Niềm hy vọng luôn luôn cụ thể
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngày 23.10.2018
Trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng về niềm hy vọng. Theo Ngài, hy vọng không phải là một cái gì đó trừu tượng, nhưng có nghĩa là sống với niềm mong chờ vào cuộc gặp gỡ cụ thể với Chúa Giê-su.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, thật là khôn ngoan khi vui mừng về những cuộc gặp gỡ nho nhỏ với Thiên Chúa trong cuộc sống riêng. Và như một ví dụ cụ thể, Đức Thánh Cha đã giải thích về hình ảnh người phụ nữ mang thai, bà rất vui mừng ngay sau khi biết đứa con của bà đã được thụ thai – và rồi, ngày nào bà cũng xoa trên bụng mình. Vấn đề cũng giống hệt như vậy nơi niềm hy vọng vào cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su.
Đồng hương và hưởng gia nghiệp
Liên hệ đến Bài Đọc I trong ngày được trích từ thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô (Eph 2,12-22), Đức Thánh Cha đã giải thích về „ân sủng của Thiên Chúa“, Đấng đã làm cho chúng ta trở thành „những người đồng hương“ và „được hưởng gia nghiệp“.
Vì thế Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một căn tính, một „thẻ căn cước“, bởi trong Chúa Giê-su và trong thực tế, Thiên Chúa „đã bãi bỏ“ Lề Luật để giao hòa chúng ta, và thanh toán thái độ hận thù, để chúng ta có thể „chỉ cho Thiên Chúa Cha thấy sự đồng tâm nhất trí của mình“. Vì thế, Ngài đã làm cho chúng ta nên một, và kể chúng ta vào số „những người đồng hương với các Thánh“ trong Chúa Giê-su. Trong thực tế và nhờ vào Thiên Chúa, căn tính của chúng ta chính là sự thánh thiện ấy – Đức Thánh Cha giải thích.
Thiên Chúa cho phép chúng ta được thừa hưởng gia nghiệp với niềm xác tín rằng, chúng ta là „những người đồng hương“, và „Thiên Chúa ở cùng chúng ta“. Và gia nghiệp – Đức Thánh Cha giải thích – „chính là điều mà chúng ta tìm kiếm trên đường đời, là điều mà chúng ta sẽ lãnh nhận vào lúc cuối“. Nhưng chúng ta phải kiếm tím gia nghiệp đó mỗi ngày, và điều mang chúng ta tiến về phía trước để thừa hưởng gia nghiệp trên con đường căn tính của mình, chính là niềm hy vọng. Đó là một nhân đức, có lẽ nó „là nhân đức nhỏ nhất, và cũng đặc biệt khó hiểu“ – Đức Thánh Cha chia sẻ.
„Khi bạn hy vọng, bạn sẽ không bao giờ thất vọng“
Đức Tin, niềm hy vọng và Đức Ái chính là một ân sủng. Đức Tin thì dễ hiểu, Đức Ái cũng giống như vậy – Đức Thánh Cha giải thích, và Ngài đặt câu hỏi: „Nhưng niềm hy vọng là gì?“ Nó có nghĩa là hy vọng vào Nước Trời, hy vọng vào cuộc gặp gỡ với các Thánh, hy vọng vào hạnh phúc vĩnh cửu. „Nhưng đối với bạn, Nước Trời là gì?“ – Đức Thánh Cha hỏi thêm:
„Sống trong niềm hy vọng, khao khát một giải thưởng, khao khát hạnh phúc mà chúng ta không có được ở đây, nhưng sẽ thấy được ở đó… Đó là một nhân đức khó hiểu. Đó là một nhân đức khiêm tốn, rất khiêm tốn. Đó là một nhân đức không bao giờ gây thất vọng: Nếu bạn hy vọng, bạn sẽ không bao giờ trở nên thất vọng. Không bao giờ, không bao giờ. Nó cũng là một nhân đức cụ thể. ´Nhưng nó có thể trở nên cụ thể như thế nào được khi tôi không biết gì về Nước Trời hay không mong chờ bất cứ điều gì?`“ – Đức Thánh Cha đặt câu hỏi có tính tu từ học như thế: „Hy vọng, gia nghiệp của chúng ta, đó là niềm hy vọng vào một điều gì đó mà người ta không thể hình dung ra được“ – Đức Thánh Cha trả lời. „Nó không phải là một nơi đẹp đẽ… không. Nó là một cuộc gặp gỡ. Chúa Giê-su luôn luôn nhấn mạnh tới yếu tố này của niềm hy vọng, của sự mong chờ, và đó là sự gặp gỡ.“
Thai phụ sống trong niềm mong chờ được gặp gỡ đứa con của mình sắp được sinh ra
Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 12,35-38) tường thuật về cuộc gặp gỡ với viên chủ nhà khi ông đi cám cưới trở về. Vấn đề luôn luôn là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, một cái gì đó rất cụ thể. Và để giúp thính giả có thể hiểu được, Đức Thánh Cha đã đưa ra một thí dụ dễ hiểu:
„Khi Cha nghĩ tới niềm hy vọng, thì Cha nhớ tới một hình ảnh: người phụ nữ mang thai mong chờ đứa con của mình. Bà không chỉ đi tới bác sĩ để siêu âm - ´bà có con rồi…, tất cả đều tốt`… Không! Bà vui mừng! Và ngày nào bà cũng sờ lên bụng mình để vuốt ve đứa con, bà mong chờ đứa con, bà sống trong niềm mong chờ đứa con ấy. Hình ảnh đó có thể giúp chúng ta hiểu được niềm hy vọng là gì: sống để chờ đợi cuộc gặp gỡ ấy. Người phụ nữ này luôn mường tượng xem cặp mắt của con bà sẽ thế nào, nụ cười của nó ra sao, màu tóc của nó là màu gì, màu hung hay màu đen… nhưng bà hình dung ra cuộc gặp gỡ với đứa con. Bà hình dung ra cuộc gặp gỡ với đứa con.“
Để biết người ta vui mừng như thế nào về những cuộc gặp gỡ nho nhỏ với Chúa Giê-su
Hình ảnh người phụ nữ mang thai kể trên có thể giúp để hiểu niềm hy vọng là gì – Đức Thánh Cha chia sẻ -, và ở đây nó cũng giúp để đặt ra một số câu hỏi:
„Tôi hy vọng thế nào, cụ thể, hay là tôi hy vọng vào một cái gì đó thiếu rõ ràng, vào một cái gì đó duy tri? Niềm hy vọng luôn luôn cụ thể, nó diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, vì nó là một cuộc gặp gỡ. Và mỗi lần, khi chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể, trong cầu nguyện, trong Tin Mừng, trong những người nghèo, và trong đời sống chung, là mỗi lần chúng ta bước thêm được một bước nữa để đi tới với cuộc gặp gỡ chung cuộc ấy. Sẽ thật là khôn ngoan khi vui mừng về những cuộc gặp gỡ nho nhỏ với Chúa Giê-su trong cuộc sống, cũng như chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ chung cuộc đó.“
Cuối bài giảng, Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng, cụm từ „căn tính“ có liên hệ tới việc làm cho chúng ta trở thành một cộng đoàn, và ý nguyện cuối cùng chính là sức mạnh mà với nó, Chúa Thánh Thần „sẽ đưa chúng ta tiến về phía trước với niềm hy vọng“. Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng khuyên các tín hữu hãy thẩm tra xem mình đang là Ki-tô hữu theo cách nào – liệu có phải là chúng ta đang chờ đợi một Thiên Đàng trừu tượng theo một nghĩa nào đó, hay chúng ta đang mong chờ một cuộc gặp gỡ cụ thể với tư cách là gia nghiệp?
(theo vaticannews.va – 23.10.2018, 11:59)
Đa-minh Thiệu
Ý kiến bạn đọc