Theo truyền thống từ cổ xưa, mỗi Năm Thánh đều có những Cổng Thánh. Truyền thống này có lẽ phát xuất từ hồi Đức Giáo Hoàng Mác-ti-nô V, người đã sử dụng một Cổng Thánh giống hệt như Cổng Thánh ngày nay trong năm Thánh 1423 tại Vương Cung Thánh Đường Lateranô, tức nhà thờ Chính Tòa của Giám Mục Rô-ma. Còn tại Đền Thờ Thánh Phê-rô, nhiều bằng chứng cho thấy, Cổng Thánh đã xuất hiện từ Năm Thánh 1450, khi Vương Cung Thánh Đường này vẫn còn là Ngôi Thánh Đường cũ tồn tại từ thời Constantin. Bấy giờ Cổng Thánh được đặt ở phía sau của một nguyện đường kính Đức Maria, và vẫn còn tồn tại cho tới tận hôm nay, tại chính chỗ đó.
Đức Giáo Hoàng Alexander VI đã muốn tăng thêm nhiều sức biểu tượng hơn nữa cho nghi thức khai mạc Năm Thánh 1500, và đã đưa ra chỉ thị rằng, tất cả các Vương Cung Thánh Đường Giáo Hoàng đều sẽ có một Cổng Thánh, và những Cổng Thánh này sẽ được mở ra một cách trang trọng tại đó. Ngài đã dành riêng cho mình việc mở Cổng Thánh tại Đền Thờ Thánh Phê-rô. Và nhân dịp này, Cổng Thánh có từ thời Đức Mác-ti-nô V đã được nới rộng thêm. Và việc nới rộng Cổng Thánh này đã được thực hiện trước khi diễn ra Lễ đặt viên đá đầu tiên cho Tân Thánh Đường kính Thánh Phê-rô vào năm 1506. Ngôi Thánh Đường mới này vẫn đang tồn tại cho tới ngày nay. Nghi thức mở Cổng Thánh vẫn giữ nguyên từ hồi đó cho tới tận ngày hôm nay mặc dầu đã trải qua nhiều thế kỷ. „Xin mở cửa công chính cho con để con vào tạ ơn ĐỨC CHÚA. Đây là cửa dẫn vào nơi CHÚA ngự, chỉ những người công chính mới được qua“ – Đức Thánh Cha sẽ nói như thế với Thánh Vịnh 118,19-20. Sau đó Ngài dùng búa đập ba lần vào bức tường gạch đang được xây bít lại lúc bình thường. Các công nhân có mặt sẽ phá bỏ bức tường này, còn những người khác sẽ dùng nước và nước hoa để lau sạch chiếc Cổng vừa được mở ra. Một cây Thánh Giá được đặt bên phải và một cây nến cháy được đặt bên trái Cổng Thánh, sau đó Đức Thánh Cha bước qua cổng này, và đồng thời Ngài cất Kinh Te Deum.
Nghi thức trong hình thức nêu trên đã có hiệu lực từ lúc đó cho tới tận Năm Thánh 1975, và cũng vẫn còn được giữ lại trong Năm Thánh 1983, nhưng trong Năm thánh này, nghi thức trên đã được bổ sung thêm với một đoàn rước và Kinh Cầu Các Thánh được hát trong khi rước. Trong Năm Thánh 2000, tức Năm Thánh mới đây nhất theo thứ tự, chiếc búa đã không còn được sử dụng nữa.
Đối với các Ki-tô hữu, việc bước qua Cổng Thánh có ý nghĩa như là một sự diễn tả về niềm khát khao của họ muốn gặp gỡ Thiên Chúa. Hành vì này cũng gợi nhớ tới Bí Tích Thanh Tẩy, đó là hành vi đầu tiên để gia nhập cộng đoàn các tín hữu, tức Giáo hội. Khi bước qua Cổng Thánh, người Ki-tô hữu sẽ để sự đãng trí lại đàng sau mình, rồi tập trung tư tưởng, và bằng cách nào đó, đặt mình xuống dưới chân Chúa Giê-su như Mác-ta, chị của Maria, để lắng nghe Tin Mừng.
(theo de.rv 08.12.2015 gs)
Đa-minh Thiệu
Ý kiến bạn đọc