Tin Vatican ngày 17 tháng 9 năm 2017
Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha Phanxico trong giờ Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 17.9.2017 * Đức Thánh Cha mời gọi các Giám Mục Nhật Bản hãy vun trồng và canh tân chọn lựa truyền giáo.
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay (Mt 18,21-35) cho chúng ta một bài học về sự tha thứ, không phải là phủ nhận điều sai trái ngay tức khắc nhưng là nhận biết căn nguyên của con người được dựng nên giống Thiên Chúa và là hình ảnh của Ngài, luôn cao cả và lớn lao hơn những điều chúng ta lỗi phạm. Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu “Nếu người anh em con lỗi phạm đến con, con phải tha thứ mấy lần, có phải bảy lần không? (c. 21). Nhưng Đức Giêsu trả lời “Thầy không nói với anh là bảy lần, mà là bảy mươi lần bảy” (c. 22), muốn rằng phải tha thứ luôn luôn. Và để khẳng định điều đó Chúa Giêsu kể dụ ngôn về ông vua tốt lành và người đầy tớ nhẫn tâm, trong đó bày tỏ sự tương phản của người trước đó được tha thứ và sau đó lại từ chối tha thứ.
Ông vua của dụ ngôn là một người quảng đại có được từ lòng thương cảm, đã tha cho người đầy tớ van xin ông một món nợ kết xù “mười ngàn nén bạc”: rất lớn. Nhưng chính người đầy tớ ấy, vừa gặp người đầy tớ cũng giống như anh, mắc nợ anh 100 quan tiền thôi, anh ta đã ứng xử một cách một cách vô tâm, giam anh ta vào trong ngục. Một thái độ không nhất quán của người đầy tớ này cũng là thái độ của chúng ta khi chúng ta từ chối tha thứ cho anh chị em mình. Trong khi ông vua trong dụ ngôn là hình ảnh của Thiên Chúa, Ngài yêu chúng ta với một tình yêu thật giàu lòng thương xót, đón nhận chúng ta, yêu chúng ta và tha thứ cho chúng ta một cách liên lỉ.
Từ Phép Thanh Tẩy Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta, đã tha cho chúng ta một món nợ không thể trả nổi: tội nguyên tổ. Nhưng đó là lần đầu tiên. Sau đó, với lòng thương xót không giới hạn, Ngài tha thứ cho chúng ta không ngay khi chúng ta còn chưa bày tỏ lòng thống hối: Thiên Chúa thương xót là như thế. Khi chúng ta bị cám dỗ đóng trái tim mình lại với những người xúc phạm đến chúng ta mà họ xin chúng ta sự tha thứ, chúng ta hãy nhớ lời của Cha trên trời nói với người đầy tớ “Ta đã tha cho con tất cả các món nợ con đã nợ ta, con cũng phải thương xót người đồng bạn của mình, như ta đã thương ngươi sao (c. 32 – 33). Bất cứ ai cảm nghiệm được niềm vui, bình an và sự tự do nội tâm đến từ sự được tha thứ có thể mở ra nơi mình khả năng tha thứ cho người khác.
Trong kinh nguyện Lạy Cha, Chúa Giêsu muốn lồng ghép vào chính lời dạy của dụ ngôn này. Người đã đặt trong mối tương quan trực tiếp giữa sự tha thứ mà chúng ta nài xin Thiên Chúa với sự tha thứ mà chúng ta trao cho anh chị em mình: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Sự tha thứ của Thiên Chúa là dấu hiệu tình yêu tràn đầy chan chứa của Ngài cho mỗi một người chúng ta; là tình yêu để chúng ta tự do rời xa, bỏ đi như đứa con hoang đàng, nhưng cũng mỗi ngày chờ đợi chúng ta quay trở về; là tình yêu bạo gan của người mục tử đối với con chiên lạc; là sự nhẹ nhàng đón nhận mỗi tội nhân đến gõ cửa nhà chúng ta. Cha trên trời – Cha của chúng ta – đầy tràn tình yêu muốn trao ban tình yêu ấy cho chúng ta, và ngài sẽ không làm được điều đó nếu chúng ta đóng trái tim mình trước người khác.
Nguyện xin Đức Trinh nữ Maria giúp chúng ta luôn luôn ý thức sự nhưng không và sự lớn lao của sự tha thứ mà chúng ta đón nhận được từ Thiên Chúa, để trở nên thương xót như Người, Người Cha tốt lành, chậm giận và vĩ đại trong tình yêu.
Nhân dịp Đức Hồng Y Fernando Filoni, bộ trưởng Bộ loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, bắt đầu chuyến viếng thăm mục vụ tại Nhật Bản (từ ngày 17 – 26.9.2017), Đức Thánh Cha Phanxico đã viết cho các Giám Mục đất nước này một lá thư. Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn các Giám Mục Nhật Bản đã nổ lực kiến tạo sự hòa hợp, chăm sóc những người yếu đuối, thăng tiến văn hóa, đối thoại liên tôn và bảo vệ môi trường. Ngài mời gọi các Giám Mục Nhật Bản hãy vun trồng và canh tân sự chọn lựa truyền giáo.
Ý kiến bạn đọc