banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

Giáo hội không phải là điểm họp chợ

Đăng lúc: Thứ bảy - 10/11/2018 04:22 - Người đăng bài viết: menthanhgia
Giáo hội không phải là điểm họp chợ

Giáo hội không phải là điểm họp chợ

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngày 09.11.2018

Giáo hội là “nhà Thiên Chúa” chứ không phải là “điểm họp chợ” – Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Sáu vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican nhân dịp Lễ Cung Hiến Vương Cung Thánh Đường Lateran. Ngài đã nhắc mọi người phải lưu tâm tới cơn cám dỗ thường trực tại những xã hội phồn thịnh trong thời đại chúng ta, đó là “sự tôn thờ tiền bạc”.
 
Tiền bạc không gây chán – người Rô-ma cổ đại đã nói như thế. Nhưng việc tôn thờ tiền bạc sẽ biến con người thành những tên nô lệ - Đức Thánh Cha cảnh báo. Trong khi giảng, Ngài đã giải thích bài Tin Mừng trong ngày theo Thánh Gio-an (Ga 2,13-22), nói về việc Chúa Giê-su xua đuổi những tay đổi tiền và những con buôn ra khỏi đền thờ Giê-ru-sa-lem.
 
“Tiền bạc lôi cuốn chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ về việc mình là đền thờ của Thiên Chúa, tức những ngôi Thánh Đường của chúng ta, như thế nào! Các ngôi Thánh Đường có thực sự là những ngôi nhà của Thiên Chúa, là những ngôi nhà cầu nguyện, những ngôi nhà để gặp gỡ Thiên Chúa không? Các Linh mục có thôi thúc điều đó không? Hay các ngôi Thánh Đường lại giống như một nơi họp chợ không hơn không kém?” – Đức Thánh Cha đặt vấn đề. Ngài cho biết rằng, một số nhà thờ còn có cả một dịch vụ đặc biệt để kiếm tiền. “Chính Cha đã thấy vài lần rồi – thực ra không phải ở Rô-ma này, nhưng là ở một nơi khác – trong các nhà thờ ấy có hẳn một bảng giá hẳn hoi. Nhưng khi một người nào đó hỏi: ´Con muốn được cử hành Bí Tích này thì giá khoảng bao nhiêu?` Thì người ta vẫn trả lời ngon ơ rằng: ´Không, tùy lòng hảo tâm.` Tuy nhiên, nếu ai muốn dâng cúng theo lòng hảo tâm thì người ấy phải bỏ tiền vào trong chiếc hòm quyên tiền trong nhà thờ mà không có chuyện người khác nhìn thấy. Vì ngay cả trong thời đại hôm nay cũng vẫn đang có nguy cơ thương mại hóa. Có thể một người nào đó sẽ nói. ´Nhưng chúng ta phải trang trải cho những phí tổn của các ngôi Thánh Đường, chứ không thì không ổn.` Đó là bổn phận của các tín hữu – và có những hòm tiền quyên cúng cho việc đó, nhưng chắc chắn không phải là những bảng giá được niêm yết.”
 
Vấn đề tục hóa Giáo hội
 
Bên cạnh vấn đề tiền bạc còn có một vấn đề khác, đó là sự tục hóa Giáo hội. “Chúng ta hãy nghĩ tới một số buổi ban Bí Tích. Người ta đi tới đó và người ta không biết liệu đấy có phải là nơi cầu nguyện trong nhà của Thiên Chúa không, hay đó chỉ là một phòng khách ngoài xã hội mà thôi. Bởi vì một số buổi Phụng Vụ đã bị biến thành những buổi lễ lạc hoàn toàn thế tục” – Đức Thánh Cha cảnh báo. Ngài giải thích rằng, một buổi Phụng Vụ cũng nên được cử hành cách long trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là nó mang hơi hướm thế tục. “Vì tinh thần thế tục sẽ bấu bám vào thần tiền” – Đức Thánh Cha khẳng định. “Đó là một sự tôn thờ tiền bạc thuần túy. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó cũng như hãy đặt câu hỏi: Chúng ta bước vào trong các nhà thờ như thế nào? Chúng ta thể hiện lòng cung kính như thế nào khi chúng ta bước vào trong một nhà thờ?”
 
Bài đọc I trong ngày được trích từ thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô (1Cor 3,9-11.16-17) cũng nói về một đền thờ, nhưng trong ý nghĩa được chuyển dịch: Tâm hồn mỗi người chúng ta chính là “đền thờ của Thiên Chúa”. Chính trong niềm ý thức rằng, bất cứ ai cũng đều là tội nhân, nên người ta phải không ngừng đặt ra câu hỏi rằng, mình có thể thanh tẩy tâm hồn giống như thanh tẩy một đền thờ khỏi vết nhơ thế tục và vết nhơ tôn thờ ngẫu tượng cách tốt nhất như thế nào.
 
Thần tiền
 
“Cha không hỏi anh chị em rằng, anh chị em đã phạm những tội gì. Nhưng Cha sẽ hỏi anh chị em rằng, liệu có phải là một bức tượng thần đang được cất giấu trong lòng anh chị em hay không, và phải chăng đó là thần tiền? Vì bất cứ nơi đâu có tội lỗi hiện hữu thì ở đó cũng sẽ có Lòng Thương Xót của Thiên Chúa để tha thứ tất cả, nếu người ta chạy đến với Ngài. Nhưng nếu một vị thần khác ở đó, chẳng hạn như đó là thần tiền, thì rồi bạn sẽ chỉ là một người tôn thờ ngẫu tượng, một người hư hỏng, chứ không đơn giản chỉ là một tội nhân. Cốt lõi của sự hư hỏng hệ tại ở chỗ tôn thờ một ngẫu tượng nào đó. Bởi vậy, người ta sẵn sàng bán cả linh hồn mình cho vị thần tiền, thần tài, hay thần khát khao quyền lực. Và vì thế người ta sẽ trở thành một tín đồ tôn thờ ngẫu tượng.”
 
(theo vatican news – 09.11.2018, 11:27)
 
Đa-minh Thiệu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc