banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CẬU BÉ YÊU NƯỚC

Đăng lúc: Thứ năm - 04/07/2019 21:03 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CẬU BÉ YÊU NƯỚC

CẬU BÉ YÊU NƯỚC

Tôi chẳng những không làm tên lính ươn hèn, mà còn tự nguyện đến trường thường xuyên, để luôn được nghe thầy kể những chuyện hay như buổi sáng nay.

Không, tôi chẳng những không làm tên lính ươn hèn, mà còn tự nguyện đến trường thường xuyên, để luôn được nghe thầy kể những chuyện hay như buổi sáng nay. Và tiếp theo như thường lệ vào mỗi cuối tháng, thầy sẽ kể để chúng tôi ghi chép lại về kỳ tích phi thường của một cậu bé.

Bắt đầu hôm nay là câu chuyện về “Lòng yêu nước  của một cậu bé ở thành Padoue[1].

Chiếc tàu hàng Tây Ban Nha từ cảng Barcelone đến Genes có chở người bản địa, người Pháp, Italia và Thụy Sĩ. Trong số hành khách, còn có một bé trai mười một tuổi, ăn mặc nhếch nhác, luôn luôn ngồi xa mọi người và nhìn họ bằng con mắt giận dữ, điều này ắt phải có lý do. Được biết, cha mẹ nó – những nông dân nghèo nơi vùng ven Pardoue – vì ham tiền, đã cho nó đi làm thuê với ông chủ của một gánh xiếc rong. Sau khi dạy nó một vài trò mọn, gã này kéo nó theo từ Pháp sang Tây Ban Nha, không cho ăn uống đầy đủ, lại còn hành hạ nó luôn tay.

Khi đến Barcelone, thằng bé nghĩ cách trốn khỏi cảnh lưu vong đọa đày và may mắn, nó thoát được vào lãnh sự quán Italia, càu xin che chở. Vị lãnh sự nhân từ đã xin cho nó được quá giang trên con tàu nói trên, đồng thời viết thư giới thiệu nó với ông thị trưởng thành phố Genes, nhờ ông này lo liệu trả nó về cha mẹ nó, những kẻ vì đồng tiền đã bán rẻ nó như con vật.

Trong buồng tàu hạng nhì, quần áo rách mướp, thân hình tiều tụy, thằng bé ngồi nhìn với ánh mắt còn in nét khiếp sợ pha lẫn oán hờn. Vài hành khách tò mò tọc mạch chốc chốc bước tới gần để gạ chuyện, nhưng nó im lặng, không đáp lại mà còn tỏ vẻ ác cảm. Tuy nhiên, cũng có ba người thành công, đã khiến thằng bé yên lòng. Họ là người nước ngoài, chỉ biết lõm bõm tiếng nước mẹ Italia của thằng bé, và như hiểu được chuyện đáng thương của nó nên không ngần ngại ban cho những đồng tiền. Thực ra, họ chỉ muốn thỏa mãn tính tò mò để giải khuây lúc nhàn rỗi hơn là vì lòng hào hiệp nhân ái.

Có số tiền trong tay, cậu bé sung sướng cho vào túi và xây đắp những ước mơ bay bổng: những bữa ăn ngon miệng, cho bõ những ngày thiếu đói thèm thuồng trong suốt hai năm lưu lạc sợ hãi. Cậu vội vàng vén màn bước vào buồng, bây giờ mới thấy yên tâm và nhớ đến cha mẹ ở quê nhà. Ngay sau khi đặt chân lên bờ ở Genes, cậu sẽ mua bộ áo cánh ra hồn để thay bộ đồ tổ đĩa, mà cậu đã mang suốt từ lâu. Rồi thì cậu sẽ mang một ít tiền về cho cha mẹ để nhìn thấy những nụ cười sung sướng của những người thân. Số tiền này đối với nó quả là một tài sản nhỏ.

Trong khi đó ba người khách tốt bụng đang ngồi đánh chén sau chiếc bàn đặt giữa căn phòng của họ và bắt đầu nói về những chuyến du lịch qua một số nước, trong số đó có Italia. Nói chung họ phê bình trách cứ cách tổ chức rước khách du lịch, từ nơi ở, nhà ăn đến vệ sinh đường phố. Người thứ nhất nói nếu biết trước như thế, thà hắn đến Lapons ở cực Bắc châu Âu hơn là đến cái xứ Italia tồi tàn. Người thứ hai quả quyết rằng ở Italia hắn đã gặp toàn những kẻ lừa đảo, giật dọc…

Thế rồi, mỗi người một tiếng huyên náo cả lên.
_ Tất cả công nhân thợ thuyền của Italia đều không biết chữ. – Người thứ nhất oang oang.
_ Cả một dân tộc ngu dốt. – Người thứ hai chêm vào.
_ Bẩn thỉu, gian lận và trộm…
Chữ “cắp” của người thứ ba chưa tuôn khỏi miệng thì một trận mưa tiền rơi loảng xoảng lên bàn, lên đầu cổ, mặt mày của họ. Ba kẻ kỳ thị đang nhốn nháo xôn xao, thì một trân mưa tiền nữa tiếp theo, rồi chiếc màn được vén qua và cậu bé xuất hiện.
Cậu quát bằng một giọng khinh bỉ, phẫn nộ:
_ Hãy nhặt lại tiền của các người. Tôi không nhận bố thí từ tay những kẻ đã nhục mạ đất nước tôi…!
 

[1] Padoue, Barcelone, Genes ba thành phố lớn của Tây Ban Nha.

Từ khóa:

Truyện giáo dục

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc