hiến.

Bởi vì nơi tu sĩ, họ vẫn là những con người như bao nhiêu người khác, vẫn là:

 
1. Con người: khả năng yêu thương
Được ấp ủ, sinh ra, nuôi dưỡng, và lớn lên trong chiều kích yêu thương, mỗi người đều được tháp nhập vào quỹ đạo của tình yêu. Từ tình yêu gia đình, học đường và tha nhân..., con người ngày càng khám phá và cảm nhận một khả năng: muốn yêu và được yêu. Một tình yêu bắt nguồn từ trái tim, khối óc và cả bản thể chính mình, khi tiếp xúc, tương quan với mọi người.

Yêu thương, một khả năng được Thiên Chúa ban tặng trong chính những cấu tạo tinh túy, sâu sắc của một con người. Yêu, trở nên một nhu cầu không thể thiếu nơi cuộc sống, làm nên phẩm vị của mỗi cá nhân, là chất xúc tác, điều kiện cần thiết trong quan hệ nhân sinh, giúp con người khám phá và nối vòng tay yêu thương giữa thế giới.

Cuộc sống sẽ trở nên cô độc, khô cằn, tẻ nhạt nếu không có tình yêu. Thiếu vắng yêu thương, con người như thú hoang rời đàn câm nín, như ốc đảo nhỏ trơ trọi giữa đại dương.

Nhưng,

Mãnh liệt và mang nhiều đam mê, màu sắc, thú vui, sức hấp dẫn hơn hết vẫn là “tình yêu đi tìm một nửa” của chính mình. Con người khi đã nếm say rượu tình yêu này, họ khao khát thực hiện khả năng yêu đương ấy, mong thỏa mãn nhịp rung của trái tim yêu, chờ đợi và tìm đến một đối tượng, để gắn kết và trao gởi cho nhau tất cả.

Chính niềm say mê trong hạnh phúc – mặc dù người ta vẫn chưa thể hiểu biết hết sức hấp dẫn, chưa thể dùng ngôn ngữ để diễn tả hết những bí ẩn của nó – đã khiến con người không muốn bay ra khỏi quỹ đạo ấy. Một tình yêu mà ai ai cũng muốn nếm cảm từ thời thanh xuân, muốn tìm đến “một ai đó” là “một nửa hồn mình” để nói hết lý lẽ của trái tim, cùng hưởng và chia sẻ nhịp sống trong vầng sáng yêu đương tình ái.

Xa “một nửa hồn mình”, người ta sẽ cảm thấy trống vắng, tẻ nhạt:

“…Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ”.
                        (Những giọt lệ - Hàn Mặc Tử)

Điều xảy ra trong lãnh vực tình yêu đó vẫn luôn là những đề tài hấp dẫn muôn thuở. Bởi lẽ, tình yêu đôi lứa mang đến cho đời người nhiều thi vị đậm đà, muôn sắc màu phong phú. Như thế, nơi con người tu sĩ, họ vẫn là con người cũng chịu ảnh hưởng nơi trái tim, vẫn cảm nhận được “thiên đường của tình yêu đôi lứa”, vẫn bị thu hút trước ánh mắt trìu mến nào đó…

Dù biết đến những âm thanh du dương của hạnh phúc, đôi lứa, nhưng người tu sĩ đã khước từ một tình yêu mang chiều kích khiếm hữu, đam mê, để sống với một tình yêu khác trong lý tưởng dâng hiến mà vẫn không loại trừ khả năng yêu thương nơi nhân vị chính mình.

 
2. Tu sĩ: Tình yêu dâng hiến trong khiết tịnh
Dâng hiến cho Thiên Chúa, người tu sĩ hiểu rằng: tất cả cuộc đời mình đã trao dâng về Ngài: thân xác, linh hồn và cả tình yêu.

Khiết tịnh, đó chính là lời ký ước để biết yêu thương nhiều hơn nhờ sức mạnh của Thiên Chúa nơi trái tim. Tình yêu đó không còn mang mùi vị đam mê trần thế, ích kỷ và chiếm đoạt. Họ chỉ còn sống yêu với Thiên Chúa, để đến với mọi người, cho dù bên ngoài tiếng yêu vẫn mời gọi tha thiết.

Và cũng chính từ lời đoan ước đó, người tu sĩ thể hiện sâu xa hơn một tình yêu không bị chia sẻ, quy hướng về Đức Kitô. Chính khi chỉ chọn một mình Thiên Chúa, người tu sĩ được Ngài trợ lực, có thể đứng vững trước những lời mời gọi niềm hạnh phúc lứa đôi, làm lắng im tiếng tơ lòng quyến rũ. Tất cả đều ở lại phía sau, trở nên lãng quên và trả về quá khứ một tình yêu khao khát hạnh phúc riêng hồn mình.

Chỉ khi người tu sĩ thực hiện được điều mình đã ký kết, họ mới có thể trở nên dấu chỉ của Nước Trời mai hậu, kêu mời nhân loại đừng chạy theo và tôn thờ những gì chỉ có giá trị tương đối. Đồng thời, chính bản chất của lời khấn khiết tịnh giúp họ mở rộng con tim mình để chia sẻ với mọi người một tình yêu thanh khiết trao dâng như Đức Maria – người nữ tu đầu tiên của Thiên Chúa – đã sống hoàn hảo đức khiết tịnh trong đời Mẹ cho tình yêu “xin vâng”.

Để sống khiết tịnh, người tu sĩ hiểu rằng tình yêu sẽ làm nên tất cả, giúp họ có thể hoàn thành hiến lễ mới trong hiến dâng và sẵn sàng ra đi thực hiện sứ vụ người tông đồ, như Đức Giêsu đã sống và mong ước, mà không bị một ràng buộc nào xâm lấn.

Như để hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa bằng sự khiết tịnh, người tu sĩ luôn cảm thức sâu xa “cái bình sành dễ vỡ” nơi chính mình, thấy rõ những giới hạn bản thân trong thực tại. Để từ đó, họ luôn ý thức được hồng ân diệu vợi nơi Thiên Chúa ban tặng cho người mình trong lời đoan ước. Họ sẽ không dễ trở nên người chiến sĩ can trường trong trận chiến đam mê, không dễ biến mình thành người thủy thủ giỏi vượt qua đại dương tình yêu trần đời, nếu như họ không có sức mạnh và ân huệ của Thiên Chúa. Và họ cũng không thể hóa mình thành đóa hệ trắng trong, nếu con tim mình còn vương mang nhiều nỗi khát vọng yêu thương, còn mê mải đi tìm một ánh mắt, cử chỉ, lời nói êm dịu của một ai đó… để tìm ít nguồn cảm xúc khỏa lấp sự thiếu vắng tình cảm của trái tim.

Vì vậy, lời khấn khiết tịnh sẽ không trở nên một giao ước chỉ có giá trị bên ngoài, hoặc vụ hình thức nơi người tu sĩ. Nó đòi cuộc từ đáy hồn, chiều sâu con tim người tu sĩ phải thực hiện, khiến họ không được phép lỗi thế từ ban trong cảm thức.

Như thế, sẽ không là điều gảin đơn để sống đời khiết tịnh, nếu như người tu sĩ chưa thực sự trưởng thành trên phương diện tình cảm, tâm lý. Sẽ là một vấp ngã và thiếu sót, nếu họ chưa ý thức được điều đoan nguyện, chưa hiểu hết những quy luật tự nhiên thuộc lãnh vực tình cảm giới tính, để có thể phản ứng chính xác và có suy nghĩ sát thực đối với vấn đề xảy ra. Chẳng hạn như các luật: phân cách – chi tiết – bất đồng cảm – thính giác … của cả hai phái nam và nữ.

Dù vẫn tồn tại những “chiếc bình sành dễ vỡ”, nhưng lời khấn khiết tịnh đã giúp bao tâm hồn thuộc hoàn toàn về “Đấng Tình Quân” tuyệt đối. Và hương thơm đó đã mang đến cho cuộc đời một mùa xân dịu mát trong những vẻ đẹp thanh cao nhất, biến đổi thế giới trong những ích kỷ, chiếm đoạt của tình yêu đam mê, hướng nhân loại nhìn về Nước Trời mai sau trong hạnh phúc vĩnh cửu, tuyệt mỹ.

Bên cạnh vườn hoa muôn sắc xuân đang nở rộ đời thanh khiết, con người vẫn thấy thấp thoáng đâu đó một loài hoa dại…đang sống.
Đứng trước lý tưởng đã bị quên lãng để trở nên vấp ngã, mỗi người sẽ tự rút ra những hệ luận riêng tùy theo suy luận, nhãn giới của mình, đi tìm một chút giới hạn riêng trong những yếu đuối nơi con người, của người bạn đồng hành với nỗi đau đang có…

 
3. Một góc nhìn…
Đã là người, làm người và sống kiếp người trong thế giới “tu sĩ”, để trở nên người của Thiên Chúa, khát vọng “yêu và được yêu” vẫn là tiếng rung mãnh liệt đối với người tu sĩ trong bất kỳ ở một giai đoạn nào của cuộc đời.

Vì thế, khi được gọi là “Người bạn trăm năm của Đức Kitô” trong ngày khấn Dòng, người ta vẫn ngầm hiểu chính bản thân mình còn vương mang nhiều yếu đuối và giới hạn to lớn. Đời họ không thay đổi trong chớp nhoáng, đã biến hình để trở nên người của thế giới siêu phàm. Dâng hiến không có nghĩa là biến trái tim trở nên khô cứng, lạnh giá, không còn biết rung cảm trước những vẻ đẹp… Dâng hiến tình yêu cũng không phải trở nên lạc lõng, cô độc, khinh thường tình yêu trần thế, đặt vào tình yêu đó một thang giá trị không như nó vốn có.

Trái lại,

Là người tu sĩ sống lời đoan thệ khiết tịnh, họ vẫn là “người” giữa cuộc đời, vẫn tiếp nhận những làn sóng yêu thương mời gọi trong tiếng rung con tim, vẫn có thể bị dao động trước một đối tượng mình tiếp xúc, vẫn nhìn thấy những điều lạ kỳ trong tình yêu, “đi tìm một nửa hồn mình”; một giá trị của chính bản chất yêu đời thường không bị coi rẻ… Bởi lẽ, người tu sĩ vẫn là một thực thể sống giữa kiếp nhân sinh trong lý tưởng dâng hiến.

Do vậy,

Vấp ngã và lỗi thề lời khấn không nảy sinh từ những yếu tố ngoài thực tại cuộc sống và con người của chính người tu sĩ. Đôi khi nó bắt nguồn từ những dấu chấm rất nhỏ: cảm kích trước nghĩa cử đẹp, bị thu hút trước đôi mắt của người khác, đi tìm nội dung của một lời nói…, một sự thiếu hụt tình cảm, một nỗi bất mãn từ cộng đoàn…Và từ những khoảng trống nhỏ không định trước đó, người tu sĩ có thể dễ để mình lao theo một con đường khác ngoài Đức Kitô để tìm đến “nhân vật” mình đang để ý và thương mến.

Như thế, việc trưởng thành nơi chính người tu sĩ là điều quan trọng khiến họ có thể làm cho đời mình hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Rèn luyện và đào sâu tạo bản thân trong sự hiểu biết sẽ giúp họ nhận định sâu sắc điều mình cần phải sống mà vẫn không trở nên kênh kiệu với những gì mình từ bỏ.

Nhưng, với một tình yêu muốn chỉ yêu một mình Thiên Chúa mới là động lực cơ bản khiến họ chỉ đi tìm Thiên Chúa và sống với Ngài bằng con tim chính mình, loại bỏ những đam mê, quyến rũ, hạnh phúc của si mê “một nửa hồn tôi” trong sự chiếm đoạt, hưởng thụ, không còn mệt mỏi vì sự cô đơn hoang vắng vì đã có Đức Kitô chiếm ngự, lấp đầy khoảng hoang dại đó.

Để từ đó, người tu sĩ biết rằng: chỉ khi thuộc trọn về Thiên Chúa, họ mới cảm được sự ngọt ngào vô biên, hạnh phúc diệu kỳ thực sự của Tình yêu tuyệt đối họ đang tôn thờ. Đồng thời, họ cũng nhìn nhận hạnh phúc tình yêu trần đời đó đẹp và dễ thương như nó có, như một họa ảnh của Tình yêu tuyệt mỹ nơi Thiên Chúa, và hạnh phúc lứa đôi đó vẫn không thể làm thỏa mãn khát vọng muốn được hưởng niềm hạnh phúc mỹ mãn của mình.

Cảm nghiệm được cấp độ và tương quan của tình yêu giữa mình với Thiên Chúa trong những giới hạn bản thân, người tu sĩ chỉ biết tín thác trọn vẹn đời họ cho Ngài để được Ngài bồng ẵm và nâng đỡ tình yêu dâng hiến họ đã trao dâng để sống khiết tịnh. Vì chỉ có Thiên Chúa mới làm cho đời họ trở nên men, muối và là bông hoa thanh khiết biến đổi thế giới.

Cũng chính từ cảm nghiệm về “bình sành dễ vỡ” đời mình, người tu sĩ dễ hiểu và thông cảm nỗi đau vấp ngã của người anh chị em mà không dễ trở thành quan tòa trước lầm lỡ của người bạn đồng hành. Nhưng họ cần sáng suốt trong sự chia sẻ và thông cảm với sự non dại, yếu đuối, bất toàn của con người với điều mình tự nguyện ký kết sống khiết tịnh. Hiểu và thông cảm sẽ không có nghĩa là ủng hộ, tán đồng và biện luận cho sự bất trung, cổ võ cho một thú vui riêng đi tìm đối tượng si mê, nếu như Thiên Chúa không hoạch định một chương trình để người tu sĩ đó thay đổi hướng đi.

Như vậy, sự khoan dung và chia sẻ mới có giá trị giúp người khác và bản thân cảm nghiệm rõ nét hơn đâu là điểm chính yếu, đâu là ảo ảnh, tùy phụ trong đời dâng hiến, mà vẫn tạo cơ hội để mỗi người tự quay trở về cùng đích đời dâng hiến; làm cuộc hồi sinh mà không bị nỗi mặc cảm mà không bị nỗi mặc cảm xâm lấn. Đồng thời, âm vang của Đức Giêsu vẫn còn vâng lên trong những lần họ đã bội ước: “Thôi! Cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 1 – 11).

Cuối cùng,

Không gì khác hơn ngoài Tình yêu. Một tình yêu trao dâng cho Đức Kitô và dâng hiến chính những khả năng yêu thương đời thường. Mạnh dạn để lên đường, say sưa trong nỗi khát khao được trở nên “người của Thiên Chúa”, và ước vọng yêu hết mọi người trong ơn huệ của Ngài sẽ giúp người tu sĩ sống đời khiết tịnh trong an vui và hạnh phúc.

Để từ đó, người tu sĩ chỉ còn thấy một sức hấp dẫn lạ kỳ trong Thánh Thần: Đức Giêsu Kitô – Người của mọi người, và họ có thể thốt lên:

“Lạy Chúa, chỉ một mình Chúa là đủ cho con”
                                  (Thánh Tôma Aquino)



“Lạy Chúa, xin cho con thấy Chúa thật bao la
Để mọi sự với con sẽ chỉ là bé nhỏ”…


 
 Tác giả bài viết: M. Têrêsa Ngọc Lễ, Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Trích trong tập CHIA SẺ - Nội san Liên tu sĩ Thành phố Hồ Chí Minh,  số 11.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc