LÒNG TỐT CỦA NGƯỜI LẠ
“Hãy tin tưởng vở cuộc đời này, vì lòng tốt luôn có mặt ở khắp mọi nơi, chỉ cần bạn mở lòng để đón nhận nó”
Một mùa hè nọ, khi đang băng qua sa mạc trên con đường từ nhà mình ở thành phố Tahoe, California để đi đến New Orlearns, tôi nhìn thấy một người thanh niên trẻ tuổi đứng bên đường. Anh ta đưa một tay ra vẫy xe, tay kia cầm một giỏ xách lớn.
Tôi cho xe chạy qua, thậm chí không thèm đưa mắt nhìn lại.
Rồi sẽ có ai đó cho anh ta đi nhờ thôi! Tôi tự bào chữa khi đã đi một đoạn khá xa. Thêm nữa, ai biết được trong giỏ xách của anh ta có những gì, biết đâu anh ta dùng thủ đoạn xin quá giang để đánh cướp không chừng!
Nhưng đi qua vài bang nữa, tôi vẫn không thôi nghĩ về người xin quá giang nọ. Tôi chợt giật mình khi nhận ra tâm hồn mình đã trở nên chai cứng và thờ ơ trước những người cần giúp đỡ. Việc tôi bỏ mặc anh thanh niên trẻ không khiến cho tôi áy náy bằng cái cách tôi đã đi qua mà chẳng cần phải suy nghĩ hay đắn đo gì. Thậm chí, tôi còn không nhắc chân khỏi cần ga.
Đã có một thời, ở chính đất nước này đây, bạn sẽ bị coi là kẻ không ra gì nếu làm ngơ trước một ai đó đang cần giúp đỡ. Còn giờ đây, những người ra nghĩa hiệp thì lại bị cho là ngốc nghếch. Không ai dám liều lĩnh khi các băng nhóm giang hồ, nghiện ngập, những tên sát nhân, trộm cắp đầy dẫy khắp mọi nơi. “Tôi chẳng muốn chuốc lấy phiền toái” đã trở thành câu cửa miệng mang tính quốc gia của mọi người để bào chữa cho sự thờ ơ mà họ dành cho những người lạ.
Tôi nghĩ về đích đến của tôi, New Orleans, là cội nguồn cảm hứng của vở kịch “Chiếc xe điện mơ ước” của Tennessee William. Trong vở kịch đó có trích dẫn một câu nổi tiếng của Blanche Dubois: “Tôi luôn trông chờ vào lòng tốt của người lạ”.
Lòng tốt của người lạ! Nghe mới hay ho làm sao! Liệu còn có ai trông mong vào lòng tốt của người lạ ở thời buổi này?
Nhưng chẳng lẽ lòng người đã trở nên nguội lạnh như thế thật rồi sao? Liệu một người làm một cuộc hành trình từ bang này qua bang khác mà không có một đồng xu trong túi có thể nào trông cậy vào thiện chí của những người xa lạ trên đường? Liệu có người nào sẵn lòng cho anh ta đi nhờ xe, cho anh bữa ăn, chổ ngủ hay không?
Ý nghĩ đó khơi gợi trí tò mò của tôi. Tại sao tôi không thử xem sao nhỉ?
Lúc đó tôi bước sang tuổi ba mươi bảy và chưa bao giờ mạo hiểm trong cuộc đời mình. Chuyến đi này sẽ là một cú đột phá quan trọng của tôi, nhưng tôi muốn thực hiện nó để giữ vững lòng tin vào con người và vào cuộc đời.
Tôi lên đường vào sáng sớm ngày mùng 6 tháng 12 năm 1994, cõng trên lưng một túi hành lý khoảng 25kg và nhắm thẳng hướng cầu Golden Gate. Tôi viết lên balô dòng chữ “Tôi cần sự giúp đỡ”.
Những người tài xế lẩm nhẩm dòng chữ đó qua kính chắn gió và mỉm cười. Hai người đàn ông cưỡi một môtô chạy qua tôi. “Mạo hiểm đấy!” – Một trong hai người hét to. “Thời buổi này tìm đâu ra lòng tốt, có lẽ hắn ta bị ảo tưởng?” – Tôi nghe tiếng họ rơi lại khhi chiếc xe chạy vụt qua.
Thực vậy ư?
Trong 6 tuần tôi đã cố gắng tìm kiếm lòng tốt của những người xung quanh, và tôi đã tìm thấy. Tôi quá giang 82 chuyến và đi 4.223 dặm xuyên qua 14 bang. Suốt hành trình, tôi khám phá ra nhiều điều thú vị.
Tôi nhận được rất nhiều lời cảnh báo. Ở Montana, người ta khuyên tôi nên dè chừng những người chăn bò ở Wyoming vì họ rất thô lỗ và hung dữ, nhưng chính những người chăn bò tôi gặp ở Wyoming lại chia sẻ với tôi bữa ăn và cho tôi qua đêm ở lều của họ. Người dân ở Nebraska thì lại bảo người Iowa chẳng tốt lành gì, nhưng thực tế tôi lại thấy họ khá hiền lành và dễ thương. Điều đó khiến tôi nhận ra rằng những định kiến đã làm cho chúng ta e sợ nhau, nhưng trên thực tế thì nơi đâu cũng có những người tốt, những tấm lòng nhân hậu và đáng quý.
Một ngày, ở Nebraska, một chiếc xe hơi nhỏ cũ lỹ đã dừng lại trước cánh tay vẫy xin đi nhờ của tôi. Hai thiếu nữ trong xe mỉm cười với tôi: “Chúng tôi biết là mình không bắt buộc phải đón những người xin quá giang. Nhưng anh biết không, chúng tôi sẽ thấy rất áy náy khi bỏ mặc anh bơ vơ ở đây!”.
Họ là hai chị em, Vivian và Helene, đang trên đường đến khám mắt ở một bá sĩ tại Ainsworth, Nebraska. Khi cho tôi xuống một giao lộ trên đường cao tốc, cả hai gần như đồng thanh: “Chúc anh đi bình an nhé!”. Nụ cười của họ đáng yêu làm sao! Tôi biết mình sẽ còn nhớ mãi nụ cười đó trong lòng suốt cuộc đời.
Một lần khác, khi đang đứng co ro ở một trạm xăng lúc trời tối và lại mưa dầm dề, thì một chiếc xe tải nặng nề ghé lại. Người tài xế thắng gấp để không vượt qua tôi. Ông ta mở cửa xe, vẫy tôi lại: “Anh lên đi, ta không chịu được việc bỏ mặc ai đó trong mưa, mặc dù, đã có lần, ta bị một người đi nhờ xe dí dao vào cổ để cướp. Con người chứ phải cái gốc cây đâu mà không có trái tim!”.
Không phải tôi may mắn được gặp toàn những người tốt bụng ở những bang mình đi qua, nhưng trên thực tế không chối cãi được rằng lòng hào hiệp có mặt ở khắp mọi nơi. Một cặp vợ chồng ở Iowa dã chỉ dẫn, dặn dò tôi cả nửa tiếng đồng hồ về vùng đất mà tôi sắp đi qua sau khi cho tôi quá giang cả một quãng đường dài. Ở South Dakota, một gia đình đã mở rộng của mời tôi vào nhà dùng bữa và nghỉ qua đêm. Thậm chí lúc chia tay, người vợ còn đưa cho tôi 2 tấm bưu thiếp dán tem sẵn: một cái để báo tin chuyến đi của tôi tiếp tục như thế nào, cái còn lại để gửi khi nào tôi đã bình an trở về nhà. Biết tôi không có tiền bạc, nhiều người đã mua cho tôi thức ăn, hoặc chia cho tôi phần ăn mà họ có. Bác bảo vệ công viên đã cho tôi bị bánh qui.
Một lần ở Oregon, một công nhân bốc vác tên Tim đã mời tôi dùng bữa tối đạm bạc cùng gia đình anh trong căn nhà gỗ tồi tàn bên bờ kênh. Khi chia tay, anh bối rối nhìn quanh nhà xem có thứ gì để tặng tôi. Cuối cùng, tôi rời nhà Tim với cuốn Kinh Thánh và một cái lều cá nhân, những thứ mà anh bắt tôi phải cầm cho bằng được.
Tôi biết ơn tất cả những người tôi đã gặp vì họ đã cho tôi đi nhờ xe, cho tôi thức ăn, chổ ngủ và những lời khuyên chân thành. Nhưng hơn tất cả, họ đã cho tôi tình thương yêu và lòng tin vào con người. Và tất nhiên, ngừoi giàu có cũng không hẳn là người quá thờ ơ hay lãnh đạm. Một ngày, tôi tình cờ gặp ông Baxtex – giám đốc điều hành phòng thương mại ở Jamestown, bang Tennessee. Khi tôi hỏi ông về một nơi có thể cắm trại trong vùng, ông sốt sắng đưa cho tôi một cuốn sách hướng dẫn và đề nghị gọi dịch vụ giúp tôi. Tôi e dè nói rằng tôi có thể tự lo được, vì nếu sử dụng dịch vụ tôi phải mất 12 đôla. Sau khi biết rõ tình cảnh của tôi, Baxtex đề nghị tôi về nghỉ ở nông trại của ông cách Jamestown khoảng mười dặm về phía Nam.
Vợ ông Carol, đang chiên một chảo thịt thơm phức khi chúng tôi vào bếp. Là một giáo viên dạy môn khoa học lớp 7, chị có một vẻ đẹp ấm áp đặc trưng của người phụ nữ phương Nam. Biết tôi đã đi qua nhiều bang và tiếp xúc với rất nhiều người, chị liền thuyết phục tôi đến trường để kể chuyện cho các em học sinh. Và thế là sáng hôm sau, tôi theo Carol đến lớp.
Tôi kể cho các em nghe về vẻ đẹp thiên nhiên những nơi tôi đã đi qua, về thác nước, những đồng cỏ mênh mông xanh ngát. Và hơn hết, tôi kể cho chúng nghe về lòng tốt và sự hào hiệp mà tôi có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi. Tất cả bạn trẻ đều tỏ ra hào hứng và tập trung. Vào giờ giải lao, một cô bé đeo mắt kiếng có vẻ khá nhút nhát đã nói nhỏ với tôi: “Lớn lên cháu sẽ trở thành nhà báo và đến tất cả những vùng mà chú đã đi qua”.
Tôi đã rất xúc động. Tôi rời San Francisco, tôi chỉ nghĩ về bản thân mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chuyến đi của mình lại có ảnh hưởng đến bọn trẻ ở Tennesse. Nhưng chính những gì tôi kể đã hun đúc cho các em niềm tin và tình yêu đất nước mình, dân tộc mình.
Khi chỉ còn một bang nữa phải đi qua và hành trình gần như đã kết thúc, tôi nhận ra rằng: Nhờ dẹp chuyện tiền bạc qua một bên mà tôi có được những kinh nghiệm quý giá của cuộc đời mình. Và cũng nhờ đó, tôi đã khiến tâm hồn mình đổi mới hơn, trở nên cởi mở và nhiều yêu thương hơn. Khi trở về nhà, việc đầu tiên tôi muốn làm là giúp đỡ một người xa lạ nào đó.
Ý kiến bạn đọc