Đăng lúc: Thứ bảy - 05/10/2019 20:38
- Người đăng bài viết: menthanhgia
SỰ THINH LẶNG KHIÊM NHƯỜNG
Phút hồi tâm tháng 10.2019
Hát kinh Chúa Thánh Thần
Lời nguyện mở Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con tin thật Cha đang hiện diện giữa chúng con và chính Cha đã dẫn đưa chị em chúng con quy tụ về bên Cha trong giờ này. Đã một tháng trôi qua, chúng con, chị em toàn Dòng đã bước vào hành trình canh tân đời sống thiêng liêng. Chúng con đã cùng nhau nhận định, suy tư và quyết tâm trong suốt năm nay sống sự tĩnh lặng: tĩnh lặng của thể lý, của tâm trí và của một cõi lòng có Thần Khí Chúa ngự trị.
Giờ đây, trước nhan thánh Cha, chúng con cùng nhau nhìn lại những bước đầu tiên của hành trình sống tĩnh lặng mà chúng con vừa đi qua. Chúng con cảm tạ Cha đã khơi lên nơi chúng con những ý hướng ngay lành, những khao khát tốt đẹp, thánh thiện và cho chúng con ơn cảm đảm để chọn sống điều đó. Chúng con tin Cha cũng thấy rõ và thấu hiểu những cố gắng rất vụng về của mỗi chúng con trong việc cầm lòng giữ trí hướng lòng lên Cha để sống sự linh lặng thờ phượng; trong những nỗ lực rất khập khiễng ý tứ từng lời ăn tiếng nói với chị em để sống sự thinh lặng tế nhị, và điều chỉnh tâm trí mình khỏi những tư tưởng làm hoen ố tâm hồn để sống thinh lặng tự chủ. Lạy Cha, tận thâm sâu của cõi lòng chúng con xin dâng lên Cha những khát vọng được nên hoàn thiện và ý chí mỏng dòn của chúng con.
Hát:Lời thiêng CPS 212 (Để nghe nhạc xin lick lên tiêu đề bài hát)
Mời cộng đoàn đứng
Lời Chúa: Ga 6, 5 – 15
Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philipphe: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Philipphe đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Một trong các môn đệ là ông Anre, anh ông Simon Phêrô thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”. Đức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”. Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!”. Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
Gặp gỡ Lời Chúa: (mời cộng đoàn ngồi)
Trong kinh nghiệm đời sống thường ngày chúng ta thấy có nhiều kiểu thinh lặng. Cha Michel Hubaut đã liệt kê một số kiểu thinh lặng và được phân thành hai nhóm thinh lặng tiêu cực và thinh lặng tích cực mà chúng ta đã dùng nó như những điểm tham chiếu trong bước đầu tiên của việc sống thinh lặng. Các kiểu thinh lặng giúp ta thẩm định phẩm chất của chính mình và cho chúng ta nhận diện mối tương quan của chúng ta với người khác. Ta thinh lặng giận hờn hay thinh lặng cảm thông, thinh lặng tránh né hay thinh lặng tôn trọng, thinh lặng nguyện cầu hay thinh lặng của những suy tưởng mông lung?
Thinh lặng giây lát
Thái độ của Chúa Giêsu trong đoạn cuối của Tin Mừng chúng ta vừa nghe cũng là một thái độ thinh lặng. Một sự thinh lặng thật đẹp: Thinh lặng khiêm nhường. Thánh sử Gioan kể cho chúng ta rằng: Sau khi hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người được ăn no, dân chúng ngưỡng mộ và thán phục, định tôn Ngài làm vua nhưng Chúa Giêsu lánh mặt, đi lên núi một mình. Chúa Giêsu lui vào nơi thanh vắng một mình trước sự cuồng nhiệt của đám đông đang tôn vinh mình. Đó là thái độ của một tấm lòng khiêm nhường thẳm sâu trước những lời tán dương, khen ngợi; trước sự tôn vinh của người đời chỉ có thể nhìn thấy và đánh giá những gì xảy ra trước mắt theo lợi ích của riêng mình. Ngài lui vào nơi thanh vắng để tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa Cha.
Thái độ của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại chính mình và cân nhắc lại động lực của mọi dấn thân của chúng ta trong việc phục vụ, trong việc sống sứ mạng tông đồ và cả việc thực thi những bổn phận hằng ngày. Liệu chúng ta có thường kêu ca và than vãn vì biết bao việc mình làm chẳng ai biết, biết bao công trình mình đã dồn hết sức lực và tâm huyết để làm nên nhưng chẳng được đánh giá và tôn trọng? Liệu chúng ta có thường cậy dựa vào những thành quả mình làm được để so sánh hơn thua và xem thường người khác?
Nếu chúng ta tìm kiếm những lời tán dương, khen ngợi trong các công việc mình làm. Nếu chúng ta cậy dựa vào những gì mình có và thiếu đi khả năng đón nhận chính mình và người khác, chúng ta đi ngược lại con đường chết vì yêu[1] mà Đấng Sáng Lập đã nêu gương cho chúng ta. Chết vì yêu là cái chết người ta không thấy nó trong một đấu trường nào cả, nhưng trong sương mờ của các công việc và đời sống hằng ngày. Đó là sự suy yếu từ từ do những chấp nhận bé mọn, những từ bỏ nhỏ nhoi hay những nhục nhã, bất công, xúc phạm, thất bại và bệnh hoạn. Cái chết này không đòi hỏi những hành động có khí phách nam nhi, nhưng thể hiện trong khả năng vô tận của người nữ, là khả năng đón nhận và sống cách vui tươi những căng thẳng, mệt mỏi; khả năng hy sinh và chịu đựng trong âm thầm. Như thế, phải chăng sống sự thinh lặng khiêm nhường là sống tận căn mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô?
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự thinh lặng của đức khiêm nhường, để con biết chiêm ngắm những điều cao sâu mầu nhiệm của Chúa, để con biết dừng lại ở những điều khó hiểu của cuộc sống và can đảm sống theo thánh ý Ngài.
Xin ban cho chúng con sự thinh lặng của đức khiêm nhường, để có thể đón nhận những giới hạn, yếu đuối và bất lực của chính mình, để từng bước cuộc đời chúng con được Ngài hướng dẫn, để con chỉ cậy dựa vào một mình Ngài mà thôi.
Xin ban cho chúng con sự thinh lặng của đức khiêm nhường, để cảm thông và nâng đỡ những bất toàn và yếu đuối của chị em con; để chỉ nói những lời góp ý xây dựng cho nhau trong tình bác ái yêu thương.
Xin ban cho chúng con sự thinh lặng của đức khiêm nhường, để tình yêu của Đức Kitô được lớn lên trong mọi hành vi lớn nhỏ của cuộc sống mà không dành một công trạng nào cho mình.
Xin ban cho chúng con sự thinh lặng của đức khiêm nhường, để học biết giá trị cao cả của những hy sinh thầm kín là đường đưa đến hạnh phúc và dẫn vào Nước Trời mai sau.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thỉnh thoảng thầm thì dâng lên Chúa câu nói yêu thương, vì đó là phương thế hữu hiệu giúp con kết hợp với Ngài và chiến thắng chính mình.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã sống sự thinh lặng khiêm nhường ấy trong suốt cuộc đời Mẹ, xin giúp chúng con chớ nản lòng trước những đòi hỏi của hành trình canh tân thiêng liêng này, để cuộc đời chúng con cũng sẽ là bài ca Magnificat dâng lên Thiên Chúa tình yêu.
[1] X. Hoàng Gia Quảng (chuyển ngữ), Người cha bị lãng quên trong công cuộc truyền giáo hiện đại, tr. 132.
Ý kiến bạn đọc